Thông thường, thời gian để một thẩm định viên quen việc và đạt hiệu quả xử lý đơn cao nhất là 3-4 năm đối với đơn đăng ký nhãn hiệu, 5 năm với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, với sáng chế thì mất tới 7 năm. Trong khi đó, hiện chưa chương trình đào tạo nào ở Việt Nam cho biết thẩm định viên sẽ phải làm việc như thế nào.
Các thẩm định viên của phòng Sáng chế 2 (Cục Sở hữu trí tuệ) luôn phải tiếp nhận và xử lý một số lượng đơn rất lớn. Ảnh: Phượng Hằng
“Để xử lý đơn nhanh hơn, khi tuyển dụng người mới, Cục phải bố trí công cụ và đào tạo bài bản hơn. Chúng tôi đang thiếu nguồn lực về mọi mặt. Với thẩm định viên mới, phải dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc, tuy rất tốn thời gian nhưng không có cách nào khác. Trong khi đó, nhiều nước như Australia có cả một trường để đào tạo thẩm định viên. Lượng đơn ngày càng nhiều trong khi nhân lực có hạn nên tồn đọng là điều khó tránh” - bà Nguyễn Thị Thanh Vân nói.
Theo ông Phan Thanh Hải - Phó trưởng Phòng Sáng chế số 1, nếu các phòng cứ phải tự đào tạo thẩm định viên, việc sẽ chồng việc và các khó khăn càng khó giải quyết. Do đó, phòng này đang phối hợp với các bên xây dựng khung chương trình chuẩn của một quy trình đào tạo giúp người được đào tạo đủ khả năng xử lý công việc, được trang bị kỹ năng tương đối đồng nhất trong thời gian ngắn.
Ông Hải cũng kỳ vọng, với việc cải tiến quy trình, phân quyền nhiều hơn cho các thẩm định viên như đang triển khai, cùng với mạng lưới IP Hub kết nối các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, trường đại học, công tác quản lý nhà nước về SHTT sẽ đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.