Chè được sấy bơm nhiệt bằng tổ hợp silo, rong nho sau sơ chế vẫn xanh và bảo quản lâu hơn… là những thành quả tiêu biểu của chương trình KC.07/11-15, được kỳ vọng góp phần nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân thoát cảnh “được mùa - mất giá”.

Công nghệ bảo quản “lên đời” sản phẩm

Tiến sỹ (TS) Nguyễn Năng Nhượng - Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp silo có sử dụng bơm nhiệt” thuộc chương trình “Nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ sau thu hoạch” (KC.07/11-15) - cho biết, việc chế biến chè của người dân thường qua 5 giai đoạn chính là sao tái, vò cuộn, sấy khô, phân loại và đóng vào bao. Các bao chè được bà con để chất đống tại xưởng, bụi đọng lại thành những lớp dày. Khi đổ chè ra để định lượng, đóng gói, bụi này lẫn vào chè. Trong quá trình đóng gói thủ công, nhiều người còn giẫm đạp lên chè.

Sản phẩm từ khoai lang tím, rong nho, dầu tỏi… được chế biến theo công nghệ mới từ chương trình KC.07/11-15. Ảnh: PN
Sản phẩm từ khoai lang tím, rong nho, dầu tỏi… được chế biến theo công nghệ mới từ chương trình KC.07/11-15. Ảnh: PN

“Những yếu tố này khiến sản phẩm không đạt chất lượng để xuất khẩu. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã thiết kế chế tạo hệ thống có thể phối trộn, cân định lượng, giúp hạn chế thấp nhất tác động cơ học đến chè CTC (loại chè đen sản xuất theo phương pháp cắt - nghiền - cắt), giảm các yếu tố mất vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm lao động thủ công” - TS Nhượng cho biết.

Quy trình bảo quản chè đen CTC do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch nghiên cứu đã khắc phục những nhược điểm hiện có trong chế biến và đóng gói chè. Họ ứng dụng phương pháp sấy bơm nhiệt bên trong silo để khắc phục tình trạng nguyên liệu có độ ẩm không đồng đều (từ 5,5-7% giảm xuống mức 3,5-4,5% và duy trì suốt quá trình bảo quản), sau đó bảo quản bằng phương pháp điều biến khí áp MAHPD.

Công nghệ này đã được ứng dụng tại Công ty TNHH MTV chè Á Châu Phú Thọ. Trước đây, khi công ty bảo quản chè đen theo phương pháp truyền thống, chè chỉ để 4-6 tháng là có nguy cơ ẩm mốc, nhiễm bụi. Với phương pháp mới, chè để 11 tháng vẫn thơm ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, giá trị sản phẩm được nâng cao. Phương pháp tổ hợp silo còn giúp giảm chi phí bảo quản hàng chục lần. TS Nhượng cho biết, chi phí bảo quản chè đen CTC bằng tổ hợp silo là 77.800 đồng/tấn, so với con số 970.000 đồng/tấn của phương pháp thủ công kết hợp bán cơ khí.

Một phương pháp bảo quản khác cũng ra đời từ chương trình KC.07/11-15 là công nghệ của TS Hoàng Lệ Hằng và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu rau quả. Sản phẩm khoai lang tím vốn chỉ giữ được 2-3 tuần, nhờ công nghệ này vẫn đảm bảo chất lượng trong 4 tháng. Chương trình cũng có nhiều nghiên cứu chế biến nông sản ở quy mô công nghiệp như rong nho, thục địa, hoàng kỳ, hà thủ ô đỏ, đảng sâm…, góp phần nâng giá trị sản phẩm lên nhiều lần.

Tránh nguy cơ tụt hậu cho nông nghiệp

Theo PGS-TS Lê Đức Mạnh - Chủ nhiệm chương trình KC.07/11-15 - bảo quản, chế biến nông - lâm - thủy sản và dược liệu đang là vấn đề lớn, có vai trò rất quan trọng trong việc tăng khả năng cạnh tranh của nông phẩm, đặc biệt trong thời hội nhập. Bởi thế, các thành quả của chương trình rất đáng tự hào.

“Kết quả thực hiện chương trình KC07/11-15 đã có đóng góp quan trọng giúp giảm tổn thất sau thu hoạch, đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành và nâng cao chất lượng một số sản phẩm; đảm bảo an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, thất thoát sau thu hoạch còn rất cao so với khu vực, sản phẩm chế biến còn ít, tỷ lệ chế biến thấp” - TS Mạnh nói.

Ông Mạnh cho rằng, trong khi các doanh nghiệp chưa mạnh thì vai trò của Nhà nước là rất quan trọng. Nếu Nhà nước không tập trung ưu tiên nghiên cứu giải quyết những tồn tại trong khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch thì ngành nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với các nước trên thế giới. Do đó theo kiến nghị của ông, Bộ Khoa học và Công nghệ nên xem xét để chương trình được tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2016-2020.

“Trong giai đoạn 2016-2020, chương trình hướng tới ứng dụng và phát triển công nghệ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, tiến sâu vào mặt hàng nông - lâm - hải sản theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và xuất khẩu. Trong đó, cần tập trung vào nhóm sản phẩm lúa, ngô, khoai sắn, chè, mía đường, thủy sản…, góp phần nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu” - TS Mạnh nói.