Các lý thuyết kinh tế, dù hấp dẫn đến đâu cũng không thể cung cấp một câu trả lời thỏa đáng về những tác động tổng thể của tiến bộ công nghệ đối với công ăn việc làm.
Những lập luận theo trường phái chuẩn tắc thường cho rằng, người lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa ban đầu sẽ mất việc, nhưng toàn bộ dân số sau đó sẽ được bù đắp. Theo nhà kinh tế Christopher Pissarides (Nobel 2010) và Jacques Bughin của Viện McKinsey Global Institute năng suất cao nhờ tự động hóa sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khuyến khích tiêu dùng, kích cầu lao động và tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn.
Tuy nhiên, lý thuyết về sự bù đắp này có vẻ đã quá trừu tượng. Để bắt đầu, chúng ta cần phân biệt giữa đổi mới “tiết kiệm lao động” (labor-saving) với “tăng cường lao động” (labor-augmenting). Đổi mới sản phẩm, như sự ra đời của các mẫu ô-tô hoặc điện thoại mới, là nhờ tăng cường lao động. Ngược lại, đổi mới tiến trình, hoặc triển khai một phương pháp sản xuất cải tiến, là tiết kiệm lao động, bởi nó cho phép các công ty sản xuất cùng một lượng hàng hóa hoặc dịch vụ như hiện tại với ít nhân công hơn.
Đúng là các công việc mới được tạo ra từ đổi mới sản phẩm có thể được bù đắp nhờ “hiệu ứng thay thế” (substitution effect), vì thành công của một sản phẩm mới khiến cho nhiều lao động làm việc trong dây chuyền sản xuất sản phẩm cũ trở nên dư thừa. Nhưng thách thức lớn nhất lại đến từ đổi mới quy trình, bởi điều này sẽ chỉ thay thế lao động mà không chắc chắn sẽ tạo ra việc làm mới. Khi đổi mới quy trình trở nên chiếm ưu thế, chỉ có những cơ chế bù trừ, khuyến khích (compensatory mechanism) mới có thể giúp ngăn chặn tình trạng thất nghiệp leo thang, hay điều mà David Ricardo (1772 – 1823) gọi là “sự dư thừa của dân số” (the redundancy of population).
Thực ra thì có một vài cơ chế như vậy. Đầu tiên, lợi nhuận tăng sẽ dẫn đến nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ mới, kéo theo sự ra đời của sản phẩm mới. Ngoài ra, cạnh tranh giữa các công ty cũng sẽ tạo ra áp lực giảm giá chung, làm tăng nhu cầu về sản phẩm, và cả lao động. Cuối cùng, sự sụt giảm tiền lương gây ra bởi nạn thất nghiệp do công nghệ sẽ làm tăng nhu cầu về lao động, và thúc giục sự chuyển dịch trở lại của các phương pháp sản xuất thâm dụng nhiều lao động, thu hút những lao động dư thừa.
Các cơ chế bù trừ này vận hành nhanh như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ dễ dàng luân chuyển của vốn và lao động giữa những ngành nghề và khu vực. Việc áp dụng các công nghệ tiết kiệm lao động sẽ dẫn đến giá thành thấp hơn, nhưng cũng ảnh hưởng tới khả năng tiêu thụ của những lao động bị làm cho dư thừa. Câu hỏi ở đây là hiệu ứng nào sẽ diễn ra nhanh hơn. Các tác giả theo trường phái Keynes thường cho rằng, sự sụt giảm của cầu đối với hàng hóa do thất nghiệp sẽ đến trước, và do đó chi phối sự giảm giá thành do tự động hóa. Điều này dẫn đến tình trạng thất nghiệp leo thang, ít nhất là trong ngắn hạn.
Ngay cả khi thất nghiệp chỉ là một hiện tượng tạm thời, hiệu ứng tích lũy (cumulative effect) của một loạt đổi mới “tiết kiệm lao động” theo thời gian có thể gây ra thất nghiệp trong dài hạn. Hơn nữa, một cơ chế điều chỉnh giá hiệu quả sẽ báo trước sự phổ biến của hành vi cạnh tranh. Nhưng trong một thị trường độc quyền, các công ty có thể sử dụng chiến lược tiết kiệm chi phí để gia tăng lợi nhuận thay vì giảm giá.
Những cân nhắc như trên đã củng cố quan điểm hiện hành rằng lợi ích do tự động hóa mang lại là lâu dài, với “sự dư thừa” được thiết lập để thăng tiến trong “thời chuyển tiếp”. Nhưng khi giai đoạn quá độ kéo dài cả hàng thập kỷ, như một báo cáo gần đây của Viện McKinsey Global thừa nhận, sẽ không quá ngạc nhiên khi các công nhân thường tỏ ra hoài nghi trước những lập luận về sự bù đắp.
Karl Marx (1818 – 1883) phân tích: sẽ không tồn tại quá trình bù trừ như vậy, kể cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Câu chuyện mà ông kể, vì thế sẽ không chứa cái kết có hậu cho tầng lớp lao động. Marx tin rằng cạnh tranh sẽ buộc các công ty tư nhân phải đầu tư càng nhiều lợi nhuận để tiết kiệm lao động càng tốt – nghĩa là cho máy móc nhằm cắt giảm chi phí. Nhưng cơ giới hóa tăng cường sẽ không làm lợi cho tất cả các nhà tư bản cùng thuộc một giai cấp (theo cách phân loại của Marx). Thật vậy, những người đi đầu sẽ tận hưởng lợi thế tạm thời bằng cách “chạy đua cắt giảm các đường cong chi phí trung bình” - như Joseph Schumpeter (1883 – 1950) chỉ ra trong cuốn History of Economic Analysis (Lịch sử Phân tích Kinh tế), và tiêu diệt các công ty yếu thế hơn trong quá trình này. Nhưng cạnh tranh, sau đó sẽ khiến công nghệ mới lan tỏa, và nhanh chóng tước đi những “siêu lợi nhuận tạm thời”.
Để khôi phục tỷ suất lợi nhuận, như lập luận của Marx, nhà tư bản sẽ phải tìm đến một đội quân dự bị đông đảo của những người thất nghiệp. Vì thế ông viết, cơ giới hóa đã ném người lao động ra đường. Đối với Marx, thất nghiệp về bản chất là do những biến đổi kỹ thuật. Và mặc dù đội quân dự bị thường được tạm thời hấp thụ vào lực lượng lao động trong thời thịnh vượng, song sự tồn tại liên tục của nó sẽ dẫn tới tình trạng bần cùng hóa (pauperization) leo thang trong dài hạn. Do đó, đối với Marx, một chuỗi sự kiện trong dài hạn mà ông tiên đoán sẽ hoàn toàn ngược với các quan điểm chính thống: cơ giới hóa tạo ra sự thịnh vượng trong một thời gian ngắn, nhưng phải trả giá bằng sự tàn tạ dài lâu.
Từ lâu, các tác động mang tính phân bổ (distributional effect) của thay đổi công nghệ đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trong giới. Nhà kinh tế John Hicks (Nobel 1972), trong cuốn The Theory of Wages (Lý thuyết tiền lương) xuất bản năm 1932, đã phát triển ý tưởng về sự đổi mới cảm sinh (induced innovation). Ông lập luận, tiền lương cao hơn sẽ đe dọa tỷ suất lợi nhuận, do đó thúc đẩy các doanh nghiệp tìm cách tiết kiệm lao động bởi yếu tố sản xuất này hiện tương đối đắt đỏ. Vì thế, tự động hóa nền kinh tế không đơn thuần chỉ là kết quả của sự tăng cường sức mạnh tính toán – theo cách giống như định luật Moore (nhà đồng sáng lập Intel), mà sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những thay đổi trong chi phí lao động và vốn tương đối.
Những lập luận kiểu như trên quả là phức tạp về mặt kỹ thuật. Nhưng các lý thuyết kinh tế rõ ràng đã không thể lý giải hết được những ảnh hưởng lâu dài do tiến bộ công nghệ gây ra đối với việc làm. Kết luận phù hợp nhất mà chúng ta có thể rút ra, đó là tác động sẽ tùy thuộc vào sự cân bằng giữa đổi mới “sản phẩm” với “đổi mới quy trình”, và bởi các yếu tố như trạng thái cầu, mức độ cạnh tranh trên thị trường, và sự cân bằng về quyền lực giữa vốn với lao động. Và đó cũng là tất cả những khía cạnh quan trọng mà chính phủ có thể can thiệp. Cho dù tự động hóa theo truyền thống thường mang lại lợi ích lâu dài, nhưng các nhà hoạch định chính sách không bao giờ được bỏ qua những tác động đứt gãy ngắn hạn mà nó gây ra cho người lao động. Bởi những biến cố kinh hoàng trong lịch sử (như cuộc Đại suy thoái 1929 – 1932) thường xảy ra do khủng hoảng ngắn hạn.
Robert Skidelsky (*)
(*) Tác giả Robert Skidelsky là Nghị sĩ tại Thượng viện Anh Quốc (British House of Lords, tức Viện Quý tộc), Giáo sư danh dự (Professor Emeritus, thường phong tặng những người xuất sắc khi về hưu) ngành Kinh tế chính trị tại Đại học Warwick.