“Cần tìm cách đẩy mạnh đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu có lợi thế của vùng”.
Thông điệp được Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nêu khi phát biểu khai mạc Hội nghị “Giao ban KH&CN các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ 11” được tổ chức tại Ninh Bình sáng 22/4.
Hội nghị có sự tham dự của ông Đinh Chung Phụng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình, ông Bạch Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định và đại diện 11 sở KH&CN trong vùng Đồng bằng sông Hồng cùng đại diện các Sở KH&CN trên cả nước.
Cho rằng, trong những năm gần đây kinh tế - xã hội đã thay đổi rất nhiều, trong sự thay đổi đó, Thứ trưởng Phạm Công Tạc mong muốn các Sở KH&CN đánh giá được những kết quả nổi bật trong 2 năm qua đã đạt được, kiểm điểm, đánh giá những hạn chế, tồn tại, yếu kém trong hoạt động KH&CN của từng địa phương, và chung của cả vùng. Trao đổi kinh nghiệm, bài học về tổ chức các mặt quản lý hoạt KH&CN ở địa phương.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng đề nghị hội nghị cùng thảo luận việc đẩy mạnh đưa KH&CN phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu có lợi thế của vùng và địa phương; nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nông sản.
“Thảo luận về các giải pháp phát triển công nghiệp địa phương của các tỉnh trong vùng theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, xử lý môi trường để phát triển bền vững” – Thứ trưởng Phạm Công Tạc gợi ý những điểm cần tập trung nêu trong hội nghị.
Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Đinh Trung Phụng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình đã dẫn lịch sử phát triển của Ninh Bình và khẳng định sau 25 năm tái lập và đổi mới, Ninh Bình đã có những bước phát triển vượt trội. Riêng năm 2016 thu ngân sách trên địa bàn đạt 7.293 tỉ đồng (gấp 182 lần so với năm 1992). Thu nhập bình quân đầu người tăng 47,7 lần.
“Trong bước phát triển đó, cùng với sự nỗ lực đoàn kết thống nhất tư duy, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và địa phương còn có vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ KH&CN, trong nông nghiệp công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thông tin văn hóa giáo dục, Ninh Bình luôn quan tâm tiếp thu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nhiều năm, trong đó có cả xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, góp phần nâng lên hiệu quả kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm của Ninh Bình” - ông Phụng khẳng định.
Sau phần khai mạc, ông Trần Văn Quang - Phó Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN, đã có phần báo cáo tổng hợp nêu rõ các kết quả đã đạt được trong thời gian qua cũng như những điểm còn khó khăn, hạn chế.
Theo ông Quang, vùng ĐBSH thời gian qua đã thể hiện rõ vai trò đồng hành của KH&CN với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Ông Quang cho biết, KH&CN bám sát cơ cấu kinh tế của vùng, của địa phương để xác định nội dung trọng tâm về hoạt động KH&CN; quan tâm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến; các nhiệm vụ KH&CN được đặt hàng, đề xuất từ thực tiễn, nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh và quản lý; với phương châm “lấy ứng dụng là chính”, lấy hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội làm tiêu chí tuyển chọn, hỗ trợ doanh nghiệp đối mới công nghệ, thiết bị, ưu tiên các nhiệm vụ ứng dụng, tiếp thu đổi mới công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường; quan tâm đến việc huy động nguồn lực cho hoạt động KH&CN, nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các nhiệm vụ KH&CN, có kinh phí đối ứng để triển khai thực hiện dự án (có nơi đạt khoảng 70% kinh phí thực hiện dự án)…
“Nhờ đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của từng địa phương. Một số địa phương đã chủ động tham mưu, đề xuất và được tỉnh/thành phố ban hành các Chương trình riêng cho KH&CN (như Hà Nội có Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 03/7/2015 phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô giai đoạn 2015-2020; Hải Phòng, Thái Bình đã ban hành và triển khai 06 Chương trình KH&CN trọng điểm theo từng lĩnh vực...)” – ông Quang nói.
Tại hội nghị đại diện các sở KH&CN đã báo cáo về những kết quả đã đạt được và thẳng thắn chỉ ra những điểm còn vướng mắc, kiến nghị để lãnh đạo Bộ tìm giải pháp tháo gỡ.
Một số hình ảnh các gian hàng giới thiệu các sản phẩm bên lề hội nghị: