Lời hiệu triệu “cần chấm dứt học theo văn mẫu” của ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng GD&ĐT, người vốn xuất thân từ giảng dạy, nghiên cứu văn học, đang được cộng đồng xã hội và nhiều giáo viên ủng hộ, hưởng ứng. Tuy nhiên, cách thức nào để đề nghị đúng đắn ấy trở nên hiệu quả trong thực tế thì không dễ trả lời.

Thay đổi tư duy vít chặt “barem điểm”, “barem đáp án”

Mấy năm trước, khi chấm bài thi đại học, bao giờ cũng vậy, tôi luôn bắt gặp những câu mở đầu tuyệt đối giống nhau, chẳng hạn “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới” nếu đề thi đề cập đến Xuân Diệu. Những câu mở bài “kinh điển” như vậy được đa số học sinh sử dụng vì các em biết rằng, chúng nằm trong barem tính điểm khi giáo viên chấm. Toàn bộ quá trình học trước đó cũng như kiến thức có được từ luyện thi đều nhấn mạnh việc đảm bảo nguyên tắc giới thiệu thông tin tối thiểu về tác giả, tác phẩm. Chưa cần sáng tạo, không phải tìm tòi, chỉ cần viết dăm ba câu chung chung về năm sinh năm mất, vị trí và phong cách tác giả, bối cảnh ra đời tác phẩm,... là đã có điểm. Học sinh trích dẫn Hoài Thanh chủ yếu nhờ kênh truyền đạt của giáo viên nhưng giáo viên, trong bài giảng, đôi khi cũng chỉ nêu lại nhận định đó mà không cùng học sinh cắt nghĩa Xuân Diệu “mới nhất” ở đâu và ý kiến tác giả Thi nhân Việt Nam liệu đã thuyết phục chưa? Học sinh làm bài kiểm tra, bài thi đều muốn có một sự an toàn nhất định nên cứ “thuật nhi bất tác”, ngần ngại hoặc thậm chí, lười biếng nghĩ ngợi, sáng tạo.

Giờ ngữ văn ở một trường THPT. Nguồn: giaoducthoidai.vn

Những barem cũng tạo ra thói quen viết đúng, đủ ý thay vì có thể mở rộng phân tích và nêu quan điểm riêng. Một bài văn được coi là thành công, trước hết, cần đầy đủ các ý và thường là những ý có sẵn, tích trữ từ bài giảng, tài liệu. Mở bài mấy ý, thân bài bao nhiêu luận điểm và kết luận cần tóm lại ra sao, tất cả, đều được học sinh tập dượt suốt nhiều năm tháng từ cấp 2 đến cấp 3. Người chấm không thể vung tay song cũng chẳng dám hạ thấp điểm đánh giá khi mà barem, đáp án thường nhấn mạnh nguyên tắc đủ ý. Dĩ nhiên, vẫn có những giáo viên chấp nhận các ý tứ, lập luận khác đáp án nhưng nhìn chung, tinh thần “ăn chắc mặc bền”, lấy ý làm trọng, rút ý làm đầu luôn tỏ ra cuốn hút và phổ biến hơn. Vì thế, muốn giảm nhẹ vai trò của công thức “vạch ý”, “đếm ý” và khuôn mẫu “bài văn ba phần” thì tinh thần dạy-học Ngữ Văn phải thật sự cởi mở, chấp thuận và đối thoại được nhiều ý kiến, tôn trọng những phá cách, khác biệt trong tư duy, biểu đạt của học sinh.

Việc tồn tại quá lâu của barem môn Ngữ Văn khiến nhiều người băn khoăn về tính đặc thù ở môn học này. Cảm nhận, phân tích một truyện ngắn, một bài thơ, nhìn chung, rất cần tính chính xác và có lí lẽ nhưng không phải mọi điều đều có thể chuẩn xác trăm phần trăm. Có những vấn đề văn chương “nằm ngoài” barem hai năm rõ mười, nhưng lại “nằm trong” đời sống nội tâm, suy nghĩ của mỗi cá nhân. Một vấn đề khá hóc hiểm và theo tôi, rất mơ hồ, như “vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh” (đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021) mà vẫn có barem đáp án thì quả thật, chẳng biết viết thế nào để đúng, trúng, đủ ý? Ngay cả khi có “vẻ đẹp nữ tính” thực sự, tôi vẫn e rằng, nó không giống một hợp chất hóa học có công thức chính xác và bất biến để người học biên kín trên trang giấy. Nếu tôi, trong vai một độc giả ngán ngẩm những câu thơ nỉ non vần điệu, nửa bóng gió nửa thật thà, vừa yêu vừa cả thẹn trong bài Sóng của Xuân Quỳnh thì liệu tôi có thể được quyền từ chối vẻ đẹp nữ tính ấy không? Rõ ràng, chúng ta đang tự làm khó mình khi nhất quyết tin vào một chuẩn mực thẩm mĩ, giá trị văn chương và rồi lúng túng trước sự thật này: Theo thời gian, các tác phẩm văn chương trong nhà trường không ngừng cũ, mà người học, tất yếu, không ngừng trẻ và khác hơn rất nhiều so với thời điểm tác phẩm ấy sinh thành.

Hạn chế “uy quyền” của sách giáo viên, sách Văn mẫu

Ngoài sách giáo khoa thì sách giáo viên, sách Văn mẫu là bộ công cụ cơ bản trong dạy - học Văn ở phổ thông. Người dạy căn cứ vào sách giáo viên để soạn bài giảng, còn học sinh tham khảo sách Văn mẫu để gia giảm kiến thức lí thuyết, thực hành. Không ít trường hợp coi sách giáo viên là “số một”, kim chỉ nam bất biến cho hoạt động dạy học đến mức lấn át các năng lực cảm thụ, tìm hiểu riêng có của cá nhân. Trong khi sách giáo viên, dẫu được biên soạn bởi tập thể tác giả danh tiếng, dẫu được thừa nhận chuẩn mực, thì vẫn nên ứng xử, tiếp nhận như kênh tham khảo đối với môn Ngữ Văn mà thôi. Không nên lấy thước đo sách giáo viên để ướm vào từng cảm nhận, suy nghĩ của dạy - học Văn vì điều đó, sớm hay muộn, chỉ làm Văn mẫu tồn tại lâu dài hơn.

Tương tự, học sinh cũng có thể dùng sách Văn mẫu trong quá trình thực hành. Nhưng học sinh cần được tư vấn, cần có những chỉ bảo tối thiểu. Trong khi thị trường sách tham khảo, sách Văn mẫu không ngừng sôi động, đa dạng, từ giáo viên mới đứng lớp đến nhà nghiên cứu lâu năm đều viết sách tham khảo dạy-học Văn, thì dường như rất ít người hoặc thiết chế nào đó đứng cùng học sinh chọn lựa. Rất khó kiểm định, đánh giá chất lượng và hiệu quả các loại sách tham khảo, sách Văn mẫu ngoại trừ điểm chung là đều bám rất sát nội dung chương trình môn học ở nhà trường, bám sát các loại đề thi. Điều này khiến học sinh cũng không tiếp nhận thêm được nhiều kiến thức mới, chưa kể có thể có kiến thức cũ kĩ, nhầm lẫn. Hầu như rất ít sách tham khảo hướng đến rèn luyện khả năng tự tìm đọc, phát triển kĩ năng viết, kĩ năng tìm kiếm thông tin, đối sánh văn bản của người học. Thực tế cho thấy khá nhiều tác phẩm văn chương trong sách giáo khoa, sách tham khảo thuộc chương trình Ngữ Văn THPT mới đang gây tranh luận và điều này, không gì khác, đòi hỏi giáo viên cũng phải cập nhật, bổ sung kiến thức lẫn đời sống văn chương ở mức độ cao và thường xuyên.

Thay đổi từ chính “văn mẫu” ở nhà trường

Muốn người trẻ thay đổi thói quen “sao y bản chính” thì trước hết, thầy cô, nhà quản lí giáo dục phải làm gương trong viết, diễn đạt, ăn nói. Thực tế, có rất nhiều dạng “văn mẫu” đang thịnh hành phổ biến trong trường học, trong hoạt động giáo dục ở bất kì đâu: những diễn văn khai giảng, bế giảng; những thư chúc mừng và thư khen; những phát biểu nhân dịp A và những chia sẻ, tâm tư trong bối cảnh B,... Rất nhiều văn bản, diễn ngôn trong số này, có thể nói, còn “văn mẫu” hơn rất nhiều so với bài viết học sinh. Nếu là diễn văn khai giảng thì chắc mẩm mở đầu “trong không khí”, chính giữa “nhìn lại năm học qua”, phần cuối cao trào “quyết tâm thi đua”. Nếu là thư gửi thì luôn “thân ái, thân mến”, không quên “kêu gọi” và “đề nghị”, và một cách xúc động, “thiết tha mong muốn”,... Những văn bản na ná ngôn từ, giọng điệu dù người viết có cấp bậc, vị trí khác nhau trong nhà trường, trong ngành giáo dục. Những diễn đạt theo kiểu cấu trúc “ba hồi”, từ “trước hết, tôi xin”, rồi “nhân đây” và “cuối cùng, một lần nữa” vang lên từ trường này sang trường khác, vùng nọ đến vùng kia. Chúng không chỉ làm học sinh phải nén tiếng thở dài “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà còn khiến không khí giao tiếp, truyền đạt, phát biểu trong nhà trường trở nên cứng nhắc, sáo mòn, hành chính hóa.

Chúng ta không thể kì vọng, bắt buộc học sinh rời bỏ văn mẫu nếu bản thân giáo viên, nhà quản lí giáo dục không chứng tỏ được tinh thần sáng tạo, yếu tính cá nhân trong các văn bản viết và nói của mình. Tuy học sinh vẫn bị xếp vào tầng lớp “đang trưởng thành” nhưng tôi tin, các em giờ đây, ở tuổi 16 - 17, hoàn toàn có thể nhận thức được rằng, một khi môi trường học xung quanh còn đang ngập tràn văn mẫu thì sáng tạo, phá cách là “lạc lõng” đến mức nào.