Trong khi ở nhiều nơi trên thế giới các ca lây nhiễm corona đang trên đà giảm thì ở vùng sa mạc Nam Sahara virus lại đang hoành hành dữ dội.

Làn sóng thứ ba của đại dịch Corona ở các nước châu Phi thê thảm đến mức độ nào chỉ cần quan sát tình hình ở Namibia là đủ rõ. Trong tháng năm Tổng thống Namibia Hage Geingo bị ốm mấy tuần vì Covid-19. Sau đó một loạt nhân vật có tiếng tăm ở nước này trở thành nạn nhân của Covid-19. Tình hình hiện nay ở nhiều nước châu Phi thật kinh khủng. Riêng trong tuần thứ ba của tháng sáu số ca lây nhiễm mới cũng như số ca tử vong tăng vọt lên tới 40%, theo Tổng giám đốc WHO.

Trong ảnh, quan tài của Bộ trưởng Ellen Gwaradzimba tại thủ đô của Zimbabwe ngày 21/1. Chỉ trong vòng 1 tuần, Zimbabwe đã có 3 Bộ trưởng tử vong vì COVID. Ảnh: AP photo.

Tại Uganda Quốc hội phải đóng cửa hai tuần vì trong những ngày qua có khoảng 200 đại biểu Quốc hội và nhân viên dương tính với corona. Chính phủ phải ra quyết định phong tỏa hết sức cứng rắn. Cách đây vài tuần Rwanda còn là nước chủ nhà cho một số sự kiện thể thao quốc tế và từng hy vọng có thể giảm dần các biện pháp hạn chế. Vậy mà giờ đây nước này phải thực hiện một số quy định mới như cấm đi lại giữa một số tỉnh trong nước và cấm ra khỏi nhà từ 19 giờ tối.

Sambia thông báo các bệnh viện chật cứng bệnh nhân và mỗi ngày lại có thêm 3000 ca lây nhiễm mới. Do thiếu phương tiện làm xét nghiệm các chuyên gia y tế nước này cho rằng số người bị lây nhiễm trong thực tế cao hơn nhiều nhưng không nắm bắt được. Đây cũng là một tình trạng chung ở nhiều quốc gia châu Phi.

Theo thống kê hiện nay số ca lây nhiễm ở châu Phi chỉ bằng 3% tổng số ca lây nhiễm trên thế giới. Nhưng châu Phi rất khó đưa ra con số chính xác vì thiếu lực lượng kiểm tra, xét nghiệm. Chưa rõ tình hình ở các nhóm dân nghèo nghiêm trọng như thế nào, nhưng riêng các nhóm chính trị gia, vốn được ưu tiên làm xét nghiệm cũng đã có nhiều ca tử vong. Riêng Congo đã có 5% đại biểu Quốc hội chết vì virus corona, tại Zimbabwe có 4 Bộ trưởng bị chết.

Chỉ có 1 % được tiêm chủng

Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở châu Phi đang tăng lên và hiện ở mức 2,7 người tử vong trong tổng số 100 người bị nhiễm, cao hơn nhiều so với mức bình quân toàn cầu là 2,2 người. Tỉ lệ tử vong cao hơn là điều dễ hiểu vì năng lực y tế của các nước châu Phi còn nhiều hạn chế, phần lớn chỉ khi bị bệnh nặng người bệnh mới được chẩn đoán và chữa trị, có nhiều người bị lây nhiễm nhưng không có triệu chứng nghiêm trọng, do thiếu năng lực nên không được xét nghiệm và chữa trị kịp thời.

Đây chính là lý do nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo cần ưu tiên vaccine cho các nước đang phát triển nhằm phần nào cứu vãn hệ thống y tế yếu kém ở các nước này. Song chỉ có bảy nước trong số 54 nước ở châu Phi có khả năng đạt được mục tiêu mà WHO đã đề ra là đến hết tháng chín phải hoàn thành tiêm chủng cho 10% số người trong diện phải tiêm chủng. Quy mô dân số của phần lớn trong bảy quốc gia này lại không cao. Nhìn chung toàn châu Phi vẫn bị thiếu vaccine nghiêm trọng, cho tới nay số người được tiêm chủng 1 lần chưa đạt 2,5%, chỉ có khoảng 1% là đã được tiêm chủng đầy đủ.

Hiện tại ở các nước châu Phi hầu như không có vaccine để tiêm chủng cho người dân. Do không chủ động được về nguồn cung cho nên rất khó để xây dựng một chương trình tiêm chủng rộng rãi trong cả nước. Các nước công nghiệp G7 tuy hứa đến cuối năm 2022 cho các nước nghèo 1 tỷ liều vaccine, tuy nhiên giới chuyên môn ngày càng thấy rằng viện trợ này là quá muộn. Ngay cả việc mở bảo hộ bằng sáng chế, nếu được các nước phát triển đồng ý mở ngay thì cũng chỉ có ý nghĩa về trung hạn, dài hạn trong chuyển giao công nghiệp chứ không có ý nghĩa trong thời gian ngắn sắp tới.

Hơn một nửa số quốc gia châu Phi đã phát hiện các biến thể virus Alpha và Beta đặc biệt dễ lây lan được phát hiện lần đầu tiên ở Anh và Nam Phi. Biến thể Delta được giải trình tự và hiện có mặt ở 13 quốc gia, nơi bùng phát mạnh mẽ nhất là ở Ấn Độ.

Các chuyên gia y tế cho rằng tình hình lây lan rất nghiêm trọng, một phần là do biến thể Delta vô cùng nguy hiểm, nhưng một phần là do chính quyền lại đủng đỉnh chưa có phản ứng quyết liệt, chậm xây dựng các cơ sở điều trị dã chiến, chậm xét nghiệm, giải trình tự virus.

Nguồn: welt.de