Cộng tác học thuật xuyên quốc gia dễ dàng được nhìn nhận như một phương án để những nước kém phát triển hơn có cơ hội mở rộng nguồn lực và năng lực nghiên cứu thông qua làm việc với đồng nghiệp ở các nước có nền khoa học tiên tiến. Tuy vậy, nó không phải là một giải pháp hoàn hảo.
Nhà khoa học khó đơn thương độc mã
Trước đây, những thành tựu mang tính đột phá thường được thực hiện bởi một nhà khoa học. Nhưng giờ đây, khoa học được tiến hành theo nhóm với số lượng có thể lên tới hàng trăm người nằm rải rác ở khắp các châu lục. Sự gia tăng tích lũy các kiến thức khoa học, tăng cường chuyên môn hóa, sự cạnh tranh nguồn lực… khiến việc mở đường cho khoa học vượt qua biên giới của một cá nhân nhà khoa học, một tổ chức, hay một quốc gia là vô cùng khó khăn. Do đó, các nhà làm chính sách, quản lý khoa học và các học giả đã công nhận viêc hợp tác học thuật là công cụ để phân bổ nguồn lực hiệu quả và để gia tăng chất lượng cũng như sản lượng học thuật.
Trong nhiều thế kỷ, việc các nghiên cứu có đồng tác giả từ các quốc gia khác nhau là cực kỳ hiếm. Năm 1970, số các bài báo có các tác giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau chỉ chiếm 1,9% tổng số bài báo được chỉ mục bởi Web of Science. Kể từ đó, con số này bước vào giai đoạn tăng trưởng bền vững. Đến năm 2013, cứ trong bốn công bố khoa học sẽ có một công bố có các tác giả đến từ ít nhất là hai quốc gia. Cộng tác học thuật đặc biệt mạnh mẽ giữa những trung tâm nghiên cứu lớn trong mạng lưới khoa học toàn cầu.
Cộng tác quốc tế giúp các cơ sở nghiên cứu ở các nước kém phát triển hơn có thêm nguồn lực, kỹ năng và góc nhìn đa chiều khi nhận diện một vấn đề. Các bài báo là kết quả của hợp tác đa quốc gia cũng được ghi nhận có lượng trích dẫn cao hơn và được công bố ở những tạp chí uy tín hơn.
Theo một số nghiên cứu trong năm vừa qua, mặc dù dịch Covid-19 buộc nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới thì các nỗ lực cộng tác nghiên cứu vẫn không bị giới hạn, điển hình là sự gia tăng khối lượng các nghiên cứu hợp tác xuyên quốc gia trong nửa đầu năm 2020.
Tuy vậy, kết quả tích cực trên chỉ được ghi nhận ở các quốc gia tốp đầu trong thế giới nghiên cứu. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, con số các nghiên cứu có sự hợp tác quốc tế sụt giảm đáng kể.
Trong nghiên cứu mang tên “Looking inward or outward? Vietnam higher education at the superhighway of globalization: culture, values and changes” công bố năm 2017, GS.TS Trần Thị Lý - Giải thưởng Kết nối Toàn cầu A. Noam Chomsky năm 2020 ở hạng mục Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu - nêu ra những cảnh báo và thách thức trong quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học của nước ta. Trong đó, việc bắt chước hay vay mượn các chính sách nước ngoài có khả năng làm cạn kiệt tinh thần và nguồn lực cơ sở đại học khi cứng nhắc hướng tới các tiêu chuẩn của đại học phương Tây mà không cân nhắc các yếu tố văn hoá và năng lực khu vực. |
Những nền khoa học “bên lề”
Tri thức, giờ đây một mặt dễ dàng lan tỏa trên toàn cầu, nhưng mặt khác lại chỉ được sản xuất ở một khu vực nhất định. Khoảng cách trong khả năng sản xuất lẫn tiêu thụ khoa học vốn luôn là một vấn đề gây chú ý trong giới học giả. Theo nhiều phân tích thực chứng lẫn các phân tích lý thuyết truyền thống như nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu giải thuộc địa hay phân tích hệ thống thế giới, khoa học toàn cầu cho đến giờ vẫn là một lĩnh vực méo mó khi các quốc gia quyền lực hơn là các quốc gia thống trị việc sản xuất và tiêu thụ tri thức khoa học, bất kể giá trị khoa học thuần túy thực chất của họ như thế nào.
Trong Tuyên bố Toàn cầu về Khoa học năm 1999, UNESCO nói rằng: “Khi mà tri thức khoa học ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong việc sản xuất ra của cải, sự phân bổ của nó ngày càng trở nên mất cân bằng. Thứ phân biệt giàu - nghèo (xét cả ở góc độ giữa các cá nhân lẫn giữa các quốc gia) không còn ở chỗ họ có ít tài sản hơn, mà là họ đã bị loại bỏ ở mức độ nào khỏi sự kiến tạo và tiếp thu tri thức khoa học”.
Năm 1974, trong cuốn sách có tầm ảnh hưởng mang tên “The Mordern World-System”, nhà xã hội học Immanuel Maurice Wallerstein đưa ra lý thuyết hệ thống thế giới, được nhiều nhà xã hội học, chính trị học, nhân học sử dụng để phân tích các bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế. Theo đó, thế giới được chia thành ba vùng: vùng trung tâm, ngoại biên, và bán ngoại biên. Hiểu đơn giản, vùng trung tâm là những nước phát triển, giàu có; vùng ngoại biên bao gồm những nước đang phát triển, có nền kinh tế còn yếu kém; và vùng bán ngoại biên bao gồm các nước có những đặc điểm nằm ở giữa hai vùng trên. Ứng dụng mô hình này vào thế giới khoa học, nhà xã hội học Thomas Schott (ĐH Pittsburgh) chỉ ra rằng, những nền khoa học ngoại biên đang phải phụ thuộc vào những mẫu hình nghiên cứu, những luật chơi của những nền khoa học trung tâm.
Tình trạng bất bình đẳng này sẽ còn tiếp diễn khi mà các chỉ số tác động, chỉ số trích dẫn của bài báo vẫn là thước đo phổ biến nhất được sử dụng để đánh giá chất lượng học thuật và các tạp chí hàng đầu cùng các thành viên ban biên tập đến từ các nước trung tâm đang nắm giữ vai trò “canh cửa”. Nghiên cứu năm 2015 của nhóm tác giả đến từ Khoa Thư viện và Khoa học Thông tin, ĐH Montreal, chỉ ra, trong năm 2013, hơn nửa số bài báo khoa học trên thế giới tập trung chỉ ở 5 nhà xuất bản. Còn GS. Kirsten Bell (ĐH Roehampton) và PGS. David Mills (ĐH Oxford) thì so sánh nền công nghiệp xuất bản học thuật hiện tại với Quả cầu Lenox của thế kỉ 16 – trong đó, châu Âu là trung tâm văn minh của nhân loại, bao quanh bởi các vùng đất hoang sơ, nguy hiểm. Các tạp chí và các nhà xuất bản nhỏ hơn đến từ các vùng ngoại biên dễ bị coi là những “tạp chí săn mồi”.
Phần lớn các nghiên cứu học thuật được thực hiện ở Úc, châu Âu và Bắc Mỹ. Hơn 75% các bài báo được phân tích trong một khảo sát của tạp chí Psychological Science có mẫu khách thể đến từ các nước châu Âu, mặc dù dân số ở các nước này chỉ chiếm 12% dân số toàn cầu. Những khuynh hướng đó ảnh hưởng tới hiểu biết được sử dụng để phục vụ toàn nhân loại của chúng ta.
PGS.TS Trần Xuân Bách - Phó trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế tại Trường Đại học Y Hà Nội, một trong hai người Việt Nam nhận Giải thưởng Kết nối Toàn cầu Noam Chomsky năm 2020 ở hạng mục Ngôi sao Tỏa sáng, là thành viên Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy). Gần đây, anh đảm nhận vai trò Tổng thư ký của Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Đây là mạng lưới kết nối, tạo cơ hội cho các trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước cùng chung tay đóng góp các sáng kiến phục vụ đất nước. |
Giải pháp không hoàn hảo
Cộng tác học thuật xuyên quốc gia dễ dàng được nhìn nhận như một phương án để những nước kém phát triển hơn có cơ hội mở rộng nguồn lực và năng lực nghiên cứu thông qua làm việc với đồng nghiệp ở các nước có nền khoa học tiên tiến. Tuy vậy, nó không phải là một giải pháp hoàn hảo.
