Khái niệm “cách ly toàn xã hội” hay “cách ly xã hội” đi vào các văn bản Nhà nước một cách chính thức và được công luận sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó vẫn có sự tranh luận xoay quanh hai thuật ngữ trên. Bài viết dưới đây xin thảo luận nhằm tìm kiếm sự nhất quán trong sử dụng thuật ngữ khoa học.
Trước diễn biến đại dịch Covid-19 căng thẳng thời gian qua, trong Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định “cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020”.
Thuật ngữ “cách ly xã hội” được nêu trong Chỉ thị số 16/CT-TTg tương đồng với các biện pháp “
social distancing” trong khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với các bệnh dịch do virus cúm gây ra [1]. Theo đó,
“social distancing” là một nhóm biện pháp duy trì khoảng cách vật lí giữa người này với người khác trong các sinh hoạt hàng ngày, ở một mức đủ xa để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Khoảng cách ấy có nhiều cấp độ, từ chỗ cách nhau tối thiểu 1 m (hoặc 2 m) đến hạn chế các hoạt động tập trung đông người, hay đóng cửa trường học công sở, hoặc xa hơn là hạn chế đi lại, khu trú người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
Người dân Đà Nẵng đảm bảo "giãn cách" khi đi lấy cơm từ thiện. Ảnh: Vietnamnet.
Đối với việc khu trú người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, có ít nhất hai mức độ thường được áp dụng tuỳ vào hoàn cảnh khác nhau. Theo Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh (CDCP) Hoa Kì [2], đó là “isolation”, tức tách biệt người có dấu hiệu nhiễm bệnh ra khỏi người khoẻ mạnh, không cho di chuyển trong cộng đồng để tránh lây lan mầm bệnh; và “quarantine”, cũng là tách biệt khỏi cộng đồng và hạn chế đi lại, nhưng áp dụng đối với những người chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh mà trước đó đã có tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Hai khái niệm này thực ra đã xuất hiện từ lâu đời trong lịch sử phòng chống bệnh dịch của loài người [3].
Ngoài ra, còn một mức khu trú nhẹ nhất là “confinement”, được WHO nhắc đến như là biện pháp xiết chặt của việc hạn chế tụ tập đông người [4]. Khái niệm này còn được dùng với một từ thông dụng hơn là “lockdown”, được cơ sở dữ liệu thuật ngữ TERMIUM Plus® của chính phủ Canada định nghĩa là biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn cản ai đó rời khỏi một khu vực hay vị trí nhất định [5]. Cũng theo TERMIUM Plus®, các thuật ngữ tiếng Anh nêu trên có từ tương đương trong tiếng Pháp lần lượt là “éloignement social” (hay “distanciation sociale”), “isolation”, “quarantaine” và “confinement”.
Như vậy, trong tiếng Anh và tiếng Pháp, tên gọi và nội hàm của bốn khái niệm nói trên khá tương đồng và nhất quán. Còn trong tiếng Việt, các khái niệm này đã hoặc đang tồn tại như thế nào? Và hơn cả câu chuyện tranh luận đúng sai, liệu có các từ tiếng Việt thích hợp để diễn đạt đầy đủ các khái niệm nói trên hay không?
Trước tiên, hai khái niệm lâu đời là “isolation” và “quarantine” đã được dịch và sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Cụ thể, Từ điển Anh-Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 1998 đã dịch “isolation” là “sự cô lập, cách ly hay bị cô lập”, và “quarantine” là “cách ly người hoặc súc vật có thể mang bệnh truyền nhiễm”. Về ngữ nghĩa, theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 2001) thì “cô lập” là “tách riêng ra khỏi mối liên hệ với những cái khác”, còn “cách li” là “ở nơi riêng biệt, không để cho tiếp xúc với những người hoặc vật xung quanh nào đó nhằm ngừa trước điều gì, thường là nhằm tránh lây bệnh”. Như vậy có thể tạm thời thống nhất là “cô lập” trong tiếng Việt tương đương với “isolation” (trong cả tiếng Anh và tiếng Pháp), còn “cách li” (hay “cách ly”) thì ứng với “quanrantine” trong tiếng Anh hay “quarantaine” trong tiếng Pháp.
Đối với khái niệm khu trú còn lại, Từ điển Anh-Việt của Viện Ngôn ngữ học chỉ có định nghĩa “confinement” là “sự bị hạn chế, giam cầm”. Trong cộng đồng người Việt tại Pháp, khi chính phủ Pháp bắt đầu áp dụng biện pháp này, có nhiều người dùng chữ “phong thành” hoặc “phong toả”. Nhiều tờ báo Việt Nam khi dịch tin bài cũng dùng từ “phong toả”. Tra Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê thì chỉ có định nghĩa “phong toả”, là “bao vây một khu vực hay một nước nào đó để cô lập, cắt đứt giao thông liên lạc với bên ngoài”. Bên cạnh đó, có một từ khác hiện nay ít được dùng tới, là “phong bế”, cũng có nghĩa là “bao vây chặt, làm cắt đứt mọi sự tiếp xúc với bên ngoài”.
Trong ba từ vừa nêu, “phong thành” là một từ mới lạ, nghe hay, nhưng dễ gặp hạn chế là chỉ áp dụng được với khu vực thành thị, mà khó áp dụng được với vùng nông thôn. Với hai từ có trong từ điển thì “phong bế” một mặt hiện ít dùng, mặt khác có thể tạo thêm cảm giác tiêu cực (“bế tắc” hay “bế quan toả cảng”). Như vậy chỉ có “phong toả” là phù hợp nhất, chỉ cần mở rộng nội hàm là có thể phong toả bị động do bị ép buộc từ bên ngoài vào, hoặc chủ động phong toả từ bên trong ra.
Ảnh chụp màn hình trang Wikipedia tiếng Việt định nghĩa từ “Cách ly xã hội”.
Khái niệm cuối cùng cần xét đến, đó là “social distancing”, trước khi đi vào văn bản của Chính phủ thì đã xuất hiện trên Wikipedia tiếng Việt từ ngày 17/03/2020, dẫn từ trang tiếng Anh định nghĩa từ “Social distancing”. Còn từ này có được sử dụng trong các văn bản chuyên môn của ngành y tế hay giới nghiên cứu khoa học hay không thì lượng tin bài tràn ngập hiện nay không cho phép kiểm chứng dễ dàng. Tuy nhiên, theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt đã nêu, từ “cách ly” sử dụng trong “cách ly xã hội” như trên không cho phép thể hiện hết ý nghĩa của nội hàm khái niệm gốc tiếng Anh và tiếng Pháp, bao gồm cả những biện pháp giữ khoảng cách vật lí nhẹ hơn ba biện pháp khu trú là phong toả, cách li và cô lập (về logic, đứng cách nhau 1 m thì không thể gọi là “cách li” mà chỉ là “cách xa”).
Thế thì, liệu có từ tiếng Việt nào ổn hơn để diễn tả được nội hàm của “social distancing” hay không? Có thể thấy trong định nghĩa gốc “duy trì khoảng cách vật lí giữa người này với người khác trong các sinh hoạt hàng ngày, ở một mức đủ xa để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh”, cốt lõi nằm ở chỗ khoảng cách giữa người này với người khác trong không gian. Cự li tối thiểu cần giữ là 1 m (hoặc 2 m) giữa hai người bình thường, và tối đa là người nhiễm bệnh bị cô lập hoàn toàn.
Song song với “cách ly xã hội”, một số người đã dùng từ “giãn cách xã hội” để dịch khái niệm “social distancing”. Trong tiếng Việt phổ thông, “giãn” hay “dãn” có nghĩa là “trở lại trạng thái không còn tập trung lại nữa, mà thưa ra, rải rộng ra” (theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê), khá phù hợp với định nghĩa của “social distancing”. Vấn đề là từ “giãn cách” không có mặt trong quyển từ điển này, mà được dùng khá nhiều trong các tài liệu hướng dẫn kĩ thuật soạn thảo văn bản bằng máy tính (“giãn cách kí tự”, “giãn cách dòng”). Đồng thời, viết “giãn” hay “dãn” (cũng tương tự như “giòng” hay “dòng”) dường như vẫn chưa có sự thống nhất giữa nhiều giới và nhiều lĩnh vực.
Ngược lại, "Từ điển tiếng Việt" của Hoàng Phê có nêu một từ khá thú vị là “gián cách”, với định nghĩa “khoảng cách theo chiều ngang” kèm một ví dụ: “Đường bay song song, giữ đúng cự li gián cách”. Như vậy, bên cạnh “giãn cách xã hội” thì “gián cách xã hội” cũng là một khái niệm có khả năng thể hiện đầy đủ và chính xác nội hàm của “social distancing” trong tiếng Anh và “distanciation sociale” hay “éloignement social” trong tiếng Pháp. Nhưng “gián cách xã hội” sẽ cho phép vượt qua cuộc tranh luận giữa hai luồng quan điểm viết “giãn” hay “dãn” như trường hợp “giãn cách xã hội”.
Sơ đồ biểu diễn quan hệ giữa các khái niệm “gián cách xã hội”, “phong toả”, “cách li” và cô lập”. Theo đó, có thể định nghĩa rằng “gián cách xã hội” là một loạt các biện pháp duy trì khoảng cách vật lí giữa người này với người khác trong các sinh hoạt hàng ngày, ở một mức đủ xa để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Khoảng cách ấy có nhiều cấp độ, từ chỗ cách nhau tối thiểu 1 m (hoặc 2 m) đến hạn chế các hoạt động tập trung đông người, đóng cửa trường học công sở, hoặc hạn chế giao thông đi lại. Xa hơn nữa là các biện pháp khu trú, bao gồm phong toả (gia đình, khu vực, địa phương hay toàn quốc) để phòng ngừa lây lan, cách li người nghi ngờ nhiễm bệnh (tại nhà hay tập trung) và cô lập người đã nhiễm bệnh tại cơ sở y tế.
Cuối cùng, văn bản Nhà nước đã ban hành rồi thì không thể sửa lại. Nhưng các nhà chức trách, giới chuyên môn, các cơ quan truyền thông cũng như mọi cá nhân có quan tâm đều có thể chọn cách khắc phục, thay đổi những thuật ngữ chưa đạt, để đưa vào sử dụng một thuật ngữ hợp lí hơn. Người viết chỉ xin phép kết bài bằng cách trích dẫn một nhà khoa học nổi tiếng người Pháp, Louis de Broglie, cách đây đúng 60 năm [6]:
“Chắc chắn rằng trong thời đại của chúng ta, hơn bất cứ thời đại nào khác, ngôn ngữ phải phát triển và phải nhanh chóng được làm giàu bằng các từ mới cho phép diễn tả được sự tiến triển nhanh chóng của tri thức và khả năng hành động của chúng ta: mọi thái độ trong sáng chủ nghĩa cực đoan chống lại hệ quả tất yếu của sự tiến bộ văn minh này chỉ có thể đi đến chỗ vỡ nát trước sức mạnh của một dòng chảy không thể quay ngược, và sự từ chối những cố gắng uốn nắn dòng chảy đó chỉ dẫn đến một kết cục tệ hại hơn là tốt đẹp.”
Theo ông, ngôn ngữ phải “biến đổi và phát triển hàng ngày” để “diễn tả những khái niệm mà nó du nhập, những hiện tượng mà nó khám phá, những công cụ mà nó phát minh”. Nhưng quan trọng hơn là điều đó “phải diễn ra một cách hợp lí, giữ được tính tự chủ cũng như bảo lưu được nguồn gốc và linh hồn của ngôn ngữ.” Và bài học hơn nửa thế kỉ trước từ một nước phương Tây cho đến nay vẫn đáng được suy ngẫm cho sự phát triển của tiếng Việt nói chung và tiếng Việt khoa học nói riêng.
---
*TS, Khoa học Giáo dục, Đại học Strasbourg, Pháp
Nhà nghiên cứu độc lập về khoa học giáo dục và truyền thông khoa học
---
Chú thích:
[1] WHO. 2008. Pandemic influenza preparedness and mitigation in refugee and displaced populations. WHO guidelines for humanitarian agencies. Geneva, Switzerland: World Health Organization, p. 32.
[2] Kinlaw K., & Robert L. 2007. Ethical guidelines in pandemic influenza. Recommendations of the Ethics Subcommittee of the Advisory Committee to the Director, Centers for Disease Control and Prevention.
[3] Drews K. 2013. A brief history of quarantine. The Virginia Tech Undergraduate Historical Review, 2. DOI: http://doi.org/10.21061/vtuhr.v2i0.16
[4] WHO, 2008, p. 79.
[5] Translation Bureau. 2020. Glossary on the COVID-19 Pandemic. TERMIUM Plus®. Public Works and Government Services Canada. Địa chỉ truy cập: <https://www.btb.termiumplus.gc.ca/publications/covid19-eng.html>
[6] de Broglie, L. 1960. La langue française comme expression de la pensée scientifique. In: Sur les sentiers de la science. Paris, France: Albin Michel, p. 391-401.