Khi bị Mỹ siết chặt khả năng tiếp cận công nghệ mới, Trung Quốc đã tái tổ chức lại hoạt động R&D của mình và khuyến khích tự chủ nhiều hơn theo một hướng tư duy mới.

Trong các năm qua, Trung Quốc luôn tạo ra nhiều bài báo khoa học, và có mặt trong top đầu các bảng xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Ban đầu, áp lực xuất bản bài báo ở Trung Quốc, đặc biệt là các tạp chí được xếp hạng cao, đã là cơ sở để đánh giá và tài trợ cho khoa học. Ví dụ, Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về Robotics ở Thẩm Dương, thủ phủ của Liêu Ninh, vùng Đông Bắc Trung Quốc, đã nổi trội về xuất bản công bố cụ thể là về robotics dưới nước. Xếp hạng năm 2012 của phòng thí nghiệm này được đánh giá là tốt và các nhà nghiên cứu của cơ sở này chỉ xuất bản trên các tạp chí thuộc danh mục Science Citation Index (SCI), danh mục được các nhà quản lý thường lấy làm căn cứ xếp hạng. “Dẫu một bài báo không phải là một thành tích khoa học đặc biệt nhưng nó cũng là một cơ sở đánh giá,” Yu Haibin, Giám đốc Phòng thí nghiệm này nói. Vào năm 2017, nó có đã có tới 64 bài báo thuộc danh mục SCI và nhận được xếp hạng “xuất sắc”. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, phòng thí nghiệm này đã có một cú chuyển đặc biệt giống như nhiều cơ sở nghiên cứu khác của quốc gia này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một chuyến đi thăm gian triển lãm sản phẩm của công ty Robot và tự động hóa Siasun ở Thẩm Dương, Liêu Ninh vào ngày 17/8/2022 (Xinhua/Ju Peng).

Từ bài báo đến sáng chế

Vào năm 2020, Hội đồng nhà nước Trung Quốc đã ban hành một hướng dẫn mới về đánh giá nghiên cứu, trong đó Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng một khái niệm mới là “chuỗi đổi mới sáng tạo” với mục tiêu đưa các khám phá khoa học vào quỹ đạo phát triển hướng tới sản phẩm hữu hình được thương mại hóa thông qua việc gắn kết điểm đầu nghiên cứu cơ bản với điểm cuối thương mại hóa trên thị trường. Đây là một trong những chuyển hướng trong chính sách ưu tiên của Bắc Kinh nhằm đạt được những lợi thế chiến lược về công nghệ trong tương lai, như trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử, trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.
Vài năm qua, việc áp dụng chính sách kiểm soát nhập khẩu của Mỹ, đầu tiên với công nghệ bán dẫn, đã khiến Trung Quốc phải đưa việc tự lực công nghệ lên vị trí ưu tiên. Nếu trước đây mục tiêu của Bắc Kinh là vượt qua Mỹ bằng cuộc cách mạng số thì sau chính sách kiểm soát của Mỹ, nó đã trở thành duy trì sự phát triển của nền kinh tế nội địa thông qua việc đảm bảo việc tiếp cận công nghệ quan trọng này. Ngay sau đó, Mỹ đã lập tức chỉ dấu là sẽ mở rộng việc kiểm soát sang những lĩnh vực khác.

Để phản hồi, Trung Quốc bắt đầu cắt giảm một số mục tiêu và chỉ tập trung vào các nguồn lực để tái định vị vị thế công nghệ. Số lượng các khu phát triển công nghiệp công nghệ cao, một trụ cột chính của chính sách công nghiệp Trung quốc, đã tăng lên đạt con số 169 sau nhiều năm. Công việc chính của Trung Quốc lúc này là tái định hình hệ thống đổi mới sáng tạo và sau đó, tiếp tục gia tăng số lượng các khu công nghệ cao. Trong một phát biểu vào tháng 8/2022, ông Vương Chí Cương, Bộ trưởng Bộ KH&CN Trung Quốc, đã nhấn mạnh vào vai trò của các khu vực này “Các khu công nghệ cao quốc gia và các doanh nghiệp cần phải làm tốt hơn nữa và mang lại sự phát triển chất lượng cao, tự chủ, tăng trưởng ổn định, tạo việc làm và các nhiệm vụ khác”. Thậm chí Nhóm nghiên cứu cải cách hệ thống KH&CN của Bộ KH&CN Trung Quốc còn đưa ra nhận xét “Sứ mệnh lịch sử của các khu công nghệ cao trong giai đoạn 5 năm lần thứ 14 (2021 – 2025) là tự lực về KH&CN. Các khu này phải là tàu phá băng, đội quân tiên phong định hướng đổi mới sáng tạo”.

