Christian Ehler, một trong những nhà đàm phán khoa học hàng đầu của Nghị viện châu Âu, cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) phải ngừng ngay lập tức các khoản kinh phí từ chương trình tài trợ cho khoa học Horizon 2020 cũng như những chương trình khác với các nhà khoa học Nga.

Tuy nhiên nhiều tổ chức khoa học ở châu Âu vẫn còn tranh cãi về cách ngừng hợp tác với Nga.

r
Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi với German Gref, CEO của ngân hàng Sberbank vào năm 2019 về kế hoạch đầu tư cho AI vào năm 2019. Nguồn: Mikhail Metzel/TASS

Dừng các hoạt động hợp tác

Trong số tất cả các quốc gia thành viên của EU, Đức là quốc gia đầu tiên tỏ rõ thái độ một cách rõ ràng: chấm dứt hợp tác. Theo một thông báo của Chính phủ Đức gửi tới trang Science|Business, Đức sẽ chấm dứt mối quan hệ hợp tác dài hạn với Nga về khoa học, giáo dục. “Tất cả những kế hoạch đang diễn ra và sắp tới với Nga sẽ được đóng băng và xem xét một cách cẩn trọng”, thông báo cho biết.

Vào chiều ngày 25/2, liên minh 10 tổ chức nghiên cứu Đức dưới sự dẫn dắt của Quỹ Khoa học Đức (DFG) đã cùng ra thông báo: các khoản tài trợ cho nghiên cứu của Đức sẽ không rót vào các nghiên cứu với Nga và không có sự kiện KH&CN nào đồng hợp tác nữa. Các tổ chức nghiên cứu Đức cũng loan báo sẽ tiếp tục hợp tác với Ukraina và tiến hành các chương trình hỗ trợ cho sinh viên và nhà khoa học rời khỏi đất nước. Các trường đại học ở Đông Âu cũng có kế hoạch hỗ trợ các nhà nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, sau khi các trường đại học Ukraina phải tạm dừng hoạt động.

Tuy nhiên nhiều tổ chức khoa học ở châu Âu vẫn còn tranh cãi về cách trừng phạt Nga. Thông thường, khoa học được coi là cành ô liu hòa bình – một dạng hợp tác ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Lần đầu tiên kể từ chiến tranh Bosnia, các nhà lãnh đạo khoa học châu Âu băn khoăn: duy trì một dự án trong khuôn khổ Horizon với Nga là điều tốt hay xấu? Liệu có nên cắt đứt mối hợp tác khoa học với Nga hay tiếp tục như việc tạo những lằn ranh hợp tác mở?

“Có một điều cần suy nghĩ về ngoại giao khoa học là thảo luận về các mối quan hệ với những quốc gia có quan điểm chính trị khác biệt”, Lidia Borrell-Damian, tổng thư ký Science Europe, một tổ chức về đầu tư khoa học được thành lập ở Brussel từ năm 2011, nói. “Đó là thảo luận về sự hợp tác trong thời điểm diễn ra chiến tranh”. Và cuối cùng, bà cho biết thêm, có lẽ cách giải quyết của mỗi bên sẽ tùy thuộc vào phản hồi của cộng đồng khoa học của mình.

Thông điệp của Ehler xuất hiện như một phép thử về cách EU và các chính phủ EU khác sẽ ứng xử như thế nào về mối quan hệ hợp tác khoa học với Nga, vốn được chính thức trở lại vào năm 2019. Ông cho rằng, EU nên cập nhật chương trình làm việc năm 2022 của Horizon Europe để loại trừ sự tham gia của các tổ chức được thành lập ở EU hoặc ở các quốc gia có liên quan do các tổ chức của Nga “điều khiển một cách trực tiếp hay gián tiếp”, tương tự với các chương trình tài trợ cho khoa học năm 2023-2024. Những tổ chức của Nga nhận được tài trợ của chương trình hợp tác vùng châu Âu cũng có thể bị cấm với chính quyết định này.

Ehler cũng kêu gọi EC chấm dứt sự tham gia của Nga trong mọi dự án KH&CN mà EU góp mặt như dự án hợp tác về lò phản ứng nhiệt hạch ITER và cả CERN, và thúc đẩy các chính phủ châu Âu “cắt toàn bộ mối hợp tác nghiên cứu với Nga”.

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác biệt. Hội nghị các hiệu trưởng Bỉ (The Belgian Rectors’ Conference) vào ngày 27/2 đã đưa ra một thông cáo kêu gọi các chính phủ hãy “đảm bảo hợp tác học thuật có thể tiếp tục càng nhiều càng tốt vì nó cho phép sự tự do tư tưởng ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất của xung đột vũ trang”. ĐH Ghent bảo vệ Nền tảng Nga, một tổ chức trao đổi giáo dục và nghiên cứu, và coi Nga là “một đối tác quan trọng và giá trị”.

Trong cuộc tranh cãi này, các nhà khoa học đã chạm đến những trường hợp từng có trong lịch sử như thời kỳ chiến tranh lạnh, khi sự trao đổi khoa học vẫn tiếp tục diễn ra. Kieron Flanagan, giáo sư chính sách KH&CN tại ĐH Manchester nói, vẫn có trao đổi khoa học với nước Đức quốc xã vào những năm 1930, và các nhà khoa học Đức vẫn tiếp tục xuất bản. “Vào thời kỳ đó, vẫn có những tiếng nói cất lên là chúng ta phải tách khoa học ra khỏi bối cảnh”.

Ra lệnh cấm với hàng hóa công nghệ

Tuy tranh cãi về hợp tác khoa học nhưng ở lĩnh vực công nghệ, các bên đều có tiếng nói chung. Giải thích về những hạn chế về công nghệ mà EU bắt đầu áp với Nga, một quan chức EU cho biết, những lệnh cấm về công nghệ có thể gây áp lực cho Nga kể từ sau sự kiện Crimea vào năm 2014. “Những điều mà lệnh cấm này áp dụng là mở rộng hơn nữa phạm vi hàng hóa và công nghệ bị cấm kể từ năm 2014”, quan chức này cho biết trong một buổi họp báo. “Nó cũng đưa ra những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn vào số những người sử dụng cuối của công nghệ lưỡng dụng ở Nga”.

EU sẽ tăng cường hạn chế đối với những hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng với Nga vì nó có thể được sử dụng cho những mục đích quân sự. Như vậy, sẽ có thêm những lệnh cấm mới với hàng hóa điện tử, máy tính, viễn thông, an toàn thông tin, cảm biến và laser, cũng như các thiết bị hàng hải có thể giúp tăng cường tiềm lực của quân đội Nga hay các năng lực công nghệ nói chung. Công nghệ được ước tính để nâng cấp các nhà máy lọc dầu của Nga sẽ là đích đến của lệnh cấm vận này. “Nó sẽ bao phủ một khu vực của xuất khẩu và sẽ không dễ dàng để Nga có được những công nghệ này trong ngắn hạn và trung hạn. Rõ ràng, nó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến năng lực xuất khẩu dầu của Nga vào EU”, một quan chức EU nói.

Các biện pháp này được đưa ra một ngày sau khi Mỹ loan báo các lệnh cấm vận công nghệ với Nga, bao gồm bán dẫn, truyền thông, bảo mật mã hóa, laser, cảm biến, định vị, thiết bị điện tử hàng không và hàng hải. Trong một cuộc họp báo ngày 24/2, Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cho biết “về tổng thể, Mỹ và các quốc gia đối tác của Mỹ sẽ loại bỏ hơn một nửa trong toàn bộ công nghệ cao nhập khẩu vào Nga. Nó bao gồm việc hạn chế Nga truy cập vào các loại bán dẫn tiên tiến và các công nghệ nền tảng khác mà Nga cần để đa dạng hóa và hiện đại hóa nền kinh tế”.

Được biết Nga cũng có những nhà sản xuất chip nội địa. Tuy đã cố gắng xây dựng chúng sau những căng thẳng với phương Tây do vụ Crimea nhưng Nga vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Theo thời gian, Singh cho biết là các lệnh cấm vận công nghệ “sẽ đánh vào năng lực của Nga ngoài dầu mỏ và khí đốt cũng như các lĩnh vực chiến lược mà Putin muốn phát triển: hàng không vũ trụ, quân sự, IT, laser, cảm biến”. Đó là những lĩnh vực đều phụ thuộc vào những công nghệ nền tảng do phương Tây thiết kế và chế tạo.