Không ít doanh nghiệp khi đến tham dự sự kiện “Trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ khu vực Nam Bộ - Techdemo 2015” mới vỡ lẽ ra “cái mình cần chẳng ở đâu xa” và sao không được gặp các nhà khoa học sớm hơn để giải quyết bài toán công nghệ, giảm chi phí sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cùng đại diện các ban, ngành tham gia gian hàng tại Techdemo 2015
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cùng đại diện các ban, ngành tham gia gian hàng tại Techdemo 2015

Bế tắc nhìn hàng ngoại chiếm lĩnh

Là một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh máy lọc nước và các thiết bị lọc nước, nhiều năm qua ông Huỳnh Phan Kinh Luân – Giám đốc Công ty TNHH Nhất An Sinh (TPHCM) - luôn trăn trở về sản phẩm lõi lọc nước bằng than hoạt tính dạng nén. Đây là loại lõi lọc phổ biến trong ngành xử lý nước, thị trường Việt Nam tiêu thụ rất nhiều nhưng hiện trong nước vẫn chưa sản xuất được. Được biết, có một số công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất loại sản phẩm này nhưng chưa thành công. Vì thế, loại lõi lọc này vẫn phải nhập từ nước ngoài với giá thành khá cao. Chính điều này làm ông Luân luôn trăn trở và có ý định tìm hiểu công nghệ để sản xuất. Bởi hiện nay, công ty ông đã có sẵn nguyên liệu nhưng sau một thời gian tìm hiểu, ông vẫn bế tắc và chưa biết phải bắt đầu từ đâu.

Mang băn khoăn đó đến Techdemo 2015 Vũng Tàu, ông Luân hy vọng tìm được lời giải đáp. Tại đây, khi được gặp gỡ và nghe các chuyên gia tư vấn, ông mới vỡ lẽ ra một điều, cái mình cần chẳng ở đâu xa. Ông tiếc nuối bởi cơ duyên đưa mình đến với các nhà khoa học sao không sớm hơn để đỡ được rất nhiều thời gian và chi phí nghiên cứu.

Ông Luân cho biết, đây là lần đầu tiên ông gặp các nhà khoa học để được tư vấn về công nghệ mình đang quan tâm. Trước đó, ông cũng tự mày mò nghiên cứu một số sản phẩm nhưng từ khi có ý tưởng cho đến khi thành công mất khá nhiều thời gian và chi phí do làm theo kinh nghiệm, sai đâu sửa đấy. Ông chia sẻ: Chúng tôi rất tin tưởng ở các chuyên gia. Họ đã giúp chúng tôi có các hướng tiếp cận và tìm hiểu công nghệ. Các chuyên gia sẽ tìm hiểu về công nghệ giúp doanh nghiệp, còn doanh nghiệp có nguyên liệu và đội ngũ nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận và thử nghiệm sản xuất. Chúng tôi tin rằng, sự kết hợp này trong thời gian tới nếu được thực hiện hiệu quả, chúng tôi sẽ thành công.

“Chắc chắn sau này chúng tôi sẽ tìm đến các nhà khoa học nhiều hơn để rút ngắn quá trình nghiên cứu ra sản phẩm mới” - ông Luân khẳng định.

Ông Nguyễn Thanh Tú – Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tú Bến Đình (TP. Vũng Tàu) - cũng lần đầu tiên đi gặp các nhà khoa học để được tư vấn về công nghệ, kỹ thuật đóng tàu đánh bắt thủy sản xa bờ bằng vật liệu composit - loại tàu mà hiện nay được nhiều ngư dân lựa chọn. Ông Tú cho biết, hiện công ty ông chủ yếu là sửa chữa, đóng mới tàu nhỏ với cách làm thủ công, không có bản vẽ, thiết kế nên việc triển khai thực hiện ít hiệu quả và mất nhiều thời gian. Ông nghĩ, nếu cứ làm như thế này - không có một quy trình bài bản - sẽ không phát triển tốt được. Sau khi được tư vấn về kỹ thuật và quy trình thực hiện, ông rất hài lòng và thấy mình thật may mắn khi được gặp được các nhà khoa học. Bởi qua tư vấn, việc nghiên cứu, thiết kế của ông sẽ được rút ngắn. Ông Tú tiếc rằng, nếu cái duyên đưa mình đến với các nhà khoa học sớm hơn thì chắc rằng ông không phải nhọc công nhiều đến thế trong suốt thời gian qua.

“Tôi rất thích nghiên cứu, nhưng cũng chỉ nghĩ ý tưởng và tự mày mò học hỏi rồi thử nghiệm. Việc kết hợp giữa nhà khoa học và doanh nghiệp thực sự rất hữu ích bởi nhà khoa học biết rõ lý thuyết, còn doanh nghiệp thì có kinh nghiệm thực tế nhiều hơn. Cả hai bổ sung những khiếm khuyết cho nhau sẽ nhanh chóng dẫn đến thành công” - ông Tú kỳ vọng vào mối liên kết giữa ý tưởng của doanh nghiệp và nhà khoa học.

Chủ động tìm nhau

TS Nguyễn Xuân Tiên – Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhiệt lạnh (Đại học Bách khoa TPHCM) - cho biết, các doanh nghiệp hầu hết là lần đầu tiên đi gặp các nhà khoa học để được tư vấn về kỹ thuật, công nghệ. Họ chưa biết nhiều kiến thức cơ bản về kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực mình đang kinh doanh, sản xuất, nghĩ đến đâu làm đến đó, sai thì sửa. Phần lớn họ chỉ biết làm sao cho có lợi nhuận mà không quan tâm đến việc tiết kiệm năng lượng hay bảo vệ môi trường.

TS Nguyễn Ngọc Kiên – Viện Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) - cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp muốn đưa ra sản phẩm mới nhưng không biết công nghệ sản xuất như thế nào, họ đang cần được “giải mã công nghệ”. Tuy nhiên, để việc này thành công là cả một chặng đường gian nan. Nếu doanh nghiệp cứ tự mò mẫm trong bóng tối thì việc “giải mã công nghệ” rất khó được thực hiện. Phần lớn các doanh nghiệp làm theo kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn do không được đầu tư bài bản. Khi tìm đến các chuyên gia, họ được tư vấn về kỹ thuật, quy trình công nghệ, giới thiệu những nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu trong từng lĩnh vực.

Theo TS Nguyễn Xuân Tiên, các hoạt động như Techdemo là hết sức cần thiết. Đây cũng là dịp để phổ biến thêm kiến thức cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nên làm sâu và tập trung vào từng chuyên ngành sẽ có hiệu quả, kết nối được nhiều nguồn cung – cầu hơn.

TS Tiên cũng cho biết thêm, hiện việc liên kết giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp còn quá yếu. Doanh nghiệp hiện nay ít có những thông tin về các công trình nghiên cứu khoa học cũng như hiểu biết về kỹ thuật công nghệ. Nhiều công nghệ doanh nghiệp đang cần nhưng không biết tìm kiếm ở đâu. Trong khi đó, sự chủ động của các nhà khoa học đến với doanh nghiệp cũng còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhà khoa học và doanh nghiệp cần phải chủ động tìm đến nhau mới có thể giải quyết được nghịch lý nói trên. Từ đó, bài toán “giải mã công nghệ” của doanh nghiệp mới từng bước được tháo gỡ.

Góp ý cho sự kiện này TS Hoàng Đức Thảo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, Bộ KH&CN cần thường xuyên tổ chức các hoạt động như Techdemo để tạo môi trường cho các doanh nghiệp được tiếp xúc nhiều hơn với các tiến bộ KH&CN; đồng thời hỗ trợ nguồn lực để các tổ chức nghiên cứu liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Mặt khác, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với các nguồn quỹ hỗ trợ phục vụ cho quá trình nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng và đổi mới công nghệ.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, sau sự kiện Techdemo 2015, Bộ yêu cầu Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương tiếp tục theo dõi đánh giá các kết quả sau sự kiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ.

“Tôi đánh giá cao nỗ lực và cố gắng của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã tích cực nghiên cứu các mô hình tổ chức hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ tương tự từ các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,… qua đó chọn lọc các nội dung phù hợp để xây dựng mô hình tổ chức hoạt động kết nối cung - cầu phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam và điều kiện cụ thể của khu vực Nam Bộ; đổi mới căn bản các nội dung của sự kiện trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ năm 2015. Từ hoạt động này mong rằng sẽ đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ” - Thứ trưởng Tùng nhấn mạnh.

Techdemo 2015 tại TP. Vũng Tàu đã tiếp nhận gần 100 nhu cầu của hơn 70 doanh nghiệp cần tư vấn cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện, đổi mới quy trình công nghệ và kết nối gần 30 chuyên gia công nghệ tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp. Đã có 62 cuộc gặp gỡ giữa bên cung và bên cầu có sự tham gia hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia đầu ngành; 12 hợp đồng hợp tác chuyển giao công nghệ, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác của 18 đơn vị được ký kết với tổng giá trị hơn 60 tỷ đồng. Hoạt động kết nối cung cầu công nghệ cũng được xác định là một nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam trong suốt thời gian qua.


