Không thể bỏ mặc việc đưa thêm các tác phẩm văn học đương đại vào chương trình phổ thông cho giáo viên tự xoay xở như hiện nay bởi việc tuyển lựa này vừa đòi hỏi chuyên môn học thuật, vừa cần tính toán cân bằng nhiều yếu tố khác.
Tranh cãi trong những ngày qua trên truyền thông và mạng xã hội về cuốn sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (tác giả Ocean Vương) được đưa vào chương trình đọc thêm ở một trường quốc tế tại TPHCM, thể hiện phần nổi của tảng băng giáo dục Ngữ văn trong nhà trường.
Nó tiếp nối chuỗi hết sự vụ này đến sự vụ khác của việc công chúng/phụ huynh phản ứng thế nào với đa dạng các tác phẩm (nhất là đương đại) được cập nhật mới liên tục trong môn Ngữ văn – vốn từng đóng băng bởi một số tác phẩm được chọn từ trước. Có thể liệt kê một vài sự kiện như sau:
- Tranh cãi về thủ pháp nghệ thuật và vấn nạn xã hội trong bài thơ
Bắt nạt (của Nguyễn Thế Hoàng Linh) trong Sách giáo khoa Ngữ văn 6
- Tranh cãi về dữ kiện lịch sử trong bộ phim
Đất rừng phương Nam khi một vài nhà trường sử dụng phim làm chất liệu cho học tập liên môn (có môn Ngữ văn)
- Tranh cãi về đề thi “mất vệ sinh” tại tỉnh Đồng Tháp khi giáo viên chọn ngữ liệu có yếu tố liên quan đến bài tiết (trong truyện cười dân gian)
Cách tiếp cận thường thấy trên mạng xã hội khi nổ ra tranh luận là chia hai phe thuận và chống; tiếp theo đó là các sự kiện thu hồi, kiểm điểm hoặc tranh cãi xong rồi thôi. Có thể thấy cách tiếp cận này kém hiệu quả, chỉ mang tính sự vụ và vẫn thiên về trừng phạt và cấm đoán. Như trong vụ việc liên quan đến tác phẩm của Ocean Vương, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM yêu cầu nhà trường thu hồi toàn bộ sách đã cấp phát cho học sinh và kiểm điểm phê bình giáo viên. Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng vừa gửi văn bản đề nghị hai đơn vị liên kết phát hành sách rà soát nội dung tác phẩm.
(Trong vụ việc này, chúng ta còn chứng kiến một cách tiếp cận thiếu hiệu quả nữa là lập luận cho rằng người “phương Đông” không phù hợp với văn bản kiểu
Một thoáng... Tuy vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa về mọi mặt, khó mà tồn tại một thứ phương Đông cổ truyền đối lập với phương Tây cởi mở - về tình dục. Tiếp nữa, đoạn văn gây tranh cãi không chỉ bàn về tình dục mà còn nhiều vấn đề khác - sẽ được đề cập ở phần sau).
Chúng ta không thiếu nhiệt huyết tranh luận trên mạng xã hội mà thiếu quy trình tuyển lựa, hướng dẫn thực hành và cơ chế đối thoại khi học sinh tiếp xúc với các tác phẩm có yếu tố nhạy cảm. Chẳng thể nào vừa mong muốn giáo dục văn chương hỗ trợ tinh thần các em trong thời đại đầy biến động và bất an, vừa gác cổng khắc nghiệt để chỉ tồn tại các tác phẩm “trong vắt”, giữ các em cách xa khỏi những ngổn ngang ở đời.
Quy trình tuyển lựaKhông thể bỏ mặc việc đưa thêm các tác phẩm đương đại vào chương trình phổ thông cho giáo viên tự xoay xở như hiện nay. Việc tuyển lựa này vừa đòi hỏi chuyên môn học thuật, vừa cần tính toán cân bằng các yếu tố văn hóa – xã hội đa chiều, vừa yêu cầu cập nhật theo từng năm nên danh sách các tác phẩm đương đại khuyến đọc cho học sinh cần được thực hiện bởi hội đồng chuyên môn giáo dục cấp cao. Giải pháp là các tổ chức/cơ quan ở tầm quốc gia/khu vực về thư viện, giáo dục, nhà xuất bản có thể thành lập hội đồng để đưa ra các danh sách khuyến đọc với đa dạng tác phẩm nhất có thể, hỗ trợ tối đa nhu cầu lựa chọn của giáo viên.
Dựa vào đó, các học khu (cấp trường / quận, huyện / tỉnh) đưa danh sách xuống giáo viên vào cuối năm/kỳ học để giáo viên có thời gian nghiên cứu từng tác phẩm cụ thể. Đầu kỳ/năm học, học khu tổ chức họp chuyên môn để thống nhất các tác phẩm nào được ưu tiên đưa vào giảng dạy, sao cho nó vừa thích hợp về chuyên môn, vừa đáp ứng các nhu cầu văn hóa – xã hội đặc thù ở học khu mình (do văn học đặc biệt gắn chặt với vấn đề văn hóa bản địa). Quyền quyết định cuối cùng mới nằm ở giáo viên.
Sự việc Ocean Vương xảy ra một phần do nhà trường/giáo viên đã quá tin tưởng vào danh sách khuyến đọc của Chương trình Tú tài Quốc tế (IB), cũng như các giải thưởng lớn mà tác phẩm đã nhận. Nếu như có cuộc họp chuyên môn nội bộ trường để thống nhất đưa/đưa một phần/đưa có cảnh báo/không đưa tác phẩm này vào môn Viet Lang Lit (Ngữ văn Việt Nam) hẳn sự việc đã không đi xa đến vậy.
Hướng dẫn thực hànhĐưa tác phẩm đương đại vào nhà trường đồng nghĩa với gia tăng các câu hỏi, hướng dẫn đọc, gợi ý phân tích bởi thao tác với vấn đề tương đối mới lạ có thể gây khó khăn ngay cả đối với người lớn. Nếu còn giữ nguyên bộ câu hỏi “tác phẩm nào cũng hỏi thế” (one size fits all) kinh điển như “Tác phẩm có mấy phần? Diễn biến tâm lý của nhân vật chính ra sao?” thì đưa tác phẩm đương đại cho học sinh nhiều khả năng chỉ mang lại kết quả phản cảm.
Do đó, học sinh cần được dẫn dắt tiếp cận các tác phẩm văn học đương đại bằng những bộ câu hỏi đa chiều hơn và “mở” hơn. Ví dụ như đề thi mẫu AP
1 (2022) đã đưa ra yêu cầu với tác phẩm
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (tạm dịch) như sau:
Nhiều tác phẩm văn chương đã xây dựng hình tượng nhân vật chấp nhận hay chối bỏ hệ thống tôn ti thứ bậc. Cấu trúc của thứ bậc ấy có thể phát sinh từ xã hội, kinh tế, chính trị, hoặc gia đình hoặc một số cấu trúc tương tự.
Từ những tác phẩm đã đọc hoặc danh sách đề xuất dưới đây, em hãy chọn một tiểu thuyết có nhân vật có phản ứng lại với hệ thống thứ bậc. Bằng bài viết, em hãy phân tích phản ứng của nhân vật có đóng góp thế nào cho việc diễn giải toàn thể tác phẩm.(Ngoài
Một thoáng…, danh sách đề cử khoảng 20 tác phẩm, bao gồm một số tác phẩm đáng chú ý về châu Á đương đại đã được dịch ra tiếng Việt:
Cọp trắng,
Di sản của mất mát,
Người đua diều,… Các tác phẩm này đều có vài trường đoạn nhạy cảm về bạo lực và chủng tộc).
Nếu đọc trích đoạn gây tranh cãi tại Việt Nam từ góc nhìn phân tích nhân vật chống chịu lại hệ thống thứ bậc, ta sẽ thấy nó bóc trần, không chỉ hai cậu trai, mà cả hệ thống quyền lực vô hình đang nghiến lên những đứa trẻ như Cún Con và Trevor. Đồng tính bị lề hóa ra khỏi xã hội, khủng hoảng nhân dạng của da vàng nhập cư và da trắng nông thôn, trẻ nghèo không được giáo dục đầy đủ (về tình dục), mất kết nối với gia đình nên phải tìm tình thân nơi kẻ khác, bạo lực biểu trưng trong cách va chạm về thân xác…
Tính thách thức hệ thống thứ bậc của đoạn trích này (trong mối liên hệ với toàn bộ tác phẩm) còn ở chỗ nhân vật chính lựa chọn tình dục như một phương tiện để tự giải phóng khỏi những lề luật khốc liệt của hệ thống, dù cho lựa chọn ấy đầy rủi ro. Những ngữ đoạn ngắn dồn dập, đan cài ký ức cụ thể hoặc trần trụi, những liên tưởng chuyển đổi cảm giác đầy chất thơ cho thấy khát vọng tự do ngay ở những góc tối nhất của bạo lực tôn ti (bất bình đẳng chủng tộc, chủ nghĩa tư bản bóc lột, bóng ma tinh thần của quá khứ,…)
Nếu đọc liên văn bản đoạn trích đó với toàn thể tác phẩm của Ocean Vương (rộng hơn là một số tác phẩm được AP đề xuất như trên), ta thấy đoạn miêu tả về tình dục không chỉ là tình dục mà còn về giới, thân thể, ký ức, bản dạng, quyền lực,… Về vỏ câu chữ, nó có thể dung tục với một số người, nhưng vấn đề nhân văn mà nó đặt ra thì không thể chối bỏ.
Điều quan trọng là giáo viên cần hướng dẫn để học sinh nhận ra mối dây liên hệ đa chiều, giúp học sinh bằng chứng hóa những vấn đề đương đại từ vỏ văn bản. Không thể yêu cầu học sinh “tự nhận ra” lượng vấn đề khổng lồ như vậy mà thiếu sự hỗ trợ của giáo viên trong trường hợp nhạy cảm đồng thời cả về giới, bạo lực, chủng tộc (chứ không chỉ là khiêu dâm đồng tính như “người lớn” nhầm tưởng).
Cơ chế đối thoạiThiếu hai hoạt động tuyển chọn theo quy trình và hướng dẫn thực hành, đối thoại giữa nhà trường với phụ huynh khó bề mà thông suốt khi xảy ra bất đồng.
Nhưng dù cho hai bước trên được thực hiện đầy đủ đi nữa, các vấn đề nhạy cảm vẫn cần sự đồng thuận từ phụ huynh cũng như cơ chế quản lý rủi ro của nhà trường. Nhà trường cần thông báo cho phụ huynh các vấn đề giới, bạo lực, chủng tộc,… sẽ xuất hiện trong chương trình và các biện pháp sư phạm tương ứng để học sinh đạt được mục tiêu học tập hợp lý. Nếu vẫn còn lo ngại, phụ huynh có quyền chọn tác phẩm tương ứng còn lại trong danh sách khuyến đọc chung.
Thêm nữa, việc bất đồng quan điểm là khó tránh khỏi, nhà trường nên thiết lập kênh liên lạc nội bộ riêng để trả lời thắc mắc của phụ huynh. Phụ huynh cũng cần sử dụng kênh nội bộ như vậy, thay vì tung lên mạng xã hội. Mỗi học khu, như một cộng đồng, có những tiểu văn hóa riêng cần được tôn trọng. Việc lôi kéo cả xã hội (với sự đa dạng khôn cùng của nó) chỉ gây phức tạp hóa không cần thiết, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Tựu trung, chúng ta mới đi những bước chập chững tới môn Ngữ văn của thời đại mới, nơi tác phẩm được đưa vào nhà trường đa dạng và phức hợp như chính bản thân cuộc sống; thế nên trách nhiệm, minh bạch, cẩn trọng và chuyên nghiệp của tất cả các bên (hội đồng tuyển lựa, nhà trường, phụ huynh) mới quyết định tương lai của giáo dục chứ không phải vài cuộc tranh cãi nhất thời.
1Advanced Placement (AP) cho phép học sinh làm quen, nhập môn và có cơ hội học những môn học liên quan đến các tín chỉ ở đại học ngay từ khi còn học trung học. Đây là chương trình ở Mỹ và Canada, và do tổ chức College Board sáng lập.
Bài đăng số 1291 (số 19/2024) KH&PT