Trong cuộc trò chuyện với báo KH&PT bên lề phiên họp Ủy ban hợp tác KH&KT Việt Nam – Belarus vào ngày 25/9/2019, TS. Lê Quỳnh Liên, Phó trưởng Ban hợp tác quốc tế (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho rằng, những nhà nghiên cứu Belarus có một điểm hết sức đáng quý, đó là tinh thần yêu khoa học và niềm tin vào giá trị của khoa học.
Nhiều năm qua, chính thứ tài sản quý báu ấy đã góp phần đem lại sức mạnh của Belarus và đưa đất nước này bất ngờ trở thành một tên tuổi mới về công nghệ, “sau một quãng thời gian dài, chúng tôi không thể hiện mình quá nhiều trên toàn cầu” như lời giới thiệu của ông Sergei Sergeievich Sherbakov, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN Belarus tại phiên họp. Những thế mạnh có từ kỷ nguyên Xô viết như “việc nuôi dưỡng văn hóa tôn trọng KHCN, kỹ thuật và toán học” như lời nhận xét trên Computerweekly của Mark Hillary, CEO Carnaby Content – một tổ chức quốc tế về tư vấn và phân tích về công nghệ thông tin, đã được phát huy bằng những chính sách đầu tư cho khoa học với một cách tiếp cận khác trước đây, ví dụ như coi trọng hợp tác với doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, mở rộng hợp tác quốc tế. Nhờ vậy, KH&CN đã trở thành một trong những động lực quan trọng đưa “Belarus lên hàng 86 thế giới về GDP vào năm 2016 và hai năm nay là 72 thế giới”, theo ông Sherbakov.
Nền tảng của các chính sách thúc đẩy KH&CN của Belarus đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy khả năng của mình, đặc biệt là các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm KH&CN Belarus và trường Đại học Tổng hợp Belarus – những đơn vị nghiên cứu KH&CN hàng đầu quốc gia này, để đưa họ trở thành “đầu tàu” trong việc đem lại các công trình nghiên cứu mới và tạo ra các công nghệ mới. Trong phiên họp với Bộ KH&CN Việt Nam, giáo sư Vasily Grigorjevich Safonov, hiệu phó phụ trách khoa học trường Đại học Belarus, cho biết, hơn 30% số bài báo hằng năm của trường thuộc danh mục Scopus, 36 chương trình đào tạo đại học và nhiều chương trình cao học được dạy bằng tiếng Anh, những dấu hiệu tích cực cho thấy Belarus đã bắt nhịp với nghiên cứu và đào tạo quốc tế.
Để tạo điều kiện thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu hiệu quả hơn, Chính phủ Belarus đã ban hành một nghị định về chuyển giao công nghệ vào năm 2017, “trên cơ sở tìm hiểu về những yêu cầu trên thực tế và tham khảo cả các chính sách từ các quốc gia Tây Âu và Mỹ”, ông Sherbakov nói, qua đó cho phép các nhà nghiên cứu được hưởng lợi từ các kết quả nghiên cứu mà họ phát triển, đồng thời cho phép các công ty cần công nghệ mới có thể tiếp cận họ một cách dễ dàng hơn, điều ít khi xảy ra ở Belarus trước đây. Chính điều này làm thay đổi cái nhìn của các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Belarus, từng chỉ quen nghiên cứu kiểu “kinh viện”.
Một trong những quyết định quan trọng trong vài năm trở lại đây của Chính phủ Belarus là việc thành lập công viên công nghệ Hi – Tech Park Belarus tại Minsk, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và quốc tế chuyên về phát triển các thiết bị phần cứng và phần mềm để đưa nơi này trở thành một Silicon Valley mới. Năm 2018, doanh thu từ khu công nghệ cao này là 1 tỷ USD. Nhưng tiềm năng của Hi – Tech Park còn rất lớn, nhiều công ty công nghệ trên thế giới như IBA Group, EPAM, Wargaming... cũng như một số công ty của Nga, Đức – những bạn hàng lớn của Belarus, cũng đặt vấn đề đặt trụ sở công ty ở đây để kết nối với các chuyên gia Belarus. Do đó, “năm 2018, chúng tôi đã tiếp tục ban hành một nghị định khác cho phép đơn giản hóa việc tiếp nhận chuyên gia nước ngoài và tăng các hướng phát triển, không chỉ về công nghệ thông tin mà còn mở rộng R&D, sản xuất sản phẩm trong những lĩnh vực liên quan như vật liệu mới, công nghệ sinh học”, ông Sherbakov nói. Kết quả là đến nay, thủ đô Minsk đã quy tụ 100.000 chuyên gia công nghệ thông tin và “khu công viên này đã tăng doanh thu lên 1,5 tỷ USD chỉ sau một năm áp dụng chính sách mới”, theo ông Sherbakov.
Không chỉ có những chính sách quy tụ nguồn lực quốc tế, Belarus bắt đầu cởi mở hơn trong hợp tác với nhiều quốc gia có những quan điểm chính trị khác nhau ở các châu lục. Hiện tại, khi gõ từ khóa “Belarus science and technology” trên Google, người ta có thể thấy trong chớp mắt, gần như một nửa các thông tin về chính sách phát triển KH&CN là thông tin về hợp tác KH&CN của Belarus với những quốc gia Xô viết cũƯ và Đông Âu như Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Armenia, Bulgaria mà còn cả những quốc gia khác như Đức, Ai Cập, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ… Mới đây nhất, Belarus còn khai trương một trung tâm hợp tác về công nghệ nano và vật liệu mới tại Hyderabad, Ấn Độ, hướng tới mục tiêu có được các nghiên cứu cơ bản cũng như các sản phẩm công nghệ. Theo giải thích của ông Sherbakov, việc áp dụng chính sách này là do “Chính phủ Belarus hết sức quan tâm đến phát triển khoa học nên rất cần hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm của họ”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đến ưu thế của những mối quan hệ cũ, “chúng tôi cần đến kinh nghiệm từ hợp tác với các quốc gia đã quan hệ từ rất lâu, trong đó có Việt Nam”.
Để hạn chế rủi ro trong quá trình đầu tư phát triển, Thủ tướng Alexander Lukasenko đã đã quyết định thành lập viện nghiên cứu chính sách KH&CN. Trong quá trình hoạt động của mình, viện nghiên cứu này sẽ mời các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu ở các viện và trường đại học trong nước cũng như mời một số thinktank, chuyên gia quốc tế để họ tư vấn xây dựng các chính sách đầu tư và phát triển về bảo mật thông tin, xu hướng công nghệ, xu hướng trong một số lĩnh vực khoa học… Đây cũng là một cách để Belarus củng cố nền kinh tế, mặt khác mở rộng mối quan hệ quốc tế.
Hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài, Belarus mới bắt tay với Woldbank để tập trung đầu tư 90 triệu euro vào phát triển giáo dục khoa học ở vùng sâu, vùng xa, trong đó 81 triệu sẽ đầu tư vào nâng cấp và hiện đại hóa chương trình giáo dục, cơ sở vật chất, mở các phòng thí nghiệm và một số trung tâm đổi mới sáng tạo về KH&CN. Dự kiến có khoảng 65.000 trẻ em ở ít nhất 220 trường học sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Belarus Igor Karpenko nói với Forbes, “dự án sẽ giúp trẻ em phát triển toàn diện, dù chúng sinh ra và lớn lên ở đâu. Mọi người đều nói, đây là khoản đầu tư tốt nhất vào tương lai của đất nước”. |