Nhiệt điện than không còn là lĩnh vực được ưu ái phát triển ở Việt Nam, theo báo cáo do Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) công bố hôm nay.

Báo cáo Cập nhật năng lượng Việt Nam được MDI thực hiện thường niên nhằm cập nhật những xu hướng chính trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

Báo cáo mới ra nhận định, năm 2020 đánh dấu một bước ngoặt trong ngành năng lượng của Việt Nam: năng lượng sạch có vị trí vững chắc hơn, được coi là ngành có tiềm năng lợi nhuận và định hướng phát triển tốt. Lĩnh vực điện khí cũng đang được chú trọng phát triển. Trong khi đó, nhiệt điện than không còn giữ vị trí là lĩnh vực được ưu ái phát triển.

Từ chỗ chỉ được coi là lĩnh vực thứ yếu, năng lượng sạch - bao gồm điện mặt trời và điện gió- đang có những đóng góp ngày càng quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia và trở thành một trong những ưu tiên trong định hướng phát triển năng lượng của đất nước.

Dự án điện gió Đầm Nại, Bình Thuận, Việt Nam. Ảnh: The Blue Circle.

Trước đây, Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 sửa đổi (Quy hoạch Điện VII sửa đổi) ban hành năm 2016 đặt mục tiêu nâng tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng sản lượng điện quốc gia lên 49,3% vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 53.2% vào năm 2030. Điện mặt trời và điện gió chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng điện của cả nước. Tuy nhiên, qua thực tế bốn năm triển khai thực hiện quy hoạch, nhiệt điện than đã bộc lộ những hạn chế nội tại của nó, làm ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của lĩnh vực này.

Báo cáo của MDI đã chỉ ra ít nhất 6 tỉnh trên cả nước đã đề xuất không tiếp tục phát triển các dự án nhiệt điện than trên địa bàn của mình do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có Quảng Ninh - cái nôi của ngành than Việt Nam. Các tỉnh khác như Bạc Liêu, Long An, Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh và Tiền Giang đều bày tỏ mong muốn thay thế các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch bằng các dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng.

Và mới đây, Nghị Quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức đưa ra chỉ đạo giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; xây dựng các cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch.

Theo Viện Năng lượng Việt Nam, những quan điểm chỉ đạo đó sẽ được cụ thể hoá trong Quy hoạch Điện VIII mà cơ quan này đang soạn thảo để trình Chính phủ trong tháng 10/2020.

Đến tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định bổ sung gần 7.000 MW điện gió vào quy hoạch do sự chậm trễ trong triển khai xây dựng nhiều dự án điện than lớn.

Chủ trương "phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch", sự phản đối của các địa phương và những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án cho thấy lĩnh vực nhiên liệu hoá thạch này có thể sẽ không còn tăng trưởng nhanh như trước đây.

Thực tế, ở Việt Nam hiện không còn những đề xuất dự án nhiệt điện than mới rầm rộ như những năm trước đây. Thay vào đó, hàng loạt dự án nhiệt điện khí và điện gió quy mô lớn và rất lớn đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất với các cơ quan chức năng.

Trong năm qua, Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với thành công trong lĩnh vực năng lượng sạch. Mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn dài, nhưng việc chuyển đổi từ sử dụng than đá sang các năng lượng tái tạo nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một trong những đất nước dẫn đầu tại Đông Nam Á, và cũng là tấm gương cho các đất nước khác muốn chuyển đổi giữa hai dạng năng lượng này," bà Laurence Tubiana, Tổng giám đốc Quỹ Khí hậu Châu Âu ECF, người được xem là kiến ​​trúc sư chính của Thỏa thuận Paris, gửi bình luận riêng về Báo cáo cho Trung tâm MDI. "Trên thế giới, năng lượng tái tạo đang chứng tỏ là một lựa chọn sáng suốt hơn, rẻ hơn, và việc Việt Nam nắm bắt cơ hội để thay đổi thực sự sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nước khác trên thế giới.”

Nguồn:

Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI)