Đây là một trong những nội dung được Giáo sư (GS) Göran Roos chia sẻ trong cuộc thuyết trình với lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN ngày 22/8 tại Hà Nội.
Rủi ro vì sản phẩm đơn giản
GS Roos nhấn mạnh, sự thịnh vượng của mỗi quốc gia được quyết định bởi mức độ phức hợp của nền kinh tế, nguồn tài sản tích lũy, mối quan hệ cũng như năng lực tổ chức. Kết quả phân tích sản phẩm xuất khẩu của các nước sẽ phản ánh năng lực của nước đó. Theo đó, thế giới hiện có hai nhóm quốc gia: Nhóm có nhiều tài nguyên giá trị cao, chỉ thuần túy khai thác để xuất khẩu; nhóm hạn chế về tài nguyên nhưng bù đắp bằng cách tập trung phát triển kinh tế bằng KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Dưới góc nhìn này, ông đánh giá kinh tế Việt Nam “ở vị thế rất thấp do chưa có nền kinh tế mang tính phức hợp, tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu những sản phẩm đơn giản, không có nhiều giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ không cao”. Bằng chứng là 70% số sản phẩm xuất khẩu nằm trong nhóm thấp nhất của thang đánh giá độ phức tạp. Trong khi đó, các nước phát triển như Đức, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sỹ... có 40% sản phẩm xuất khẩu thuộc nhóm cao nhất của thang đánh giá độ phức tạp.
Hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực là dệt - may và thủy sản đã giúp Việt Nam đứng trong top đầu thế giới về lĩnh vực này. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ đơn thuần làm tốt trong ngành dệt - may và thủy sản mà chưa làm tốt các lĩnh vực liên quan. Do đó, các tri thức và lợi thế của 2 ngành này không giúp Việt Nam chuyển dịch và cộng hưởng phát triển các ngành khác.
Về việc sản phẩm điện tử có tính phức hợp và giá trị công nghệ cao, đang đóng góp 25,4% trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam năm 2015, GS Roos phân tích: “Nhìn bề ngoài thì đây là tín hiệu tích cực, nhưng đi sâu vào nghiên cứu thì thấy rất ít trong số này là sản phẩm được nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam, mà chủ yếu là do các nền kinh tế khác đưa vào để gia công và xuất khẩu. Điều đó cho thấy Việt Nam chủ yếu tăng trưởng dựa vào việc được các nước khác tận dụng lợi thế về chi phí sản xuất để tạo ra các sản phẩm phức hợp công nghệ cao cho họ xuất khẩu”.
Học giả này lấy ví dụ về chiến lược của tập đoàn nội thất thông minh Ikea để cho thấy sự rủi ro của Việt Nam khi tăng trưởng dựa vào chi phí sản xuất. Trước đây Ikea đặt hệ thống sản xuất tại Trung Quốc vì chi phí thấp và ngay khi nước này trở nên đắt đỏ hơn, họ đã tìm đến Việt Nam. Nhưng một số nước khác như Bangladesh và Botswana đang nổi lên về chi phí sản xuất rẻ hơn, Việt Nam không còn lợi thế cạnh tranh này.
Do đó, nếu không dịch chuyển sang hướng sản xuất các sản phẩm phức hợp có nhiều giá trị gia tăn bằng công nghệ và ĐMST, Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro khi mất lợi thế trên. Tuy nhiên, ông Roos cho rằng vị thế kinh tế thấp và những thách thức về chất lượng tăng trưởng hiện nay cũng là cơ hội để Việt Nam có động lực chuyển dịch sang nền kinh có tính phức hợp cao hơn.
ĐMST và nghiên cứu đi ngược chiều nhau
Một giải pháp mang tính vĩ mô có thể giúp Việt Nam chuyển dịch sang nền kinh tế phức hợp, tạo động lực tăng trưởng mới là ĐMST. Theo GS Roos, hai khái niệm ĐMST (innovation) và nghiên cứu (research) hay bị nhầm lẫn và trên thực tế chúng diễn ra hoàn toàn khác nhau. “Nghiên cứu là dùng tiền để tạo ra tri thức, còn ĐMST là dùng tri thức để tạo ra tiền. Có những nghiên cứu rất giá trị nhưng không hề có ĐMST và các trường đại học chủ yếu tập trung vào nghiên cứu chứ không phải ĐMST” - ông giải thích.
