Việc góp phần giữ môi trường trong lành cho các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu, những nơi còn phải vật lộn với bài toán ô nhiễm không khí, chính quyền Trung Quốc đã kiên trì thực hiện chính sách phân loại rác đầu nguồn từ 20 năm qua.

Người dân ở Bắc Kinh học cách phân loại rác. Nguồn: CGTN
Người dân ở Bắc Kinh học cách phân loại rác. Nguồn: CGTN

Năm 2017, Ủy ban Cải cách & Phát triển quốc gia và Bộ Phát triển đô thị & Nhà ở đã ban hành “Kế hoạch thực hiện phân loại rác”, trong đó yêu cầu 46 thành phố lớn trên toàn quốc bắt đầu thực hiện phân loại rác. Đến năm 2019, việc phân loại rác đã được mở rộng hơn với 300 thành phố cấp huyện trở lên.

Để tăng cường hiệu quả của chiến lược xử lý rác, chính quyền Trung Quốc còn ra thêm một số chính sách cấm nhập khẩu 24 loại chất thải rắn từ nước ngoài mặc dù các loại chất thải này góp phần không nhỏ trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt tài nguyên của Trung Quốc. Được chính thức triển khai từ năm 2017, chính sách này là một trong những điều cần thiết giúp Trung Quốc thoát khỏi tình trạng “bãi phế liệu toàn cầu” trong nhiều thập kỷ qua. Giờ đây, đất nước này đang tập trung vào các phương pháp biến rác thải trong nước thành tài nguyên.

Chính sách phân loại rác bắt buộc

Bắt đầu từ ngày 1/7/2019, chính quyền thành phố Thượng Hải yêu cầu người dân phân loại rác thành bốn loại: rác khô, rác ướt, rác nguy hại và rác có thể tái chế. Đây là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc thực hiện phân loại rác bắt buộc trên quy mô toàn thành phố, đi kèm với những chế tài cụ thể, dù đối tượng vi phạm là người dân hay doanh nghiệp. Theo đó, người nào bị phát hiện đổ lẫn rác ướt với rác tái chế hoặc rác khô sẽ bị phạt từ 50 tệ (6,4 USD) cho đến 100 tệ. Nếu đổ rác thải nguy hại lẫn với các loại rác thải khác sẽ bị phạt từ 50-150 tệ, mức phạt sẽ tăng lên 200 tệ nếu vi phạm lần thứ hai trở lên. Các doanh nghiệp không tái chế hoặc phân loại rác theo đúng quy định sẽ bị phạt tới 50 000 tệ. Ngoài ra, những người không phân loại rác sẽ bị hạ thấp điểm tín nhiệm xã hội (social credit system: hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu để đánh giá các cá nhân và doanh nghiệp).

Nhiều thùng rác sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt được lắp đặt ở Bắc Kinh. Nguồn: Beijing Daily
Nhiều thùng rác sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt được lắp đặt ở Bắc Kinh. Nguồn: Beijing Daily

Chính quyền thành phố Thượng Hải đã thuê 1700 giáo viên hướng dẫn và tổ chức 13000 buổi đào tạo, đồng thời phát triển một ứng dụng trên điện thoại để trả lời các câu hỏi của người dân và hướng dẫn phân loại rác đúng cách. Ngoài ra, cách phân loại rác cũng được đưa vào đề thi trong các trường học.

Sau Thượng Hải, bắt đầu từ tháng 5/2020, Bắc Kinh là thành phố thứ hai ở Trung Quốc áp dụng quy định phân loại rác bắt buộc. Người dân phải phân loại rác thành bốn loại: rác nhà bếp, rác tái chế, rác thải nguy hại và rác thải khác, các điểm du lịch ở Bắc Kinh cũng phải trang bị 4 loại thùng rác trên. Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã thiết lập hơn 113 000 trạm đặt thùng phân loại rác và đóng cửa 980 trạm trung chuyển và dọn dẹp rác để đảm bảo việc thu gom và vận chuyển rác thống nhất. Ủy ban giáo dục thành phố cũng yêu cầu các trường học trong thành phố phổ biến kiến thức phân loại rác cho học sinh. Ủy ban quản lý đô thị đã hợp tác với công ty Bejing Gehua CATV để phát triển chương trình “Phân loại rác ở Bắc Kinh” trên mạng xã hội WeChat của Tencent. Người dùng có thể nhập tên rác hoặc chụp ảnh rác và tải lên chương trình để hỏi cách phân loại rác.

Những nỗ lực của Trung Quốc đã đem lại kết quả tích cực: phân loại rác đang dần trở thành thói quen của người dân. Hình ảnh người dân xếp hàng trước các điểm thu gom rác để đợi vứt rác vào đúng các thùng phân loại các nhau đã trở thành quen thuộc ở Thượng Hải. Sau khi vứt rác, người dân có thể quét mã QR code bằng điện thoại di động và nhận được điểm thưởng trong ứng dụng Green Account. Ứng dụng này do chính quyền thành phố Thượng Hải phát triển nhằm khuyến khích việc phân loại rác thông qua những ưu đãi dành cho người dân. “Tôi sẽ có 500-600 điểm trong tài khoản vào cuối tháng này, số điểm này có thể đổi sang các nhu yếu phẩm hằng ngày như kem đánh răng hoặc nước tẩy”, Zhao Genfa, một người dân cho biết.

Ở phía Đông Nam thành phố Hạ Môn, phân loại rác đã được đưa vào chương trình giảng dạy cấp tiểu học và trung học cơ sở. “Hai đứa con nhà tôi đóng vai trò là ‘công chức’ và ‘người giám sát’ việc phân loại rác trong nhà”, Liao Zhenrong, một người dân địa phương cho biết. “Tôi đã học được từ các con rằng pin đồng hồ đeo tay là rác thải nguy hại, trong khi pin AA và AAA thì không”, ông nói thêm.

Chặng đường dài phía trước

Trung Quốc đã đạt được những cột mốc quan trọng trong chính sách phân loại rác thải khi nhiều thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh đã đi tiên phong. Tuy nhiên, việc thực hiện phân loại rác trên toàn quốc vẫn còn một chặng đường dài vì Trung Quốc vẫn còn thiếu cơ sở hạ tầng xử lý rác và mức độ nhận thức cũng như sự tham gia của người dân chưa cao.

Một cuộc khảo sát hơn 13000 người dân trên khắp cả nước do Trung tâm Nghiên cứu chính sách về môi trường & Kinh tế (Bộ Sinh thái & Môi trường Trung Quốc) thực hiện cho thấy chỉ có 30% người dân cho rằng họ đang làm tốt hoặc tương đối tốt việc phân loại rác. Nhiều người thấy các quy định phân loại rác mới phức tạp và tốn nhiều thời gian. “Thực sự rất rắc rối”, Shen, một người dân 68 tuổi ở Thượng Hải cho biết. “Túi nilon phải bỏ vào thùng riêng, nếu bẩn thì phải rửa sạch trước khi bỏ vào thùng. Như vậy là phải bẩn tay, rất mất vệ sinh”.

Một số người dân thấy khó chịu vì các quy định phân loại rác mới ảnh hưởng đến quyền riêng tư, chẳng hạn như phải mở túi rác cho tình nguyện viên kiểm tra, ngoài ra chính quyền thành phố cũng lắp đặt thêm nhiều thiết bị giám sát mới để nhận diện khuôn mặt người đi vứt rác. Ngoài ra, thời gian vứt rác cũng giới hạn ở một số thời điểm trong ngày. Do không có thùng rác 24/24 giờ nên một số người dân cho biết họ ngại nấu nướng vì sợ không có nơi xử lý rác nhà bếp, ngại đặt đồ ăn vì sợ không có nơi xử lý hộp thức ăn. Có người thậm chí còn rời Thượng Hải để tránh việc phân loại rác.

Đôi khi, tâm lý e ngại phân loại rác còn dẫn đến trường hợp bạo lực, ví dụ sau khi quy định phân loại rác bắt buộc của thành phố Thượng Hải bắt đầu có hiệu lực, buổi tối ngày 4/7/2019, bà Zhao Suzhen, 55 tuổi, một tình nguyện viên dọn dẹp vệ sinh ở Hồng Khẩu, Thượng Hải đã bị một người phụ nữ họ Ye 33 tuổi bóp cổ đến bất tỉnh sau khi bà yêu cầu Ye phân loại rác theo đúng quy định.

Làm thế nào để người dân chấp nhận phân loại rác là bài toán khó không chỉ Trung Quốc mà những quốc gia đi trước cũng phải đối mặt. GS. Liu Jianguo ở Đại học Thanh Hoa cho biết, các nước phát triển đã phải mất hàng thập kỷ hoặc thậm chí lâu hơn để phổ biến thói quen phân loại rác. “Phân loại rác là một quá trình lâu dài, do đó đòi hỏi nỗ lực từng bước ở Trung Quốc”, ông nói.