Việc thi cử, mà kì thi tốt nghiệp là điển hình nhất, đang làm giáo dục THPT lệch hẳn về phía ôn thi, luyện thi hơn là hướng đến khơi gợi, xây dựng một vốn kiến thức, vốn văn hóa cơ bản cho thanh thiếu niên - đối tượng đông đảo luôn đóng vai hạt nhân trong xã hội.

Kiểm tra nhiệt độ thí sinh trước giờ thi tốt nghiệp tại trường THPT Thanh Sơn, thị trấn Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, tháng 8/2020. Ảnh: ttythuyenthanhson.com
Kiểm tra nhiệt độ thí sinh trước giờ thi tốt nghiệp tại trường THPT Thanh Sơn, thị trấn Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, tháng 8/2020. Ảnh: ttythuyenthanhson.com

Một phản ứng dễ thấy liên quan đến kì thi THPT các năm gần đây là sự chú tâm quá tận tụy vào mức độ “khó”, “dễ” hay “vừa sức” của bộ đề thi. Báo chí luôn dày đặc những đánh giá, bình luận về đề thi và đồng thời nhanh nhảu công bố đáp án, gợi ý làm bài ngay sau mỗi một môn thi.

Ở trạng thái nóng sốt hơn, nhiều giáo viên còn tức thì dùng mạng xã hội để “khoe” việc mình đã ôn thi đúng trọng tâm đề, thậm chí, “trúng tủ” nội dung câu hỏi thi. Cảm giác giáo viên còn nóng lòng, sốt ruột đón chờ đề thi hơn sĩ tử và không khí giải đề thi trên mạng xã hội còn gấp gáp, sôi nổi hơn trong phòng thi. Các sĩ tử khi được hỏi đánh giá về đề thi, nhìn chung, cũng không nêu ý kiến gì khác ngoài thừa nhận đề thi sát với giới hạn chương trình học tập, ôn thi mà Bộ GD&ĐT đã cam kết trước kì thi.

Phản ứng tưởng như bình thường về đề thi và việc đánh giá chất lượng kì thi chủ yếu dựa vào xem xét đề thi có phù hợp, bám sát với kiến thức ôn tập, giảng dạy trong sách giáo khoa hay không, có thể nói, cho thấy tâm thế của giáo viên lẫn học sinh THPT hiện nay đang đặt nặng nhiệm vụ ôn thi, luyện thi. Trong khi kì thi tốt nghiệp THPT, về bản chất, chỉ như một công cụ để đánh giá phần nào chất lượng dạy và học ở phổ thông, không bao giờ và không thể đồng nhất hoàn toàn với sứ mệnh giáo dục phổ thông, thì nhiều nhà trường, giáo viên, học sinh và một bộ phận xã hội đang biến nó thành mục tiêu tối hậu, thành điều canh cánh thường trực.

Cho dù kết quả của thi tốt nghiệp THPT năm nay (hay trước đây là kì thi THPT quốc gia) có liên quan đến việc xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng thì, thẳng thắn mà nói, cũng không nên biến thành lí do tối thượng để cả thầy và trò “quần quật” quanh năm với ôn thi như vậy. Còn nếu cho rằng, tâm lí lo lắng dẫn đến trầm trọng hóa thi cử là chuyện muôn đời và có thể thể tất được thì sẽ giải thích như thế nào về việc Bộ GD&ĐT thường xuyên nhấn mạnh, nội dung thi chỉ nằm trong kiến thức sách giáo khoa, và riêng năm 2020, chỉ là kiến thức lớp 12?

Trong thực tế, ôn thi và luyện thi vẫn không ngừng thể hiện như một công việc trọng tâm. Nhiều trường phổ thông có xu hướng đẩy nhanh chương trình học để việc ôn thi rơi đúng “tiến độ” là từ đầu lớp 12. Còn trước đó, ở lớp 10 và 11, học sinh đã bắt đầu làm quen với dạng đề thi tốt nghiệp THPT qua các bài kiểm tra định kì hoặc học kì. Chưa kể, các em cũng sẽ tham gia vài lần “thi thử” do nhà trường tổ chức và cũng sẽ được đánh giá, xếp loại để kịp điều chỉnh ôn luyện kiến thức đúng cách, đúng lúc.

Với giáo viên, ngoài giảng dạy kiến thức sách giáo khoa thì còn phải tham gia tích cực vào việc ra đề, luyện đề tương tự như đề thi của Bộ GD&ĐT. Công việc này chiếm khá nhiều thì giờ của họ nhưng mặt khác cũng đem lại vị thế chuyên môn cho họ. Cần nhấn mạnh rằng, mỗi một học sinh thi THPT phải thi ba môn bắt buộc và thi bài tổ hợp ba môn thành phần (nếu muốn xét đại học, cao đẳng) nên nhìn chung, học sinh sẽ căng mình ôn luyện từ 4-6 môn mới yên tâm theo đuổi mục tiêu của mình. Thành thử, ôn luyện thi mới chính là điểm kết nối trường kì và sôi nổi bậc nhất giữa giáo viên và học sinh, nhất là học sinh lớp 12. Những lời thăm hỏi, động viên, cổ vũ, những bức “tâm thư” và những dòng tâm sự trên facebook, không gì thiết tha hơn, vẫn loanh quanh ở chuyện thi cử.


Ngay cả khi kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tạm thời đã tổ chức thành công thì những ý kiến về việc loại bỏ kì thi này, không chỉ vì lí do dịch bệnh Covid-19, mà còn vì giá trị giáo dục hạn chế của nó, rất đáng được cân nhắc suy nghĩ.


Quả là ôn luyện thi vẫn đang phát triển mạnh mẽ như một thị trường bạc tỉ khiến giáo viên và nhà trường khó lòng đứng ngoài. Dù Bộ GD&ĐT tìm nhiều cách thay đổi phương thức thi THPT thì thị trường đó vẫn đầy cơ hội, điều kiện để tiếp cận. Các tác động về tâm lí, các chiêu thức quảng cáo, các ràng buộc và chế tài trong dạy học, các áp lực về thành tích thi đua, sự buông lỏng trong quản lí và kiểm định giáo dục,..., rõ ràng, là một chuỗi lí do biến ôn luyện thi THPT trở thành dịch vụ thu lợi nhuận lớn mạnh, cạnh tranh và đa dạng như hiện nay. Và chừng nào thi cử, bao gồm cả thi THPT, còn chưa cải tiến rốt ráo mà cần kíp là loại bỏ nó, thì chừng đó thị trường ôn luyện thi vẫn có mặt trên mọi “chiến tuyến”!

Tất cả đều thua thiệt

Khi giáo dục THPT sa đà vào ôn luyện thi, cả người học và người dạy, có lẽ, đều thua thiệt như nhau. Trong khi người học ít có cơ hội được phiêu lưu, được quyền tìm biết và tìm học những kiến thức khác nhau để bước đầu xây dựng một nền tảng tri thức vững chắc, thì giáo viên cũng chỉ vùng vẫy trong khối kiến thức phục vụ thi.

Người học và người dạy đều lựa chọn tính thực dụng thi cử hơn là những niềm vui học tập, những vượt thoát khuôn mẫu, công thức và khám phá chân trời tri thức mới mẻ, khác lạ. Kì vọng, chờ đợi giáo viên THPT tích cực hơn trong việc thay đổi phương pháp giảng dạy cũng như mở rộng phạm vi kiến thức ngoài sách giáo khoa sẽ rất khó thành hiện thực khi họ hoặc tự đề cao việc ôn luyện thi hoặc bị chiểu vào kết quả thi. Rất nhiều giáo viên THPT gần như đi tới đi lui ở một bài giảng quen thuộc, ở khả năng giải đề thi, phỏng đoán đề thi và “chuẩn hóa” các mẹo mực làm bài thi của mình cho học sinh.

Hệ quả là, phần lớn học sinh bước chân vào đại học, cao đẳng với một quán tính nặng về tư duy học để thi, thói quen học để lấy điểm cao thay vì phát triển toàn diện các kĩ năng, phẩm chất của bản thân. Thông thường, học sinh phải mất từ một đến hai năm ở đại học mới loại bớt dần quán tính đáng ra phải được điều chỉnh ngay ở giáo dục THPT như thế.

Thay đổi nhận thức và kế đó, thay đổi cách thức đánh giá giáo dục THPT qua thi cử, cần thiết phải làm ngay hơn bao giờ hết. Chuyện giáo dục, dạy học THPT giờ đây, phải xác định như một thiết chế căn bản để tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực, nguồn lao động có chất lượng, có vốn văn hóa và lành nghề. Những kiến thức, mánh lới, kĩ năng trong ôn luyện thi, xét cho cùng, chỉ có giá trị thời vụ nên đừng kích nó lên thành tâm điểm sốt sắng và đầu tư của cả gia đình, nhà trường, xã hội.