Áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và xây dựng Báo cáo Bền vững hằng năm là những thông lệ tốt giúp doanh nghiệp duy trì được đà phát triển và tăng sức chống chịu khủng hoảng. Nhưng chưa nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm đến những thông lệ này.

Các đại diện tham gia đối thoại về phát triển bền vững ngày 17/7/2020. Từ trái qua, bà Bùi Thị Thu Trang (Deloitte Việt Nam), bà Phạm Thị Thanh Xuân (Hiệp hội da giầy - Túi xách Việt Nam), ông Phạm Hoàng Hải (VBCSD) và bà Lê Thị Hoài Thương (Nestle Việt Nam) | Ảnh: VCCI
Các đại diện tham gia đối thoại về phát triển bền vững ngày 17/7/2020. Từ trái qua, bà Bùi Thị Thu Trang (Deloitte Việt Nam), bà Phạm Thị Thanh Xuân (Hiệp hội da giầy - Túi xách Việt Nam), ông Phạm Hoàng Hải (VBCSD) và bà Lê Thị Hoài Thương (Nestle Việt Nam) | Ảnh: VCCI

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm đứt gãy hàng loạt chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra sụt giảm nghiêm trọng về đầu tư và thương mại, đồng thời bộc lộ những lỗ hổng về quản trị rủi ro tại nhiều công ty ở Việt Nam. Nhưng trong bức tranh u ám đó, vẫn có những doanh nghiệp đã phản ứng nhanh chóng như Nestle Việt Nam.

Khi dịch bệnh xảy ra, đơn vị này lập tức đưa ra chiến lược ứng phó STORM trong đó “ưu tiên đầu tiên là người lao động phải an toàn và đảm bảo công ăn việc làm, ưu tiên thứ hai là đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn”, bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Truyền thông và Đối ngoại cấp cao của công ty Nestle Việt Nam chia sẻ trong buổi Đối thoại với báo chí ngày 15/7 do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) và VCCI tổ chức.

Bà Thương cho biết, dịch bệnh không khiến nhân viên công ty bị cắt giảm, mà thậm chí một số bộ phận vẫn được tăng lương theo lộ trình. Nhân viên tuyến đầu không thể làm việc ở nhà được hỗ trợ cho những ngày giãn cách xã hội. “Khi đó, Ủy ban Sức khỏe của chúng tôi phát huy tác dụng”. Ủy ban này được thành lập dựa trên những đòi hỏi trong chiến lược phát triển bền vững của công ty, hàng năm đều được phân bổ ngân sách và đào tạo tập huấn.

Đối với chuỗi cung ứng, từ năm 2010 Nestle toàn cầu đã triển khai dự án hỗ trợ phát triển cà phê bền vững (Nescafe Plan) trên 10 quốc gia để đa dạng hóa nguồn cung. Ở Việt Nam, công ty đã liên kết với 23.000 hộ nông dân trồng cà phê, đồng thời xây dựng một đội ngũ ở Tây Nguyên nhằm hỗ trợ sản xuất. Khi Covid-19 mới manh nha, Nestle đã có sẵn kênh chia sẻ thông tin 2 chiều và tiếp tục công việc tập huấn, hỗ trợ canh tác, khuyến nông từ xa thông qua app điện thoại chuyên dụng. Theo bà Thương, nhờ sự chuẩn bị sẵn sàng đó mà hiện nay công ty vẫn "sống khỏe".

Dự án Nescafe Plan hỗ trợ phát triển cà phê bền vững được triển khai từ năm 2010 tại hơn 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Người nông dân được hỗ trợ về tập huấn khoa học kỹ thuật và trang bị phần mềm FARMS nhằm quản lý dữ liệu trực tiếp của trang trại. | Ảnh: Agrinews
Trong dự án Nescafe Plan ở Việt Nam, người nông dân được hỗ trợ về tập huấn khoa học kỹ thuật và trang bị phần mềm FARMS nhằm quản lý dữ liệu trực tiếp của trang trại. | Ảnh: Agrinews, 2018

"Trong bối cảnh khó khăn của COVID-19, chúng tôi thấy rằng những doanh nghiệp thuộc Top 10 phát triển bền vững trong nước vẫn là những doanh nghiệp duy trì được việc làm và trả lương cho người lao động. Vì sao? Vì trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp này đã thẩm thấu được những chỉ số bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường trong chiến lược kinh doanh của mình", ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký VCCI kiêm Phó chủ tịch VBCSD, nhận xét.

Bên cạnh đó, “ngày càng nhiều đối tác đến gặp doanh nghiệp trong ngành của chúng tôi và yêu cầu kiểm toán về những tiêu chuẩn bền vững,” bà Phạm Thị Thanh Xuân, Đại diện Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam, cho biết, .

Trên thực tế, có những hãng thời trang yêu cầu các công ty da giầy Việt Nam phải đưa ra CV cho từng đôi giầy để chứng minh nguồn gốc, khả năng tái chế, tác động môi trường... Thậm chí một số nước cho biết có thể sẽ áp dụng đánh thuế carbon trên từng đơn vị sản xuất ra – một loại thuế mới trong bối cảnh những hàng rào thuế xuất nhập khẩu đang dần được gỡ bỏ về 0.

Việt Nam đang thuộc top 3 các quốc gia xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực chuyển đổi để đáp ứng những đòi hỏi về môi trường, lao động và phát triển bền vững của nhiều nước đối tác.
Hiện ngành da giầy đã có riêng một bộ chỉ số CSI cho ngành, trong đó chú trọng đến việc xem xét các loại hóa chất sử dụng.

Do vậy, các doanh nghiệp muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu sẽ phải nâng cao trách nhiệm của mình để có chiến lược đầu tư thích hợp về quản trị và công nghệ, đồng thời cung cấp được bằng chứng về điều đó cho các bên liên quan. Nếu không đáp ứng được những đòi hỏi đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ không thể có được đơn hàng.

Công cụ đã có sẵn nhưng chưa được quan tâm

Đa số các tập toàn toàn cầu như Nestle đều có chiến lược phát triển bền vững và sử dụng các bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do VCCI và VBCSD xây dựng từ năm 2015.

Hằng năm, họ cũng xây dựng Báo cáo Bền vững (BCBV) liên quan đến môi trường - kinh tế - xã hội nhằm nhận biết các rủi ro, cơ hội kinh doanh và thúc đẩy hiệu quả sản xuất trong công ty; đồng thời công bố thông tin về năng lực và vị thế với đối tác của mình.

“Nói đơn giản, những công cụ như bộ chỉ số CSI hay BCBV là kim chỉ nam cho doanh nghiệp để họ hiểu các khía cạnh phát triển bền vững nằm ở đâu và họ phải làm gì để xây nên những chiến lược phát triển cho doanh nghiệp”, bà Bùi Thị Thu Trang, Trưởng phòng Dịch vụ Đảm bảo và Tư vấn rủi ro, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, chia sẻ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt lại chưa quá quan tâm đến vấn đề này. Mặc dù BCBV là một trong những thông lệ tốt của quốc tế và thậm chí đã được quy định pháp lý ở trên 30 quốc gia, nhưng tại Việt Nam, mới chỉ có khoảng 600 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp đa quốc gia hoặc các tập đoàn lớn chú trọng thực hiện. Còn bộ chỉ số CSI, đến nay mới có hơn 1.500 doanh nghiệp ứng dụng.

Việc áp dụng bộ chỉ số CSI đã được chứng minh đem lại tác động tích cực cho doanh nghiệp. Theo báo cáo của VBCSD-VCCI, các doanh nghiệp áp dụng bộ chỉ số CSI có năng suất lao động, hiệu suất sử dụng lao động, thu nhập bình quân của người lao động và đóng góp cho xã hội “cao hơn đáng kể” so với các doanh nghiệp chưa tham gia.

Phần lớn các doanh nghiệp áp dụng bộ chỉ số CSI có cái nhìn tích cực về năng lực cạnh tranh của mình khi 60-75% cho rằng cho rằng hoạt động của họ tốt hơn các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường về các khía cạnh R&D, giá cả, chất lượng sản phẩm dịch vụ, nguồn hàng, marketing, thị phần… Con số này trong nhóm không áp dụng bộ chỉ số CSI chỉ từ 24-66%.

"Các công cụ tốt như bộ chỉ số CSI nên được nhiều doanh nghiệp hơn nữa biết đến và ứng dụng rộng rãi, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Xuân nói.

VBCSD-VCCI và một số tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp cũng đã khuyến nghị đưa bộ chỉ số CSI thành một công cụ quản lý nhà nước, để cơ quan công quyền có thể sử dụng nhằm đánh giá và giảm thiểu thủ tục hành chính trong quá trình kiểm tra doanh nghiệp.

Đồng thời họ cũng bày tỏ mong muốn các công cụ này được nhận thức rộng rãi, khiến các đối tác nước ngoài và nhà đầu tư công nhận bộ chỉ số CSI của Việt Nam như một công cụ kiểm toán, giúp giảm thời gian tìm hiểu và thương thảo với doanh nghiệp trong nước.

VBCSD-VCCI cho biết họ đang xây dựng đề án nhân rộng áp dụng Bộ chỉ số CSI trong cộng đồng doanh nghiệp giai đoạn 2020 – 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến trong năm 2020. Hướng dẫn về việc áp dụng bộ chỉ số CSI xem tại đây.