Một phân tích về những thành công và thất bại của các công ty công nghệ xanh tại Mỹ đã phát hiện ra những công ty được hưởng đầu tư từ ARPA sẽ có nhiều sáng chế trong những năm tiếp theo hơn những các công ty khởi nghiệp về công nghệ sạch trong cùng thời gian.
Đây là nội dung công bố “Patenting and business outcomes for cleantech startups funded by the Advanced Research Projects Agency-Energ” (Bằng sáng chế và kết quả thương mại cho các công ty khởi nghiệp công nghệ sạch được Cơ quan Quản lý các dự án nghiên cứu tiên tiến về năng lượng đầu tư) trên Nature Energy. Nghiên cứu do trường đại học Cambridge, Anh dẫn dắt (với giáo sư Laura Diaz Anadon), trường đại học Massachusetts Amherst, Mỹ (tiến sĩ Anna Goldstein và giáo sư Erin Baker), và trường đại học Kỹ thuật Munich, Đức (giáo sư Claudia Doblinger).
Lợi thế đổi mới sáng tạo có được là nhờ hoạt động đầu tư của ARPA-E – một phiên bản trong lĩnh vực năng lượng của Quỹ DARPA “huyền thoại” (Defense Advanced Research Projects Agency Cơ quan Quản lý các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến) được Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) thành lập dưới thời tổng thống Obama, sử dụng một phần của gói kích cầu kinh tế sau khủng hoảng tài chính 2009. Các cơ quan đầu tư dạng ARPA được phát triển tại Mỹ để cấp kinh phí cho những nghiên cứu “rủi ro cao, kinh phí lớn” với mục tiêu khuyến khích các đột phá thực sự, thường đem lại cho người thụ hưởng quyền tự do thực hiện lớn hơn để sẵn sàng chấp nhận những thách thức về kỹ thuật, công nghệ để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng.
Đến nay, ARPA-E đã được phân bổ 3,38 tỉ USD. Mục tiêu của Quỹ này là tăng tốc độ đổi mới sáng tạo trong các công nghệ sạch như nhiên liệu sinh học, lưới điện thông minh, điện mặt trời tại thời điểm nó không được các nhà đầu tư mạo hiểm quan tâm, một phần nguyên nhân là chu kỳ phát triển dài và lợi nhuận ban đầu thấp.
Những thành quả này đã gợi ý cho Anh về khả năng thành lập một quỹ ARPA tương tự (hoặc BARPA), nhưng việc chấp thuận mô hình này sẽ đòi hỏi phải chọn một trọng tâm nào đó để phát triển – và trong trường hợp của BARPA thì nên là khí hậu, giáo sư Laura Diaz Anadon của trường đại học Cambridge nói.
“Nghiên cứu về những hoạt động đầu tư của Mỹ chỉ ra giá trị của các cơ quan như ARPA. Anh có thể hưởng lợi tốt với một cách tiếp cận trong một thế giới hậu đại dịch, với vốn công nghệ trong các trường đại học và lĩnh vực tư nhân”, Anadon, đồng tác giả của nghiên cứu về đổi mới sáng tạo ở Mỹ, nói.
“Anh phải thích ứng với mô hình ARPA này để tạo ra một cơ quan nhằm giải quyết những thách thức về khí hậu như một phần của các gói hỗ trợ COVID-19. Tập trung vào nghiên cứu và phát triển việc lưu trữ năng lượng thế hệ mới và năng lượng tái tạo, cũng như các giải pháp để khử carbon trong vận tải, hàng không, xây dựng, có thể thúc đẩy sản xuất và lan tỏa lợi ích trên diện rộng hơn cho xã hội”, Anadon nói.
Tiến sĩ Anna Goldstein, tác giả đầu của nghiên cứu từ trường đại học Massachusetts Amherst, cho rằng: “ARPA không phải là một giải pháp phù hợp cho tất cả mọi hoàn cảnh. Các cơ quan dạng ARPA là nơi tập trung vào các nhiệm vụ lớn và không có bằng chứng cho thấy mô hình này có thể đạt được kết quả tương tự như các quỹ đầu tư cho KH&CN nói chung”.
