Đã có hệ thống dữ liệu cơ bản ban đầu nhưng để hai dự án tiên phong của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa phát triển và dữ liệu ngày một dày hơn thì cần được cộng đồng sử dụng và đóng góp thông tin.

Những nền tảng đầu tiên

“Bản đồ số của tỉnh Phú Yên giờ đây đi đến từng ngõ, từng ngách của thành phố và các địa bàn lân cận nên tra cứu thông tin rất thuận lợi, mà trước tiên là cho du lịch. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tích hợp thêm các nội dung khác như góp ý trực tuyến, để tạo điều kiện người dân có thể nêu những vấn đề bức xúc trong xã hội với chính quyền địa phương, ví dụ như chụp ảnh ô nhiễm môi trường để ngay lập tức chính quyền phải xử lý”.

Đó là những gì mà tỉnh Phú Yên đang làm để hiện thực hóa việc thu thập dữ liệu cho bản đồ số Vmap như lời kể của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương trong buổi “Lễ ra mắt nền tảng Bản đồ số - Vmap và Hệ thống thông tin nhân đạo - iNhandao”, trong khuôn khổ Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá” tổ chức ngày 1/10, là việc làm có ý nghĩa thiết thực. Bởi tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh rất đẹp “nhưng chưa xuất hiện nhiều trên các bản đồ kinh tế, du lịch” nên còn ít người biết đến. Nên chỉ trong vòng hai tuần sau khi khởi động việc thu thập dữ liệu và hướng dẫn cho hệ thống bưu điện, Đoàn thanh niên tỉnh, đã có kết quả lên tới hơn 218.000 đầu dữ liệu.


Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Lãnh đạo các Bộ Thông tin truyền thông, Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam... tại buổi Lễ ra mắtnền tảng Bản đồ số - Vmap và Hệ thống thông tin nhân đạo - iNhandao. Ảnh: Hoàng Nam.

Sau hơn một năm triển khai dưới sự chủ trì của Bưu điện Việt Nam, hiện Bản đồ số Việt Nam - Vmap có khoảng 23,4 triệu dữ liệu địa chỉ trên cả nước (trước mắt chủ yếu do 120.000 tình nguyện viên là nhân viên hệ thống Bưu điện Việt Nam và Đoàn viên thanh niên trên cả nước đã tới từng khu phố, thôn bản để thu thập thông tin). Đặc biệt, bên cạnh các tính năng cơ bản như tìm kiếm địa chỉ, chỉ đường, Vmap sẽ còn hiển thị địa chỉ chi tiết tới từng số nhà, ở cả thành thị cho tới miền núi, vùng sâu, vùng xa - mà các bản đồ trực tuyến trước đây thường không bao phủ tới và hiển thị lớp bản đồ riêng của các lĩnh vực trong cuộc sống.

Đối với iNhandao, đặt mục tiêu thu thập, đồng bộ dữ liệu địa chỉ nhân đạo do Hội chữa thập đỏ Việt Nam quản lý, khảo sát; xây dựng ứng dụng kết nối, điều phối trợ giúp nhân đạo, trong giai đoạn I đã xử lý số liệu và cập nhật 17.000 địa chỉ (trong tổng số gần 60.000 địa chỉ nhân đạo mà Hội chữ thập đỏ, đơn vị làm đầu mối chủ trì iNhandao khảo sát, thu thập). Ưu điểm của iNhandao là có hệ thống thông tin mở, chi tiết về từng trường hợp cần hỗ trợ, từ đó liên kết các tổ chức, cá nhân tham gia trong lĩnh vực trợ giúp nhân đạo; hỗ trợ cộng đồng thực hiện hoạt động từ thiện, nhân đạo đúng người, đúng nhu cầu. Ngoài ra, sự minh bạch, công khai rõ ràng của hệ thống thông tin, mà ai cũng có thể tra cứu và kiểm chứng (chẳng hạn tình trạng đã có người khác hỗ trợ hay chưa, hỗ trợ ở mức độ nào), được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế các mặt tiêu cực trong hoạt động trợ giúp nhân đạo.



Phó thủ tướng Vũ Đức Đamchia sẻ rằng ông “rất vui vì hạt mầm, hạt giống chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng, cổ vũ sáng tạo mà Ban đề án Hệ tri thức Việt số hóa tâm huyết gieo cách đây hơn một năm đã bắt đầu nảy mầmnhưng cần tiếp tục chăm bón trong một quá trình dài để đơm hoa kết trái”.Ảnh: Hoàng Nam

Nguồn dữ liệu này nhận được sự chú ý của giới thương mại điện tử Việt Nam, bởi vì lâu nay “lĩnh vực kinh doanh trực tuyến phát triển mạnh”, mà “càng trực tuyến bao nhiêu thì càng gắn với bản đồ bấy nhiêu. Hiện nay không ai là không gắn với bản đồ cả, từ gọi xe tới gọi đồ ăn”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận định. Những doanh nghiệp thương mại điện tử lớn đang hướng tới mở rộng thị trường sang khu vực nông thôn miền núi như Công ty cổ phần công nghệ Sendo cho biết rất mong chờ tích hợp thông tin từ Vmap. “Trong 5 năm tới, dự kiến có thêm 10 triệu người mua hàng, có thêm 100 ngàn doanh nghiệp tham gia vào thương mại điện tử, và khách hàng sẽ đến từ đô thị loại 2 3. Trong khi đó, các nền tảng [bản đồ trực tuyến] quốc tế thì chưa phủ tới các vùng này, nên sendo rất hào hứng để tích hợp Vmap vì muốn có nền tảng dữ liệu để thúc đẩy thương mại điện tử tới các vùng xa nhất của cả nước”, ông Trần Đại Linh, tổng giám đốc Sendo nói.

Tương tự, iNhandao nhận được sự quan tâm của cả các tổ chức điều phối hoạt động nhân đạo và các nhà hảo tâm. Ông Bùi Văn Huấn, Chủ tịch hội chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ kỳ vọng công cụ này sẽ giúp kết nối các nhà tài trợ dễ dàng, thuận lợi hơn. “Chúng tôi thấy ở đây có thông tin địa chỉ tin cậy, chính xác. Mặc dù thông tin các địa chỉ trong iNhandao chưa nhiều, còn đơn giản, nhưng rất quan trọng, vì đó là thông tin ở các địa chỉ ở các vùng cực kỳ khó khăn, đặc biệt là vùng núi cao mà trước đây còn chưa được nhiều người biết tới”, ông nói. Hiện nay, Hội chữ Thập đỏ tỉnh Phú Thọ cũng đang khảo sát, có dữ liệu trên 1500 địa chỉ cần hỗ trợ và cũng đã cập nhật gần 600 địa chỉ trên inhandao. Tại buổi ra mắt, ban tổ chức cho biết iNhandao đã kết nối trên 100 cá nhân và nhà tài trợ, một số nhà tài trợ đã tìm kiếm thông tin rất nhanh chóng trên hệ thống iNhandao và quyết định hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn ngay.

Khởi đầu quá trình mở

Tuy nhiên, đây là các nền tảng được xây dựng trên nguyên tắc vận hành là xây dựng dữ liệu mở, phục vụ lợi ích chung cho cả cộng đồng, do cộng đồng đóng góp, và toàn bộ dữ liệu hệ thống đang có mới chỉ là cơ sở đầu tiên, vấn đề quan trọng nhất tiếp theo vẫn là thu hút người dùng. Mà như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, rằng ông “rất vui vì hạt mầm, hạt giống chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng, cổ vũ sáng tạo mà Ban đề án Hệ tri thức Việt số hóa tâm huyết gieo cách đây hơn một năm đã bắt đầu nảy mầm. Nảy mầm nhiều thứ, nhưng có hai thứ nhô lên rõ nhất là Vmap và iNhandao” nhưng “cần tiếp tục chăm bón trong một quá trình dài để đơm hoa kết trái”.


Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết các nguồn dữ liệu như Vmap, iNhandao rất phù hợp trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển bùng nổ. Ảnh: Hoàng Nam.

Ý thức rất rõ điều này, ông Phạm Đại Dương cho biết Phú Yên sẽ tiếp tục tham gia hơn nữa vào Đề án này, với các chương trình dữ liệu khác về y tế, giáo dục, văn hóa và nhận định rằng, hai dự án này nói riêng và Đề án Hệ tri thức Việt số hóa “sẽ không bao giờ kết thúc”. Bởi vì đây là nền tảng mở, tỉnh nào, cá nhân nào cũng có thể tham gia sử dụng dữ liệu và ngược lại là đóng góp dữ liệu.

Về phía các doanh nghiệp, hào hứng tham gia với niềm hi vọng sử dụng và tạo ra một nền tảng dữ liệu mở riêng của người Việt, nhưng vấn đề mà họ lưu ý vẫn là tính cạnh tranh và hữu dụng của nền tảng này. Mặc dù kỳ vọng và kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến sẽ dùng Vmap để vừa sử dụng nền tảng này, vừa đóng góp thêm dữ liệu vào đây nhưng ông Nguyễn Thanh Hưng cũng lưu ý: “Cho đến nay chưa có Vmap thì các doanh nghiệp thương mại điện tử vẫn kinh doanh dựa trên hệ thống định vị khác, nhiều sản phẩm xuất sắc và miễn phí. Chúng tôi coi đây là cuộc cạnh tranh của sản phẩm mới - bản đồ của người Việt, nhưng nên nhớ rằng cuộc chơi không chỉ chúng ta. Bản đồ, định vị vị trí là một nhu cầu kinh doanh mà nhiều bên sẵn sàng cung cấp”. Mà để “cạnh tranh, đối đầu được với nhiều sản phẩm tốt xuyên biên giới” như vậy, nếu “công nghệ không tốt thì không thành công”. Do đó, trước mắt theo ông, nền tảng này phải được tối ưu cho người dùng di động, vì 80% các giao dịch thương mại điện tử hiện nay thông qua di động. Cùng quan điểm đó, ông Trần Đại Linh cho biết, mặc dù các doanh nghiệp Việt sẵn sàng ủng hộ và dùng nền tảng thuần Việt, nhưng họ phải được hưởng lợi, nên các hệ thống này cần “tích hợp đầy đủ thông tin”, “hiểu biết thói quen hành vi của người Việt, để làm sao cho cung cấp thông người dân sử dụng hiệu quả”.