Tại sự kiện Ngày Nghiên cứu và Đổi mới được tổ chức vào tuần qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã ký kết 11 thỏa thuận hợp tác với các công ty nhằm thúc đẩy những đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tích cực thảo luận để sớm khởi động dự án thứ 12 – dự án hợp tác về vũ trụ.
Trước mắt, dự kiến EC và các bên tham gia sẽ đầu tư 22 tỷ euro cho 11 dự án nhằm thúc đẩy những đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực và công nghệ như vận tải đường thủy, pin, quang tử học, trí tuệ nhân tạo và sản xuất thép “xanh” hơn.
Theo Jean-Eric Paquet - người đứng đầu chương trình nghiên cứu và đổi mới của EC, đây là 11 dự án hợp tác nghiên cứu đầu tiên hoạt động dưới tên gọi Horizon Europe. 38 dự án khác dự kiện sẽ ra mắt trong thời gian tới. Một dự án bổ sung về ứng phó với đại dịch cũng đang được lên kế hoạch.
Tập đoàn Repsol hiện đang hợp tác chặt chẽ với giới khoa học để tìm ra những công nghệ bền vững hơn. Ảnh: Repsol
“Xanh hóa” ngành công nghiệp chế biến
Một trong những dự án hợp tác lớn nhất trong số này là Processes4Planet, hướng đến mục tiêu “xanh hóa” ngành công nghiệp chế biến sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất dầu mỏ, hóa chất và các sản phẩm giấy và bột giấy. Processes4Planet đặt ra ba mục tiêu chính: cắt giảm lượng khí thải, thúc đẩy tái chế tài nguyên và đạt vị trí dẫn đầu thế giới về công nghệ xanh – đưa EU vượt lên trên Mỹ và Trung Quốc. Các đối tác đã xác định rõ một số lộ trình nhằm đạt được những mục tiêu này.
Các doanh nghiệp đã tranh luận suốt nhiều năm về việc công nghệ đột phá nào sẽ dẫn đường đến các quy trình xanh hơn, và Luis Cabra – Phó giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí Repsol hy vọng dự án hợp tác này sẽ đưa ra một số câu trả lời. “Tương lai không được viết sẵn”, ông nói. “Hãy mở cánh cửa chào đón công nghệ mới và để tất cả các doanh nghiệp đề xuất những giải pháp và xem đâu sẽ là giải pháp dẫn ta đến thành công”.
Horizon Europe sẽ đầu tư cho dự án hợp tác này 1,3 tỷ Euro. Pierre Joris, chủ tịch A.SPIRE, hiệp hội tham gia vào dự án, cho biết đây là một khoản tiền “đáng kể”. Nhưng để phát triển những quy trình mới và đưa các ngành công nghiệp dùng nhiều năng lượng đi đúng hướng nhằm đạt được mức trung hòa carbon, cần phải có ít nhất 10 tỷ euro – và các công ty sẽ tài trợ khoản tiền còn lại, sau đó họ sẽ bỏ ra thêm 19 tỷ euro để mở rộng quy mô trong giai đoạn 2030 đến 2050.
Riêng ngành công nghiệp giấy và bột giấy sẽ đòi hỏi phải ứng dụng những công nghệ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất năng lượng tái tạo tại chỗ và điện khí hóa, cùng những công nghệ khác. “Ngay cả công ty lớn nhất cũng không thể ứng phó với những thách thức to lớn mà chúng tôi đang đối mặt”, Marco Eikelenboom, Giám đốc điều hành của công ty giấy và bột giấy, Sappi Châu Âu cho biết. Các nhà khoa học có thể hỗ trợ một trong các nhà máy của Sappi bằng phương pháp cách nhiệt sinh khối, một nhà máy khác bằng lò hơi điện khí, trong khi nhà máy thứ ba sẽ cần phải chuyển đổi ở cấp độ hệ thống. “Dự án hợp tác lần này sẽ phải hỗ trợ trên nhiều cấp độ, thông qua việc phát triển những phương pháp đổi mới kể trên”, Eikelenboom nói.
Cabra cho biết trong những năm gần đây tập đoàn Repsol đã kết hợp với nhiều bên nhằm giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải. Đầu tiên, họ đã hợp tác chặt chẽ hơn với giới khoa học, sau đó tập đoàn bắt đầu làm việc với các đối tác trong lĩnh vực nhiên liệu. Hiện tại, Processes4Planet là bước tiếp theo, cho phép liên kết với những doanh nghiệp khác trong khối EU nhằm nhân rộng những tác động tích cực.
Việc những công ty thuộc ngành công nghiệp chế biến có thể trung hòa 100% carbon vào năm 2050 hay không, phụ thuộc vào kinh phí. “Tôi gọi đó là câu hỏi trị giá một nghìn tỷ euro, bởi vì hàng nghìn tỉ là số tiền mà ngành công nghiệp sẽ cần để triển khai các công nghệ đổi mới”, Joris nói. Nếu muốn thực hiện những đổi mới này, cần triển khai năng lượng tái tạo và hydro xanh ở quy mô lớn. “Trên thực tế, có một thách thức rất lớn trong việc xây dựng những cơ sở hạ tầng này sao cho đúng thời hạn, đầu tiên là lý do liên quan đến tốc độ xây dựng, nhưng quan trọng hơn, còn vì nguồn năng lượng xanh sẽ rất cần trong nhiều lĩnh vực khác nhau”, Joris bổ sung.
Dự án thứ 12 về vũ trụ
Vậy là sẽ có 11 dự án hợp tác trong đợt đầu tiên của Horizon Europe, ngoài ra các quốc gia thành viên cũng đang lên kế hoạch cho một dự án hợp tác không gian, trong đó các cuộc đàn phán cuối cùng dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 10 – khi EC và các quốc gia thành viên đưa ra những quyết định cuối cùng.
Vẫn chưa rõ vì sao dự án hợp tác về không gian lại bị trì hoãn, nhưng rõ ràng Đức là một trong những quốc gia tích cực ngăn chặn sự đình trệ này nhất. Nhiều ý kiến cho rằng nên cắt giảm khoản tài trợ của Ủy ban cho dự án hợp tác xuống còn 300 triệu euro – ít hơn hẳn so với con số 1,4 tỷ euro được thảo luận ban đầu.
“Chúng ta càng thảo luận, thời gian càng trôi qua, chúng ta lại càng cảm thấy việc triển khai dự án hợp tác trở nên phức tạp hơn”, Jérémy Hallakoun, giám đốc chiến lược công nghệ tại Eurospace, một trong những cơ quan trong ngành vũ trụ ủng hộ dự án hợp tác, cho hay.
Sau khi bỏ lỡ đợt phóng ban đầu, ngày phóng sớm nhất tiếp theo dự kiến sẽ là đầu năm 2022. Thời điểm đó quá trễ để lên kế hoạch kêu gọi, phác thảo ngân sách và mục tiêu cho giai đoạn 2023-2024, buộc dự án hợp tác về không gian kế tiếp phải đợi đến năm 2025 để có được những điều kiện thuận lợi nhất.
Đồng thời, nhiều cuộc thảo luận về không gian trong chương trình làm việc chính của Horizon Europe đã bị hoãn lại cho đến ngày 28 tháng 10 do liên quan đến việc các quốc gia không thuộc EU (Israel, Anh, Thụy Sĩ) tham gia vào các nghiên cứu về không gian và lượng tử của Horizon Europe. Điều này đang gây ra sự chậm trễ lớn trong nghiên cứu không gian trên toàn châu Âu.
Tương lai hãy còn mờ mịt, nhất là khi các quốc gia thành viên và EC vẫn đang tiếp tục đàm phán để có thể đưa ra một ý kiến đồng thuận. “Chúng tôi đang chờ xem Ủy ban sẽ đưa ra những đề xuất gì. Nhưng không phải cứ đưa ra đề xuất gì thì chúng tôi cũng bất chấp đồng ý. Chúng tôi không muốn các dự án hợp tác chỉ đơn thuần là ‘hợp tác’. Chúng tôi muốn nó hiệu quả và thực sự tác động đến khả năng cạnh tranh”, Hallakoun nói.
Nguồn: sciencebusiness.net