Belarus có nhiều lợi thế về công nghệ với nền tảng vững chắc từ thời Xô viết và Việt Nam đang cần những công nghệ mới để thúc đẩy quá trình dịch chuyển từ sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có và nhân công giá rẻ sang đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc trao đổi với Phó chủ nhiệm Ủy ban KH&CN Belarus Sergei Sergeievich Sherbakov (ngoài cùng bên trái) và các nhà nghiên cứu trường Đại học Tổng hợp Belarus, trường Đại học Công nghệ thông tin và vô tuyến điện Belarus.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc trao đổi với Phó chủ nhiệm Ủy ban KH&CN Belarus Sergei Sergeievich Sherbakov (ngoài cùng bên trái) và các nhà nghiên cứu trường Đại học Tổng hợp Belarus, trường Đại học Công nghệ thông tin và vô tuyến điện Belarus.

Tuy nhiên, việc hợp tác giữa hai quốc gia vẫn còn gặp nhiều khó khăn do những nút thắt về cơ chế tài chính, thông tin và cả sự sẵn sàng của người trong cuộc…

Phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban hợp tác KH&KT Việt Nam và Belarus diễn ra ngày 25/9/2019 tại Hà Nội trong bối cảnh những mối quan hệ hợp tác về nhiều mặt như văn hóa, giáo dục, kinh tế… giữa hai quốc gia được đẩy mạnh, trong đó đáng chú ý là việc khánh thành nhà máy sản xuất-lắp ráp ôtô Maz Asia, liên doanh của công ty cổ phần Công nghiệp Âu Việt (Việt Nam) và công ty cổ phần mở Nhà máy sản xuất ô tô Minsk thuộc Tập đoàn BELAUTOMAZ (Belarus). Do đó, cả Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc và Phó chủ nhiệm Ủy ban KH&CN Belarus Sergei Sergeievich Sherbakov đều mong muốn thắt chặt hơn những hợp tác trong những lĩnh vực mà cả hai quốc gia cùng quan tâm. Để đạt được điều này, cả hai cơ quan đại diện về KH&CN ở hai quốc gia phải là “những cây cầu kết nối các doanh nghiệp, các trường, viện nghiên cứu, đặc biệt là khối doanh nghiệp, để hai bên có thể gặp nhau và mở rộng hợp tác”, theo nhận định của Thứ trưởng Phạm Công Tạc.

Nhiều cơ hội mở rộng hợp tác KH&CN

Trong ký ức của người Việt Nam vào những năm 1980 - 1990, những chiếc ô tô tải có trọng tải lớn ở các khu khai thác mỏ vẫn được gọi là xe “Ben” hay những chiếc xe máy “cào cào” tay côn “Min khơ” có khả năng đi trên mọi địa hình, đặc biệt đường đèo núi, đã trở thành quen thuộc. Không nhiều người biết đó là sản phẩm của các thương hiệu BelAZ, MMVZ từ Belarus, quốc gia được Liên bang Xô viết đầu tư như một trung tâm công nghệ lớn của liên bang. Cuộc thảo luận về tình hình hợp tác KH&KT giữa Việt Nam và Belarus đã được mở đầu bằng câu chuyện mà Thứ trưởng Phạm Công Tạc gợi lại về thời ‘’ngành công nghiệp dùng xe BelAZ, MAZ, dân chúng biết xe Minsk”.

Những đứt đoạn về quan hệ hợp tác thời gian sau đó khiến người Việt Nam không biết nhiều về Belarus, quốc gia tách ra khỏi Liên Xô và tuyên bố độc lập vào năm 1991. Trong quá trình chuyển đổi, Belarus là một trong số ít quốc gia đã thoát khỏi cảnh trì trệ nhờ nền tảng KH&CN và việc hình thành tinh thần đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. Thế mạnh công nghệ của Belarus là “công nghệ thông tin và truyền thông vì chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào điện tử, vi điện tử, phần mềm - trong đó có cả AI - y học, chế tạo máy…, và gặt hái được một số thành công, ví dụ xuất khẩu dịch vụ hàng hóa công nghệ thông tin đứng thứ 18 thế giới, xe của BelAZ chiếm 30% thị phần thế giới, gần đây hãng còn cho ra mắt cả xe không người lái”, lời giới thiệu ngắn gọn của ông Sherbakov đã phác ra những điểm nhấn về công nghệ của Belarus.

Sự phát triển công nghệ của Belarus và nhu cầu về công nghệ mới của Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong bối cảnh mới, đặc biệt phía Việt Nam khi “chúng tôi đã có những điều kiện nhất định về kinh phí chứ không phải quá khó khăn như nhiều năm trước đây, khi chúng ta bắt đầu kỳ hiệp định hợp tác về KH&KT vào năm 1995”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết.

Phó chủ tịch thường trực Viện Hàn lâm KH&CN Belarus Sergey Antonovich Chizhik (thứ ba từ trái sang) làm việc với các nhà nghiên cứu Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam năm 2016. Nguồn: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
Phó chủ tịch thường trực Viện Hàn lâm KH&CN Belarus Sergey Antonovich Chizhik (thứ ba từ trái sang) làm việc với các nhà nghiên cứu Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam năm 2016. Nguồn: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Thông thường, việc xác định những hướng hợp tác KH&CN giữa hai quốc gia thường được dựa trên những yếu tố như điểm mạnh, điểm yếu và định hướng phát triển trong tương lai. Các hướng hợp tác giữa Việt Nam và Balarus cũng được xây dựng trên cách làm đó. Từng làm nghiên cứu trước khi chuyển sang công tác quản lý, ông Sherbakov, giáo sư Khoa Cơ học lý thuyết và ứng dụng (trường Đại học Tổng hợp Belarus) và chuyên gia về những vấn đề ma sát trong tương tác của hệ nhiều vật có nhiều đóng góp vào Tribo-Fatigue – một nhánh của cơ học hiện đại do các nhà nghiên cứu Belarus, Nga và Ukraine phát triển, đã nêu một số lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên mà Belarus và Việt Nam có thể triển khai như công nghệ nano, vật liệu mới, công nghệ sinh học cũng như một số công nghệ khác hứa hẹn đem lại nhiều kết quả, không chỉ là những công trình nghiên cứu cơ bản mà còn có khả năng tạo ra được sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đây cũng là cách để đem lại ý nghĩa sâu sắc hơn cho mối quan hệ đã có trong nhiều năm qua giữa Belarus và Việt Nam.

Những hướng nghiên cứu mà Belarus đề xuất cũng thuộc về những lĩnh vực Việt Nam quan tâm thúc đẩy qua nhiều chương trình quốc gia, từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng. Việc triển khai hợp tác với một quốc gia như Belarus cũng tạo điều kiện để Việt Nam có thể tiếp nhận được nhiều sản phẩm công nghệ tốt, đặc biệt về cơ khí – chế tạo máy, lĩnh vực thế mạnh của họ, theo PGS. TS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).

Một thành viên khác của đoàn Belarus, Phó chủ tịch thường trực Viện Hàn lâm KH&CN Belarus Sergey Antonovich Chizhik, một chuyên gia về vật liệu nano, nano y sinh và là tác giả của 7 sáng chế, cho rằng, với sự phát triển hiện nay của khoa học Việt Nam và Belarus thì cơ hội hợp tác giữa hai quốc gia ngày càng lớn, ngay cả những “gạch đầu dòng” như công nghệ nano, công nghệ sinh học cũng có thể mở ra nhiều nhánh phát triển mới đa dạng và phong phú hơn trước. “Trong thời gian gần đây, chúng ta quan tâm đặc biệt đến công nghệ sinh học và ứng dụng của nó trong nông nghiệp. Qua buổi làm việc với một đoàn các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tại Minsk vào hai tuần trước, chúng tôi biết rằng Việt Nam rất cần nhiều công nghệ mới trong nông nghiệp trong khi chúng tôi có sẵn nhiều sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực này. Chúng tôi có thể cung cấp sản phẩm đó hoặc nếu cần thì có thể chuyển giao công nghệ để có thể sản xuất ngay tại Việt Nam”, ông gợi ý.

Vẫn còn nhiều điểm nghẽn

Hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Belarus tưởng chừng như suôn sẻ với nhiều lợi thế, những yếu tố mà cả trong và bên lề phiên họp đều nhắc đến với tần suất khá dày: sự tương đồng về hệ thống quản lý khoa học khi đều dựa trên “khuôn mẫu” viện hàn lâm kiểu Xô viết; trải nghiệm giống nhau trong phát triển một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, “chúng tôi cũng chuyển từ việc ‘làm thuê’ outsourcing phần mềm cho Mỹ và một số quốc gia khác trước khi tạo ra được sản phẩm của riêng mình”, ông Sherbakov chia sẻ; hiểu biết nhau trong quá khứ, đặc biệt “chúng tôi biết có nhiều vị lãnh đạo các viện, trường, bộ, ngành ở Việt Nam từng học ở Belarus trước đây”, viện sỹ Sergey Antonovich Chizhik nêu.

Những mối quen biết ấy đã mở ra mối quan hệ hợp tác khá sâu giữa hai Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Belarus, dẫn đến việc thành lập hai phòng thí nghiệm chung đặt tại Viện Vật lý và Viện Hóa (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) từ năm 2016, hứa hẹn trở thành đầu mối quan trọng cho các nhà khoa học hai nước, đặc biệt về laser và sinh học.

Tuy nhiên, không phải tất cả những thuận lợi cơ bản ấy đều thành lực hút đưa các nhà khoa học, doanh nghiệp hai nước đến gần nhau hơn. Ông Sherbakov đã không ngần ngại đưa ra băn khoăn về thực tại này ngay tại đầu phiên họp, “mới có 25% các dự án ở các cấp khác nhau được triển khai và có nhiều tiềm năng mà chúng ta chưa thể khai thác hết. Gần đây, chúng ta đã kêu gọi các cá nhân và tổ chức tham gia thực hiện các nghiên cứu chung nhưng cuối cùng chỉ có một dự án sẽ được thực hiện, dù chúng tôi đã lựa chọn một số dự án do cả Việt Nam lẫn Belarus đề xuất để có thể tìm được đối tác phù hợp”.

Trong báo cáo nêu tình hình hợp tác, ông Phùng Bảo Thạch, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN) đã cùng đề cập đến thực trạng này: hai nước chưa có nhiều hoạt động trao đổi đoàn hay tham dự các sự kiện khoa học tổ chức ở hai nước, chủ yếu các hoạt động này mới chỉ diễn ra tại hai viện hàn lâm của hai nước; chưa tổ chức được triển lãm nào để có thể giới thiệu công nghệ, sản phẩm nghiên cứu; về tiến hành các nhiệm vụ tiềm năng có tính ưu tiên cao thì mới có một là xác định được đối tác cả hai bên.

Câu chuyện hợp tác trong nghiên cứu cơ bản giữa hai viện hàn lâm KH&CN cũng chưa thoát khỏi tình trạng đó. Trao đổi bên lề phiên họp, TS Lê Quỳnh Liên nói, dù mỗi năm có tối đa 8 nhiệm vụ nghiên cứu nhưng cũng đều ở mức khiêm tốn, tối đa 200 triệu trong vòng hai năm, chỉ đủ để các nhà nghiên cứu hai bên thực hiện được những vấn đề ở quy mô nhỏ và mang tính chất “thăm dò” là chính. Tuy nhiên, chị cho rằng, các nhà khoa học đã nỗ lực để “mỗi nhiệm vụ đều cố gắng có một công bố ISI”.

Thực trạng này đặt ra một câu hỏi lớn: vì sao mối quan hệ hợp tác giữa hai nước chưa được như mong muốn? Là một người theo sát chương trình, ông Phùng Bảo Thạch đã tổng kết một số nguyên nhân, chủ yếu là “cơ chế tài chính của hai bên có khác nhau nên việc đối ứng của Belarus dành cho các nhiệm vụ hợp tác với các đối tác nước ngoài còn khiêm tốn. Vì vậy khi hình thành các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung dưới dạng nghị định thư thì đối tác Belarus phải tìm kiếm thêm các nguồn lực ở bên ngoài để phù hợp với quy định và thống nhất với đề xuất từ Việt Nam”. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến một nguyên nhân khác là thiếu sự quan tâm của các tổ chức nghiên cứu và các nhà khoa học hai nước do thông tin về các chương trình hợp tác nghiên cứu chung chưa được phổ biến rộng rãi.

Giải pháp trong tầm tay

Những nút thắt trong hợp tác khiến nhiều hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Belarus mới chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng. Tuy nhiên là người có tư duy tích cực, luôn nhìn thấy điểm sáng và giải pháp từ những tồn tại, viện sỹ Chizhik cho rằng, “dù hai nước không có nhiều dự án, và 18 dự án triển khai đều là khoa học cơ bản và ít kinh phí tài trợ nhưng đây là bước tiến ban đầu để các nhà khoa học có thể gặp nhau”.

Cái nhìn tích cực của ông đã tác động tới những người tham dự khóa họp. Ông Sherbakov cũng đánh giá “điều quan trọng nhất chúng ta thấy là cần phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa, chỗ nào có thể kết hợp thì xúc tiến để có thể tạo ra những dự án đổi mới sáng tạo cùng thực hiện ở cả hai quốc gia. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe để có thể bổ sung nhiều đề xuất, có thêm nhiều dự án hơn nữa”. Không chỉ ông Sherbakov mà các thành viên của đoàn Belarus đều đề xuất giải pháp: thường xuyên trao đổi thông tin về tiềm năng phát triển, chính sách mới; gặp gỡ, trao đổi trực tiếp để có thể tạo điều kiện kết nối không chỉ các nhà khoa học mà còn cả doanh nghiệp cần công nghệ.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng đồng thuận với giải pháp đó, “chúng ta phải thường xuyên tổ chức hội thảo, trao đổi đoàn, sau đó tìm ra được mối quan tâm của nhau, những vấn đề mà Việt Nam và Belarus quan tâm. Trong vai trò quản lý nhà nước, Bộ KH&CN sẽ cùng với Ủy ban KH&CN Belarus sẽ cùng khớp nối với nhau để tìm ra những điểm chung, thúc đẩy hợp tác”.

Với góc nhìn của người trong cuộc, cả về quản lý lẫn nghiên cứu khoa học, ông Sherbakov hiểu những khó khăn của việc thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng thành sản phẩm ở quy mô thử nghiệm và thương mại. Do đó, ông đưa ra một cách để góp phần giải quyết vấn đề, “chúng tôi sẵn sàng cung cấp tài chính lên tới 30.000 USD cho mỗi nhiệm vụ hợp tác. Ngoài hỗ trợ nghiên cứu cơ bản và song phương, chúng tôi còn có thể hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, chuyển nó thành dự án đổi mới sáng tạo”. Cũng như Việt Nam, Belarus đang khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực xã hội nên “có quỹ ĐMST để hỗ trợ sản phẩm công nghệ, cung cấp tín dụng có ưu đãi để doanh nghiệp có thể vay vốn với thời gian ân hạn 3 năm, kinh phí khi đó có thể là vài triệu USD”, ông cho biết thêm.

Để có thể đi theo hướng này, viện sĩ Chizhik cho rằng, hai bên cần tìm hiểu sâu hơn về các điều kiện pháp lý của nhau, ví dụ muốn tìm hiểu Luật Chuyển giao công nghệ của Việt Nam để tìm điểm tương đồng với một luật tương tự mà Belarus cũng mới ban hành, qua đó tìm được “cơ chế hoặc một số nền tảng chung để hai bên có thể làm việc với nhau và thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ Belarus sang Việt Nam hoặc Việt Nam sang Belarus”. Theo quan điểm của ông, cốt lõi của vấn đề là “chúng ta có trách nhiệm phải tạo ra được cơ chế như vậy để có thể tạo ra những doanh nghiệp liên doanh của Việt Nam và Belarus”.

Theo ông Phùng Bảo Thạch, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN), dựa vào những thế mạnh của Belarus, trong giai đoạn tới, Bộ Công an đã đề xuất đến hợp tác về công nghệ thông tin, vật liệu mới như vật liệu ngăn chặn tác nhân phóng xạ, hóa học, sinh học, vật liệu chịu nhiệt chống cháy, vật liệu chống đạn, hệ thống phát hiện và áp chế thiết bị bay không người lái, hệ thống giám sát hình ảnh và âm thanh, hệ thống xử lý và đảm bảo an toàn thông tin, hệ thống giám định tài liệu, quét hộ chiếu; với Bộ TN&MT là mong muốn hợp tác về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài nguyên nước, quản lý vận hành, điều hành hồ chứa, đẩy mạnh hoàn lưu nước trong lưu vực sông; với Bộ NN&PTNT là các nghiên cứu về biến đổi khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp, rủi ro thiên tai, phục vụ phát triển mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng viễn thám trong giám sát tài nguyên môi trường; Bộ TT&TT là hợp tác về các công nghệ lõi của CMCN4.0 như blokchain, IoT, AI…

Trong giai đoạn hợp tác mới, Bộ KH&CN mong muốn đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ trẻ và các dự án khởi nghiệp sáng tạo.