Bộ trưởng Nguyễn Quân:  Cần ưu tiên phát triển  thị trường công nghệ Hiện nay, thị trường công nghệ (TTCN) của chúng ta còn khá non trẻ, được hình thành và phát triển chậm nhất so với các thị trường khác. Vì thế, việc hình thành và phát triển TTCN phải được đặt ở mức độ ưu tiên và có con số gia tăng tương đối cao trong thời gian tới. Trong TTCN, chúng ta đang tạm yên tâm với  nguồn cung và cầu công nghệ, nhưng còn 2 định chế khác cần phải hình thành trong giai đoạn này. Đó là có được môi trường pháp lý đầy đủ, hoàn chỉnh để hỗ trợ cho cả nguồn cung, cầu và khẩn trương hình thành các định chế trung gian trong TTCN. Những định chế trung gian cụ thể sẽ quyết định sự phát triển TTCN trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Cần ưu tiên phát triển thị trường công nghệ Hiện nay, thị trường công nghệ (TTCN) của chúng ta còn khá non trẻ, được hình thành và phát triển chậm nhất so với các thị trường khác. Vì thế, việc hình thành và phát triển TTCN phải được đặt ở mức độ ưu tiên và có con số gia tăng tương đối cao trong thời gian tới. Trong TTCN, chúng ta đang tạm yên tâm với nguồn cung và cầu công nghệ, nhưng còn 2 định chế khác cần phải hình thành trong giai đoạn này. Đó là có được môi trường pháp lý đầy đủ, hoàn chỉnh để hỗ trợ cho cả nguồn cung, cầu và khẩn trương hình thành các định chế trung gian trong TTCN. Những định chế trung gian cụ thể sẽ quyết định sự phát triển TTCN trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần  Văn Tùng:  Techdemo 2015 đã có những  đổi mới và đi vào thực chất  Techdemo 2015 đã có nhiều đổi mới hơn so với các đợt trước đây. Để việc kết nối cung – cầu công nghệ phát huy được hiệu quả sau khi Techdemo kết thúc, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cần sớm thiết lập một cơ sở dữ liệu và cung cấp công khai trên phương tiện cổng thông tin điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên cả nước có thể tìm hiểu, kết nối với các nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước. Tôi cho rằng Nhà nước cần tạo điều kiện về môi trường, chính sách, thông tin,… nhằm giúp các nhà khoa học và doanh nghiệp đến được với nhau thuận lợi hơn để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Techdemo 2015 đã có những đổi mới và đi vào thực chất Techdemo 2015 đã có nhiều đổi mới hơn so với các đợt trước đây. Để việc kết nối cung – cầu công nghệ phát huy được hiệu quả sau khi Techdemo kết thúc, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cần sớm thiết lập một cơ sở dữ liệu và cung cấp công khai trên phương tiện cổng thông tin điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên cả nước có thể tìm hiểu, kết nối với các nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước. Tôi cho rằng Nhà nước cần tạo điều kiện về môi trường, chính sách, thông tin,… nhằm giúp các nhà khoa học và doanh nghiệp đến được với nhau thuận lợi hơn để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Thanh: Giải được bài toán ứng dụng  và đổi mới công nghệ Các hoạt động nằm trong  chuỗi sự kiện Techdemo 2015 đã được tổ chức rất sát với yêu cầu của các tỉnh vùng Nam Bộ. Việc kết nối các tổ chức khoa học với doanh nghiệp, nông dân đã giúp địa phương giải được bài toán ứng dụng và đổi mới công nghệ. Chương trình kết nối cung - cầu năm nay mở ra triển vọng tăng cường thêm sự phối hợp giữa các cơ quan thuộc Bộ KH&CN với các địa phương.  Tôi mong rằng chương trình kết nối cung – cầu sẽ trở thành một định chế quan trọng trong phát triển thị trường KH&CN, được duy trì tổ chức hằng năm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Thanh: Giải được bài toán ứng dụng và đổi mới công nghệ Các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Techdemo 2015 đã được tổ chức rất sát với yêu cầu của các tỉnh vùng Nam Bộ. Việc kết nối các tổ chức khoa học với doanh nghiệp, nông dân đã giúp địa phương giải được bài toán ứng dụng và đổi mới công nghệ. Chương trình kết nối cung - cầu năm nay mở ra triển vọng tăng cường thêm sự phối hợp giữa các cơ quan thuộc Bộ KH&CN với các địa phương. Tôi mong rằng chương trình kết nối cung – cầu sẽ trở thành một định chế quan trọng trong phát triển thị trường KH&CN, được duy trì tổ chức hằng năm.