Mới đây, một nhóm các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã đề xuất một đạo luật với những điều khoản “ngược lại” với cách thức chính phủ liên bang quản lý nghiên cứu khoa học, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với những vụ đánh cắp dữ liệu khoa học từ các quốc gia khác.
Trong suốt một năm qua, các nhà lập pháp coi đó là cách để ngăn chặn Trung Quốc và những nước khác ăn cắp thành quả nghiên cứu do liên bang tài trợ, rồi sử dụng chính nguồn dữ liệu đó vào việc phá hoại nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Nhưng nhiều người quan ngại rằng nếu được ban hành, dự luật có thể gây thiệt hại cho các tổ chức nghiên cứu khoa học Mỹ, bởi nó sẽ hạn chế sự phát triển và những ý tưởng sáng tạo.
Đạo luật do Thượng nghị sĩ Rob Portman và Tom Carper soạn thảo, là nỗ lực mới và đi vào bản chất nhằm hòa giải những mâu thuẫn này. Dự luật có khả năng sẽ tạo ra một số thay đổi quan trọng trong cách chính phủ Mỹ theo dõi những người nhận trợ cấp liên bang, các đối tượng lao động người nước ngoài đang tham gia nghiên cứu trong những chương trình liên quan đến lợi ích quốc gia, và cách các nhà khoa học Mỹ tương tác, trao đổi với đối tác nước ngoài.
Một trong những điều khoản bao gồm việc sẽ cho phép Bộ Ngoại giao từ chối đơn xin thị thực từ bất kỳ ai có quan hệ với chính phủ những nước bị xem là đang đối đầu với Mỹ. Các phần khác của dự luật sẽ yêu cầu các nhà khoa học không được tiết lộ bí quốc gia cho chính phủ nước ngoài, những ai vi phạm sẽ phải đối mặt với án hình sự, bao gồm việc ngồi tù. Ngoài ra, các đối tác quốc tế phải nắm được nguyên tắc khoa học của Mỹ, và Nhà Trắng được quyền giám sát an ninh công trình nghiên cứu.
Tranh cãi trong cộng đồng khoa học
Hiệp hội Các trường Đại học Hoa Kỳ, một liên minh gồm 66 thành viên là những tổ chức nghiên cứu hàng đầu cho biết họ “thấu hiểu mong muốn thiết lập các chính sách đảm bảo an ninh đối với những nghiên cứu khoa học”, nhưng “các điều khoản chính trong dự luật quá rộng, và nó sẽ chỉ gây tổn hại cho nền khoa học Mỹ, thay vì cải thiện an ninh quốc gia… Nó có thể ngăn cản các sinh viên và học giả tài năng đến Mỹ, họ chính là những người sẽ thúc đẩy nền khoa học và nền kinh tế của chúng ta phát triển hơn nữa.”
Một điểm đáng lưu ý trong dự luật là Bộ Ngoại giao có quyền từ chối đơn xin thị thực của bất kỳ ai có liên quan đến quốc gia đang là đối thủ của Mỹ, các tổ chức nước ngoài liên quan đến những vụ đánh cắp công trình nghiên cứu của Mỹ hoặc một chính phủ tìm cách gây suy yếu cho cộng đồng nghiên cứu Mỹ. Mặc dù dự luật không nhắc đến Trung Quốc, nhưng nhiều người quan ngại rằng, dự luật có thể hiểu theo nhiều hướng, nó có khả năng đóng cánh cửa du học đối với những sinh viên Trung Quốc đang mong muốn học tập tại Mỹ.
Tiểu ban thường trực an ninh nội địa (PSI) thì cho rằng nỗi sợ đó là không chính đáng. Dự luật sẽ hướng dẫn Bộ Ngoại giao cách cân nhắc tỷ lệ rủi ro trước khi quyết định có cấp visa cho một người hay không. Những sinh viên và học viên sau Đại học sẽ không sao nếu họ không dính dáng gì đến các nhóm quân sự nước ngoài. “Dự luật tập trung vào những nhân tố có mục đích xấu”, một nhân viên ở PSI cho biết. “Phần lớn các nhà nghiên cứu nước ngoài [yêu cầu đến Hoa Kỳ] đều vì mục đích tốt, và chúng ta cần tài năng của họ.”
Dự luật còn cho phép Bộ Ngoại giao từ chối hoặc hạn chế các hoạt động của người xin thị thực, nếu nhận thấy những người này sẽ gây tổn hại cho an ninh quốc gia một khi họ có quyền truy cập vào “vật phẩm, công nghệ hoặc thông tin nhạy cảm.” Nhưng những nhà vận động lại lo ngại rằng quan chức chính phủ sẽ tận dụng điều khoản mới nhằm yêu cầu các trường đại học hạn chế người tham dự một bài giảng mới, hoặc những ai có thể đến thăm một phòng thí nghiệm v.v... “Những điều đó sẽ vi phạm văn hóa cởi mở, là nền tảng của nghiên cứu học thuật”, một người cho biết.
Các nhân viên PSI tin rằng cộng đồng đang phản ứng thái quá, bởi đây đơn giản là cách tiếp cận thông trường trong môi trường cạnh tranh toàn cầu hiện nay. “Chúng tôi không đóng cửa cơ sở khoa học”, một người nói. Nhưng các trường đại học và những tổ chức được liên bang tài trợ “không thể lúc nào cũng mở quyền cho tất cả mọi người truy cập vào tất cả mọi thứ.”
Giám sát các khoản tài trợ
Các tổ chức giáo dục bậc cao cũng không hài lòng với một điều khoản, trong đó yêu cầu báo cáo ‘quà tặng’ – bao gồm các khoản tài trợ từ chính phủ khác hoặc bất kỳ tổ chức của nước nào. Tiêu chuẩn hiện lại là 250.000 USD, và trong năm vừa qua, Bộ Giáo dục đã tiến hành điều tra một số trường đại học lớn mà họ cho rằng đã bỏ qua quy tắc này. Các trường đại học cho rằng chính phủ chưa bao giờ giải thích cặn kẽ họ muốn gì từ các tổ chức.
Dự luật của Portman – yêu cầu giảm ngưỡng xuống còn 50.000 USD – càng châm dầu vào ngọn lửa đang sôi sục. Các quan chức đại học cho rằng khoản tiền nhỏ hơn này phủ nhận mục đích ban đầu của luật lệ, được thiết kế nhằm giám sát sự tác động của chính phủ nước ngoài đến các hoạt động học thuật như tổ chức khóa học hoặc hướng nghiên cứu của cơ sở giáo dục. Một quan chức cho biết, “50.000 USD chẳng đủ để làm gì”, “đi kèm với nó sẽ là một báo cáo thể hiện gánh nặng tài chính khổng lồ mà các cơ sở giáo dục đang gánh trên vai.”
Portman bác bỏ những chỉ trích đó và cho rằng không cần thiết phải thỏa hiệp. “Một số người trong cộng đồng đại học không ủng hộ dự luật của chúng tôi”, ông nói vào tháng trước. “Tôi sẽ hỏi họ, trong bối cảnh chúng ta đang đối diện với những vụ đánh cắp nghiên cứu, bạn còn quan tâm đến việc phải báo cáo khi nhận hơn 50.000 USD từ chính phủ nước ngoài? Chúng tôi yêu cầu nhiều quá à? Tôi không nghĩ thế.”
Sau tất cả, Tiểu ban thường trực an ninh nội địa sẽ sớm trình lên phần chính của dự luật. Phần thứ hai sẽ do Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đảm nhiệm. Cho đến nay vẫn chưa có dự luật nào đi kèm trong Hạ viện, mặc dù một số thành viên đã đưa ra các biện pháp hòa hoãn hơn trong việc kiềm chế ảnh hưởng của nước ngoài lên những nghiên cứu được liên bang tài trợ. Một số người cho rằng một dự luật có tác động lớn như vậy sẽ khó được Nhà Trắng thông qua, không chỉ liên quan đến thẩm quyền xét xử, mà còn bởi một loạt những rắc rối mà nó sẽ mang lại trong quá trình giám sát nghiên cứu của liên bang.
Nguồn:https://www.sciencemag.org/news/2020/06/us-science-groups-wary-new-senate-bills-curb-foreign-influences