Joe Biden nhận được 306 phiếu trong cuộc họp của đại cử tri đoàn ngày 14/12, chính thức trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo.

Một ưu tiên hàng đầu của tổng thống đắc cử Joe Biden là đảo ngược nhiều chính sách tác động đến khí hậu, môi trường và sức khỏe cộng đồng được áp dụng dưới thời Trump.

“Cơn ác mộng đã qua”

Bất chấp việc các phiếu bầu vẫn đang được kiểm và Trump đang đưa ra các thách thức pháp lý, các phương tiện truyền thông lớn ở Mỹ đã tuyên bố Biden là người chiến thắng vào ngày 7/11. Khi Biden nhậm chức vào ngày 20/1 tới, ông sẽ có cơ hội đảo ngược nhiều chính sách đã gây tổn hại cho khoa học và sức khỏe cộng đồng mà chính quyền Trump đưa ra, bao gồm các hành động về biến đổi khí hậu, nhập cư, và đại dịch COVID-19.

“Cơn ác mộng kéo dài trên phạm vi quốc gia của chúng ta đã qua”, Alta Charo, nhà đạo đức sinh học tại Trường Luật Đại học Wisconsin, nhắc lại bình luận nổi tiếng năm 1974 của tổng thống Gerald Ford về nhiệm kỳ đầy tai tiếng của người tiền nhiệm Richard Nixon, để nói về nhiệm kỳ của Trump. “Thay vì kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu, có lẽ chúng ta sẽ hợp tác quốc tế, cũng như tuân thủ các luật pháp và hiệp ước quốc tế, một cách văn minh hơn trong chính trị toàn cầu, ít 'tin giả' hơn và ít sự giận dữ hơn," Pervez Hoodbhoy, nhà vật lý và chuyên gia về hạt nhân có trụ sở tại Islamabad, Pakistan, nói.

Joe Biden phát biểu trước các công dân Mỹ vào ngày 7/11.

Nhưng mối lo ngại vẫn còn đó: gần một nửa nước Mỹ đã bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump, người đã nhiều lần có hành động làm suy yếu khoa học và các tổ chức khoa học.

Các nhà nghiên cứu đang hy vọng rằng có thể sửa chữa phần lớn những thiệt hại mà Trump gây ra cho nền khoa học. Biden, một đảng viên Dân chủ từng làm phó tổng thống dưới thời Barack Obama, đã hứa sẽ tăng cường các chương trình xét nghiệm và truy vết Covid-19, tham gia lại thỏa thuận khí hậu Paris để chống lại sự nóng lên toàn cầu và đảo ngược các lệnh cấm du lịch và hạn chế thị thực đã khiến Mỹ trở thành điểm đến ít được các nhà nghiên cứu nước ngoài mong muốn.

“Bây giờ khoa học Mỹ có thể mong đợi một giai đoạn ổn định và có các hỗ trợ từ chính quyền [Biden],” theo James Wilsdon, một nhà khoa học xã hội tại Đại học Sheffield ở Anh.

Những ưu tiên hàng đầu

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Biden là đưa ra kế hoạch ứng phó tích cực hơn với đại dịch Covid-19.

Trump coi nhẹ Covid-19, đồng thời phản đối các nỗ lực của nhà nước và địa phương trong việc ngăn chặn virus corona vì quá tốn kém. Ngược lại, nhóm của Biden đã cam kết đẩy mạnh các chương trình xét nghiệm và truy vết Covid-19, làm việc với các quan chức cấp nhà nước và địa phương để bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn quốc và củng cố các cơ sở y tế công cộng.

Nhóm của Biden cũng cam kết sẽ “lắng nghe khoa học”. Chính quyền Trump đã nhiều lần loại các nhà khoa học của chính phủ ra khỏi các cơ quan y tế công cộng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm trong suốt thời gian xảy ra đại dịch. Với việc Biden nắm quyền, “có rất nhiều cơ quan chính phủ giờ đây cuối cùng cũng sẽ có cơ hội thực hiện đúng công việc của họ”, Charo nói.

Chính quyền của Biden sẽ mở lại các đường dây liên lạc với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong cuộc chiến chống lại virus corona. Trump đã rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới vào đầu năm nay, chỉ trích cơ quan này hỗ trợ Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh. "Joe Biden và Kamala Harris hiểu rằng không quốc gia nào có thể đối mặt với những thách thức hiện tại một mình, và hy vọng họ sẽ tham gia lại và giúp hình thành lại các thể chế đa phương dựa trên khoa học," Marga Gual Soler, chuyên gia về ngoại giao khoa học và cố vấn chính sách cho Liên minh Châu Âu, cho biết.

Kamala Harris sẽ là người phụ nữ đầu tiên làm Phó tổng thống Mỹ.

Một ưu tiên hàng đầu khác của Biden là đảo ngược nhiều chính sách tác động đến khí hậu, môi trường và sức khỏe cộng đồng được áp dụng dưới thời Trump.

Đứng đầu trong số này là hiệp định khí hậu Paris 2015. Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này vào ngày 4/11, nhưng Biden cho biết ông sẽ tái gia nhập hiệp ước sau khi nhậm chức vào tháng Giêng năm sau. Biden và Harris cũng đã vận động kế hoạch trị giá 2 nghìn tỷ USD nhằm thúc đẩy năng lượng sạch, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và hạn chế phát thải khí nhà kính.

Việc Biden thắng cử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các nhà khoa học tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA). Dưới thời chính quyền Trump, EPA đã phải rút lại các quy định nhằm giảm phát thải khí nhà kính. [Ngày 19/6/2019, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) công bố quy tắc cho phép các bang thiết lập các mục tiêu giảm phát thải của riêng họ. Trước đó, Kế hoạch Điện sạch của Obama, được giới thiệu vào năm 2015, đặt ra các mục tiêu cho từng bang và yêu cầu họ làm việc với các công ty năng lượng để cùng nhau giảm lượng khí thải xuống thấp hơn 32% so với mức khí thải năm 2005 vào năm 2030]. Đồng thời, việc sử dụng khoa học để tạo ra các quy tắc nhằm hạn chế ô nhiễm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng đã bị suy yếu trong 4 năm qua.

“Chính quyền Trump đã cố gắng thay đổi hoàn toàn EPA," Dan Costa, nhà nghiên cứu về chất độc, người đứng đầu chương trình nghiên cứu về không khí, khí hậu và năng lượng của EPA cho đến tháng 1/2018, nói. Costa là một trong số nhiều nhà khoa học kỳ cựu tại EPA đã từ chức trong nhiệm kỳ Trump. Costa cho biết sẽ mất một thời gian để cơ quan này phục hồi, nhưng "tôi chắc chắn rằng những người làm việc tại EPA đang thở phào nhẹ nhõm".

Tuy nhiên, kết quả bầu cử sát sao lần này không phải là cuộc lật đổ Trump mà nhiều nhà khoa học hy vọng, và cũng không tạo ra một ‘làn sóng xanh’ trong Quốc hội giúp Biden dễ dàng thúc đẩy chương trình khoa học của mình. Đảng Dân chủ bị mất ghế trong Hạ viện, mặc dù sẽ tiếp tục chiếm đa số. Và họ có thể không giành được quyền kiểm soát Thượng viện hiện đang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo.

Chiến thắng của Biden đã chấm dứt một nhiệm kỳ tổng thống coi thường sự thật, khoa học và bằng chứng, nhưng nhiều nhà khoa học lo ngại rằng phong trào do Trump phát động sẽ tiếp tục ám ảnh nước Mỹ sau khi ông rời nhiệm sở.

Nguồn: