Không phải tới lúc người dân Nam Sơn và Hồng Kỳ (Sóc Sơn, Hà Nội) căng lều chặn xe rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, nỗi bức xúc quanh vấn đề xử lý chất thải đô thị mới có dịp bùng ra.

Những câu chuyện tương tự đã xảy ra trên nhiều tỉnh thành khắp trong Nam ngoài Bắc như TPHCM, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Thọ, Lai Châu… trong nhiều năm qua. Vậy vì đâu nên nỗi?

PGS. TS Tăng Thị Chính (Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).
PGS. TS Tăng Thị Chính (Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).

Mang câu hỏi này tới gặp PGS. TS Tăng Thị Chính (Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), một nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý chất thải đô thị, làng nghề và tham gia thực hiện cũng như tư vấn cho nhiều dự án chuyển giao công nghệ xử lý rác của Bộ KH&CN, câu chuyện mới được vỡ lẽ: xử lý chất thải đô thị là cả một vấn đề được xâu chuỗi chặt chẽ theo quy trình từ phân loại, thu gom, công nghệ đến những chính sách của nhà nước để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vốn. Ở Việt Nam, quy trình ấy đang gặp trục trặc ở một vài khâu quan trọng.

Không chỉ phụ thuộc vào công nghệ

Hiện nay, bên cạnh nhiều công nghệ và sáng chế xử lý rác của các nhà nghiên cứu trong nước còn có nhiều công nghệ mới của nước ngoài được giới thiệu vào Việt Nam. Vậy tại sao việc xử lý chất thải đô thị Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn gặp khúc mắc, thưa bà?

Tôi cho rằng trước hết vấn đề của rác thải đô thị Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành khác là khâu phân loại rác thải chứ không phải là công nghệ xử lý. Vì sao vậy? Chúng ta hãy cùng nhìn vào đặc điểm chất thải đô thị: độ ẩm cao; hàm lượng hữu cơ lên tới 40 đến 50%, bao gồm cây cỏ, đồ ăn thừa, vỏ hoa quả; chất vô cơ như thủy tinh, sành sứ, kim loại, đồ nhựa, đồ điện, trong đó có những thứ có thể cháy và gia nhiệt được; các chất trơ như cát sỏi, đất, than xỉ, chất thải xây dựng…

Trong khi đó, xét về mặt công nghệ thì khi chúng ta muốn áp dụng công nghệ nào, ví dụ ủ compost sản xuất phân bón hữu cơ, đốt rác phát điện hay đơn giản là tái chế một số thành phần trong rác thải như nhựa, kim loại thì chúng ta buộc phải tính đến khâu phân loại để lựa chọn các thành phần mong muốn. Ngay cả với việc áp dụng phương pháp đốt để tiêu hủy rác thì cũng không đơn giản bởi với thành phần kể trên, chúng ta phải đưa vào đó một lượng năng lượng nhất định để giảm độ ẩm và đưa thêm nhiên liệu đốt như dầu, than… thì mới có thể đốt cháy rác được.

Do vậy nếu chúng ta không giải quyết được khâu phân loại rác tại nguồn thì không bao giờ giải quyết được bài toán về rác. Và nếu không phân loại được rác thì không có giải pháp nào khác ngoài chôn lấp, chắc chắn như thế.

Ảnh: Thanh Tùng.
Ảnh: Thanh Tùng.

Vậy các quốc gia có kinh nghiệm trong xử lý chất thải trên thế giới có gặp phải vấn đề này không?

Trong vấn đề xử lý rác thải thì quốc gia nào cũng phải làm bắt đầu ở khâu thu gom và phân loại rác. Đó là điều cốt lõi mà họ buộc phải làm, nếu không xử lý triệt để khâu quan trọng này thì sẽ không thể xử lý triệt để vấn đề rác thải chất thải đô thị. Ví dụ như Nhật Bản đã thực hiện được chính sách này hàng chục năm mới có kết quả, không thể nhanh được. Nhờ làm tốt khâu này mà rác thải của họ thành tài nguyên, thành nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy đốt rác phát điện cũng như sản xuất, chế biến phân bón hữu cơ, tái chế nhựa, kim loại…. Còn ở Việt Nam, khi cứ để tình trạng hiện nay tồn tại thì rác thải không thể nào trở thành tài nguyên được.

Cách đây 15 năm, Hà Nội từng áp dụng thí điểm chính sách phân loại rác đầu nguồn tại một số phường trong khu vực nội thành nhưng thất bại. Theo bà đâu là nguyên nhân dẫn đến thất bại này?