Từng giảng dạy tại nhiều trường đại học khắp thế giới, ông chia sẻ: “Trong các trường đại học, ĐMST được thực hiện ít hơn người ta nghĩ, chỉ chiếm khoảng 5%. Còn 95% ĐMST diễn ra ở khu vực tư nhân và các viện nghiên cứu ứng dụng”. Hầu hết các công ty vừa và nhỏ ở khối tư nhân chỉ tập trung giải quyết những vấn đề của hôm nay và ngày mai, còn trường đại học chủ yếu theo đuổi nghiên cứu để giải quyết những vấn đề của tương lai rất xa.
Theo GS Roos, đây là lý do khiến mối liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp với các trường ít hiệu quả. Thực tế trên cho thấy cần tạo điều kiện hơn cho các viện nghiên cứu ứng dụng nếu muốn đẩy mạnh ĐMST. “Các viện này đóng vai trò quan trọng trong kết nối vì họ là trung gian. Họ có kiến thức hữu ích cho các ngành sản xuất chứ không phải nghiên cứu xa vời.
Ví dụ tại Phần Lan, các viện có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành sản xuất. Họ thực sự là người có tri thức và kỹ năng thực tế, có thể giải quyết các vấn đề đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó hai bên có sự hợp tác chặt chẽ, tạo ra ĐMST” - GS Roos nói.
Cũng theo phân tích của ông, xét trên bình diện vĩ mô thì các cấu phần của hệ thống ĐMST quốc gia ở các nước phát triển và đang phát triển đều giống nhau. Sự khác biệt chính là mức độ quan trọng của từng cấu phần. Ví dụ tại quốc gia phát triển cao như Thụy Sỹ, cấu phần “chính sách của chính phủ” không còn quan trọng bởi tại nền kinh tế phức hợp này, vai trò tác động của chính phủ giảm do mọi thứ đã phát triển ổn định.
Tuy nhiên, tại quốc đang phát triển và có nền kinh tế ít mang tính phức hợp như Việt Nam, cấu phần “chính sách của chính phủ” lại vô cùng quan trọng để giúp đất nước phát triển đúng hướng. Do đó, việc quyết định chính sách KH&CN và ĐMST trong giai đoạn then chốt hiện nay sẽ tác động đến mục tiêu tăng trưởng của đất nước trong dài hạn.
Bên cạnh đó, theo GS Göran Roos, ĐMST cùng với năng lực quản lý, học hỏi, khả năng cạnh tranh... là những yếu tố then chốt để thúc đẩy năng suất lao động - vốn là điểm yếu của Việt Nam. Năng suất lao động đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Indonesia khiến Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, khó trở thành một trung tâm sản xuất chế tạo của ASEAN và thế giới như Thái Lan đã làm được. Thành công này của Thái Lan xuất phát từ những chính sách đồng bộ về ĐMST để tăng năng suất lao động qua các năm và đây cũng là một kinh nghiệm cho Việt Nam.
Giáo sư Göran Roos là một trong những người sáng lập của ngành khoa học về vốn trí tuệ hiện đại và được coi là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Ông từng đóng vai trò là cố vấn cao cấp của các chính phủ Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, Áo và Australia về các vấn đề liên quan đến chiến lược, nghiên cứu và phát triển, hệ thống ĐMST quốc gia, quản trị tri thức và vốn trí tuệ.
GS Roos cũng từng làm tư vấn tại hầu hết các nước trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), nắm vai trò quản lý tại một số tập đoàn của Mỹ và châu Âu. Các nghiên cứu của ông có tác động mạnh đến sự phát triển của lĩnh vực vốn trí tuệ, đặc biệt là tại các nước Australia, NaUy và Thụy Điển.
Một trong những công việc gần đây nhất của ông là làm “chiến lược gia thường trú” tại bang Nam Australia (Australia), trong đó tập trung nghiên cứu và tư vấn về tương lai của ngành sản xuất chế tạo thông qua làm việc trực tiếp với 10 công ty sản xuất chế tạo của Nam Australia và giúp họ xây dựng được chương trình đặc biệt về mô hình kinh doanh ĐMST. |