Để cứu trợ doanh nghiệp và hộ gia đình trước ảnh hưởng của COVID-19, các nền kinh tế đã và đang chi những khoản khổng lồ (thậm chí lên tới 20% GDP như ở Mỹ). Nhưng một đồng tiêu hôm nay thực chất chính là nợ của ngày mai.

Theo quan điểm của một số nhà kinh tế, việc nhiều ngân hàng trung ương quy định lãi suất ở mức thấp cho thấy: nợ quốc gia của họ vẫn đang ở ngưỡng an toàn. Quan điểm này không sai, nhưng với điều kiện là tăng trưởng GDP danh nghĩa (nominal) cần sớm hồi phục và chính phủ trong tương lai phải hạn chế chi tiêu.

Các chương trình cứu trợ và kích thích kinh tế của Mỹ đã lên tới 20% GDP. Ảnh: CNBC.

Các chương trình cứu trợ và kích thích kinh tế của Mỹ đã lên tới 20% GDP. Ảnh: CNBC.

Các chính phủ có trách nhiệm luôn hướng đến duy trì sự cân bằng trong suốt chu kỳ kinh tế. Những khoản vay trong giai đoạn suy thoái cần phải được hoàn trả, và gánh nặng thanh toán thuộc về các nhóm được trợ cấp hay hưởng lợi ban đầu. Tuy nhiên, điều này lại không dễ với những khoản nợ khổng lồ tích lũy do cuộc khủng hoảng hiện tại, ngay cả khi chính phủ tìm cách đánh thuế thêm đối với người giàu – chính sách chắc chắn sẽ vấp phải nhiều chỉ trích và gây tranh cãi về cái giá của sự “tăng trưởng khắc khổ”, chuyển gánh nặng nợ nần sang cho các thế hệ tương lai.

Trong quá khứ, những khoản nợ như vậy thường dễ hoàn trả hơn. Dựa trên mức tăng trưởng cao, các thế hệ sau được kỳ vọng sẽ trở nên giàu có hơn, và nợ cũ sẽ giảm đi tương đối so với mức thu nhập. Tuy nhiên, trước tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ đầu tư công thấp và tăng trưởng năng suất èo uột như hiện nay, không mấy ai có thể lạc quan đến vậy. Hệ quả là con cháu đang bị đặt trước hai thách thức lớn: chăm lo cho ông bà cha mẹ mặc dù chính họ đã tiêu hết tiền của chúng, đồng thời giải quyết vấn nạn biến đổi khí hậu – điều mà các thế hệ trước hầu như đã chẳng làm được gì nhiều. Tệ hơn nữa, sự giới hạn nguồn lực đầu tư vào hệ thống giáo dục và chăm sóc y tế còn “kìm hãm” triển vọng về một cuộc sống năng suất (thể hiện qua mức thu nhập cao) của con cháu. Nếu sử dụng hết khả năng vay mượn hiện có, chúng ta sẽ khiến các thế hệ tương lai không còn tiền chi tiêu nếu gặp phải những biến cố thế kỷ như cuộc Đại suy thoái 2008 – 2009 và COVID-19. Ở đây, vấn đề bình đẳng giữa các thế hệ cũng nên được xem trọng như những nỗ lực nhằm đảm bảo sự công bằng cho xã hội đương đại.

Quan điểm rằng tất cả mọi người đều cần được cứu trợ (do họ không có lỗi khi đại dịch xảy ra) có lẽ sẽ không còn phù hợp nữa. Trong khi nhiều nước thường có chính sách đền bù thiệt hại cho những hộ gia đình (không hoặc chưa mua bảo hiểm) trong vùng lũ lụt hoặc động đất, người dân ở nơi khác không bị ảnh hưởng sẽ sẵn sàng chi trả (thông qua tiền thuế) vì biết họ sẽ nhận được sự đối xử tương tự nếu gặp rủi ro. Nhưng gánh nặng nợ nần do COVID-19 gây ra thì khác, nó chắc chắn sẽ bị đặt lên vai các thế hệ tương lai, những người hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm hay ứng phó với virus.

Vì vậy, chúng ta cần thiết phải chi tiêu thận trọng. Trước viễn cảnh đại dịch kéo dài cùng hệ quả của nó, các chính phủ nên chuyển sang bảo vệ người lao động thay vì chỉ tìm cách cứu doanh nghiệp. Ở đây, những nhân lực mất việc cần nhận được sự hỗ trợ phù hợp để giúp họ duy trì cuộc sống và tham gia các chương trình đào tạo cập nhật kỹ năng cho đến khi đi làm lại. Về mặt đạo đức, các xã hội thịnh vượng cần cung cấp được mạng lưới an sinh đảm bảo cho tất cả mọi người.

Chính phủ hãy chọn lọc các doanh nghiệp cần được hỗ trợ và đừng can thiệp quá sâu vào thị trường. Ở những hub kinh doanh phát đạt, các start-up vẫn liên tục ra đời và đóng cửa. Mặc dù thất bại là đau đớn đối với chủ doanh nghiệp, nhưng nó lại gây rất ít thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế. Chẳng hạn, nếu nhu cầu về hoa đủ lớn khi thị trường hồi phục, người bán hoa hoàn toàn có thể bắt đầu lại công việc kinh doanh ngay tại địa điểm của cửa hàng cũ. Vì thế, việc hỗ trợ người bán hoa trang trải tiền thuê nhà, lãi ngân hàng và lương nhân viên trong dài hạn là không hiệu quả về mặt chi phí.

Tương tự, chính phủ cũng không nên cung cấp những khoản tài trợ hoặc khoản vay được trợ cấp để các doanh nghiệp lớn trong ngành hàng không và khách sạn giữ chân nhân lực – vốn đang khá dư thừa. Sẽ là tối ưu hơn rất nhiều nếu chỉ hỗ trợ lực lượng lao động bị sa thải thông qua chương trình bảo hiểm thất nghiệp. Trong lúc đó, các tập đoàn lớn cần tiền để duy trì hoạt động có thể vay mượn từ thị trường – được chống đỡ bởi ngân hàng trung ương. Nếu nợ xấu tới mức không còn ai cho vay, họ có thể tái cơ cấu lại các khoản nợ (thông qua phá sản, mua bán sáp nhập) và chuẩn bị cho một đầu mới (như trường hợp của Japan Airlines năm 2010, hay General Motor năm 2007).

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các công ty có thể sẽ khó trụ vững trước sức mạnh thị trường nếu không được hỗ trợ. Đối với những cộng đồng thiệt thòi về kinh tế, nơi một vài doanh nghiệp tuy nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng đối với đời sống của người dân địa phương, sự hỗ trợ là cần thiết vì cả lý do kinh tế lẫn xã hội. Chẳng hạn, nếu một doanh nghiệp uy tín lâu đời sử dụng hơn 100 lao động phải đóng cửa vì thua lỗ trong suốt nhiều năm, nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm của họ sẽ bị tản mát, tài sản bị thanh lý, cùng những nguyên tắc và bí quyết kinh doanh sẽ mãi mãi biến mất. Đó là khoảng trống mà không phải bất cứ start-up nào cũng có thể dễ dàng bước vào và lấp đầy.

Các chương trình cứu trợ không nên là những bữa trưa miễn phí (free lunch). Chính phủ nên đảm bảo nguồn vốn tự có (huy động từ tiến thuế, trái phiếu, chứng khoán, …) sẽ trang trải một phần thỏa đáng các khoản lỗ trước khi gánh nặng nợ nần bị chuyển cho những thế hệ tương lai. Quan trọng hơn, hãy thúc đẩy đầu tư vào giới trẻ thông qua y tế và giáo dục như là một phần bù đắp cho các khoản nợ mà chúng ta đang để lại.

Trong hoàn cảnh hiện nay, chính phủ không thể tránh khỏi việc chi tiêu thêm tiền. Nhưng vì lợi ích của con cháu, chúng ta không được phép liều lĩnh dù cho thị trường nợ quốc gia vẫn chưa phản ứng tiêu cực với mức vay mượn đang ngày một lớn.

Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, chính phủ Việt Nam cũng đã áp dụng gói cứu trợ trị giá 62 ngàn tỷ VNĐ nhưng còn chậm giải ngân. Ảnh: Kinh tế Đô thị.

Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, chính phủ Việt Nam cũng đã áp dụng gói cứu trợ trị giá 62 ngàn tỷ VNĐ . Ảnh: Kinh tế Đô thị.

(*) Tham khảo Raghuram G. Rajan, cựu thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, giáo sư tài chính tại trường kinh doanh Booth School of Business, Đại học Chicago, tác giả cuốn The Third Pillar: How Markets and the State Leave the Community Behind? (Cột trụ thứ ba: thị trường và nhà nước bỏ rơi cộng đồng thế nào?).

Raghuram G. Rajan, Should governments spend away, Project-Syndicate.