Từ góc độ đổi mới sáng tạo, lấy quyền SHTT là nền tảng và doanh nghiệp là nguồn lực, Cục SHTT đang nỗ lực tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp có thể tạo ra, quản lý và khai thác thương mại quyền SHTT nhiều hơn.

Tận dụng cơ hội ở những “cuộc chơi” lớn

Theo thông tin từ Cục SHTT, trong năm 2015-2016, Việt Nam đã hoàn tất việc đàm phán/ký kết 4 hiệp định tự do thương mại có nội dung SHTT, gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA), Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Trong đó, các cam kết về SHTT trong 2 hiệp định đã có hiệu lực là VKFTA và VN-EAEU FTA về cơ bản không cao hơn quy định của pháp luật hiện hành về SHTT.

Còn TPP (đã ký kết, đang chờ các nước phê chuẩn) và EVFTA (đang trong quá trình rà soát pháp lý để sẵn sàng cho việc ký kết) có nhiều cam kết về bảo hộ, thực thi quyền SHTT cao hơn chuẩn mực tối thiểu của WTO và quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia SHTT cho rằng, trong ngắn hạn, chế độ bảo hộ quyền SHTT cao thường không có lợi cho một nước ở trình độ phát triển thấp và trung bình như Việt Nam vì có thể thu hẹp khả năng tiếp cận tài sản trí tuệ (TSTT) được bảo hộ của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Thời gian bảo hộ càng dài, thời điểm xã hội được tự do khai thác thương mại tài sản này càng muộn. Để hạn chế tác động tiêu cực của các cam kết bảo hộ quyền SHTT ở mức cao, Cục SHTT đang nghiên cứu để đề xuất biện pháp thi hành các cam kết này theo hướng tận dụng linh hoạt mọi điều khoản có lợi cho Việt Nam.

Vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu là mô hình mẫu về gắn kết hoạt động KH&CN và sản xuất, phát triển sản phẩm khi tham gia chương trình 68. Trong ảnh là các lô vải chuẩn bị chiếu xạ. Ảnh: N.Thành

Tuy nhiên, chính các cam kết bảo hộ quyền SHTT cao lại có thể mang đến không ít lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khả năng cạnh tranh trong dài hạn, khi họ sở hữu nhiều TSTT hơn.

Cụ thể, chế độ bảo hộ quyền SHTT trong TPP và EVFTA được áp dụng không phân biệt tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nên ở thị trường mọi nước thành viên, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng sự bảo hộ cao đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, TSTT mà mình tạo ra, có thể đến từ công nghệ được đổi mới đến thương hiệu gắn với mẫu mã, bao bì nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ.

Theo hướng bảo hộ quyền SHTT ở mức cao thì quyền được bảo hộ rộng hơn, dễ dàng hơn; thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp minh bạch, công bằng và hợp lý hơn; việc chống xâm phạm quyền nghiêm minh hơn...

Không để doanh nghiệp tự mày mò

Để tận dụng cơ hội đó, Cục SHTT đang triển khai các dự án trong khuôn khổ chương trình Phát triển TSTT (chương trình 68) giai đoạn 2016-2020 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra, quản lý và khai thác thương mại quyền SHTT. Chương trình giai đoạn mới này tập trung đẩy mạnh việc tạo ra và khai thác thương mại TSTT, đặc biệt là sáng chế nhằm thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) và chỉ dẫn địa lý - lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng.

Chia sẻ về những đổi mới trong cách làm, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển TSTT, Cục SHTT - cho biết, giai đoạn 2016-2020, chương trình 68 sẽ tư vấn, hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình quản lý, phát triển TSTT trong các doanh nghiệp và tổ chức KH&CN.

“Trước đây, các doanh nghiệp chưa mặn mà, mới chỉ có các trường đại học, viện nghiên cứu tham gia. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai, cộng đồng đã thấy được lợi ích lớn của nó. Chẳng hạn, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thực hiện dự án 2 năm, số bài báo công bố quốc tế và đơn sáng chế tăng 30-40%. Từ đây, không chỉ các nhà nghiên cứu nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ TSTT mà doanh nghiệp cũng dần quan tâm hơn” - ông Bình chia sẻ.

Ông Bình cho biết, thông qua chương trình 68, Cục SHTT sẽ tư vấn, hỗ trợ thành lập và hoạt động của các bộ phận quản trị TSTT để gắn liền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với hoạt động phát triển tài sản trí tuệ như nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế.