Việc đưa ra các cơ chế giá cụ thể là yếu tố quan trọng để các dự án nhà máy điện rác đang được triển khai ở Việt Nam hiện nay có thể hoạt động hiệu quả và bền vững.

Khu xử lý rác bên trong nhà máy điện rác Cần Thơ. Đây là một trong số ít các nhà máy điện rác đã đi vào hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Nguồn: tienphong
Khu xử lý rác bên trong nhà máy điện rác Cần Thơ. Đây là một trong số ít các nhà máy điện rác đã đi vào hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Nguồn: tienphong

Tiềm năng điện rác ở Việt Nam

Năm 2014, hàng trăm người dân ở gần khu vực bãi rác quận Ô Môn (TP Cần Thơ) - một trong những bãi rác lớn nhất ở Cần Thơ, đã chặn xe chở rác vì bãi rác bốc mùi gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trước áp lực rác thải, TP Cần Thơ đã xây dựng một nhà máy đốt rác phát điện. Kể từ khi đi vào hoạt động cuối năm 2018, nhà máy đã xử lý 400-430 tấn rác/ngày (khoảng 70% lượng rác thải hàng ngày của Cần Thơ), đồng thời tạo ra hơn 170 000 kWh điện/ngày. Phản ứng của người dân đã dịu đi. “Gần như chúng tôi không thấy xả khói, cũng không thấy mùi hôi, nước từ nhà máy điện rác Cần Thơ chảy ra thì trong vắt như nước mưa. Người dân tuy sống cách nhà máy hơn 500m nhưng không lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe”- ông Lê Văn Việt, một người dân sống gần khu vực nhà máy, hào hứng trả lời trên báo Tài nguyên & Môi trường năm 2019.

Nhà máy điện rác như Cần Thơ được coi là “ngôi sao đang lên” trong số các biện pháp xử lý rác thải ở Việt Nam hiện nay nhờ ưu điểm vừa không tốn diện tích chôn lấp, vừa tạo ra năng lượng. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới, ví dụ theo thống kê của công ty điện lực iSwitch của Singapore thì ở “quốc gia sạch nhất thế giới” này, khoảng 41% rác thải nước này được xử lý tại các nhà máy điện rác, cung cấp 3% nhu cầu điện năng cho Singapore.

Rõ ràng, sự hiện diện của các nhà máy đốt rác phát điện sẽ giúp Việt Nam giải quyết xử lý khá triệt để chất thải sinh hoạt mà không phải tốn diện tích chôn lấp như cách hiện nay vẫn áp dụng. Chất thải sinh hoạt, đặc biệt ở khu vực đô thị, là vấn đề đau đầu hiện nay của Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ TN&MT, hiện nay, chỉ có khoảng 16% chất thải sinh hoạt được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost, 13% được xử lý bằng phương pháp đốt, đốt kết hợp với thu hồi năng lượng, số còn lại chủ yếu vẫn là chôn lấp.

Do đó, dù hiệu suất chuyển đổi năng lượng từ rác thải sang điện năng của các công nghệ đốt rác phát hiện trên thế giới mới đạt khoảng 20-25%, sản lượng điện từ rác không nhiều nhưng ưu điểm lớn nhất của công nghệ này là tính ổn định cao, không giống các dạng năng lượng tái tạo khác như điện gió hay điện mặt trời phải có nắng, có gió mới có thể hoạt động, đồng thời giúp giải quyết vấn đề môi trường nên vẫn có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là lý do giải thích vì sao trong những năm gần đây, hàng loạt nhà máy điện rác đã được khởi công xây dựng ở nhiều tỉnh thành như dự án điện rác Vĩnh Tân (Đồng Nai) có công suất xử lý 600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 30MW; nhà máy điện rác Sóc Sơn ở Hà Nội; nhà máy điện rác Trạm Thản ở Phú Thọ; nhà máy điện rác Củ Chi ở TP Hồ Chí Minh,... “Chúng tôi đang theo đuổi bảy dự án điện rác ở Việt Nam. Và tôi nghĩ trong vòng 10 năm tới Việt Nam sẽ có khoảng 120 nhà máy điện rác”, ông Nguyễn Tiến Nga, Chủ tịch HĐQT tập đoàn năng lượng Thiên Phúc đưa ra một dự đoán lạc quan về tương lai của điện rác trong toạ đàm “Ngành kỹ thuật nhiệt trong quá trình công nghiệp hoá đất nước” do Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh (trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) tổ chức vào ngày 9/10.

Cơ chế hỗ trợ chưa phù hợp

Hiệu quả kép mà điện rác đem lại hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài. Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay, việc triển khai các dự án điện rác ở Việt Nam gặp không ít khó khăn. Nhiều nhà đầu tư ban đầu hào hứng nhưng khi bắt tay vào thực hiện, vấp phải thủ tục cấp phép phức tạp, tốn nhiều thời gian khiến họ cũng thấy nản: “Thực sự để xin cấp phép một nhà máy điện rác mất rất nhiều thời gian, có thể kéo dài hàng năm do phải chờ sự phê duyệt của đầy đủ các bộ ngành với các vấn đề liên quan đến một hồ sơ như đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phát triển nguồn điện,...”, ông Nguyễn Tiến Nga nhận xét.

Mặt khác, một nhược điểm của các dự án đầu tư điện rác là chi phí đầu tư cao nên các nhà máy điện rác sẽ phải mất nhiều thời gian để thu hồi vốn. Tuy nhiên, một điều trớ trêu là tuổi thọ của các nhà máy điện rác lại khá ngắn. “Tuổi thọ ngắn không phải do công nghệ mà do bản chất nhiên liệu đầu vào của chúng ta: rác thải không được phân loại nên chứa nhiều thành phần crom, các loại nhựa,... những yếu tố đó gây ra hiện tượng ăn mòn điện hóa rất lớn trong các lò đốt rác phát điện”, PGS.TS. Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện KH&CN quốc tế Việt Nam - Nhật Bản (trường ĐH Bách Khoa Hà Nội), giải thích. Do vậy, các nhà máy điện rác hiện nay cũng mất một khoản kinh phí không nhỏ để thực hiện khâu phân loại rác trước khi xử lý.

Thực ra, nhà nước cũng đã có một số cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển điện rác. Ngay từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/2014/QĐ-Ttg ngày 5/5/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam. Theo đó, các dự án điện rác sẽ được hưởng các ưu đãi đầu tư về tín dụng, miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, máy móc và tiền thuê đất. Ngoài ưu đãi về vốn đầu tư, thuế và tiền thuê đất, toàn bộ điện năng do nhà máy điện rác sản xuất sẽ được tập đoàn Điện lực Việt Nam thu mua trong vòng 20 năm với giá 10,05 cents/kWh (đối với dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp) và 7,28 cents/kWh đối với dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của chính sách này là chỉ áp dụng đối với các dự án đốt chất thải rắn trực tiếp và dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Do vậy, những công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như khí hóa phát điện, lên men tạo khí biogas phát điện… đang được triển khai ở nhiều nhà máy điện rác sẽ không được hưởng ưu đãi này. Những vướng mắc xung quanh cơ chế giá cũng là bài toán mà các lĩnh vực điện mặt trời, điện gió cũng từng gặp phải. Chẳng hạn, để thúc đẩy phát triển điện mặt trời, nhà nước đã xây dựng cơ chế giá FIT (chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo) để thu mua điện mặt trời với giá cao. Tuy nhiên, chính sách này chỉ được áp dụng cho các dự án đáp ứng yêu cầu về thời điểm được phê duyệt đầu tư và đi vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021. Do vậy, chính sách này đã dẫn đến sự bùng nổ về số lượng các dự án điện mặt trời được bổ sung quy hoạch và đăng ký nhưng cũng khiến nhiều nhà đầu tư không đủ điều kiện áp dụng giá cố định hiện nay “đứng ngồi không yên”.

Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia phát triển cũng áp dụng một số chính sách riêng để hỗ trợ điện rác, ví dụ Hoa Kỳ đã bãi bỏ một số khoản thuế cho các nhà máy điện rác từ năm 2004; ở châu Âu, điện tạo ra từ rác thải được coi là năng lượng tái tạo và được hưởng ưu đãi thuế nếu tư nhân điều hành. Trong lúc chờ đợi nhà nước có những thay đổi về chính sách hỗ trợ như vậy, các doanh nghiệp điện rác ở Việt Nam đang tự xoay xở bằng cách tìm kiếm nhưng công nghệ có giá thành phù hợp hơn. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp không thể đưa công nghệ mới về Việt Nam vì vướng phải quy chuẩn QCVN 61- MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. “Nhiều công nghệ rất hay và có khả năng áp dụng ở Việt Nam, đã qua được vòng thẩm định của Bộ KH&CN nhưng không thể nào vào được vì yếu tố quy chuẩn QCVN61, yêu cầu lò đốt phải có 2 buồng và hệ số vùng, khu vực Kv=0,6”, PGS.TS. Phạm Hoàng Lương cho biết.

Trước thực tế này, PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam đề xuất nên chủ động nghiên cứu công nghệ lò đốt rác phù hợp với điều kiện của Việt Nam. “Về bản chất kỹ thuật cũng không phải cái gì quá ghê gớm, các nhà khoa học ở Viện Nhiệt – Lạnh của Bách Khoa đủ khả năng làm được, nếu chúng ta tự làm thì giá thành sẽ rẻ hơn rất nhiều. Rác thải là vấn đề nóng của quốc gia, nếu đứng ngoài chuyện này thì chúng ta có lỗi vì đây là chuyên môn của chúng ta”, ông nói.


PGS.TS. Đinh Văn Thuận.
PGS.TS. Đinh Văn Thuận.

Bên cạnh vấn đề thủ tục, “chi phí đầu tư lớn là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án điện rác ở Việt Nam bị ‘chết yểu’ hoặc chậm triển khai”, theo đánh giá của PGS.TS. Đinh Văn Thuận, Chủ tịch tập đoàn Cơ điện lạnh Bách Khoa.

Một trong những trường hợp tiêu biểu là dự án nhà máy điện rác Trạm Thản ở Phú Thọ. Với tổng mức đầu tư hơn 2200 tỷ đồng và được dự kiến có quy mô “lớn nhất Đông Nam Á” nhà máy điện rác Trạm Thản được chờ đợi có thể xử lý rác hiệu quả và đem lại công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, dự án vẫn là một bãi đất trống, còn người dân nơi đây phải chịu cảnh ô nhiễm nặng nề do rác thải ùn ứ lại.

Khi trả lời phỏng vấn trên báo Lao động hồi tháng 3/2020, Sở Xây dựng Phú Thọ cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do “nhà đầu tư chưa lường hết được khó khăn khi triển khai”. Doanh nghiệp khó có thể tự giải quyết được khó khăn này nên rất cần sự hỗ trợ của nhà nước. PGS.TS. Đinh Văn Thuận cho rằng, “nhà nước phải đứng ra hỗ trợ cùng làm chứ để thả cho tư nhân đứng một mình không thành công, hoặc sẽ dẫn đến phương án rẻ tiền, lạc hậu”.

PGS.TS. Đinh Văn Thuận.