Trong cuộc trò chuyện bên thềm “Diễn đàn Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam 2024” ngày 27/6, ông Phillip Munzinger, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), đã chia sẻ với Khoa học & phát triển về những xu thế công nghệ cho điện mặt trời trên thế giới và Việt Nam có thể làm gì để bắt kịp?

Ông Phillip Munzinger - Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam. Ảnh: GIZ
Ông Phillip Munzinger - Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam. Ảnh: GIZ

Thưa ông, những xu hướng công nghệ nào đang ảnh hưởng mạnh đến quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu?

Tôi nghĩ xu hướng công nghệ toàn cầu hiện nay đang bị chi phối rất nhiều bởi công nghệ năng lượng mặt trời và công nghệ lưu trữ. Những công nghệ này đang phát triển rất mạnh trên thị trường, lợi thế kinh tế theo quy mô ngày càng hấp dẫn khiến chúng trở nên rẻ hơn. Chúng cũng đang tiến bộ khá nhanh về mặt hiệu suất và khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ở Việt Nam cũng thế. Theo dữ liệu từ Bloomberg New Energy Finance, chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE) của các nhà máy điện mặt trời mới ở Việt Nam đã giảm xuống mức 53-105 USD/MWh (theo giá thực tế năm 2022), khiến đây có thể trở thành nguồn phát điện quan trọng mới, rẻ và cạnh tranh nhất. Cùng với đó, chi phí sản xuất của các nhà máy điện gió hiện chỉ còn ở mức 65-154 USD/MWh. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi đang trở thành một lĩnh vực tiềm năng lớn với chi phí ngày càng hợp lý và khả năng sản xuất điện ổn định.

Điện mặt trời và điện gió đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam và dự kiến sẽ chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện đến năm 2030. Tôi nghĩ, các bạn có tiềm năng rất lớn trong việc triển khai các công nghệ này và đưa ra các quy định để đảm bảo các thị trường này phát triển hơn nữa.

Với những công nghệ ông đã kể trên, trong thời điểm hiện tại, Việt Nam nên đặt trọng tâm vào công nghệ năng lượng nào?

Nếu nói ngay tại thời điểm ngắn hạn, trước mắt, tôi cho rằng Việt Nam nên ưu tiên hàng đầu cho điện mặt trời. Năng lượng mặt trời không chỉ rẻ mà còn là loại hình dễ lắp đặt và bảo trì nhất. Tất nhiên có những thách thức trong việc tích hợp nó vào lưới điện vì đây là nguồn năng lượng không liên tục. Nhưng kết hợp với việc lưu trữ và tự tiêu dùng trong các ngành công nghiệp thì bài toán sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi rất mong đợi cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) vì chúng cho phép các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp mua bán điện mặt trời với nhau.

Tôi cũng rất hoan nghênh mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 sẽ có khoảng 50% các tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà. Chúng tôi kỳ vọng thị trường này sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ở Đức, năng lượng mặt trời hiện đang được sử dụng theo nhiều cách khác nhau: trên mái nhà, trên cánh đồng và trên các loại phương tiện giao thông khác nhau. Thị trường tấm quang năng rất đa dạng: có những tấm quang năng thương mại cỡ lớn, cũng có những tấm pin thương mại cỡ nhỏ. Chúng sử dụng các công nghệ khác nhau, phù hợp với từng mục đích sử dụng. Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển một thị trường đa dạng như vậy.

Lắp đặt tấm quang năng trên mái nhà. Ảnh: EVN
Lắp đặt tấm quang năng trên mái nhà. Ảnh: EVN

Vậy Việt Nam cần có những giải pháp nào để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng nhanh hơn, hiệu quả hơn?

Tôi nghĩ rằng các khoản đầu tư cho công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng. Ví dụ, nếu nhìn vào Quy hoạch điện VIII, Việt Nam dự kiến xây dựng các trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo ở phía Bắc và phía Nam và quy hoạch này cũng cho thấy chính phủ đặt ra mục tiêu tăng cường năng lực sản xuất nội địa, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, và chuỗi giá trị nội địa cho các loại hình năng lượng sạch.

Tôi cho rằng Việt Nam có vị thế rất tốt do tiềm năng về năng lượng mặt trời và gió, đồng thời cũng nhờ vào lực lượng lao động đông đảo và có tay nghề cao, họ đã chứng minh được khả năng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, đây chính là điều kiện hoàn hảo để đổi mới và triển khai các công nghệ mới.

Ở Đức, chúng tôi đã liên tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, không chỉ từ phía khu vực tư nhân mà còn từ chính phủ để đảm bảo rằng chúng tôi có thể giúp khu vực tư nhân xây dựng các công nghệ mới. Riêng năm 2022, Đức đã chi gần 1,5 tỷ Euro cho nghiên cứu và đổi mới trong lĩnh vực năng lượng. Đây là một con số ấn tượng, cho thấy cam kết mạnh mẽ của quốc gia trong việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường.

Số tiền này được rót vào hơn 7.300 dự án nghiên cứu hiện hữu và hơn 1.600 dự án nghiên cứu mới. Gần 320 triệu Euro trong đó đã được cấp cho Hiệp hội Helmholtz, một trong những tổ chức nghiên cứu lớn nhất thế giới. Theo công bố báo cáo hằng năm của Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức, đầu tư của nhà nước vào nghiên cứu năng lượng đã tăng 13% so với năm trước đó.

Xin ông cho biết thêm về những lĩnh vực ưu tiên của Đức khi đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ năng lượng? Và liệu hai nước có những cơ hội như thế nào để hợp tác với nhau trong lĩnh vực này?

Mục tiêu của Đức là đến năm 2030, có 80% nguồn cung cấp điện từ các nguồn năng lượng tái tạo và Đức đang đi trên con đường hướng tới mục tiêu này. Chúng tôi đầu tư mạnh vào các giải pháp năng lượng thay thế, chẳng hạn như gió và mặt trời. Chúng tôi cũng tăng cường chiến lược hydrogen xanh của mình và mỗi năm, chúng tôi sẽ giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Đổi mới trong công nghệ sẽ dẫn đường cho nhiều đổi mới hơn. Chẳng hạn, khoảng 52% năng lượng tiêu thụ ở Đức dành cho sưởi ấm và làm mát, và phần lớn nhiên liệu phục vụ sưởi ấm hiện nay vẫn là nhiên liệu hóa thạch. Do đó, có rất nhiều sáng kiến dẫn đến việc mở rộng công nghệ sưởi ấm và làm mát dựa trên năng lượng tái tạo.

Tương tự, việc cung cấp điện sạch, cùng với pin lưu trữ và công nghệ hydrogen xanh đang mở đường cho những cải tiến mới trong giao thông vận tải (ví dụ: xe đạp điện, xe ô tô điện, các loại hình vận tải chạy bằng amoniac, các dạng nhiên liệu hàng không bền vững thu được từ quá trình điện phân nước bằng điện tái tạo v.v), quy trình công nghiệp (ví dụ: thép xanh), việc sử dụng năng lượng của tòa nhà (ví dụ: máy bơm nhiệt, năng lượng mặt trời mái nhà), v.v.

Hydrogen xanh đang là một trong ưu tiên hàng đầu ở Đức và chúng tôi cũng thúc đẩy hydrogen xanh với các đối tác quốc tế của mình, trong đó có Việt Nam. GIZ đã giới thiệu với các đồng nghiệp Việt Nam khung quản lý về các dự án PtX (Power-to-X, tức các công nghệ biến điện thành nhiên liệu tổng hợp trung hòa carbon) - từ việc sử dụng điện sạch để sản xuất ra hydrogen xanh, đến các cơ chế thị trường, tiêu chuẩn công nghiệp và quy định cần có để thúc đẩy các ngành giao thông, công nghiệp sử dụng những sản phẩm dẫn xuất từ hydrogen.

Chúng tôi cũng giới thiệu những công ty đang thí điểm mô hình nhà máy hydrogen ở Đức, chẳng hạn như Enertrag, họ sẵn sàng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nhà máy mới ở Việt Nam.

Tôi nghĩ các viện nghiên cứu và doanh nghiệp Đức có cơ hội hợp tác với Việt Nam vì các bạn có một cộng đồng khoa học khá mạnh. Dựa trên kinh nghiệm và các cuộc trao đổi với họ, tôi thấy cộng đồng này đã rất sẵn sàng đóng góp cho việc phát triển các công nghệ năng lượng sạch ở Việt Nam và cũng sẵn sàng hợp tác với khu vực tư nhân.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!