Một nghiên cứu mới cho thấy mức độ hiệu quả kinh tế khác nhau giữa các nhóm trường có các đặc điểm khác nhau: công và tư, đơn ngành và đa ngành, tự chủ và phụ thuộc vào phân bổ tài chính công, có và không có yếu tố quốc tế hóa.
Bài toán ngân sách giáo dục đại học
Đầu tư vào giáo dục đại học chính là đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ - những chiến lược dài hạn để phát triển kinh tế, do đó giáo dục đại học được coi là công cụ hiệu quả nhất mà một quốc gia có thể sử dụng để gia tăng năng lực cạnh tranh, bên cạnh những lĩnh vực sản xuất cơ bản.
Sau 30 năm thực hiện Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những tăng trưởng đáng kể về kinh tế, với GDP trung bình tăng hơn 7% mỗi năm trong giai đoạn 1998 - 2010 (số liệu World Bank năm 2011). Lĩnh vực giáo dục đại học cũng được hưởng lợi từ đà tăng trưởng này.
Theo số liệu của World Bank năm 2016, Việt Nam đã dành khoảng 20% ngân sách để đầu tư vào hệ thống giáo dục quốc gia, tương đương 5% GDP, cao hơn so với một số quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển hơn như Singapore (3%), Hongkong (3,5%) hay Malaysia (5,1%).
Một phân tích của TS. Đinh Thị Nga trên Tạp chí Tài chính vào năm 2017 cho thấy tỷ lệ chi ngân sách trên mỗi sinh viên đại học ở Việt Nam lên tới khoảng 40% thu nhập bình quân đầu người, cao hơn so với Mỹ (21%) hay Nhật Bản (25%) [1].
Bên cạnh sự “hào phóng” về ngân sách đầu tư, hàng loạt chính sách giáo dục đại học được ban hành cũng cho thấy nỗ lực cải tiến hệ thống này của Chính phủ Việt Nam. Một số bước ngoặt nổi bật có thể kể tới là Nghị quyết 04-NQ/HNTW ủng hộ các trường đại học đa ngành; Chương trình Cải cách Giáo dục Đại học 2005 (HERA) đề cao xu hướng quốc tế hóa, cho phép các trường đại học tự chủ trong nhiều khía cạnh, bao gồm quản lý ngân sách; Nghị quyết số 77/NQ-CP năm 2014 trao quyền tự chủ tài chính cho 23 trường đại học;...
Tuy vậy, những đầu tư đó chưa mang lại nhiều kết quả khả quan, các cơ sở giáo dục đại học vẫn đối mặt với nhiều khó khăn tài chính. Một số nhà nghiên cứu nhận định rằng nguyên nhân của tình trạng này đến từ cơ chế phân bổ ngân sách còn chưa rõ ràng và không hiệu quả khi vẫn còn cứng nhắc theo hướng “một cách thức cho tất cả” (one size fits all), chẳng hạn như mức đầu tư bằng nhau cho các trường đại học ở nông thôn và thành thị, trong khi chi phí đào tạo một sinh viên ở khu vực nông thôn đắt đỏ hơn nhiều so với chi phí đào tạo một sinh viên ở khu vực thành thị [2].
Bên cạnh đó, mức học phí được quy định còn thấp, không đủ bù đắp chi phí hoạt động của các trường đại học công lập, và quyền tự chủ sử dụng ngân sách nhà nước vẫn còn bị hạn chế trong khuôn khổ quy định, làm giảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở này.
Hiệu quả khác biệt giữa các nhóm trường
Trong bối cảnh đó, các nghiên cứu về hiệu quả của các trường đại học sẽ giúp chỉ ra những thiếu sót và cung cấp các hàm ý quan trọng trong cải cách cơ chế phân bổ nguồn lực. Một trong những nỗ lực mới nhất là nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Applied Research in Higher Education của nhóm tác giả Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn (Trường ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), Bộ KH&CN và EdLab Asia [3].
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp bao dữ liệu (data envelopment analysis - DEA), một trong những công cụ phổ biến nhất được sử dụng để phân tích mức độ hiệu quả của các cơ sở giáo dục. Hiểu theo cách đơn giản, phương pháp này xác định khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng nhất với lượng yếu tố đầu vào tối ưu nhất.
Đây là một phương pháp vô cùng hữu ích trong việc bước đầu xác định cơ sở nào còn kém hiệu quả và xác định các khía cạnh còn cần phải cải thiện thông qua xem xét nhiều đầu vào và kết quả đầu ra.
Ở nghiên cứu đang được bàn luận, nhóm tác giả lựa chọn 6 yếu tố đầu vào bao gồm: số lượng nhân sự học thuật (nhân sự nghiên cứu và giảng dạy) của các trường đại học; số lượng nhân sự không làm công việc học thuật (nhân sự vận hành và hỗ trợ); cơ sở vật chất; trợ cấp của chính phủ; học phí (tức doanh thu từ sinh viên); mức chi cho hoạt động nghiên cứu.
