Đó là chia sẻ của TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng VIAEP - về hiệu quả của việc tham gia sự kiện trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ (TechDemo).
Viện nghiên cứu đắt hàng
TS Tuấn tâm sự, khi chưa tham dự TechDemo, như nhiều đơn vị nghiên cứu khác, VIAEP gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường. “Trước đây doanh nghiệp chủ yếu tự tìm kiếm thông tin về sản phẩm nghiên cứu rồi đến viện để đặt vấn đề chuyển giao, nhưng đó là với những sản phẩm đã được chứng minh hiệu quả thực tế qua nhiều năm. Với các công nghệ mới rất khó để doanh nghiệp thấy ngay là nó hiệu quả, tiên tiến và có ích cho họ. Qua TechDemo, các vấn đề về công nghệ được làm rõ hơn. Doanh nghiệp có thể hiểu và đặt hàng ngay khi được giải thích, tư vấn cụ thể” - TS Phạm Anh Tuấn cho biết.
Việc VIAEP giới thiệu thành công công nghệ bảo quản rau quả bằng chế phẩm tạo màng tại TechDemo là một minh chứng điển hình. Công nghệ này được viện phát triển thành công từ nhiều năm trước nhưng khó đưa vào ứng dụng ở Việt Nam do người dân không hiểu, cho là không an toàn trong khi trên thực tế nó đã được áp dụng từ lâu ở các nước phát triển như Mỹ, EU. Sự hiểu lầm này được giải tỏa rõ ràng qua việc tiếp xúc giữa nhà khoa học và doanh nghiệp tại TechDemo.
Máy đo nồng độ khí ôxy và carbonic trong quá trình hô hấp của sản phẩm rau củ, dùng trong nghiên cứu chế phẩm tạo màng bảo quản rau củ - sản phẩm tham gia TechDemo 2016 của viện VIAEP. Ảnh: PN
Qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo tại sự kiện trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ, VIAEP đã được một số tỉnh đặt hàng xây dựng mô hình trình diễn công nghệ, đánh giá sự phù hợp của mô hình với quy mô ứng dụng tại địa phương. Sau 4 năm liên tục tham gia TechDemo, số hợp đồng chuyển giao công nghệ của viện tăng rõ rệt (trung bình 20% năm).
Nhiều dự án trước đây có quy mô 2-3 tỷ đồng nay nâng lên đến 20 tỷ đồng. Hay dây chuyền viện cung cấp cho Công ty cổ phần thông Quảng Ninh vốn có công suất 5.000 tấn/năm, nay doanh nghiệp thấy hiệu quả, có nhu cầu nâng cao năng suất nên đặt hàng nâng công suất dây chuyền lên 10.000 tấn/năm.
“Doanh nghiệp sau khi thành công nhờ dây chuyền công nghệ đó đã quay lại hỗ trợ viện nghiên cứu đưa dây chuyền tham dự triển lãm quốc tế đến 2 lần” - ông Tuấn hồ hởi chia sẻ.
Đặc biệt do nhận thấy rõ hiệu quả, các nhà khoa học của VIAEP đã trở nên chủ động hơn rất nhiều trong việc tham gia TechDemo nhằm khai thác tối đa lợi ích của nó. Ngay từ đầu năm 2016, viện đã gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp lớn.
Cụ thể, Công ty đầu tư và phát triển Hòa An (Cao Bằng) đang đầu tư dự án 5.000ha trồng nghệ xuất khẩu nên cần một dây chuyền công nghệ, thiết bị xử lý công suất 150 tấn/ngày, đảm bảo chỉ tiêu chất lượng xuất khẩu. Viện và công ty đã làm việc với nhau về việc cung ứng dây chuyền trị giá tạm tính 20 tỷ đồng. Hợp đồng này sẽ được ký kết và triển khai ngay tại TechDemo 2016.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng mang đến TechDemo các công nghệ đã nghiên cứu thành công từ trước để trình diễn, gồm công nghệ làm khô các sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao như làm khô ớt, hệ thống chiên chân không, dây chuyền chế biến hạt giống, hệ thống đông lạnh thực phẩm, rau củ...”- TS Tuấn tiết lộ.
Liên tục khảo sát nhu cầu doanh nghiệp
KS Nguyễn Văn Chinh - Trung tâm R&D, Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông - cho biết, công ty từng nhiều lần giới thiệu sản phẩm tại TechDemo và thu được hiệu quả rõ rệt.
Số đơn đặt hàng đối với sản phẩm chiếu sáng điều khiển ra hoa (cây thanh long và cây hoa cúc), chiếu sáng sinh trưởng (trong nhân giống nuôi cấy mô) tiết kiệm 40-50% điện năng tăng mạnh, nhất là từ Đà Lạt, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Riêng tại Đà Lạt, đã có 1.200ha trồng hoa cúc ứng dụng các sản phẩm này.
Máy nông nghiệp mini đa năng của Viện VIAEP - sản phẩm tham gia TechDemo 2016.
Ảnh: Hải Minh Theo TS Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - do đối tượng hỗ trợ của TechDemo là các doanh nghiệp đang có nhu cầu đổi mới công nghệ thực sự nên nội dung cũng như cách thức tổ chức, thực hiện hoàn toàn tập trung vào những việc cụ thể.
“Chúng tôi phải xác định được nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp qua việc điều tra, khảo sát trực tiếp và gián tiếp với quy mô lớn theo vùng hoặc quốc gia. Công việc này được tiến hành liên tục trong cả năm. Sau đó, chúng tôi tổng hợp kết quả, chuẩn hóa và phân loại nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp theo các mức khác nhau như đổi mới toàn bộ, một phần hay cải tiến công nghệ hiện có... Từ đó, chúng tôi mới bắt đầu tổ chức tìm kiếm các công nghệ doanh nghiệp cần từ các nguồn cung trong và ngoài nước, từ hệ thống dữ liệu hiện có” - TS Dũng cho biết.
Do đi từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, chính những chuyên gia được cử đi tư vấn cho bên mua trong việc đánh giá công nghệ cũng hiểu rõ hơn bài toán đặt ra cho mình.
TS Tuấn cũng tiết lộ, mỗi lần diễn ra TechDemo, viện ông đều cử các chuyên gia đầu ngành tham dự đội ngũ tư vấn cho khách hàng: “Tham gia sự kiện này, các cán bộ khoa học hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp, khi trở về sẽ có sự thay đổi về tư duy nghiên cứu, thiết thực hơn trong việc đề xuất nghiên cứu và cho ra các sản phẩm có khả năng ứng dụng cao hơn”.
Các hoạt động chính của TechDemo 2016
Tọa đàm “Thúc đẩy hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực theo quy mô vùng” (chiều 9/11).
Lễ khai mạc: Tối 9/11.
Tư vấn công nghệ, tư vấn cải tiến kỹ thuật trực tiếp cho doanh nghiệp (diễn ra suốt thời gian tổ chức sự kiện).
Kết nối tài chính và công nghệ với sự tư vấn của các chuyên gia tài chính, ngân hàng (diễn ra suốt thời gian tổ chức sự kiện).
Trình diễn công nghệ/thiết bị/sản phẩm công nghệ (từ ngày 9-11/11).
Hội nghị về hoạt động của các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN (sáng 10/11).
Diễn đàn quốc tế “Xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ” (ngày 10/11).
Hội thảo “Ứng dụng công nghệ nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế” (chiều 10/11).
Hội thảo “Kết nối, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc 2016” (sáng 11/11). |