“Việc ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao của y học trên thế giới vào Việt Nam không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà còn chứng minh được tính hiệu quả, vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội”.
GS-TS Phạm Gia Khánh - Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp nhà nước lĩnh vực y - dược mã số KC.10/11-15: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” chia sẻ như vậy sau 5 năm triển khai. Chương trình có nhiều kết quả thành công ngoài mong đợi, mà theo lời Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc thì: “Thế giới biết đến Việt Nam nhờ khoa học cơ bản và khoa học y - dược”.
Người chết não cứu mạng người sống
Câu chuyện xảy ra từ tháng 3/2014, đến bây giờ nhiều người vẫn chưa quên: Một người tử vong vì tai nạn giao thông (34 tuổi, Hà Nội) đã được thực hiện ý nguyện hiến tụy, thận, gan cho những người mắc bệnh hiểm nghèo cần được ghép tạng. Ngay sau khi hoàn thành thủ tục cần thiết với người đã khuất, đội ngũ thầy thuốc của Học viện Quân y 103 (Hà Nội) lập tức triển khai đồng loạt các kíp phẫu thuật tại 4 phòng mổ với sự tham gia của hơn 100 cán bộ, nhân viên.
Một êkíp các chuyên gia tiến hành lấy tạng từ người hiến đã qua đời và lọc rửa. Cùng lúc, một êkíp khác tiến hành cắt bỏ thận, gan, tụy đã hư hỏng của những người nhận, sau đó triển khai phẫu thuật ghép tạng mới.
Đúng 6h ngày 1/3, ca ghép thận được thực hiện và hoàn thành sau 3 giờ tại chính Bệnh viện 103. Ca ghép tụy, thận tiếp theo được tiến hành cho bệnh nhân 43 tuổi, bắt đầu từ 6h30 và hoàn thành lúc 13h30.
Với thành công này, Học viện Quân y 103 trở thành đơn vị y tế đầu tiên ở Việt Nam tiến hành ghép tụy - một trong những kỹ thuật ghép tạng khó nhất. Kết quả này thêm một lần khẳng định khả năng, trình độ của các thầy thuốc Việt Nam với bạn bè thế giới. Đây cũng chính là một trong những kết quả tiêu biểu của chương trình KC.10/11-15.
Một ví dụ nữa về ghép tạng nhờ thành quả của KC.10/11-15 là hai ca ghép thận từ người cho đã ngừng tim, được tiến hành tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) vào cuối tháng 6/2015. Hai người nhận đều là bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Mặc dù thận được lấy từ người cho ngừng tim thường có thời gian thiếu máu nóng kéo dài khiến quá trình chăm sóc hậu phẫu gặp nhiều khó khăn, chi phí điều trị gia tăng do tăng thời gian nằm viện, song các ca ghép kể trên đã thành công tốt đẹp. Hiện nay, hai người nhận thận đã phục hồi chức năng thận tốt.
Chia sẻ về thành công của chương trình, GS-TS Phạm Gia Khánh nói: “Chương trình ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao trong y học trên thế giới, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân mà còn đưa trình độ y học Việt Nam phát triển ngang tầm các nước trong khu vực, thậm chí một số lĩnh vực ngang tầm thế giới. Việc ứng dụng thành công kết quả này vào thực tế đã chứng minh được tính hiệu quả, vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, chứng minh rằng đầu tư cho KH&CN là đúng đắn”.
Chinh phục các kỹ thuật khó
Theo báo cáo tổng kết chương trình KC.10 giai đoạn 2011-2015, tổng số đề tài, dự án được phê duyệt đưa vào thực hiện là 74 (gồm 45 đề tài, 12 dự án và 17 đề tài tiềm năng). Kết quả này cao gần gấp đôi so với chương trình giai đoạn 2006 – 2010 (43 nhiệm vụ với 34 đề tài và 9 dự án sản xuất thử nghiệm).
