Cây đổ, cổng trường đổ, rồi sẽ còn những gì “đổ” nữa? Sẽ còn bao nhiêu tai ương bất ngờ khác mà học sinh vô tình phải gánh chịu? Chúng ta không lường trước được các biến cố thiên tai gây ra cho trường học nhưng phải lường hết sự tắc trách, cẩu thả của con người.

Cô Võ Kim Yến, giáo viên chủ nhiệm lớp 5.1, Trường Tiểu học Cái Khế 2 (Cần Thơ), hướng dẫn học sinh tìm hiểu về biển báo hiệu giao thông theo mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” do trường chủ động triển khai từ năm học 2018-2019. Nguồn: baocantho.com.vn
Cô Võ Kim Yến, giáo viên chủ nhiệm lớp 5.1, Trường Tiểu học Cái Khế 2 (Cần Thơ), hướng dẫn học sinh tìm hiểu về biển báo hiệu giao thông theo mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” do trường chủ động triển khai từ năm học 2018-2019. Nguồn: baocantho.com.vn

Đầu tháng 9 này, khi các băng-rôn khẩu hiệu chào mừng năm học mới chưa kịp hết tươi rói, thì dư luận cả nước bàng hoàng vì vụ việc ba học sinh tiểu học của điểm trường Bản Phung (xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) tử vong do cánh cổng trường đổ sập. Cái chết quá thương tâm, đau xót của những học sinh thơ dại ấy, thật sự, làm chúng ta giật mình và âu lo không ngừng về mức độ an toàn trong trường học.

Tháng 5 năm 2020, trước vụ việc ở điểm trường Bản Phung, là vụ việc một học sinh lớp 6 của Trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) bị cây phượng bật gốc đổ xuống gây tử vong. Trước đó nữa, tháng 8 năm 2019, là cái chết của học sinh lớp 1 trường phổ thông chất lượng quốc tế Gateway (Hà Nội) từng gây rúng động toàn xã hội. Ba vụ việc với ba diễn biến và nguyên nhân khác nhau, nhưng đều có chung kết cục đau lòng. Chưa kể, hằng năm, có khá nhiều trường hợp học sinh tử vong vì lí do đuối nước, bị lũ cuốn hoặc bị tai nạn giao thông.

Đành rằng, có những vụ việc bất khả kháng, ngoài tầm kiểm soát của ngành giáo dục, của mỗi trường học nhưng nhìn chung, không thể không nhắc đến vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong việc đảm bảo sự an toàn tối đa cho học sinh. Điều mà chúng ta thường thấy là sau mỗi cái chết tức tưởi, rất nhiều giải thích, biện bạch được đưa ra để mong một cái nhìn thể tất từ xã hội; cũng rất nhiều khuyến cáo, nhắc nhở, thậm chí, là mệnh lệnh, để mong tránh tái lặp sự cố.

Khi học sinh bị bỏ quên trên xe ô-tô dẫn đến tử vong, lập tức hàng trăm trường học rà soát lại qui trình cũng như chất lượng xe, đội ngũ nhân viên phục vụ đưa đón học sinh. Nhưng rồi, vẫn có trường bỏ quên học sinh trên xe như thường! Khi học sinh bị cây phượng đổ trúng, lập tức nhiều trường không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà nhiều nơi khác, kể cả trường đại học, “thi nhau” đốn hạ hoặc chặt bớt cành các loại cây lâu năm ở sân trường. Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ, thì đề nghị các sở Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc chỉ đạo các trường liên hệ với đơn vị quản lí môi trường đô thị, cây xanh kiểm tra, cắt tỉa, xử lý cây nguy hiểm có thể gãy đổ. Nhưng cũng không dễ để biết cây nào “nguy hiểm” nên tinh thần là “đánh nhanh diệt gọn” hoặc “chống đỡ” các cây to để thầy trò phần nào yên tâm. Còn ở Lào Cai, sau khi cổng trường Bản Phung đổ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này liền lập ba đoàn công tác xuống các huyện Bảo Yên, Bát Xát, và thị xã Sa Pa để rà soát, kiểm tra các điểm trường đã sử dụng lâu năm, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn.

Rõ ràng, phản ứng của nhà trường hay các ban ngành liên quan không phải không có nhưng dường như đều đi sau, đều loay hoay ở từng sự việc mà chưa có một hành động, kế hoạch tổng thể, dài hạn. Cứ với đà này, theo cách diễn đạt nôm na mà chính xác đến cay đắng của dân gian, chúng ta sẽ luôn rơi vào tình thế “mất bò mới lo làm chuồng”. Cây đổ, cổng trường đổ, rồi sẽ còn những gì “đổ” nữa? Sẽ còn bao nhiêu tai ương bất ngờ khác mà học sinh vô tình phải gánh chịu? Chúng ta không thể ước lượng được nếu không có một kiểm kê chi tiết, tổng thể và chính xác. Chúng ta cũng không thể phó thác hoàn toàn cho nhà trường vì để trường học an toàn, thân thiện như chủ trương lâu nay, cần đến sự chung tay của nhiều ban ngành khác nhau.

Mặc dù hằng năm các trường học đều phải có báo cáo về tình hình cơ sở vật chất nhưng hiện trạng thực tế như thế nào thì chưa chắc đã kĩ càng, đầy đủ. Những điểm trường vùng cao vùng sâu như điểm trường bản Phung lại càng dễ bị bỏ qua, bỏ quên trong đầu tư xây dựng hoặc gia cố chắc chắn. Nhiều điểm trường vẫn chỉ là nhà cấp bốn thưng gỗ, trống huơ trống hoác chịu đựng mưa gió. Chưa kể, nhiều trường xây dựng đã lâu, chất lượng xây dựng không đảm bảo và hệ thống trang thiết bị tối thiểu thì xuống cấp. Ngay cả người dân sở tại cũng nhận ra vấn đề song không phải cứ đề đạt, kiến nghị xây mới, sửa chữa là được đáp ứng ngay. “Nếu cột cổng có khoảng 2 thanh sắt, có thể mọi chuyện đã khác”, thảng thốt này của phụ huynh cháu bé tử vong ở điểm trường bản Phung - được Vietnamnet ghi lại - nhìn rộng ra, rất có thể là mong muốn nhỏ nhoi của hàng trăm điểm trường khác.

Ngược lại, nếu ngành giáo dục có được trong tay số liệu cụ thể, kịp thời những ngôi trường nào nguy cơ mất an toàn thì ít nhất, phụ huynh và học sinh đã không phải nói lên một đề nghị thoạt tiên nghe đơn giản nhưng hóa ra nan giải đến khó lường.

Trong khi cơ vật chất trường học thành phố không ngừng khang trang và hiện đại thì nỗi lo lắng lại đến từ các vấn đề khác. Chẳng hạn, dịch vụ đưa đón, dịch vụ cung cấp đồ ăn thức uống hay việc xử lí kỉ luật trong quá trình học tập. Bị ngộ độc thức ăn, bị bạo hành, bị quấy rối tình dục, bị đánh hội đồng,..., tất cả, đều đã và đang tạo thành những hiểm họa rình rập trường học. Vậy nên, cần thiết phải có một chế tài đủ sức ràng buộc, qui trách nhiệm thật cao để trường học, và rộng ra là ngành giáo dục, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ an toàn tối đa cho học sinh, giáo viên. Sinh mạng học sinh không thể và không nên đáp trả mãi bằng một vài lời an ủi, động viên chia sẻ theo kiểu chiếu lệ. Chúng ta không lường trước được các biến cố thiên tai gây tai nạn cho trường học nhưng sẽ phải lường hết sự tắc trách, cẩu thả của con người.

Để trường học an toàn thì trước hết, mỗi người trong không gian đó phải được trang bị kiến thức và kĩ năng về an toàn thể chất, an toàn tinh thần. Cần phải nhấn mạnh rằng, chúng ta đang thiếu nhiều môn học và giáo viên chuyên trách về kĩ năng sống an toàn dành cho học sinh các cấp. Trong khi khối lượng kiến thức sách vở vẫn đang ở mức quá tải thì các bài học mang tính thực hành về kĩ năng sống an toàn lại ít ỏi một cách đáng báo động. Nhìn vào con số học sinh đuối nước hằng năm chẳng hạn, chúng ta sẽ quá ngạc nhiên vì một xứ sở sông ngòi, ao hồ, kênh rạch chằng chịt như Việt Nam lại có quá ít trường học đưa môn bơi vào chính khóa. Ngoài lí do thiếu điều kiện, kinh phí, thì sâu xa vẫn là thiếu một nhận thức nghiêm túc về giáo dục nền tảng. Phần lớn trẻ em nông thôn đều “tự bơi mà thành”, còn trẻ em thành phố thì phải đầu tư học ngoại khóa. Xét rộng ra, giáo dục thể chất cũng đầy bất cập khi mà chỉ xây dựng đủ môn học, nội dung học nhưng lại không thật sự linh hoạt thay đổi để thích ứng với từng môi trường sống khác nhau. Chúng ta không chờ đợi nhà trường là phép màu để rèn luyện một cá nhân trở nên toàn diện, hoàn hảo song cũng cần đặt ra bài toán về độ khả dụng, thiết thực của mỗi môn học, trong đó có giáo dục thể chất.

Đã có không ít nỗi sợ hãi khi đến trường do áp lực học, do thi cử hoặc do sự nhàm chán, tẻ nhạt của chuyện học hành. Giờ đây, thêm nỗi sợ về mất an toàn, liệu con em chúng ta có còn hào hứng, thoải mái? Cá nhân tôi không quá kì vọng vào các loại triết lí giáo dục mà xã hội đang nháo nhào tìm kiếm, đề xuất. Tôi chỉ kì vọng về trường học thật sự an toàn về thể chất lẫn tinh thần, một nỗi kì vọng thầm lặng và bền bỉ hơn bao giờ hết.