Với nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã cùng tìm hiểu là liệu ARPA-E có thể chuyển cách tiếp cận độc đáo của mình thành những thành công trong thế giới thực không.
Bằng việc cấu trúc một cơ sở dữ liệu của 1.287 startup công nghệ sạch của Mỹ và sử dụng các bằng sáng chế như tiêu chí về đổi mới sáng tạo, họ đã thấy các công ty khởi nghiệp nhận tài trợ dành cho “người mới” của ARPA-E vào năm 2010 có được các sáng chế với tỷ lệ gấp đôi các công ty khác trong những năm tiếp theo.
Các nhà nghiên cứu cũng đo lường được “mức độ thành công trong kinh doanh” bằng việc tìm hiểu có bao nhiêu công ty khởi nghiệp được công khai hóa hoặc được các công ty lớn hơn mua lại, cũng như các mức kinh phí tài trợ và tỷ lệ sống sót.
Họ thấy, các công ty được ARPA tài trợ hoạt động không tốt hơn hoặc kém hơn các công ty khởi nghiệp về công nghệ sạch khác khi có cùng lượng bằng sáng chế và nguồn vốn tư nhân đầu tư trước năm 2010. Họ kết luận là hỗ trợ của ARPA-E không đủ để bắc cầu cho công ty khởi nghiệp qua được “Thung lũng chết”: pha chuyển đổi giữa nhận tài trợ giai đoạn đầu với việc sinh lợi nhuận mà các doanh nghiệp này thường phải đối mặt. Goldstein nhận xét: “Việc ARPA-E giúp các nhà khởi nghiệp phát triển các công nghệ có nhiều rủi ro hơn nhưng cũng có tiềm năng tạo ra nhiều đột phá cũng tương đương với hiệu quả của việc hỗ trợ các công ty về công nghệ sạch và ít rủi ro hơn”.
“Dẫu vậy, vẫn có một nhu cầu về đầu tư công để đem lại những đổi mới sáng tạo trong công nghệ sạch vượt qua được ‘thung lũng chết’, vì nhờ đó, các công ty có thể thương mại hóa sản phẩm có khả năng cạnh tranh với những công nghệ sẵn có và giảm thiểu phát thải”.
Viết cho Cambridge Zero, một sáng kiến về biến đổi khí hậu của trường đại học Cambridge, Laura Diaz Anadon chỉ ra là chỉ với 1,7% of GDP đầu tư cho R&D, Anh ở mức dưới trung bình của nhóm quốc gia EU28 và sau Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
“Trong khi Anh tăng một cách đột ngột đầu tư cho năng lượng trong vòng 20 năm qua thì mức đầu tư này vẫn còn ở mức thấp so với quá khứ - mức của những năm 1970 và 1980”, Anadon, giáo sư về chính sách đổi mới sáng tạo tại trường Cambridge, bình luận.
“Các đồng nghiệp tham gia nghiên cứu này và tôi sẽ kiến nghị thử nghiệm một phiên bản Anh của ARPA-E để mô hình này có thể góp phần gia tăng khả năng đổi mới sáng tạo về năng lượng và hỗ trợ các dự án qua pha trình diễn. Các đầu tư vào R&D trong chuyển dịch năng lượng có thể là một hợp phần trong gói phục hồi kinh tế sau COVID-19”.
“Anh có nhiều kinh nghiệm trong không gian năng lượng nhưng chúng ta chưa đo lường được chính xác thành công của các sáng kiến đầu tư do nguồn tài trợ của chính phủ thiếu ổn định và dẫn đến việc nhiều sáng kiến thất bại. Những nỗ lực trong tương lai sẽ cần được giữ ổn định cũng như thiết lập một đánh giá mới và độc lập đi kèm”.