Cuộc khủng hoảng đa diện bắt đầu từ lĩnh vực sức khỏe - y tế này đã tác động nhanh đến kinh tế, tài chính, sản xuất và mọi mặt đời sống xã hội trên toàn cầu ở mức kỷ lục. Nhưng nó cũng khiến các chính phủ phải lựa chọn, đặt ra các giải pháp mới, mà có thể sẽ gây nên những hiệu ứng dây chuyền khác.
Paris sau lệnh phong tỏa.
Lúc này, các ngành KHXH&NV có thể giúp trả lời những câu hỏi gì?
Có lẽ đây cũng là cuộc khủng hoảng mà bên cạnh những tư vấn về y khoa thì tiếng nói của ngành KHXH&NV thực sự được lắng nghe và tham chiếu để đưa ra các quyết định chính sách phù hợp. Kể từ khi lệnh cách ly và phong tỏa ban ra ở các quốc gia, những bài xã luận, bình luận và phỏng vấn các nhà nghiên cứu KHXH&NV (sử học, xã hội học, nhân chủng học, tâm lý học, kinh tế học, truyền thông…) lại xuất hiện đều đặn mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông toàn cầu (Lidewij Edelkoort, chuyên gia dự đoán xu hướng (trend forecaster) người Hà Lan, Yuval Noah Harari, nhà sử học người Israel, nhà xã hội học và triết học người Pháp Dominique Méda, kinh tế gia người Pháp Thomas Piketty...). Đài báo giúp độc giả đọc và phân tích lại những công trình của ngành nhân chủng học để nhìn nhận lại tiến trình lịch sử nhân loại gắn mốc với những đại dịch, như Claude Lévi-Strauss về mối liên hệ giữa loài người và động vật gây nên dịch bệnh, Frédéric Keck và James Scott về mặt trái của các nền văn minh và toàn cầu hóa gây ra đại dịch…
Trong bối cảnh không đề phòng và chuẩn bị trước đại dịch này, một trong các biện pháp nước Pháp thi hành ngay là thiết lập một ủy ban khoa học (gồm 11 chuyên gia, bác sỹ và nhà nghiên cứu) cố vấn cho Tổng thống, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế. Lần đầu tiên, tại Pháp, KHXH&NV với đặc điểm đa và liên ngành được huy động để tham gia trận chiến này trong việc nhận định, đánh giá, phân tích, hướng dẫn và khuyến cáo các cơ quan công quyền trong việc xử lý khủng hoảng.
Ứng phó và quyết định trong tình huống chưa từng có tiền lệ
Chưa bao giờ số lượng người mắc dịch tăng mạnh, số lượng người tử vong tăng nhanh, chưa bao giờ có tình trạng cả một quốc gia hay nhiều thành phố của một quốc gia bị phong tỏa, nhiều biên giới quốc gia bị chặn cả đường bộ lẫn hàng không, chưa khi nào toàn bộ hệ thống trường học toàn quốc khép cổng, cũng chưa từng toàn bộ cơ quan công sở đóng cửa, cũng chưa từng xảy ra tình huống làm việc từ xa lên đến hàng chục triệu người…
Trong bối cảnh của những “chưa từng có tiền lệ” này, chính phủ và các thiết chế công quyền tại Pháp đồng lòng chung sức với các nhà khoa học. Nhưng mỗi bên phải giữ đúng vai trò của mình, tạo nên một phân giới giữa quyết định chính trị và chuyên môn khoa học, như vậy mới giữ được sự độc lập của khoa học và tính trách nhiệm của chính trị.
KHXH&NV đóng góp như thế nào?
Sau khi có bản phân tích của ủy ban khoa học, ngay tối ngày 24/3, Thủ tướng phát biểu tuyên bố xiết chặt lệnh phong tỏa: mọi công dân chỉ được ra khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm hay chơi thể thao tối đa 1 tiếng và trong bán kính 1km², ra khỏi nhà phải mang theo giấy chứng nhận di chuyển nếu không cảnh sát sẽ phạt 135 euros, phải đứng cách xa nhau 1m tại các cửa hàng siêu thị, cấm họp chợ trời … Ảnh: Thụy Phương.
Tuy nhiên, cùng với sức khỏe cộng đồng thì hàng loạt các vấn đề xã hội như liên kết xã hội, bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc, môi trường sinh thái, chính trị, quản trị, tín ngưỡng, lãnh thổ, lưu thông kinh tế... tức là gần như toàn bộ mọi mặt hoạt động của xã hội đang bị con virus này tác động và chất vấn. Và chỉ có các ngành KHXH&NV mới có thể đưa ra các kịch bản, tình huống, phân tích lẽ thiệt hơn, đánh giá tác động tới các nhóm để tư vấn cho chính phủ.
Cách ly và phong tỏa diện rộng đang và sẽ tác động đến vấn đề tâm lý và tinh thần của toàn dân từ trẻ nhỏ đến người gi: gây ra stress, lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn…, tùy mức độ nặng nhẹ ở từng cá nhân. Tử vong nhanh và nhiều, ban đầu là những người vốn mắc bệnh, giờ đến cả người trẻ khỏe, khiến cho vấn đề tín ngưỡng, tâm linh và tôn giáo cũng cần được lưu tâm khi đại dịch đi qua. Còn ở trong cơn dịch thì việc cấp bách hơn là xử lý thi thể ra sao với dân sự (nhà lễ tang), quân đội (vận chuyển) và cả các nghi lễ tang (hỏa táng hay chôn cất)…
Nếu như các bác sỹ nói rằng phong tỏa là chiến thuật để ngăn chặn dịch thì các nhà xã hội học và tâm lý học lên tiếng ở phương diện khác về các hệ quả của chiến thuật này để chính phủ có cái nhìn toàn cảnh, điều chỉnh chính sách sao cho giảm bớt các hệ quả không đáng có. Phong tỏa là cần thiết nhằm chặn đứng Covid-19 nhưng cũng làm tăng lên bất bình đẳng xã hội giữa các tầng lớp dân chúng, tăng nguy cơ cho những người yếu thế (phụ nữ bị bạo hành, người khuyết tật, vô gia cư, người gia cô đơn, người nhập cư hay tù nhân…). Ngoài ra, bất bình đẳng không như nhau ở mỗi độ tuổi, mỗi giai tầng hay mỗi địa bàn sống. Vì vậy, các nhà xã hội học phải phân tích được sự tiếp nhận và phản ứng với Covid-19 ở trong dân chúng, về việc tán thành - tuân thủ hay không của họ trước các biện pháp của chính phủ. Các nhà khoa học xã hội cũng phải tính đến hệ quả tâm lý của các biện pháp đó. Ví dụ, hệ quả của phong tỏa sẽ như thế nào với mỗi cá nhân (đến tâm lý và công việc…), gia đình (trông trẻ, dạy trẻ, chơi với trẻ, trẻ nhỏ cũng khác với trẻ đang lớn…), các nhóm nghề nghiệp (y tế, tài chính, giao thông, dịch vụ…), quần chúng (tương trợ - đoàn kết láng giềng, giữa các thế hệ hay liên kết xã hội…). Từ đó để “đánh động” nhà cầm quyền trước khi những quyết định chính trị được ban ra: rằng biện pháp này hay biện pháp kia sẽ tác động đến từng bộ phận trong xã hội như thế nào?
Trong trận đại dịch này nhiều phân tích của các nhà khoa học xã hội đã chỉ ra đây có thể là “thời cơ” ra đời rất nhiều giải pháp kiểm soát người dân nhân danh kiểm soát dịch bệnh, là cái cớ để các chính quyền tăng cường giám sát người dân. |
Đối với nhà xã hội học Antonio Casilli, việc phong tỏa này tác động hoàn toàn trái ngược nhau ở hai đối tượng lao động: những người làm việc tại gia và những người làm việc tại chỗ (thu ngân hay giao hàng…). Bất bình đẳng rất rõ khi một bên bạn thuộc tầng lớp trung lưu, có nguồn tài chính vững, căn hộ rộng 120m² ở thủ đô, hoặc có thêm ngôi nhà thứ hai ở nông thôn, vườn rộng 500m², thì làm việc tại gia với điện thoại smartphone và máy tính xách tay lại trở thành khoảng thời gian rút lui và giãn cách khỏi đời sống xã hội (social disconnection), giải trí và thư giãn bên người thân. Nhưng bên kia, nếu bạn thuộc tầng lớp bình dân, làm những nghề nằm ở cuối dây chuyền sản xuất và cung ứng (last miles jobs) như bán hàng, giao hàng, vận chuyển hàng thì trong tình cảnh này họ vẫn phải đi làm, khả năng lây và truyền bệnh vừa dễ vừa nhanh. Từ vài năm trở lại đây, đặc thù công việc đã biến họ trở thành người lao động tự do bấp bênh, bị “Uber hóa”. Giới công đoàn đã cảnh báo những tình huống thảm kịch có thể rơi vào đầu những người lao động này nếu mất việc, hết lương, không được hưởng quyền lợi của người lao động bình thường.
Đây là lần đầu tiên 43% dân số toàn cầu (7,8 tỉ dân) bị “giam lỏng” tại nhà. Đặc điểm căn bản nhất là sự cách ly nhóm, tức là theo từng hộ gia đình. Theo nhà triết học Olivier Remaud, sự cách ly này bắt buộc các thành viên phải thiết lập một trật tự mới, phải biết tương tác và có khả năng thương lượng. Tôn trọng, độ lượng và tương trợ là những tiêu chí cần có để duy trì sự chung sống khép kín sao cho êm ấm trong nhiều tuần. Nếu không, chỉ nêu ra ví dụ sau là chúng ta có thể thấy bất bình đẳng giới và bất bình đẳng xã hội đè nặng lên vai người phụ nữ. Phụ nữ vừa phải làm việc tại gia, vừa phải chăm con, cho con học bài, chợ búa, cơm nước… thì quãng thời gian cách ly này quả là cực hình. Sau tuần đầu tiên phong toả, các tổ chức nữ quyền ở Pháp cho biết tình trạng phụ nữ bị chồng đánh tăng 34%. Chính phủ đã chỉ thị hiệu thuốc (thay vì cảnh sát như mọi khi) tiếp nhận phụ nữ bị hành hung.
Theo nhà tâm lý học Catherine Tourette-Turgis, “cách ly lên quá 10 ngày có thể gây ra những hội chứng stress hậu chấn thương”, nghĩa là nó có thể biểu hiện thành những căng thẳng, lo lắng, chán nản, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, nghiện… Lúc đó, chúng ta cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần nhờ bác sỹ tâm lý hoặc những trợ giúp xã hội trong và sau thời kỳ cách ly. Bản thân xã hội cũng điều chế ra “kháng thể” cho chính mình – cơ chế tự điều chỉnh để vượt qua khủng hoảng bằng tinh thần đoàn kết và tương trợ láng giềng và liên thế hệ. Các nhà sử học, nhân loại học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học với những chuyên ngành hẹp như xử lý và quản trị trong khủng hoảng, nhân đạo, tâm lý học đám đông, quản trị thiết chế, được huy động để lý giải và tìm ra giải pháp thoát khủng hoảng.
Hậu đại dịch: Điều gì sẽ tới?
Khi đại dịch đi qua, cơn stress kinh tế sẽ phủ ngay lên đầu tất cả chúng ta, từ người đi làm đến các ông chủ: phải lấy lại tiền, lợi nhuận, công suất đã bị giảm sụt hay mất đi trong nhiều tuần. Lúc đó, KHXH&NV, đặc biệt những chuyên ngành kinh tế học, chính trị học, truyền thông..., phải tiếp tục truy vấn và tư duy lại toàn bộ hệ thống để đối mặt với những cuộc khủng hoảng mới.
Phục hồi kinh tế là việc ưu tiên số một của các chính phủ khi đại dịch kết thúc. Chỉ riêng với nước Pháp, và chỉ tính riêng hai lĩnh vực, công nghiệp sản xuất ô tô và công nghiệp dược phẩm phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Theo nhà kinh tế học Thomas Piketty, đại dịch đi qua sẽ là lúc phải tìm ra những tiêu chí mới cho nền quản trị kinh tế toàn cầu. Sự phụ thuộc vào nguồn – nơi sản xuất, chuỗi vận chuyển hàng hóa, phương thức tiêu thụ buộc chúng ta phải nghĩ đến việc tái công nghiệp hóa, giải toàn cầu hóa (deglobalization) và tái lãnh thổ hóa dây chuyền sản xuất. Tiêu dùng và thói quen tiêu dùng cũng phải thay đổi, chí ít như mua và tiêu thụ sản phẩm địa phương, tại chỗ, hạn chế tiêu thụ đại trà. Sản xuất và tiêu dùng phải được đặt trong mối tương quan với môi trường và sinh thái. Công nghệ và truyền thông cũng sẽ thay đổi diện mạo và bước vào kỷ nguyên mới của riêng mình sau đại dịch Covid-19. Làm việc từ xa chắc chắn không còn là thể nghiệm mà trở nên đại trà và tạo nên thói quen làm việc mới. Giáo dục trực tuyến cũng sẽ được dân chủ hóa.
Nhiều năm trở lại đây, các nước dân chủ phương Tây phải đối mặt liên tục với khủng bố, xử lý khủng hoảng và tình thế cấp bách nên các chính phủ thiết chặt các quyền công dân và tăng quyền kiểm soát của công quyền. Giới trí thức và luật pháp nhìn thấy rõ những mối nguy về nhân quyền và dân chủ trong các biện pháp này vì nhà nước có thể viện cớ “chống khủng bố” hay “giải quyết khủng hoảng” để nhắm vào mục đích khác. Trong trận đại dịch này, nhiều phân tích của các nhà khoa học xã hội càng cho thấy nguy cơ đó rõ ràng hơn bao giờ hết. Như Harari đã chỉ ra, đây có thể là “thời cơ” ra đời rất nhiều giải pháp kiểm soát người dân nhân danh kiểm soát dịch bệnh, là cái cớ để các chính quyền tăng cường giám sát người dân. Do đó, để cứu lấy cái sinh thể xã hội thì quyền tranh luận, phản biện và tố giác của mọi công dân phải luôn được duy trì.
Các chính phủ, trong đại họa virus này, đều đang thấm thía một điều: phải đầu tư tài chính và cơ sở vật chất cho nền y tế công và nghiên cứu khoa học cơ bản. Nhưng nghiên cứu, không có nghĩa là chỉ hiểu được độc lực mạnh yếu của con virus mà còn phải hiểu được chính cái sinh thể xã hội này và hành vi con người, phải có cái nhìn toàn diện về xã hội. Đây không thể bị coi là hai ngành dịch vụ hay ngành sản xuất buộc phải đem lại kết quả tức thì và vì lợi ích trước mắt. Nếu không, nhân loại sẽ phải đối mặt với đại họa mới mang tính toàn cầu mà nhiều nhà khoa học đã dự báo trước: thảm họa khí hậu, hạn hán, cháy rừng, ngập lụt, hung bạo cũng không kém gì một con virus.
Nếu thiếu nghiên cứu để rút ra các bài học quản lý, loài người sẽ “lỡ hẹn” tiếp với Lịch sử!