Hội thảo do Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với JPO, Viện Thúc đẩy sáng chế và sáng kiến Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội ngày 3/10.
Đưa nhanh sáng chế vào cuộc sống
Chia sẻ về công tác SHTT tại Việt Nam, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT - cho biết, SHTT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế- xã hội. Giá trị mà doanh nghiệp tạo ra từ các tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý hay quyền tác giả ngày càng cao. Nhiều công ty nhờ thương mại hóa tài sản trí tuệ - đặc biệt là các sáng chế gắn với công nghệ - mà giá trị doanh nghiệp gia tăng rõ rệt.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ, Cục SHTT - cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ KH&CN về tăng cường đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, nhiều sáng chế đã được áp dụng trong các dự án.
“Sáng chế số 5874 - Thiết kế xây dựng công trình bảo vệ bờ trên nền đất mềm yếu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - đã giải quyết được vấn đề chọn công nghệ phù hợp để kè bờ, chống sạt lở tại một số khu vực có nền đất mềm yếu mà công nghệ kè bờ thông thường không mang lại hiệu quả. Sáng chế này đã bước đầu giải quyết được tình trạng sạt lở đất ven biển. Công trình thử nghiệm tại Vàm Đá Bạc tỉnh Cà Mau được hoàn thành ngày 15/10/2009, sau đó sáng chế được triển khai cho toàn bộ dự án chống xói lở cửa Vàm Đá Bạc. Đến nay, sau 7 năm đưa vào khai thác, công trình vẫn ổn định, an toàn với sóng bão” - ông Bình nói.
Tuy nhiên, ông Lâm cho biết, dù các cơ quan có thẩm quyền thời gian qua đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển và thương mại hóa tài sản trí tuệ nhưng công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu thẩm định, xử lý đơn.
Do đó, việc tham khảo các bài học kinh nghiệm của Nhật Bản - quốc gia có nhiều thành công về thương mại hóa công nghệ, sáng chế - rất cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam.
Giảm lượng công việc cho thẩm định viên
Ông Kazuo Hoshino cho biết, Nhật Bản đã triển khai chiến lược quốc gia về SHTT; đứng đầu ban chỉ đạo chiến lược chính là Thủ tướng. “Một trong những biện pháp thúc đẩy thương mại hóa sáng chế mà JPO áp dụng là đẩy nhanh tốc độ và rút ngắn thời gian thẩm định đơn. Để đạt được điều này, trước hết phải tăng số lượng thẩm định viên, tiếp đến là giảm bớt lượng công việc mà thẩm định viên phải phụ trách” - ông Hoshino nói.
Cụ thể, JPO thuê các tổ chức bên ngoài thực hiện 2 khâu quan trọng là tìm hiểu đơn đăng ký sáng chế và tra cứu tình trạng kỹ thuật có trước xem đã tồn tại sáng chế giống như vậy hay chưa.
“Chính việc thuê ngoài đã giúp giảm được 50% khối lượng công việc, giúp thẩm định viên giải quyết công việc một cách nhanh nhất” - ông Kazuo Hoshino cho biết thêm.
Từ việc đẩy nhanh tiến độ xử lý đơn, Nhật Bản đã đưa ra tầm nhìn là trong 10 năm tới sẽ đứng đầu thế giới về lĩnh vực SHTT. Để thực hiện mục tiêu này, các cơ quan liên quan của Nhật Bản đã liên kết với nhau để đưa ra thống nhất chung.
“Trong quá trình thực hiện không thể thiếu vai trò quan trọng của JPO, bởi chúng tôi coi sáng tạo là ý tưởng kinh doanh để chiếm lĩnh thị trường mới” - ông Kazuo Hoshino nói và cho biết, chỉ tính riêng năm 2016, Nhật Bản đã tiếp nhận 32.000 đơn đăng ký sáng chế. Quốc gia này đặt mục tiêu từ nay đến năm 2023, tổng thời gian từ khi nộp đơn đến lúc cấp bằng sáng chế sẽ chỉ còn tối đa 14 tháng.
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách về xác lập, khai thác sáng chế. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, trong đó có việc hỗ trợ áp dụng sáng chế của Việt Nam, sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam thông qua việc tư vấn, hỗ trợ đăng ký xác lập quyền SHTT cho cá nhân có sáng kiến, giải pháp kỹ thuật và các thành quả sáng tạo khác. |