Trung Quốc mà hầu hết người nước ngoài nhìn thấy là những đô thị hiện đại, những tòa nhà chọc trời lấp lánh. Bất cứ ai chỉ đến thăm Bắc Kinh, Thượng Hải hoặc Thâm Quyến đều sẽ kết luận rằng Trung Quốc đã là một quốc gia giàu có.
Nhưng trong cuốn sách mới, "Invisible China: How the urban-rural devide threatens China's rise", Scott Rozelle ở Đại học Stanford và Natalie Hell, một nhà nghiên cứu ở California, cho rằng cuộc khủng hoảng giáo dục đang bùng phát ở nông thôn có thể ngăn cản Trung Quốc đạt được giấc mơ thịnh vượng.
Nghiên cứu của hai tác giả này cho thấy, 2/3 trẻ em Trung Quốc sống ở nông thôn, một phần do cha mẹ ở nông thôn sinh nhiều con hơn cha mẹ thành thị, và trẻ em nông thôn Trung Quốc - lực lượng lao động tương lai - thì có kết quả học tập khá tệ.
Nếu chỉ nhìn vào các bảng xếp hạng, chẳng lại như PISA của OECD (Chương trình Đánh giá học sinh Quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), sẽ thấy học sinh trung học của Trung Quốc vượt trội so với hầu hết các quốc gia khác. Nhưng điều cần lưu ý là các số liệu đó không xuất phát từ khảo nghiệm trên cả nước, mà chỉ ở các trường tốt ở các thành phố giàu có.
Một lớp học ở nông thôn Trung Quốc. Ảnh: Getty Images Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, Rozelle và Hell đưa ra một số dữ liệu đáng kinh ngạc. Nhóm của họ cho hàng nghìn trẻ em ở nông thôn Trung Quốc làm bài kiểm tra IQ và phát hiện hơn 50% chậm phát triển nhận thức và không có khả năng đạt được IQ 90 (trong một nhóm dân số điển hình, sẽ chỉ có 16% trẻ em đạt kết quả như vậy).
Ngoài ra, một nửa trẻ em nông thôn Trung Quốc bị suy dinh dưỡng và thiếu các vi chất dinh dưỡng trong chế độ ăn.
Theo The Economist, các nghiên cứu trong năm 2016 và 2017 cho thấy 1/4 trẻ em nông thôn ở miền Trung và miền Tây Trung Quốc bị thiếu sắt, khiến chúng khó tập trung. 2/5 trẻ em nông thôn ở các vùng phía nam Trung Quốc có giun trong ruột, làm trẻ bị mất năng lượng. 1/3 số trẻ 11 và 12 tuổi ở nông thôn Trung Quốc có thị lực kém nhưng không đeo kính nên rất khó đọc sách.
Một số trong những vấn đề này rất dễ cải thiện. Một cặp kính mắt có giá vài chục USD. Thuốc bổ sung vitamin chỉ một vài cent và thuốc tẩy giun có giá 2 USD trên một trẻ mỗi năm. Nhưng những vấn đề này vẫn tồn tại đến nay do những hiểu lầm truyền miệng vùng nông thôn. Nhiều nông dân tin rằng - như một bà nông dân ở Trung Quốc trả lời tờ The Economist - kính không tốt cho thị lực của trẻ em. Một số thì lo lắng thuốc tẩy giun làm giảm khả năng sinh sản ở bé gái. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hầu như không nông dân nào cho con mình uống thuốc tẩy giun.
Năm 2015, 97% học sinh thành thị tốt nghiệp trung học phổ thông và 80% trẻ em nông thôn được đi học trung học phổ thông. Nhưng nghiên cứu của Rozelle và Hell đặt ra câu hỏi về chất lượng của “trường trung học” ở nông thôn Trung Quốc. Các tác giả nghiên cứu đã kiểm tra hàng nghìn trẻ em tại các trường trung học “dạy nghề” ở nông thôn, và thấy rằng 91% thực tế không học được gì: chúng đạt điểm số tương đương hoặc kém hơn trong các bài kiểm tra cuối năm học so với kiểm tra lúc bắt đầu vào học.
Hiện tại, 70% lực lượng lao động Trung Quốc là lao động phổ thông, có thể làm công việc lặp đi lặp lại ở các nhà máy. Để thoát khỏi cái mà các nhà kinh tế gọi là “bẫy thu nhập trung bình”, Trung Quốc cần nhanh chóng cải thiện kỹ năng của người lao động để họ có thể xử lý các nhiệm vụ phức tạp hơn. Tuy nhiên, theo The Economist công nhân Trung Quốc có trình độ học vấn thấp hơn nhiều so với người ở các nước thu nhập trung bình khác, chẳng hạn như Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. Họ cũng có trình độ học vấn thấp hơn so với những người lao động ở các quốc gia/vùng lãnh thổ mới trở nên giàu có gần đây, chẳng hạn như Đài Loan và Hàn Quốc, kể cả ở thời điểm những quốc gia/vùng lãnh thổ đó không khá giả hơn Trung Quốc ngày nay.
Khắc phục những điều này được cho là thách thức quan trọng nhất mà chính quyền hiện tại của Trung Quốc phải đối mặt. Nhưng theo giới nghiên cứu, Trung Quốc có các nguồn lực để thành công. Một quốc gia dành ra 43% GDP để đầu tư cho các lĩnh vực chắc chắn có thể bớt tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng và đầu tư nhiều hơn một chút cho giáo dục. Các tác giả của "Invisible China" gợi ý thêm một số giải pháp: cải thiện chất lượng trường học nông thôn, chấm dứt phân biệt đối xử với trẻ em nông thôn, hướng dẫn các bậc cha mẹ ở nông thôn đọc sách cho con của họ, v.v...
Nguồn: