Giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán đã vượt khỏi phạm vi khoa học và còn gây dậy sóng dư luận, chia rẽ về chính trị mỗi khi một số báo nhắc tới. Nhưng các phân tích mới nhất trên tạp chí Science cho thấy giả thuyết này rất khó đứng vững.
Năm 2020, một nghiên cứu và lá thư của các nhà dịch tễ học uy tín đăng trên tạp chí The Lancet gọi thuyết “SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm” là “thuyết âm mưu”, còn báo cáo từ chuyến điều tra chung của WHO và Trung Quốc cho rằng điều này “cực kì khó xảy ra”.
Chợ buôn lông da động vật tại Đồng Hương, Chiết Giang. Các loài cáo, gấu mèo và chồn ở đây đều có khả năng bị nhiễm SARS-CoV-2.
Nhưng, gió đã đổi chiều từ đầu năm 2021 khi một nhà khoa học đoạt giải Nobel cáo buộc các nhà khoa học và các cơ quan truyền thông bỏ qua giả thuyết “rò rỉ từ phòng thí nghiệm” một cách dễ dàng. Tổng thống Biden ra lệnh cho giới tình báo đánh giá khả năng này. Hồi tháng năm, một lá thư của 18 nhà khoa học về virus và tiến hóa đăng trên tạp chí Science kêu gọi đánh giá kỹ hơn về giả thuyết này.
Cơ sở của giả thuyết “rò rỉ từ phòng thí nghiệm”?
Viện Virus Vũ Hán (WIV) từ lâu nghiên cứu về coronavirus từ dơi và trong quá khứ đã từng xảy ra tai nạn trong phòng thí nghiệm: virus SARS gây đại dịch hồi năm 2003 đã sáu lần lây nhiễm cho các nhà nghiên cứu ở đây; sáu nhà nghiên cứu cũng đã nhiễm một loại coronavirus khi đi khảo sát thực tế trong các hang dơi.
Mặc dù Thạch Chính Lệ, chuyên gia hàng đầu tại WIV đã email đến tạp chí Science vào tháng 7/2020 cho biết tất cả các nhân viên đều xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và các coronavirus liên quan. Nhưng mọi nghi ngờ vẫn dấy lên khi ngày 23/5 vừa qua, tờ The Wall Street Journal đưa tin về một báo cáo tình báo cho biết ba nhà nghiên cứu của WIV đã nhập viện vào tháng 11/2019.
The Wall Street Journal đưa tin về sự tồn tại của một báo cáo tình báo chưa được tiết lộ cho biết ba nhà nghiên cứu của WIV đã nhập viện vào tháng 11/2019. Mặc dù các nhà khoa học viết thư lên tạp chí Science hồi tháng năm đặt nghi ngờ vì dữ liệu về những trường hợp nhiễm COVID-19 sớm nhất quá nghèo nàn nhưng nhà virus học Linfa Wang tại trường y Duke-NUS, người đã từng hợp tác nhiều lần với WIV bác bỏ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm vì một lí do đơn giản: coronavirus trên dơi cực kì khó phân lập và lưu trữ. Thạch Chính Lệ và phòng thí nghiệm của mình có hơn 2000 mẫu phân, dịch hậu môn và miệng của dơi dương tính với coronavirus nhưng chỉ phân lập và nuôi cấy được ba virus trong suốt 15 năm, và không loại nào giống với SARS-CoV-2.
Linfa Wang cũng bổ sung thêm rằng tuy WIV có nuôi nhốt dơi để thí nghiệm nhưng không thuộc chi Rhinolophus (loài duy nhất mang coronavirus liên quan SARS), nên không thể lưu trữ SARS-CoV-2 trên động vật sống.
Ngoài các nghi ngờ tập trung vào phòng thí nghiệm, thì cũng có nhiều suy đoán về nguồn gốc đại dịch tập trung vào sáu người đàn ông mắc bệnh hô hấp (sau này ba người bị chết) từ năm 2012 khi họ dọn phân dơi tại một mỏ đồng thuộc tỉnh Vân Nam. Một số người cho rằng ba người đó nhiễm SARS-CoV-2 hoặc phiên bản trước đột biến của nó. Nhưng thực ra trong các tài liệu công bố, sau khi các thợ mỏ bị ốm, Thạch Chính Lệ và đồng nghiệp đã vài lần lấy mẫu dơi tại đây và phát hiện 9 loại virus liên quan đến SARS. Trong đó RaTG13 giống đến 96.2% về mặt di truyền với SARS-CoV-2, là phiên bản gần gũi nhất từng được biết đến. Các nhà khoa học cũng đã tranh luận sôi nổi về mối liên quan giữa RaTG13 với SARS-CoV-2.
Sau này, khi bà Thạch Chính Lệ dẫn một báo cáo xét nghiệm máu của các thợ mỏ không tìm thấy bằng chứng trực tiếp hoặc kháng thể của coronavirus thì cũng có nghi ngờ rằng bà Thạch cùng nhóm đã tẩy xóa dữ liệu xét nghiệm. Nhưng Linfa cho rằng những nghi ngờ đó là vô lý, bởi vì nếu “chứng minh coronavirus là nguyên nhân gây ra các chết của các công nhân thì đó sẽ là một phát hiện rất giá trị về mặt khoa học”. Nếu đúng như thế, họ có thể “sẽ có một bài đăng trên Nature hoặc Science”.
Nếu SARS-CoV-2 được tạo ra ở viện virus Vũ Hán thì Trung Quốc sẽ bị toàn thế giới lên án, và tương lai của ngành virus học sẽ bị phá hủy. Vì trước đây dư luận đã tranh luận gay gắt trong cả thập kỉ về giá trị khoa học của việc tạo ra các biến chủng độc lực cao hoặc dễ lây lan của các virus. Một số người ủng hộ vì nghiên cứu giúp xác định và ngăn chặn mối đe dọa tương lai, nhưng những người phê bình vẫn cho rằng nghiên cứu kiểu này có nguy cơ tạo ra và giải phóng các mầm bệnh.
Trong quá khứ, Thạch Chính Lệ đã tạo ra các loại virus khảm (kết hợp đặc tính từ nhiều loại virus khác nhau) để giải quyết khó khăn trong việc nuôi cấy coronavirus được phân lập từ dơi. Nhiều đồn đoán nghi ngờ rằng nếu bà Thạch Chính Lệ có thể tạo ra các virus khảm, thì SARS-CoV-2 có thể là một trong số đó.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng SARS-CoV-2 không phải là một virus khảm từ phòng thí nghiệm bởi không có loại coronavirs nào đủ tương đồng làm nguyên liệu ban đầu. Một nghiên cứu công bố ngày 19/8 trên tạp chí Cell của 20 nhà khoa học cho biết 1,100 nucleotide khác biệt giữa RaTG13 và SARS-CoV-2 nằm rải rác trên bộ gene và không thể là sản phẩm của sự lai tạo có chủ đích.
David Baltimore, nhà khoa học đoạt giải Nobel đã khơi mào cho cuộc tranh luận về khả năng SARS-CoV-2 đã được chế tạo vì ở protein gai có một vị trí cắt furin - giúp virus dễ dàng xâm nhập vào tế bào. Những người ủng hộ giả thuyết này tuyên bố không có coronavirus từ dơi nào giống SARS-CoV-2 ở đặc điểm này, và phỏng đoán một phòng thí nghiệm đã thêm vị trí cắt furin vào virus.
Tuy nhiên, họ không biết rằng một số loài coronavirus thuộc cũng mang vị trí cắt furin. Một bài báo của Shi WeiFeng tại Đại học Y Sơn Đông đã dẫn ra một loại coronavirus liên quan mang 3 trong 4 amino acid tại vị trí cắt furin giống với SARS-CoV-2. Điều này gợi ý về nguồn gốc tiến hóa tự nhiên của đại dịch. Vì thế Baltimore đã phải thay đổi tuyên bố, ông nói mình đã không biết đến một số coronavirus cũng mang vị trí cắt furin.
Ngoài cách thao tác gene, một phòng thí nghiệm cũng có thể vô tình tạo ra SARS-CoV-2 qua nhiều lần cấy truyền, gây ra tích lũy đột biến. Tuy thế, để làm được điều này, phòng thí nghiệm đó phải bắt đầu bằng việc tóm được một họ hàng gần với SARS-CoV-2, nhưng các nhà khoa học không thấy bất kì bằng chứng nào về sự tồn tại của một loại virus tiền thân như thế. Và quá trình cấy truyền thường làm mất vị trí cắt furin hoặc khiến virus yếu đi.