Thomas Schott khi áp dụng lý thuyết hệ thống thế giới vào lĩnh vực khoa học đã nhận định rằng: cộng tác nghiên cứu là một trong những công cụ mà vùng trung tâm sử dụng - kể cả là vô tình - để đảm bảo sự thống trị về mặt khoa học của mình lên các khu vực ngoại biên. Quá trình này diễn ra thông qua việc các nước mạnh chiếm các vị trí trung tâm trong mạng lưới cộng tác khoa học quốc tế, từ đó kiểm soát dòng chảy tri thức thế giới, định hình luật chơi cho thế giới học thuật và thiết lập những khung thể chế mà phần còn lại của thế giới phải vận hành theo. Để tham gia vào trò chơi này, các quốc gia ngoại biên không còn lựa chọn nào khác là phải hợp tác với các quốc gia trung tâm. Ngoài ra, do có sẵn các nguồn lực và uy tín khoa học, các quốc gia trung tâm có thể thu hút nhân tài từ các quốc gia đang phát triển. Cộng tác học thuật giúp họ nhận diện được những cá nhân xuất sắc đó. Khi mà tri thức đến từ Bắc Mỹ và Tây Âu được coi là “tri thức thế giới”, các cộng tác học thuật hướng tới các vấn đề “toàn cầu” thực ra lại đẩy các nhà khoa học có năng lực ra khỏi các vấn đề cấp thiết của quốc gia họ.
Phân tích của hai tác giả Pierre Delvenne (phó giám đốc trung tâm nghiên cứu SPIRAL thuộc ĐH Liège) và Pablo Kreimer (Trung tâm Khoa học, Công nghệ & Xã hội, Pháp và trưởng nhóm nghiên cứu tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia, Argentina) cho thấy, mặc dù những gia tăng trong các hợp tác quốc tế giữa nhiều tác giả đến từ các quốc gia khác nhau khiến cho khoa học quốc tế dường như đang dần tiến đến một trạng thái đa trung tâm, với sự nổi lên của một số nền khoa học mới, thì vẫn cần thận trọng khi coi nó là một xu hướng cân bằng.
Các khảo sát với các nhà nghiên cứu tham gia cộng tác đa quốc gia cũng cho cái nhìn tương tự. Theo nghiên cứu năm 2019 của Adriana Feld (Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia, Argentina) và Pablo Kreimer trên 1.000 tác giả Mỹ Latinh (vùng ngoại biên) tham gia các dự án nghiên cứu của các nước châu Âu (vùng trung tâm), phần lớn đều nói rằng họ chỉ tham gia vào các quá trình thu thập và xử lý dữ liệu, hoặc các “công việc kỹ thuật”. Những điều kiện cho phép các hợp tác xuyên quốc gia ngày càng phong phú như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin - đặc biệt là Internet và các cơ sở dữ liệu lớn - thực chất lại không được phân bổ cân bằng hay không có khả năng truy cập như nhau giữa các khu vực, dẫn tới tăng thêm khoảng cách giữa vùng trung tâm và vùng ngoại biên. Trong một nghiên cứu khác cũng được công bố vào năm 2019, khi được phỏng vấn, nhiều người trong số các nhà nghiên cứu có năng suất cao ở Đan Mạch, Úc và Israel thừa nhận có các phân cấp quyền lực trong khoa học giữa các học giả đến từ vùng trung tâm và các vùng ngoại biên. Một số cho biết gặp các trải nghiệm như bị “khai thác” khi họ phải làm phần lớn công việc nhưng không được ghi danh đúng mực.
Việt Nam cũng nằm trong vòng xoáy tương tự. Các nghiên cứu của nhóm tác giả Việt Nam sử dụng dữ liệu từ năm 1996 - 2013 hay trong khoảng từ năm 2001 - 2015 đều cho thấy, gần 80% số công bố quốc tế của nước ta đến từ các cộng tác quốc tế, thể hiện một sự phụ thuộc lớn vào các tác giả nước ngoài. Trong đó, ta chủ yếu hợp tác với các nước phát triển như Mỹ và Nhật Bản, và ít các hợp tác với các quốc gia lân cận trong khu vực. Và mặc dù phần lớn các chủ đề của các nghiên cứu cộng tác liên quan tới Việt Nam, các tác giả chính/tác giả liên lạc chủ yếu là người nước ngoài.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu Scopus tính đến năm 2019 ghi nhận, từ năm 2018, các công bố Việt Nam là kết quả của hợp tác của các hợp tác nội bộ trong nước đã gia tăng. Từ đó có thể nhận xét rằng, nội lực nghiên cứu của các tác giả Việt Nam đã mạnh hơn sau một thời gian dài phụ thuộc vào các tác giả nước ngoài. Đặc biệt là ngày càng có thêm những hợp tác giữa các vùng phát triển hơn và các vùng phát triển kém hơn trong nước, và những hợp tác với các nước trong khu vưc. |
Không thể đảo chiều
Sau nhiều phân tích về các mặt trái của cộng tác học thuật xuyên quốc gia, các tác giả đều thống nhất rằng, nó vẫn là một xu hướng không thể đảo chiều. Thay vì loại bỏ nó, các nhà khoa học ở cả các nước phát triển lẫn đang phát triển cần cùng nỗ lực để khiến cho quá trình này trở nên minh bạch hơn và bình đẳng hơn. Đối với các quốc gia ngoại biên, không tham gia vào xu hướng này đồng nghĩa với việc càng khiến cho các tri thức địa phương bị co cụm lại và bị bỏ qua trong những diễn ngôn tri thức của thế giới.
Một trong những mặt tiêu cực nhất mà các cộng tác học thuật xuyên biên giới đem tới cho các quốc gia đang phát triển là nó thúc đẩy sự dịch chuyển xã hội của các nhà khoa học tiềm năng từ các quốc gia kém phát triển sang các quốc gia có điều kiện làm việc tốt hơn, tạo ra hiện tượng “chảy máu chất xám”. Tuy vậy, cũng nhờ việc ranh giới địa lý không phải thứ có thể ngăn cản các trao đổi học thuật, các nhà khoa học giờ đây vẫn có thể đóng góp cho đất nước mình, dù họ làm việc ở nước ngoài. Quá trình này được gọi là “tuần hoàn chất xám”.
GS Trần Thị Lý (ĐH Deakin, Úc) - một trong hai người Việt Nam vừa nhận Giải thưởng Kết nối Toàn cầu A. Noam Chomsky ở hạng mục Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu vào tháng 12/2020, chính là một cá nhân tích cực trong quá trình “tuần hoàn chất xám”. Mặc dù sống và làm việc ở Úc, các nghiên cứu của chị luôn hướng về Việt Nam. Đối với chị, cộng tác học thuật xuyên quốc gia vừa là công cụ giúp “nuôi dưỡng năng lực nghiên cứu cho cán bộ nghiên cứu trẻ, tuần hoàn và bồi đắp chất xám và ý tưởng đột phá trong nghiên cứu khoa học”, vừa giúp tạo ra kết nối không chỉ giữa cá nhân với cá nhân mà còn là “nền tảng tiềm năng cho sự kết nối giữa các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, các quốc gia và các nền kinh tế”.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Xuân Bách - Phó trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế tại Trường Đại học Y Hà Nội, người Việt Nam thứ hai nhận Giải thưởng Ngôi sao Tỏa sáng - là một thành viên tích cực của các mạng lưới kết nối tri thức trong nước lẫn thế giới. Năm 2018, anh được bầu làm thành viên Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy), một mạng lưới kết nối các nhà khoa học trẻ nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, khuyến khích, hỗ trợ người trẻ làm khoa học, đặc biệt là người trẻ đến từ các quốc gia đang phát triển. Cũng trong năm này, anh đảm nhận vai trò Tổng thư ký của Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Đây là mạng lưới kết nối, tạo cơ hội cho các trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước cùng chung tay đóng góp các sáng kiến phục vụ đất nước. Thông qua mạng lưới, hàng chục nhóm nghiên cứu đã được thành lập; hàng trăm đề xuất, sáng kiến đã được mạng lưới làm cầu nối giới thiệu tới các nhà lãnh đạo quốc gia.
