Vùng Trung du và miền núi phía Bắc nên xác định được một vài đối tượng để liên kết, nội dung liên kết. Tập trung bàn cách thực hiện cũng như nhu cầu cần cho việc liên kết để thúc đẩy sản phẩm đặc trưng của vùng.
Ý kiến này được đưa ra tại hội thảo "Khoa học và công nghệ thúc đẩy liên kết và phát triển vùng Tây Bắc" được tổ chức với mục tiêu trao đổi, thảo luận nhằm thúc đẩy liên kết vùng, ứng dụng khoa học thúc đẩy kinh tế Tây Bắc. Hội thảo diễn ra trong khuân khổ giao ban Khoa học và công nghệ vùng miền núi phía Bắc lần thứ 16 do Bộ KH&CN phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội, Ban chỉ đạo Tây Bắc và UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức ngày 3-4/11 tại Hòa Bình.
Tham dự hội nghị có ông Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên ban chấp hành TW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ông Nguyễn Kim Sơn giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Nguyễn Cảnh Việt - Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc cùng nhiều đại biểu đến từ Bộ KH&CN, các Sở KH&CN.
Toàn cảnh Hội thảo Khoa học và Công nghệ thúc đẩy liên kết và phát triển vùng Tây Bắc.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trần Văn Tùng cho biết: "Sau khi chương trình phát triển khoa học công nghệ vùng Tây Bắc được triển khai đã có nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, ngành, Trung ương và địa phương được đề xuất đặt hàng đến nay một số đề tài nghiên cứu đã kết thúc và có kết quả đáng được ghi nhận".
Theo Thứ trưởng, nội dung các sản phẩm của chương trình khoa học công nghệ Tây Bắc sẽ đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển, phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của từng địa phương cũng như khu vực Trung du miền núi phía Bắc, vùng Tây Bắc.
"Bộ Khoa học và Công nghệ luôn quan tâm, ủng hộ gắn bó chặt chẽ với vùng Tây Bắc, chúng tôi mong muốn đóng góp cao nhất và đưa được các kết quả khoa học công nghệ để phát triển vùng Tây Bắc" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến thảo luận đã đưa ra kiến nghị cũng như giải pháp nhằm thúc đẩy sự liên kết vùng để hỗ trợ trong việc đưa các sản phẩm đặc trưng của vùng phát triển mạnh hơn nữa, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.
Theo TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban KH&CN Đại học Quốc gia Hà Nội: "Riêng đối với vùng Tây Bắc việc liên kết sẽ rất rộng vì vậy cần phải xác định được một vài đối tượng để liên kết, một vài nội dung liên kết. Tập trung bàn đến cách thực hiện và việc đầu tiên chúng ta cần triển khai là phải có cơ sở dữ liệu về các vùng Tây Bắc, xác định thế mạnh và nhu cầu cần cho việc liên kết".
Cho rằng liên kết vùng là phải có sản phẩm đặc trưng của vùng, bà Nguyễn Thị Thúy Phương - Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình dẫn một thực tế: "Tại các hội chợ du lịch trong nước, Ban tổ chức rất ưu ái cho để hình thành một khu được gọi là Nhà Tây Bắc tuy nhiên trong nhà Tây Bắc mỗi tỉnh lại bán sản phẩm của riêng mình mà không có một sản phẩm chung cho cả vùng Tây Bắc. Vì vậy, tôi nghĩ cần có những sản phẩm chung đặc trưng cho cả và vùng và để làm được điều này cần phải có cơ chế thực hiện dành cho các cơ quan chuyên môn, các hiệp hội ngành nghề thì việc triển khai sẽ hiệu quả hơn".
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tiếp tục được đưa ra nhằm đề xuất, thảo luận thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng và nhân rộng các kết quả khoa học công nghệ phục vụ đời sống sản xuất của người dân trong vùng Tây Bắc.
Một số hình ảnh giới thiệu sản vật của các tỉnh vùng Tây Bắc:
Thứ trưởng Bộ KH&CN - Trần Văn Tùng (thứ hai, từ trái qua) vàGiám đốc Sở KH&CN Bắc Giang - Nguyễn Đức Kiên (thứ ba, từ trái qua) cùng các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản của Bắc Giang.
Thứ trưởng Bộ KH&CN - Trần Văn Tùng đang thăm gian hàng của Sở KH&CN Sơn La.
Gian hàng các sản phẩm của Sở KH&CN Hòa Bình.
Bưởi Đoan Hùng Phú Thọ một sản phẩm đã có bảo hộ chỉ dẫn địa lý được giới thiệu.