Nguyên nhân là chúng ta làm chưa thực hiện triệt để câu chuyện phân loại và thu gom. Khi đó, người dân đã tiến hành phân loại rác tại nhà nhưng công ty môi trường đô thị Hà Nội lại chưa có xe thu gom riêng cho từng loại rác đã được phân loại nên người dân thấy cố gắng của họ không hiệu quả. Vừa rồi vào Pleiku tham gia một hội thảo về việc xây dựng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, tôi đã trao đổi với ông chủ tịch thành phố Pleiku ngay tại hội thảo ‘nếu các anh không có hệ thống thu gom và công nghệ xử lý phù hợp thì chưa nên phát động phân loại rác tại nguồn. Sau khi người dân phân loại rác thải hữu cơ và rác vô cơ riêng, lại chuyển tất cả ra bãi chôn lấp rác chung thì nó không chỉ là vô nghĩa mà còn phản tác dụng bởi nếu một lần làm không hiệu quả thì lần sau phát động người dân tham gia thực hiện còn khó hơn rất nhiều. Hiện tại rất khó để Hà Nội làm lại như vậy nữa, ví dụ ở mấy phường từng tham gia chương trình 3R năm trước thì bây giờ ai còn thực hiện theo? Bài toán để lửng lơ như thế này thực ra còn tệ hơn là không làm.

Không được phân loại tại đầu nguồn, rác thải đô thị chỉ còn cách đi thẳng tới các bãi chôn lấp. Chẳng lẽ không có cách giải quyết nào khác?

Ảnh: Thanh Tùng.
Ảnh: Thanh Tùng.

Đúng vậy. Vấn đề hiện nay của các tỉnh thành, không riêng gì Hà Nội, là các điểm có thể lựa chọn làm bãi tập kết rác, chứa rác ngày một ít đi nhưng lượng rác sinh ra ngày càng nhiều lên cùng với tốc độ đô thị hóa ngày một gia tăng. Chôn lấp là giải pháp nhanh nhưng nó gây ô nhiễm không khí với mùi, khí thải phát sinh, ô nhiễm đất và nước do ô nhiễm hữu cơ đến kim loại… vì trong rác của mình có đủ thứ. Theo tiêu chuẩn xử lý rác của các quốc gia tiên tiến thì việc chôn lấp rác không được làm ảnh hưởng đến môi trường: phải thu gom được nước rỉ rác, và không để phát thải khí, trong đó 50 đến 60% khí metan, tất cả phải được thu hồi và làm sạch theo quy định. Ở nước ngoài, họ xử lý khí thải ở các khu chôn lấp rác rồi cấp miễn phí cho người dân để sưởi hoặc đốt… bởi dù là điểm chôn lấp rác thì cũng không được xả mọi thứ ra môi trường. Ai cũng biết cần phải hành xử như vậy nhưng hiện nay ở Việt Nam, chưa bãi chôn lấp rác nào có được biện pháp thu hồi và xử lý khí metan cả.

Tuy nhiên ở Việt Nam cũng đã có nhiều nhà máy xử lý rác, nhà máy sản xuất và chế biến phân bón hữu cơ từ rác thải sinh hoạt đấy thôi?

Hiện nay ở Việt Nam có nhiều nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải sinh hoạt nhưng hầu như các sản phẩm đều không đạt được tiêu chuẩn phân hữu cơ vi sinh. Muốn làm được điều này thì hàm lượng hữu cơ trong rác thải phải lớn hơn 15% nhưng trên thực tế thì chỉ đạt 10 đến 12%. Tuần trước có một bạn ở một cơ sở xử lý rác của Hà Nội nhắn tin hỏi tôi về phương án xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ. Bạn ấy nói là hàm lượng hữu cơ trong rác thấp quá, ví dụ trong hai mẫu bạn ấy gửi đi phân loại thì một mẫu 9,5%, một 4,7%. Bạn ấy hỏi có đủ làm phân bón hữu cơ từ rác thải sinh hoạt không. Chế phẩm sinh học có thể làm tăng hàm lượng hữu cơ hay không? Thực ra chế phẩm sinh học chỉ làm tăng khả năng phân hủy rác thải và nếu có làm tăng thì tăng ở mức không đáng kể.

Với thực trạng này thì ngay cả các công nghệ rất hiện đại về xử lý rác của quốc tế cũng không thể triển khai?

Có địa phương nhờ tôi tư vấn về ứng dụng một công nghệ đốt rác để phát điện ở Việt Nam, tôi bảo ‘các bạn hãy nghiên cứu kỹ thành phần của rác thải sinh hoạt Việt Nam, nó khác với rác thải sinh hoạt của một số quốc gia khác, vốn đã được phân loại rồi. Anh làm thế nào để giải quyết được bài toán đó?’ Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Công nghệ thì hay và không sai về mặt nguyên lý nhưng vấp phải rào cản lớn: không phân loại rác thì không đốt được nếu không tiến hành tiền xử lý trước khi đốt.

Công nghệ không thể tồn tại một mình

Năm 2015, Bộ KH&CN đã giao cho chị và Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh thực hiện dự án độc lập cấp nhà nước“Hoàn thiện công nghệ sản xuất và triển khai ứng dụng chế phẩm vi sinh vật ưa nhiệt để xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại các nhà máy xử lý rác thải” (2011-2014). Hiện tại, Hà Tĩnh vẫn triển khai mô hình chuyển giao từ dự án chứ?

Mô hình vẫn chạy tốt từ năm đó đến nay. Nhà máy ở Hà Tĩnh có quy mô xử lý rác là 120 tấn ngày với dây chuyền công nghệ của hãng Menart.sprl (Bỉ) đã được cải tiến, lắp đặt thêm một số thiết bị để có thể phân loại rác, phần hữu cơ ủ đi rồi phân loại lần nữa để làm phân vi sinh, phần vô cơ đi đốt và tro xỉ thu được chuyển về dây chuyền sản xuất gạch không nung. Phân bón hữu cơ của họ đạt tiêu chuẩn phân bón hữu cơ vi sinh sản xuất chất thải về hàm lượng hữu cơ, hàm lượng các kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh theo quy định hiện hành của Bộ NN&PTNT. Cây được bón phân hữu cơ này đều cho rau củ quả đạt chất lượng an toàn về kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh.

Ảnh: Thanh Tùng.
Ảnh: Thanh Tùng.

Vì sao Hà Tĩnh lại thành công ở chỗ nơi khác thất bại?

Trong khi hầu hết quy trình quản lý chất thải rắn đô thị của các tỉnh đều giống như Hà Nội với đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý riêng, công ty ở Hà Tĩnh phụ trách toàn bộ quy trình. Có thể đây là thành phố nhỏ nên họ vừa phụ trách chiếu sáng, vừa cây xanh, vừa xử lý rác. Bài toán xử lý rác được thực hiện một cách liên hoàn và triệt để với gạch không nung để chỉnh trang công trình đô thị, phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, để chăm sóc cây xanh… Hai sản phẩm này chỉ là sản phẩm phụ của bài toán xử lý rác làm gia tăng giá trị của chất thải chứ không phải là nguồn thu chính của công nghệ xử lý rác thải đô thị.

Nghĩa là xử lý rác sẽ không có lãi?

Chi phí đầu tư rất nhiều, đặc biệt chi phí cho phân loại rác chiếm tới 60-70%. Với mức chi phí xử lý bây giờ mà bảo xử lý rác triệt để vẫn có lãi thì không bao giờ có lãi cả. Hiện Hà Tĩnh đang được trả 410.000 đồng/tấn, họ rất vất vả làm văn bản tường trình lên thành phố để có được mức giá này. Thực ra họ vẫn phải lấy cái nọ bù cái kia, thậm chí bây giờ còn chưa đủ để trả cho tái đầu tư. Đó là một trong những vấn đề của bài toán xử lý rác hiện nay.

Qua báo chí, tôi được biết TPHCM trả cho công ty Vietnam Waste Solutions tầm 50 đến 60 USD/tấn, nếu trả như thế thì mới có lãi được.

Vậy vấn đề nằm ở chính sách đối với các công ty xử lý rác bằng công nghệ hiện đại?

Quyết định 1354/QĐ-BXD về công bố suất vốn đầu tư xây dựng và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ Xây dựng ban hành năm 2017 có một số điểm không hợp lý: nhà máy xử lý bằng phương pháp đốt thì suất đầu tư cao hơn so với áp dụng công nghệ vừa đốt rác cộng với chế biến phân bón hữu cơ. Nó không hợp lý ở chỗ nhà máy đòi hỏi chi phí đầu tư cao hơn nhưng suất đầu tư theo quy định lại thấp hơn. Nếu áp dụng công nghệ đốt thì chi phí phân loại chiếm 45 đến 50% toàn bộ chi phí nhà máy xử lý rác còn nếu muốn kết hợp đốt và sản xuất phân bón hữu cơ thì chi phí 60-70% và việc xử lý trải qua nhiều công đoạn hơn, tốt nhiều công sức hơn nhưng đơn giá lại thấp hơn.