Nhìn chung, trong các phỏng vấn với báo chí, GS. Lý và GS. Bách đều nhấn mạnh một thông điệp: nhà khoa học ở đâu cũng có thể đóng góp cho đất nước.
Tài liệu tham khảo
Bell, K., Mills, D. (2020). What we know about the academic journal landscape reflects global inequalities. Impact of Social Sciences Blog.
Caniglia, G., Luederitz, C., Groß, M., Muhr, M., John, B., Keeler, L. W., ... & Lang, D. (2017). Transnational collaboration for sustainability in higher education: Lessons from a systematic review. Journal of cleaner production, 168, 764-779.
Delvenne, P., & Kreimer, P. (2017). Globalized science in centers and peripheries. The Routledge Handbook of the Political Economy of Science, 390.
Demeter, M. A. (2019). The World-Systemic Dynamics of Knowledge Production: The Distribution of Transnational Academic Capital in the Social Sciences. Journal of World-Systems Research, 25(1), 112-144.
Demeter, M. A. (2020). Academic Knowledge Production and the Global South: Questioning Inequality and Under-representation. Springer Nature.
Feld, A., & Kreimer, P. (2019). Scientific co-operation and centre-periphery relations: attitudes and interests of European and Latin American scientists. Tapuya: Latin American Science, Technology and Society, 2(1), 149-175.
Harris, M., Macinko, J., Jimenez, G., Mahfoud, M., & Anderson, C. (2015). Does a research article's country of origin affect perception of its quality and relevance? A national trial of US public health researchers. BMJ open, 5(12), e008993.
Ho, M. T., Vuong, T. T., Pham, T. H., Luong, A. P., Nguyen, T. N., & Vuong, Q. H. (2020). The Internal Capability of Vietnam Social Sciences and Humanities: A Perspective from the 2008–2019 Dataset. Publications, 8(2), 32.
Kauppinen, I. (2012). Towards transnational academic capitalism. Higher education, 64(4), 543-556.
Kim, K. W. (2006). Measuring international research collaboration of peripheral countries: Taking the context into consideration. Scientometrics, 66(2), 231-240.
Larivière, V., Haustein, S., & Mongeon, P. (2015). The oligopoly of academic publishers in the digital era. PloS one, 10(6), e0127502.
Manh, H. D. (2015). Scientific publications in Vietnam as seen from Scopus during 1996–2013. Scientometrics, 105(1), 83-95.
Monroe-White, T., & Woodson, T. S. (2016). Inequalities in scholarly knowledge: Public value failures and their impact on global science. African Journal of Science, Technology, Innovation and Development, 8(2), 178-186.
Nguyen, N., & Tran, L. T. (2018). Looking inward or outward? Vietnam higher education at the superhighway of globalization: Culture, values and changes. Journal of Asian Public Policy, 11(1), 28-45.
Nguyen, T. V., Ho-Le, T. P., & Le, U. V. (2017). International collaboration in scientific research in Vietnam: an analysis of patterns and impact. Scientometrics, 110(2), 1035-1051.
Olechnicka, A., Ploszaj, A., & Celińska-Janowicz, D. (2018). The geography of scientific collaboration. Routledge.
Petersen, J., Hattke, F., & Vogel, R. (2017). Editorial governance and journal impact: a study of management and business journals. Scientometrics, 112(3), 1593-1614.
Ploszaj, A., Celinska-Janowicz, D., & Olechnicka, A. (2018). Core-periphery relations in international research collaboration1. In Proceedings of the 23rd International Conference on Science and Technology Indicators (STI 2018).
Schott, T. (1988). International influence in science: Beyond center and periphery. Social Science Research, 17(3), 219-238.
Vuong, Q. H. (2019). The harsh world of publishing in emerging regions and implications for editors and publishers: The case of Vietnam. Learned Publishing, 32(4), 314-324.
Wagner, C. S., Park, H. W., & Leydesdorff, L. (2015). The continuing growth of global cooperation networks in research: A conundrum for national governments. PLoS One, 10(7), e0131816.
Weingart, P. (2006). Knowledge and inequality. Inequalities of the World. New theoretical frameworks, multiple empirical approaches. London: Verso, 163-90.
Yemini, M. (2019). International research collaborations as perceived by top-performing scholars. Journal of Studies in International Education, 1028315319887392.