“Bác sĩ” tài ba của các hệ thống công nghiệpTS Nguyễn Hữu Quang - Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt - cho biết, lĩnh vực ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân khảo sát hệ thống công nghiệp rất phong phú và đa dạng, bao gồm công nghiệp khai thác, vận chuyển, chế biến lọc hóa dầu khí, công nghiệp khai thác than và khoáng sản, công nghiệp hóa chất và vật liệu, địa chất, thủy văn và môi trường… Trong đó, công nghiệp dầu khí có tỉ lệ ứng dụng cao nhất do tính chất đặc thù về công nghệ, quy mô sản xuất và đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn.
“Lợi ích lớn nhất của kỹ thuật hạt nhân trong khảo sát hệ thống công nghiệp đem lại là đưa ra các bằng chứng, số liệu về tình trạng bên trong hệ thống mà không cần dừng hoạt động để hỗ trợ các quyết định lựa chọn giải pháp khắc phục, lên kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa” – TS Quang cho biết.
Thực tế đã chứng minh, với công nghệ soi tia gamma, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp từng phát hiện nứt vỡ vật liệu cách nhiệt bên trong tháp và đường ống ở các cơ sở công nghiệp như Đạm Phú Mỹ, Chế biến khí Nam Côn Sơn, Xử lý vận chuyển khí Đông Nam bộ… Tại nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhờ dùng kỹ thuật soi tia gamma, các cán bộ kỹ thuật đã soi, khảo sát và phát hiện các vị trí tắc nghẽn trên hệ thống dẫn khí flaire để lên kế hoạch bảo dưỡng kịp thời.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụngNhận thấy vai trò của kỹ thuật hạt nhân trong việc kiểm soát hệ thống máy móc công nghiệp, từ năm năm 2009, đề án “Phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp và các ngành kinh tế kỹ thuật khác được triển khai.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, ở lĩnh vực công nghệ kiểm tra không phá hủy (NDT), dự án đầu tư “Nâng cấp, hoàn thiện phòng thử nghiệm kỹ thuật cao kiểm ưa thí nghiệm không phá hủy INDT” đã được Bộ Công Thương giao Viện Cơ khí năng lượng và Mỏ-Vinacomin chủ trì thực hiện. Dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 24 tỷ đồng và đang vào giai đoạn thu xếp nguồn vốn để bắt đầu triển khai.
Còn đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống đảm bảo kiểm soát chất lượng kiểm tra không phá hủy trong công nghiệp” do Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) chủ trì thực hiện đã được nghiệm thu và đánh giá cao.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, với việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực giám sát, kiểm tra chất lượng và đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm, công trình trong suốt quá trình thi công, xây lắp trước khi nghiệm thu và trong suốt quá trình hoạt động, kỹ thuật NDT đã khẳng định vai trò và đem lại lợi ích giá trị nhiều triệu đô la Mỹ do tiết kiệm chi phí dừng sản xuất hay tránh được những thảm họa kỹ thuật.
Tuy nhiên, để góp phần thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo các cấp nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử trong công nghiệp, ông Vũ Tiến Hà – Trung tâm NDE - kiến nghị nhà nước và Bộ Khoa học và Công nghệ thường xuyên thúc đẩy tăng cường năng lực nghiên cứu, chuẩn bị nhân lực và các điều kiện cần thiết; đặc biệt là nhân lực giám sát, kiểm tra chất lượng trong quá trình thi công, xây lắp trước khi nghiệm thu và trong quá trình hoạt động.