Để tránh tình trạng sản phẩm nông nghiệp được mùa mất giá, Chương trình Nông thôn – Miền núi giai đoạn 2016-2025 chú trọng và khuyến khích các dự án về bảo quản sau thu hoạch.

Ông Nguyễn Thế Ích - Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn - Miền núi - đã cho biết như vậy.

Dẫn con số thống kê của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), ông Ích cho biết, tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản ở các nước đang phát triển lên đến 20-30%. Điều này có nghĩa là lượng nông sản này đã được sản xuất ra nhưng không đến được tay người tiêu dùng.

Việc bảo quản nông sản sau thu hoạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp
Việc bảo quản nông sản sau thu hoạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

“Nguyên nhân chủ yếu là do thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và bảo quản không đúng cách. Để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản thì vấn đề bảo quản sau thu hoạch cần phải được đặc biệt quan tâm” – ông Ích nói và cho biết, trong những năm qua, có rất nhiều dự án thuộc Chương trình Nông thôn – Miền núi thực hiện thành công và sau khi kết thúc dự án đã tự mở rộng được nhiều mô hình sản xuất sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều nơi đã rơi vào tình trạng được mùa mất giá, người dân không tìm được đầu ra cho sản phẩm, dẫn đến việc các mô hình mở rộng không hiệu quả.

“Vì vậy, chính sách quản lý Chương trình Nông thôn - Miền núi giai đoạn 2016 - 2025 đã chú trọng và khuyến khích nội dung bảo quản sau thu hoạch” – ông Ích thông tin.

Trong thực tiễn, các dự án có ứng dụng công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch thường đầu tư lớn và khai thác không hết công suất thiết kế, mang lại hiệu quả không cao bằng các lĩnh vực sản xuất khác do tính thời vụ của nông sản, khiến các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này ít được các nhà đầu tư quan tâm. Do đó, ông Nguyễn Thế Ích khẳng định: “Chương trình Nông thôn miền núi sẽ khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà đầu tư bỏ vốn cùng tham gia xây dựng các mô hình chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp”.