Cùng với đó, 7 yếu tố đầu ra được phân tích gồm: số lượng sinh viên ở bậc đại học; số lượng sinh viên ở bậc sau đại học; số lượng sinh viên theo đuổi giáo dục suốt đời; số lượng công bố ISI/Scopus; số lượng công bố không thuộc các ấn phẩm ISI/Scopus và các công bố trên các hội thảo, hội nghị; doanh thu thu được từ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; tổng thu nhập từ các hoạt động vận hành.
Thông qua phân tích báo cáo tài chính và học thuật hằng năm trong giai đoạn từ năm 2012 – 2016 của 172 cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu chỉ ra, về tổng thể, hiệu quả kinh tế của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có xu hướng giảm trong khoảng từ năm 2012 - 2016. Để làm nổi bật hơn các khía cạnh còn cần cải thiện, nhóm tác giả tiếp tục so sánh các dữ liệu về mức độ hiệu quả giữa các nhóm trường có các đặc điểm khác nhau.
Cụ thể, các phát hiện cho thấy khối trường tư vận hành hiệu quả hơn so với khối trường công lập. Điều này gợi ý rằng việc tư nhân hóa một số cơ sở giáo dục đại học còn vận hành thiếu hiệu quả có thể giảm bớt áp lực tài chính và để dành ngân sách nhà nước cho các cơ sở công chất lượng hơn.
Thứ hai, các trường học đơn ngành có mức độ hiệu quả kém hơn các trường đa ngành. Điều này có thể là do các cơ sở với nhiều trường trực thuộc có nhiều cơ hội để chia sẻ nguồn lực hơn, ví dụ, một phòng thí nghiệm y sinh của ngành kỹ thuật có thể được sử dụng để làm một phòng nghiên cứu y học cho một trường y. Dựa trên kết quả này, nhóm tác giả đề xuất hợp nhất một số trường đơn ngành vận hành kém để thành lập các trường đại học đa ngành hoặc liên ngành.
Thứ ba, xem xét khía cạnh mức độ tự chủ, các trường đại học tự chủ có hiệu quả kinh tế cao hơn các trường đại học vẫn phải phụ thuộc vào phân bổ tài chính công. Kết quả này gợi ý rằng trao quyền tự chủ cho các trường đại học là một hướng đi đúng đắn. Tuy vậy, khác với nhiều quốc gia, Việt Nam yêu cầu các trường đại học tự chủ hoàn toàn không được nhận trợ cấp tài chính từ chính phủ, điều này về lâu dài sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực. Do đó, bên cạnh ủng hộ tự chủ tài chính, nghiên cứu đề xuất vẫn cần lưu ý điều chỉnh linh hoạt hơn, chẳng hạn, cho phép tự chủ tài chính một phần và có các khoản trợ cấp dựa trên đánh giá thành tích.
Cuối cùng, các cơ sở có mức độ quốc tế hóa cao hơn vận hành tốt hơn so với các cơ sở không có các chương trình quốc tế hóa. Như vậy, để nâng cao hiệu quả kinh tế, các trường đại học Việt Nam cần đẩy mạnh quốc tế hóa thông qua các chiến lược như phát triển các chương trình hay khóa học dạy bằng tiếng Anh (hoặc ngoại ngữ khác).
Việt Nam có tham vọng rất lớn đối với lĩnh vực giáo dục đại học. Chương trình Cải cách Giáo dục Đại học 2005 đặt ra mục tiêu có ít nhất một trường đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng 200 trường đại học tốt nhất thế giới vào năm 2020. Mục tiêu này đã không đạt được, và có vẻ như sẽ chưa thể đạt được trong tương lai gần, khi xem xét những khó khăn mà giáo dục đại học Việt Nam đang gặp phải ở giai đoạn hiện tại. Những kết quả trên sẽ là những gợi ý về cách Việt Nam có thể hiện thức hóa giấc mơ giáo dục đại học của mình.
________________
Ghi chú:
[1] https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/dau-tu-cua-nha-nuoc-cho-giao-duc-dao-tao-thuc-trang-va-mot-so-de-xuat-130918.html
[2] Tran, C. D. T. T. (2021). Cost efficiency–one size fits all? A university-level analysis of economies of scale and scope in Vietnamese higher education.Asia Pacific Journal of Education,41(2), 336-355.
[3] Tran, T. V., Pham, T. P., Nguyen, M. H., Do, L. T., & Pham, H. H. (2022). Economic efficiency of higher education institutions in Vietnam between 2012 and 2016: a DEA analysis. Journal of Applied Research in Higher Education.