Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư tài chính cho điện than lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Được mệnh danh là "kẻ phản diện khí hậu", Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư tài chính cho điện than lớn thứ ba thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản) và đang để vụt mất cơ hội chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng Hàn Quốc quảng bá về phát triển xanh, nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục đổ tiền cho các dự án điện than.

Các tổ chức tài chính Hàn Quốc đã tài trợ 50 tỷ USD cho các dự án và các khoản đầu tư điện than trong thập kỷ qua, theo báo cáo “Các khoản đầu tư vào than của các tổ chức tài chính Hàn Quốc” do tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) công bố hôm 21/10.

Báo cáo này là bản phân tích toàn diện nhất hiện nay về các hoạt động cho vay của 162 thể chế tài chính công và tư; và do Văn phòng Seoul của Greenpeace, Diễn đàn Đầu tư Bền vững Hàn Quốc cùng Hạ nghị sĩ Wonyoung Yangyi của Đảng Dân chủ cầm quyền công bố.


Theo báo, tổng đầu tư của Hàn Quốc vào điện than trong 12 năm qua là 50 tỷ USD. Trong đó, khu vực tư nhân chiếm 63%, khoảng 31,5 tỷ USD, và phần lớn được đầu tư vào các dự án trong nước. Đầu tư công chiếm gần 37%, gần 20 tỷ USD, còn các tổ chức công tài trợ cho 92% các dự án đầu tư điện than ở nước ngoài của Hàn Quốc.

Xét về quy mô tài trợ cho điện than, Quỹ Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc, quỹ quản lý tài sản lớn thứ ba thế giới, là tổ chức công đầu tư điện than nhiều nhất, với khoảng 9 tỷ USD đầu tư chủ yếu thông qua việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Tiếp theo là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và Tổng công ty Bảo hiểm Thương mại Hàn Quốc đã hỗ trợ các dự án điện than ở nước ngoài lần lượt là 4 tỷ USD và 3,9 tỷ USD.

Trong khu vực tư nhân, hai chi nhánh bảo hiểm của Tập đoàn Samsung, Samsung Fire & Marine và Samsung Life, là hai nhà đầu tư lớn nhất, cung cấp tổng cộng khoảng 12,6 tỷ USD cho các dự án điện than.

Tổ chức tài chính tư nhân lớn thứ ba là KB Insurance với khoản đầu tư 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, gần đây của tập đoàn tài chính này đã tuyên bố rút khỏi lĩnh vực than.

Tiếp tục cơn "nghiện điện than"

"Vấn đề đáng ngại hơn ở đây là tình trạng nghiện than của các nhà đầu tư tài chính công," Yeonho Yang, nhà vận động của tổ chức Hòa bình Xanh, cho biết. "Họ không chỉ coi nhẹ các rủi ro về khí hậu và tài chính liên quan đến hoạt động đầu tư cho điện than mà còn cho phép các tổ chức tài chính tư nhân làm điều tương tự. Kết quả là, tất cả các tổ chức đang đi ngược lại xu hướng của các đồng nghiệp toàn cầu". Theo Yang, các tổ chức tư nhân thường có xu hướng theo chân các đơn vị tài chính công trong hoạt động đầu tư cho các dự án ở nước ngoài.

Bất chấp xu hướng toàn cầu, tập đoàn điện lực quốc gia Hàn Quốc KEPCO vẫn phê duyệt các dự án điện than ở nước ngoài, bao gồm các dự án ở Indonesia và Việt Nam, trong vài tháng qua. Nếu các dự án này được đưa thêm vào báo cáo nêu trên, tổng số tiền đầu tư cho điện than của Hàn Quốc sẽ tăng lên 52,5 tỷ USD.

Thực tế này cũng hoàn toàn trái ngược với nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in đối với Thỏa thuận Xanh mới của Hàn Quốc, công bố ngày 14/7 năm nay, nhằm hướng tới một "xã hội không phát thải ròng". Điều này châm ngòi cho những lời chỉ trích rằng Hàn Quốc rất thích quảng bá về phát triển xanh, nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục đổ tiền cho các dự án điện than.

"Ngày càng nhiều quốc gia đang trong quá trình thiết lập lộ trình thoát khỏi than đá và tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính bằng cách phản ánh các rủi ro liên quan đến khí hậu. Ngược lại, chính phủ Hàn Quốc đã đi chệch khỏi xu hướng chủ đạo đó bằng cách xây dựng thêm bảy nhà máy điện than mới trong nước và tài trợ cho các dự án ở nước ngoài bao gồm các dự án ở Indonesia và Việt Nam", Yang Chun Seung, Giám đốc điều hành KOSIF, cho biết.

"Về cơ bản, báo cáo cho thấy [Hàn Quốc] đang tụt hậu đến đâu trong quá trình chuyển đổi toàn cầu từ than sang năng lượng tái tạo," Hạ nghị sĩ Wonyoung Yangyi của Đảng Dân chủ cầm quyền, phát biểu. "Khi thế giới đang hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đất nước này cần nhanh chóng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và chấm dứt đầu tư vào điện than."

Nguồn:

Media Climate Net, Greenpeace