Giờ đây giới tình báo Mỹ cũng hạ thấp khả năng “nhân tạo” của SARS-CoV-2. Họ kết luận virus này "có lẽ không phải một sản phẩm của kỹ thuật chỉnh sửa gene" và "không được tạo ra với mục đích vũ khí sinh học".
Trong báo cáo dài 300 trang của WHO cũng đã ghi một chi tiết: “không thể xác minh về tình trạng buôn bán các động vật có vú vào năm 2019” tại chợ Hoa Nam và các chợ liên quan đến các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, khiến nhiều người củng cố thuyết âm mưu. Nhưng cũng chính báo cáo của WHO mô tả các nhà khoa học có thể phân lập 2 loại virus từ mẫu lấy từ sàn, tường và các bề mặt khác tại chợ Hoa Nam. Mặt khác, một nghiên cứu hồi tháng sáu của Zhou Zhao-Min ở Đại học Sư phạm Tây Trung Quốc đã thống kê gần 50,000 động vật thuộc 38 loài, hầu hết còn sống, được bày bán tại 17 cửa hàng tại chợ Hoa Nam và ba khu chợ khác từ tháng 3/2017 đến tháng 11/2019.
Cầy hương là tác nhân lây truyền SARS-CoV, còn gấu mèo có thể nhiễm SARS-CoV-2 trong các thí nghiệm. Chồn được nuôi lấy lông phổ biến tại nhiều nước cũng có thể nhiễm SARS-CoV-2. Michael Worobey cũng đặt ra khả năng rằng SARS-CoV-2 nhảy qua lại liên tục từ động vật sang người và dần thích nghi với vật chủ mới tại môi trường phù hợp như các khu chợ. Hoặc có thể virus lây đầu tiên sang người chăn nuôi ở những ngôi làng xa xôi, sau đó họ mang virus đến các khu chợ tại Vũ Hán, thành phố hơn 11 triệu dân.
Tiếp tục nghiên cứu
Jesse Bloom, nhà sinh học tiến hóa tại trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson, người đứng đầu nhóm nhà khoa học gửi lá thư lên tạp chí Science cho rằng giả thuyết rò rỉ virus sẽ còn đó cho đến khi Chính phủ Trung Quốc chịu hợp tác hơn trong việc nghiên cứu, điều tra nguồn gốc của virus. Bloom muốn biết thêm về các trường hợp COVID-19 sớm nhất và nói rằng Viện virus Vũ Hán nên chia sẻ về trình tự gene của coronavirus trên dơi tháng 9/2019 (đã bị xóa khỏi internet, với lí do bị tấn công mạng). Mặt khác, dữ liệu các chợ của Vũ Hán có thể giúp ích để tìm ra bằng chứng nhiễm virus trên những người từng đến chợ trong quá khứ.
Trong bài viết trên Nature ngày 25/8, các thành viên quốc tế trong đoàn nghiên cứu giai đoạn 1 của WHO cảnh báo giai đoạn 2 cần phải bắt đầu sớm vì thời gian đang cạn dần. WHO vẫn đang sắp xếp lại nhóm nghiên cứu, còn Chính phủ Trung Quốc thì không mấy chào đón họ.
Chúng ta có thể không bao giờ biết được bệnh nhân số 0 đầu tiên ở đâu. Với tất cả các dữ liệu hiện có, chúng ta chỉ biết các câu chuyện “có thể xảy ra”, câu chuyện nào logic hơn, câu chuyện nào bị loại trừ vì thiếu bằng chứng. Từ các nghiên cứu hiện nay, khả năng virus xuất phát từ các khu chợ ở Vũ Hán có vẻ đáng tin cậy hơn khả năng virus rò rỉ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Chúng ta có thể không bao giờ biết được bệnh nhân số 0 đầu tiên ở đâu. Với tất cả các dữ liệu hiện có, chúng ta chỉ biết các câu chuyện “có thể xảy ra”, câu chuyện nào logic hơn, câu chuyện nào bị loại trừ vì thiếu bằng chứng. Từ các nghiên cứu hiện nay, khả năng virus xuất phát từ các khu chợ ở Vũ Hán có vẻ đáng tin cậy hơn khả năng virus rò rỉ phòng thí nghiệm Vũ Hán. |
Nguồn bài và ảnh: Science, doi: 10.1126/science.acx9018