Theo GS Khánh, trong số các thành tựu của chương trình, không thể không kể đến kỹ thuật nội soi qua lỗ tự nhiên (trực tràng, âm đạo) trong đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi một lỗ và qua lỗ tự nhiên trong điều trị ung thư đại trực tràng” - mã số KC.10.31. Theo đó, kỹ thuật nội soi được sử dụng trong cắt đoạn đại trực tràng ở nữ (qua âm đạo) và cắt đoạn trực tràng ở nam qua đường hậu môn.
Với kỹ thuật này, nhóm chuyên gia thực hiện đề tài đã phẫu thuật thành công ung thư đại trực tràng cho 16 bệnh nhân qua hậu môn (lần đầu tiên ở Việt Nam) và 4 bệnh nhân qua âm đạo (lần đầu tiên trên thế giới).
Thành công này giúp cho người dân Việt Nam - với khả năng kinh tế eo hẹp - có cơ hội tiếp cận và thụ hưởng nền y học hiện đại. Các bệnh nhân ung thư đại trực tràng được điều trị bằng phẫu thuật nội soi một lỗ và phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên có ít sẹo trên thành bụng, một số lớn bệnh nhân vẫn có khả năng đại tiện tự nhiên qua đường hậu môn nên không có mặc cảm, dễ hòa nhập với cộng đồng, chất lượng sống được bảo đảm. Việc áp dụng kỹ thuật này đã trả lại cho xã hội những con người vẫn còn khả năng lao động, cống hiến. Lợi ích về mặt kinh tế khó tính toán chính xác, nhưng có thể nhận thấy rõ rệt qua thực tế thời gian nằm viện ngắn, tỷ lệ biến chứng thấp, sử dụng ít các dụng cụ khâu nối máy.
Kỹ thuật can thiệp nội mạch trong điều trị phình, bóc tách và phình bóc tách động mạch chủ từ đề tài KC.10.34 cũng là niềm tự hào của những người thực hiện chương trình. Chứng phình và bóc tách động mạch chủ rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao và đột ngột,. Các thống kê khoa học cho thấy, khoảng 70% số bệnh nhân sẽ tử vong do vỡ mạch sau 2 năm phát hiện bệnh.
Phương pháp điều trị kinh điển đối với chứng phình, bóc tách và phình bóc tách động mạch chủ là phẫu thuật cắt đoạn phình, bóc tách và thay bằng mạch nhân tạo. Tại Việt Nam, khoảng năm 2011, kỹ thuật này bắt đầu được thực hiện ở một số cơ sở y tế tuyến đầu như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức... Tuy nhiên, số ca được thực hiện vẫn còn rất hạn chế.
Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch trong việc điều trị phình, bóc tách và phình bóc tách động mạch chủ” được các chuyên gia thực hiện trên 100 trường hợp, tất cả đều bung được ống ghép nội mạch thành công, không bệnh nhân nào phải chuyển mổ mở. Tỷ lệ bệnh nhân phục hồi tốt sau can thiệp là trên 90%, đạt yêu cầu so với dự kiến ban đầu khi tiến hành nghiên cứu. Các kết quả thu được từ đề tài nghiên cứu trên cho thấy, việc can thiệp nội mạch điều trị phình, bóc tách và phình bóc tách động mạch chủ là phương pháp điều trị hiệu quả, ít xâm lấn, tỷ lệ tử vong và biến chứng thấp. Thời gian phục hồi của bệnh nhân được rút ngắn, giúp họ tiết kiệm chi phí nằm viện và sớm trở lại với sinh hoạt hằng ngày.
“Nhiều kỹ thuật công nghệ cao trong những năm qua nếu không có chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước thì sẽ không làm được. Các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, tụy… trước đó đã không được thực hiện, chỉ đến khi có chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước KC.10 mới có thể làm chủ. Những kết quả đạt được đã chứng minh một cách hữu hiệu nhất rằng KH&CN đã giải quyết được nhiều bệnh hiểm nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội” - GS Phạm Gia Khánh xúc động chia sẻ.