Công cuộc tái cấu trúc hệ thống đổi mới sáng tạo và chuỗi đổi mới sáng tạo để trở thành một siêu cường KH&CN của Trung Quốc đã được nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) có trụ sở ở châu Âu nêu trong báo cáo “Controlling the innovation chain” (Kiểm soát chuỗi đổi mới sáng tạo). Họ phát hiện ra rằng, Trung Quốc đang tăng tốc nỗ lực tối ưu và sắp xếp từng bước trong quá trình đổi mới. Rất nhiều chương trình đã hướng đến phát triển công nghệ và thúc đẩy thương mại hóa trong khắp các sản phẩm R&D với nguyên tắc là thị trường phân bố các nguồn lực tốt hơn chính quyền. Nhiều chính sách mới khuyến khích các nhà nghiên cứu chuyển giao công nghệ, liên kết với các doanh nghiệp và tập trung vào các vùng kinh tế ưu tiên của quốc gia. Theo cách này, Trung Quốc mong muốn thu được nhiều giá trị kinh tế hơn từ các khoản đầu tư cho R&D, đồng thời có sự sẵn sàng về công nghệ để có được lợi thế trong thời đại sức mạnh phụ thuộc vào công nghệ.

Hệ thống đổi mới sáng tạo của Trung Quốc ngày một phân tầng, kết quả là tăng quyền điều phối và kiểm soát cho trung ương. Các phòng thí nghiệm quốc gia được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất, bên dưới là các phòng thí nghiệm trọng điểm các cấp như cấp tỉnh, cấp vùng. Đi kèm với nó là sự phân tầng các dự án theo quy mô cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh.

Bắt đầu từ năm 2016, Trung Quốc đã bắt đầu tạm dừng phê duyệt chương trình nghiên cứu của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia để tập trung vào những chương trình tài trợ theo dự án, gắn kết trong khuôn khổ chương trình Các dự án R&D trọng điểm quốc gia. Các chương trình tài trợ riêng biệt - một số chương trình ban đầu được thiết kế để tách bạch tài trợ khoa học cơ bản và ứng dụng - đã được gộp vào các dự án trọng điểm. Các phòng thí nghiệm các cấp được khuyến khích hợp tác với doanh nghiệp nhiều hơn, đi kèm với chính sách mới để giúp các phòng thí nghiệm và công ty khởi nghiệp cùng song hành theo chuỗi đổi mới sáng tạo. Do đó, các tiêu chí đánh giá nghiên cứu khoa học cũng đang chuyển trọng tâm từ các bài báo sang sáng chế và thương mại hóa sản phẩm.

Cần sự thích ứng của đối tác nước ngoài

Sau nhiều thập kỷ phân quyền và cải cách thị trường, giờ Trung Quốc nhấn mạnh vào năng lực độc đáo của hệ thống xã hội chủ nghĩa để tập trung các nguồn lực. Tất cả đều cần thiết để phá bỏ sự phụ thuộc vào nước ngoài, tránh sự ảnh hưởng của chính sách của Mỹ với nền công nghiệp Trung Quốc. Việc áp dụng chuỗi đổi mới sáng tạo cho phép Trung Quốc tăng cường sự kiểm soát quá trình thiếu chắc chắn này, tối ưu nguồn lực trong nước bằng các ưu tiên chiến lược, hướng tới vị thế trở thành một siêu cường công nghệ.

Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator họ nhận định là Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục thu hút các đối tác quốc tế tham gia hệ thống đổi mới sáng tạo của mình, khó có thể bỏ qua được Trung Quốc. Do đó để duy trì hợp tác, các danh nghiệp châu Âu và các nhà nghiên cứu châu Âu phải định vị lại kế hoạch theo những cú chuyển ưu tiên của các chương trình của Chính phủ Trung Quốc dựa trên dự án, các hệ thống phòng thí nghiệm và các vùng của quốc gia này. Các đối tác châu Âu cũng cần tính đến việc các đồng nghiệp Trung Quốc đang chịu sức ép phải tham gia đóng góp vào mục tiêu theo đuổi là tự chủ công nghệ hơn là các mục tiêu khác.

Nguồn: sciencebusiness.net