Khi làm kế hoạch xây dựng nhà máy thì ai cũng phải dựa vào đơn giá nhà nước quy định để còn khấu hao vốn đầu tư. Tuy nhiên anh đầu tư 100 triệu đồng nhưng chiểu theo quy định thì chỉ được tính là 80 triệu đồng thì ai còn bỏ tiền đầu tư vào công nghệ cao và xử lý rác triệt để nữa. Khi xây dựng quy định, cơ quan quản lý chưa tính hết các chi phí cần thiết để xử lý một tấn rác, ví dụ cần cộng thêm vấn đề khấu hao máy móc, cơ sở hạ tầng, lãi ngân hàng… Do vậy mô hình Hà Tĩnh khó nhân được rộng, dù hiệu quả xử lý rác triệt để đạt trên 90%.

Nhưng nếu áp dụng công nghệ đốt rác phát điện thì doanh nghiệp có thể có lãi không?

Với tình hình và cơ chế hiện nay thì đốt rác phát điện cũng không hiệu quả, vì điện chỉ là sản phẩm phụ thôi. Chi phí làm ra điện đắt hơn rất nhiều bởi kèm theo đó là một loạt trang thiết bị khác nữa, ví dụ thiết bị làm sạch khí bên cạnh thiết bị chính như lò hơi nước quá nhiệt… Đốt rác kết hợp làm phân bón hữu cơ cũng vậy, nó cũng là một phần của sản phẩm phụ nên giá thành thấp, chỉ hơn 1000 đồng/kg. Nếu coi nó nó là sản phẩm chính thì giá cả nó sẽ đắt hơn tất cả các loại phân bón khác.

Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Không có giải pháp nào tồn tại một mình, ví dụ chỉ cần nhìn vào công nghệ sẽ thấy điều đó. Một nhà máy không thể chỉ áp dụng công nghệ xanh là chuyển đổi rác hữu cơ thành phân bón vi sinh mà cần áp dụng cả các biện pháp khác như công nghệ đốt để xử lý triệt để, tránh được phát thải ra môi trường.

Nhìn rộng ra, xử lý rác là bài toán tổng thể, đi một cách đồng bộ từ cơ chế, chính sách về quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý. Ở Việt Nam, bên cạnh bất hợp lý về suất đầu tư cho nhà máy xử lý rác còn những điểm bất hợp lý của chính những doanh nghiệp là thu gom, vận chuyển riêng biệt với doanh nghiệp xử lý, thành ra hai công đoạn này không hỗ trợ được cho nhau. Ví dụ, khi tiến hành phân loại rác tại nguồn thì việc thu gom rác thải hữu cơ phải theo ngày vì nó dễ phát sinh mùi hơn rác thải vô cơ, điều này sẽ khiến cho tăng chuyến vận chuyển, tăng nhân công nhưng bù lại thì chi phí cho phân loại rác trong quá trình xử lý sẽ giảm được rất nhiều.

Nghĩa là chúng ta có thể có cơ hội đảo ngược tình thế?

Đúng vậy, nếu cứ chôn lấp rác thì không bao giờ giải được bài toán này đâu. Người dân sẽ cứ chặn đường vào bãi chứa rác. Tất cả mọi nơi đều cùng một câu chuyện, không giải quyết một cách căn cơ và đồng bộ thì không bao giờ giải quyết được.

Cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn này.

Do nguyên liệu khác biệt nên nếu không phân loại tại nguồn tốt, để lẫn nhiều rác hữu cơ từ thực phẩm, vốn có đặc tính nhiên liệu kém, việc đốt rác trở nên vô cùng khó khăn và tốn kém do phải đốt kèm dầu. Vì thế, chỉ khi giải quyết được vấn đề phân loại rác và có những chính sách về chi phí xử lý rác cũng như giá bán điện hợp lý thì chúng ta mới thu hút được đầu tư giúp xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường cho các đô thị lớn.

TS. Nguyễn Xuân Quang, Viện Nhiệt điện lạnh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội


Báo cáo tài nguyên môi trường quốc gia của Bộ TN&MT năm 2016 có nêu, lượng chất thải sinh hoạt ở các đô thị trên toàn quốc phát sinh 38.000 tấn/ngày, tỉ lệ thu gom, xử lý là hơn 85%; còn ở nông thôn là 32.000 tấn/ngày và chỉ thu gom được khoảng 55%. Trong khi đó, phương án xử lý rác thải chủ yếu của cả nước là chôn lấp (70%), nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh khiến người dân sống quanh các khu xử lý rác bức xúc.

Riêng ở Hà Nội, theo báo cáo giám sát cuối tháng 6/2020 của HĐND thành phố Hà Nội, tổng khối lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn TP vào khoảng 6.500 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh trên địa bàn 12 quận và thị xã Sơn Tây khoảng 3.500 tấn/ngày và địa bàn 17 huyện ngoại thành Hà Nội khoảng 3.000 tấn/ngày, lượng rác vào Nam Sơn là từ 4.500 đến 4.700 tấn/ngày.