Phần lớn các trường phổ thông còn e ngại việc tổ chức CLB STEM, nhưng theo TS. Đặng Văn Sơn, giám đốc Học viện Sáng tạo S3, đơn vị điều phối một chương trình hiếm hoi hỗ trợ đưa giáo dục STEM đến các trường THPT trên cả nước, cho rằng, hình thức ngoại khóa này sẽ ngày càng trở nên phổ biến do phương thức xét tuyển đại học đang thay đổi mạnh mẽ.

Dưới đây là chia sẻ của TS. Đặng Văn Sơn về Chương trình Hỗ trợ đưa Giáo dục STEM đến các trường THPT do Đại học VinUni tài trợ và tầm quan trọng của giáo dục STEM đối với bậc học phổ thông cao nhất này.

Mỗi năm, Chương trình đều tổ chức một cuộc thi tổng kết để các CLB đua tài ở nhiều nội dung. Trong đó, năm 2019, khi dịch bệnh chưa bùng phát, CLB STEM trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An đã giành giải nhất với phần thưởng là một chuyến tham quan các công ty công nghệ tại Singapore. Trong ảnh: Học sinh trong nội dung đua xe robot tại Ngày hội STEME Day 2020, ĐH VinUni. Ảnh: NVCC

Chương trình đã triển khai được 3 năm nhưng hai năm trong số đó là giai đoạn dịch bệnh. Anh có thể cho biết, điều này ảnh hưởng ra sao đến Chương trình?

Năm đầu tiên, chúng tôi triển khai thí điểm với 30 trường THPT khắp cả nước, chủ yếu tập trung vào các trường chuyên và trường chất lượng cao. Các giảng viên của các trường đại học tình nguyện dạy trực tiếp tại các CLB STEM của các trường trên. Năm đó, 30 CLB STEM đã đi vào hoạt động.

Trong năm tiếp theo, thêm 60 trường đã đăng kí và duy trì CLB STEM dưới sự tài trợ của Chương trình. Giáo viên các trường được tập huấn trong vòng 7 ngày tại Hà Nội, sau đó tự triển khai tại cơ sở của mình.

Như chúng ta biết, năm 2020, Việt Nam bắt đầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid, vì thế Chương trình có lúc gián đoạn, tuy nhiên không quá nghiêm trọng do lúc đó chưa nhiều địa phương phải chuyển sang học online.

Sang năm 2021, dịch bệnh tác động vô cùng nặng nề, vì thế hoạt động của các CLB STEM tại các trường cũng bị ảnh hưởng theo. Để duy trì hoạt động CLB STEM một cách bền vững, Chương trình đã có format mới: mời chính các thầy cô đã tham gia hướng dẫn học sinh trong các CLB STEM làm người đi đào tạo lại các thầy cô khác, gọi là Master Trainer. Cuộc thi tìm kiếm Master Trainer vừa kết thúc với việc tìm được 27 giáo viên ưu tú từ khắp cả nước tham gia mạng lưới Master Trainer năm đầu tiên. Toàn bộ cuộc thi tìm kiếm diễn ra online. Đây cũng là sự thích nghi với tình hình và là bước đệm cho các hoạt động chuyển đổi số sắp tới của Chương trình.

Chương trình đã đi được quá nửa chặng đường 5 năm. Nhìn lại, những người tổ chức nhận thấy giá trị lớn nhất mà Chương trình đạt được cho đến thời điểm này là gì?

Thống kê một vài năm trở lại đây cho thấy, trong kỳ thi THPT quốc gia, số học sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội luôn áp đảo số học sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên. Bởi vậy, mục đích lớn nhất của Chương trình là giúp gia tăng số học sinh THPT đăng kí vào các trường đại học khối ngành STEM thông qua sinh hoạt CLB. Theo các đánh giá khảo sát của chúng tôi, hầu hết học sinh trong các CLB STEM đều chọn các trường đại học khối ngành STEM để thi vào.

Một giá trị nữa là cái nhìn tích cực và sự thay đổi tư duy trong việc thiết kế hoạt động STEM của giáo viên và nhà quản lý giáo dục. Trước đây, họ bị ảnh hưởng bởi nhiều “trào lưu” giáo dục STEM trên mạng internet hoặc của những đơn vị không chuyên nên thiết kế các hoạt động STEM mang nặng tính phong trào. Qua rất nhiều đợt tập huấn, chỉnh sửa giáo án, họ mới nhận ra thực chất việc tổ chức hoạt động STEM là để phát triển tư duy khoa học, tư duy kĩ thuật cho học sinh, và áp dụng nó một cách tự nhiên.

Nhưng phần lớn các trường vẫn e ngại tham gia cùng chúng tôi, phần vì đây là một chương trình hoàn toàn độc lập và không có sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục như Sở hay Bộ GD&ĐT, việc có tham gia hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động của nhà trường trong việc tổ chức hoạt động cho học sinh ngoài chương trình học chính khoá.

Các trường chưa mặn mà, phải chăng vì CLB STEM chưa chứng minh được lợi ích thiết thực cho các mục tiêu như thi tốt nghiệp THPT?

Giáo dục STEM cấp THPT trực tiếp hướng vào định hướng nghề nghiệp của học sinh, sẽ không có chuyện học cho vui mà đều có mục đích tập làm các đề tài, học các kiến thức mới để thích ứng với tương lai của các em. Năm dự án dạy học trong Chương trình đều có các chủ đề rất thiết thực như: Công nghệ Nano và cuộc sống, Nông nghiệp thông minh hay Cảm biến và dữ liệu… Các nội dung này đều được mở rộng hoặc nâng cao trên nền tảng kiến thức phổ thông.

Bên cạnh đó, như chúng ta đều biết, hiện nay hình thức tuyển sinh đại học bắt đầu đa dạng, không chỉ căn cứ theo điểm thi, điểm học bạ mà còn nhiều đánh giá khác. Các hoạt động đổi mới tuyển sinh đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ tại các trường đại học đầu ngành như Đại học Bách khoa hay Đại học Quốc gia. Trong hồ sơ học tập của các em, hoạt động CLB STEM hay tham gia các cuộc thi STEM sẽ tạo ra ưu thế vượt trội cho những em muốn vào các trường đại học đầu ngành về STEM ở Việt Nam, thậm chí cả trên thế giới, bởi đó là chỉ dấu cho thấy các em đã được hình thành năng lực cần thiết cho bậc học tiếp theo.

Chính vì thế, cá nhân tôi cho rằng, các hoạt động tự học, tự nghiên cứu như hoạt động CLB STEM sẽ ngày càng trở nên phổ biến, nếu tình hình xét tuyển đại học tiếp tục có các bước chuyển như đã thấy trong 2 năm vừa qua.

Chương trình của các anh đang hỗ trợ như thế nào cho định hướng tích hợp liên môn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới?

Thực ra chương trình phổ thông hiện nay mới nêu ra định hướng như vậy, nhưng nội dung cụ thể trong khung chương trình chủ yếu vẫn là đơn môn, sự liên kết giữa các môn rất hiếm hoi. Có chăng là do các nhà trường chủ động liên môn để tạo ra các dự án học tập cho học sinh.

Chương trình do Đại học VinUni tài trợ là một dạng ngoại khoá mà các nhà trường hoặc giáo viên đều có thể chủ động tiếp cận và tổ chức cho học sinh. Hiện giờ, trên nền tảng online tại: https://vinuni-stem.learnworlds.com đã có sẵn 5 chủ đề STEM và các bài giảng, bài thi để học sinh tự học. Tất nhiên, nếu muốn thực hành thì cần có bộ dụng cụ học tập. Mỗi trường tham gia Chương trình của chúng tôi sẽ được cung cấp 5 bộ học liệu cho mỗi chủ đề, đủ cho một CLB từ 20-25 học sinh.

Được biết, trong giai đoạn tới, slogan của Chương trình là Tự lan tỏa, có nghĩa các anh đặt kỳ vọng rất cao vào sự chủ động và năng động của thầy cô tham gia?

Trong giai đoạn 3 của dự án, chúng tôi hướng đến THẬT - CHẤT, người CHẤT làm THẬT, để các hoạt động có khả năng tự lan tỏa. Nhưng nói như vậy không có nghĩa các thầy cô phải “tự mình” hết. Với các thầy cô tham gia mạng lưới Master Trainer, chúng tôi cung cấp các học liệu cần thiết cũng như một phần tài chính để họ có thể tổ chức tập huấn cho các cơ sở ở địa phương. Cùng với đó, chúng tôi liên tục nâng cao trình độ, năng lực cho thầy cô tham gia Chương trình bằng cách cập nhật cho họ các chủ đề STEM, và đội ngũ chuyên gia của chúng tôi luôn đồng hành cùng họ trong quá trình triển khai công việc.

Mình chúng tôi làm không hết việc được, vì thế rất mong các công ty công nghệ, nhà khoa học, nhà công nghệ góp một tay để tạo điều kiện cho các thầy cô được thỏa sức với đam mê giáo dục STEM. Ngoài ra, khi đã có đội ngũ các thầy cô nhiệt huyết, nếu lãnh đạo nhà trường cởi mở, vì học sinh thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết.

Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Các thầy cô trong đợt tập huấn chuyên sâu về giáo dục STEM do Chương trình tổ chức tại Hà Nội từ ngày 15 đến 21/9/2019. Ảnh: NVCC

Chương trình Hỗ trợ đưa Giáo dục STEM đến các trường THPT do 3 đơn vị - Học viện Sáng tạo S3, Học viện Kidscode STEM và Trung tâm toán Pomath - triển khai từ tháng 1/2019, dự kiến kéo dài 5 năm, hỗ trợ 500 trường trên cả nước.

*Một vài con số:

Năm 2019: 30 trường thành lập CLB STEM với sự tham gia của 900 học sinh ở Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh; 90 thầy cô được tập huấn;

Năm 2020: Thêm 60 trường thành lập CLB STEM với sự tham gia của học sinh ở khoảng 20 tỉnh/thành phố;

Năm 2021: Xây dựng mạng lưới gần 30 thầy cô Master Trainer, mỗi Master Trainer có mục tiêu phát triển CLB STEM tại tối thiểu 3 trường ở địa phương.

*Các chủ đề sinh hoạt CLB STEM:

Cảm biến và dữ liệu, Nông nghiệp thông minh, Công nghệ nano, Robot tự hành, Toán học và nghệ thuật, Trí tuệ nhân tạo, Robot công nghiệp ROS

*Tất cả các trường tham gia Chương trình đều được cung các bộ học liệu gồm Bộ robot và xe tự hành, Bộ cảm biến và dữ liệu, Bộ dụng cụ kĩ thuật cơ bản, và Bộ dụng cụ kĩ thuật nâng cao.