Để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, các bác sĩ đang phải sử dụng nhiều kháng sinh hơn bình thường, theo đó gia tăng nguy cơ lây lan nhanh vi khuẩn kháng kháng sinh.

Số ca sử dụng kháng sinh dường như đang tăng lên. Một số nghiên cứu gần đây từ Trung Quốc cho thấy gần như tất cả các trường hợp COVID-19 nặng đều được điều trị bằng kháng sinh; nhiều bác sĩ Mỹ và Châu Âu cũng cho biết như vậy.

Thuốc kháng sinh dùng để điều trị vi khuẩn, không có tác dụng trực tiếp đến SARS-CoV-2 - virus đường hô hấp gây COVID-19. Nhưng nhiễm trùng đường hô hấp do virus thường dẫn đến viêm phổi do vi khuẩn. Các bác sĩ rất khó biết được mầm bệnh nào đang gây ra vấn đề về phổi ở bệnh nhân. "Chúng tôi có xu hướng không hạn chế thuốc kháng sinh ở những bệnh nhân này, nhất là khi quyết định đó có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân," Priya Nori, điều hành chương trình quản lý kháng sinh của Trung tâm Y tế Montefiore, New York, nói.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 chết vì nhiễm trùng thứ cấp chứ không phải do virus. Một bài báo gần đây trên The Lancet đã mô tả chi tiết kết quả của 247 bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở Vũ Hán, theo đó 15% số này bị nhiễm khuẩn và một nửa số ca tử vong là do nhiễm khuẩn.

Tình hình cũng xảy ra tương tự với các virus đường hô hấp khác: có tới một nửa trong số 300.000 người tử vong vì cúm H1N1 năm 2009 và phần lớn các trường hợp tử vong do cúm năm 1918 có nguyên nhân viêm phổi do vi khuẩn.

Bệnh nhân COVID-19 trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt, chẳng hạn như bệnh nhân này tại bệnh viện Brooklyn ở thành phố New York, thường phải dùng lượng lớn kháng sinh để chống nhiễm trùng thứ cấp.

"Chúng tôi có một số hướng dẫn về việc khi nào nên điều trị và khi nào không nên điều trị (kháng sinh)," theo Leopoldo Segal, bác sĩ phổi tại Trung tâm y tế Langone, New York. "Nhưng trong tình hình hiện tại, thật khó áp dụng." Một số bệnh nhân COVID-19 của Segal bị nhiễm trùng kháng kháng sinh, và gần như tất cả đều đang dùng azithromycin - một loại kháng sinh được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiều loại nhiễm khuẩn tai, họng, phổi, v.v...

Kết hợp với thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine, azithromycin đã trở thành phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh nhân COVID-19. Không thể biết đơn thuốc kết hợp này được sử dụng thường xuyên như thế nào trong điều trị COVID-19, nhưng đủ nhiều để gây ra tình trạng thiếu kháng sinh azithromycin ở Mỹ.

Mặc dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ yêu cầu các trung tâm y tế báo cáo việc sử dụng kháng sinh của họ và tỷ lệ nhiễm khuẩn tại cơ sở, Nori và các bác sĩ khác nói rằng trong đại dịch, việc tuân thủ chính sách này đã giảm.

"Tôi khó có thể nói rằng cách làm như thế (sử dụng kháng sinh nhiều hơn) là sai," theo Nori. Nhưng cô và nhiều chuyên gia khác lo ngại rằng số bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng có thể dẫn đến gia tăng vi khuẩn kháng kháng sinh. Mối lo ngại này nghiêm trọng đến mức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD) đang tập hợp một nhóm ít nhất 10 trung tâm y tế để nghiên cứu nhiễm vi khuẩn và nấm "thứ cấp" ở bệnh nhân Covid-19 và các kháng sinh được sử dụng để phòng ngừa.

Nghiên cứu của DOD sẽ điều tra mức độ phổ biến của việc điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng kháng sinh, và tần suất bệnh nhân bị nhiễm trùng thứ phát đòi hỏi sử dụng kháng sinh. Kết quả sẽ giúp các chuyên gia xây dựng hướng dẫn về thời điểm và cách thức bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, nghiên cứu sẽ cung cấp dữ liệu về hàng ngàn bệnh nhân, giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về cách lây nhiễm trong bệnh viện và tại sao nhiễm khuẩn và nhiễm virus lại có liên quan đến nhau.

Bác sĩ bệnh truyền nhiễm Marisa Holubar ở Đại học Stanford cho biết vẫn còn quá sớm để biết COVID-19 sẽ ảnh hưởng thế nào đến tỷ lệ kháng kháng sinh toàn cầu. Nhưng ở một số vùng của Mỹ, 30% đến 40% các loại vi khuẩn phổ biến đã kháng với nhóm thuốc bao gồm azithromycin, và việc lạm dụng có thể khiến những loại thuốc này hoặc các loại kháng sinh khác trở nên kém hiệu quả hơn nữa.