Cho đến cuối tháng tư năm nay, Pháp vẫn là quốc gia duy nhất trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không có vaccine nào sẵn sàng.

Đối với giáo sư Christophe d’Enfert, giám đốc khoa học của Viện Pasteur, điều đó “đặt ra câu hỏi về năng lực của chúng tôi không chỉ trong việc nghiên cứu cơ bản ở cấp độ rất sâu, mà còn cả việc đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng này”.

Viện Pasteur, nơi đã phải từ bỏ việc một ứng viên vaccine COVID.

Margaret Kyle, nhà kinh tế học tại trường Cao học Mines ParisTech, đồng chủ nhiệm một nghiên cứu của Hội đồng Phân tích Kinh tế (CAE), cơ quan tư vấn của chính phủ nói rằng đáng ra Pháp phải có điều kiện tốt để thực hiện nghiên cứu y sinh cũng như thương mại hóa [các sản phẩm nghiên cứu]. Vì hệ thống giáo dục của Pháp đã đào tạo ra các nhà khoa học tài năng và có hẳn hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia cung cấp dữ liệu ngay để triển khai các nghiên cứu y tế. Nhưng các nghiên cứu gần đây của CAE cho thấy chi tiêu công cho nghiên cứu sinh học và sức khỏe đã giảm đáng kể kể từ năm 2011.

Bruno Canard, một nhà sinh học cấu trúc nghiên cứu coronavirus tại CNRS ở Marseille, là chứng nhân cảm nhận rõ ràng được sự suy giảm đó. Ông nói, ví dụ, Pháp chỉ có ba trong số các kính hiển vi điện tử nhiệt độ thấp (cryo-EM) có thể phân tích rõ cấu trúc phân tử như cấu trúc của coronavirus ở độ phân giải gần nguyên tử; còn Đức và Anh mỗi nước có khoảng hai chục. Và cơ quan tài trợ nghiên cứu quốc gia của Pháp, được thành lập vào năm 2005 để cung cấp các khoản tài trợ nghiên cứu có tính cạnh tranh dựa trên dự án, đã phải chịu quá trình cắt giảm mạnh ​​ngân sách. Trong đại dịch, tiền chi cho nghiên cứu COVID-19 khẩn cấp đã bắt đầu chảy vào, và giờ đây Canard nói rằng ngân sách của phòng thí nghiệm của ông đã trở lại mức … của năm 2003. Nhưng vào thời điểm được rót tiền nghiên cứu thì “các nhà khoa học ở Trung Quốc và các nước khác đã sử dụng cryo-EM nghiên cứu và xuất bản bài báo đầu tiên trên Science, Cell và Nature rồi”, ông nói.

Các công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học của Pháp, là những thành tố quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của ngành dược phẩm cũng được tài trợ ít hơn so với các công ty cùng ngành ở châu Âu. Nguồn vốn cho các công ty khởi nghiệp này vay thông qua ngân hàng đầu tư công (BPI) của Pháp và các khoản giảm thuế có thể rất hào phóng trong giai đoạn đầu các công ty phát triển kinh doanh, nhưng về sau nguồn đầu tư mạo hiểm gọi từ khu vực tư nhân lại quá ít để các công ty này đi tiếp. Vào năm 2020, trung bình mỗi công ty khởi nghiệp công nghệ y tế của Pháp chỉ huy động được 8 triệu euro nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, so với 12 triệu euro ở Anh và 25 triệu euro ở Đức, theo dữ liệu do tập đoàn thương mại France Biotech tổng hợp.

Trong năm năm đầu tiên sau khi nhà công nghệ sinh học Odile Duvau đồng sáng lập công ty công nghệ sinh học Xenothera khởi nghiệp, cô đã huy động được 6 triệu euro để phát triển các liệu pháp miễn dịch. Trong đại dịch, BPI cũng cấp vốn cho Xenothera 5,3 triệu euro để mở rộng quy mô sản xuất phương pháp điều trị kháng thể COVID-19 tiêm tĩnh mạch và thử nghiệm; Kể từ đó, công ty đã huy động được 10,3 triệu euro khác và nhờ đó phương pháp điều trị đã được thử nghiệm lâm sàng tại 35 bệnh viện ở Pháp cùng năm quốc gia khác.

Nhưng Duvaux nói rằng, những số tiền đó không có gì đáng kể so với những gì các công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học ở Mỹ thường có thể huy động được. “Chúng tôi cần đơn đặt hàng trước. Đó là những gì Chính phủ Mỹ làm; đó cũng là những gì Chính phủ Anh đang làm với Valneva [một công ty vaccine của Pháp]: họ mua hàng triệu liều ngay từ trước khi biết sản phẩm đó ra được thị trường hay không” và chấp nhận cùng với doanh nghiệp gánh chịu rủi ro. Ngược lại, các nhà quản lý ở Pháp có xu hướng nghi ngờ các công ty công nghệ sinh học hoặc không thực sự hiểu biết về hoạt động của họ, thay vào đó lại “chăm chăm” tập trung vào ủng hộ các trung tâm học thuật và các công ty dược phẩm lâu đời có thể đầy uy tín nhưng không thể nhanh nhạy như các công ty khởi nghiệp.

Các cơ quan của Pháp, cả nhà nước và tư nhân, đều thiếu các chuyên gia đa ngành, những người có kinh nghiệm về cả y tế và công nghệ sinh học cũng như tài chính, luật và kinh doanh, theo một báo cáo năm 2017 của Boston Consulting Group.

Chủ tịch France Biotech, Franck Mouthon cũng cho biết gánh nặng hành chính và thủ tục đảm bảo an toàn, được tăng cường sau các vụ bê bối về sức khỏe, cũng đè nặng lên hệ thống đổi mới sáng tạo của nước này. “Chúng ta đã có dòng tiền tài trợ cho đổi mới sáng tạo ở Pháp, nhưng chúng ta cũng cần cải cách. Ví dụ, các thành viên của ủy ban y đức để kiểm tra các ứng dụng thử nghiệm lâm sàng thường được chọn ngẫu nhiên để hạn chế xung đột lợi ích, nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ thường không có chuyên môn cần có”, ông nói.

Có lẽ đại dịch đã tạo ra cú hích phải thay đổi hệ thống đầu tư công. Các nhà quản lý đang cam kết đảo ngược điều mà họ gọi là “nhiều thập kỷ không đầu tư” bằng kế hoạch cải cách và kế hoạch 10 năm được ban hành vào tháng 12/2020. Kế hoạch này đặt mục đích tăng chi tiêu cho R&D từ 2,2% lên 3% tổng sản phẩm quốc nội, tương tự với mức chi tiêu của Đức; tăng chi tiêu công từ 15 tỷ euro lên 20 tỷ euro vào năm 2030. Kế hoạch này cũng cũng dự kiến thu hút nguồn nhân lực cho nghiên cứu bằng cách tăng lương và sẽ có các vị trí việc làm biên chế tập sự (junior tenure track), một điều mới lạ ở Pháp. (Mặc dù giờ đây nhà nghiên cứu phản đối kế hoạch mới này, vì cho rằng ngân sách tăng là không đủ, và sự phân cấp vị trí việc làm “biên chế tập sự” là một sự hạ cấp so với vị trí biên chế suốt đời của nhà nước).

Đầu tư cho các công ty khởi nghiệp y sinh cũng đang có sự thay đổi. Và mùa hè năm ngoái, chính phủ đã kêu gọi một nhóm các công ty bảo hiểm và các tổ chức hợp tác công – tư (semipublic) cam kết đầu tư 6 tỷ euro vào công nghệ thông qua 33 quỹ; chín quỹ trong số các quỹ này là để dành riêng cho việc đầu tư vào lĩnh vực y tế.

Nhiều nhà khoa học hy vọng (nhưng vẫn còn dè dặt) rằng cú hích COVID-19 sẽ mang lại những cải tiến lâu dài. Tại viện Pasteur, các nhà nghiên cứu đang thúc đẩy hai ứng cử viên vaccine khác và nghiên cứu khác liên quan đến COVID-19, một phần là nhờ vào sự kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội. D’Enfert cho biết viện đang dự tính khởi động một đơn vị sản xuất, giống như cách làm của Đại học Oxford khi họ nghiên cứu vaccine, để sản xuất thử nghiệm các lô vaccine tiền lâm sàng, hoặc nghiên cứu mRNA thông tin – công nghệ nền tảng làm nên vaccine Moderna và Pfizer vào danh mục nghiên cứu của viện.

D’Enfert hy vọng chính phủ sẽ tăng cường tài trợ nghiên cứu và trao cho khoa học cơ bản nhiều “quyền” hơn cũng như là được “công nhận” vai trò hơn. Thành quả khoa học không phải là “búng tay đổ xăng là động cơ chạy và có kết quả. Nó phải được duy trì trong thời gian dài”, ông nói.

Nguồn bài và ảnh: science.org