Đó là một xu hướng chuyển biến quan trọng và tích cực trong đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Cụ thể, nếu trước đây tỉ lệ chi cho khoa học công nghệ giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp là 70/30 thì nay đã dịch chuyển theo hướng gia tăng chi của khu vực ngoài nhà nước, đến năm 2018 đã đạt tỉ lệ 52/48.
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đưa ra trong phiên trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, trưởng ngành tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 15/8/2019.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội.
Tại phiên họp, trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị) về tỉ lệ chi ngân sách cho KH&CN còn thấp và giải pháp tăng đầu tư cho KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, ngành KH&CN phải tính toán chi tiêu sao cho hiệu quả nhất đồng thời thúc đẩy, huy động nguồn lực xã hội cho KH&CN. Kết quả đáng mừng là chi cho nghiên cứu phát triển của khu vực tư nhân tăng nhanh rõ rệt. Cụ thể, khoản trích lập quỹ KH&CN của khu vực tư nhân “đạt 3350 tỉ trích lập và con số thực hiện là 2200 tỉ”, chưa kể vốn đối ứng trong các chương trình nghiên cứu khác. Như vậy, khoản trích lập quỹ KH&CN của các doanh nghiệp, tập đoàn cũng tương đương với khoản chi của ngân sách cho các chương trình nhiệm vụ quốc gia – vào khoảng 3000 tỉ. Nếu như cơ cấu đầu tư cho KH&CN giữa tư nhân và xã hội trước đây là nhà nước 70%, xã hội 30% thì nay là 52/48. Con số thống kê của ngành thuế cũng cho thấy, trong giai đoạn từ 2011 đến 2018, các doanh nghiệp, tập đoàn trích lập quỹ cho KH&CN lên tới 19.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng đánh giá, những con số đó cho thấy sự quan tâm rõ rệt đối với hoạt động nghiên cứu phát triển trong khu vực tư nhân. Đây cũng là kết quả của hàng loạt chính sách mà Chính phủ và các bộ ngành đã triển khai, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua.
Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đánh giá “hành lang pháp lý về KHCN và đổi mới sáng tạo đang ngày càng hoàn thiện”, “kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động KHCN có xu hướng tăng”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nguồn: Quochoi.vn
Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã báo cáo tình hình thực hiện công tác năm 2019 và nội dung liên quan đến thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của UBTVQH về giám sát chuyên đề. Trong đó, lĩnh vực KH&CN được đánh giá là có nhiều chuyển biến, trong đó đáng chú ý là hệ sinh thái khởi nghiệp đang dần hình thành, phát triển và nhiều DN lớn chuyển hướng đầu tư cho KHCN. “Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Việt Nam như Viettel, VNPT, Vingroup, TH, Thaco... đang chuyển hướng tích cực đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, khởi nghiệp, sáng tạo, thành lập viện nghiên cứu, trường đại học của doanh nghiệp”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Tuy nhiên, về phía đầu tư công, nhìn chung chi ngân sách nhà nước cho KH&CN cho đến nay vẫn chưa khi nào đạt kỳ vọng cập tới con số 2%. Gần đây, báo cáo tổng kết hoạt động ngành KH&CN năm 2018 cho thấy, chi ngân sách nhà nước cho KH&CN mới chiếm khoảng 1,35 đến 1,52% tổng chi ngân sách nhà nước (chưa kể chi cho an ninh – quốc phòng và dự phòng).
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng nhận được các chất vấn khác liên quan tới các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, công nghệ chế biến sau thu hoạch, sở hữu trí tuệ trong bối cảnh mới ký các hiệp định thương mại mới.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Hoàng Đức Thắng về công nghệ chế biến sau thu hoạch, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, “Ngành KH&CN đã tăng cường hợp tác với ngành nông nghiệp để đẩy mạnh vấn đề chế biến sau thu hoạch bởi đây là khâu quan trọng để khép kín chuỗi sản xuất trong nông nghiệp. Chúng tôi cũng rất quyết liệt trong nội dung này” - Bộ trưởng khẳng định.
Trong tất cả kỳ hội chợ về thiết bị, công nghệ vừa rồi thì có tới 33.000 công nghệ được chuyển giao, trong đó, tỷ trọng cho công nghệ chế biến sau thu hoạch rất cao. Một số doanh nghiệp chế biến sau thu hoạch điển hình như Nafoods đã hỗ trợ và chuyển giao công nghệ cho nhiều doanh nghiệp, góp phần đáng kể vào xuất khẩu hoa quả của Việt Nam, công ty Việt Nam Food đã được chuyển giao công nghệ giúp đẩy mạnh sản xuất cá tra, xử lý phụ phẩm từ tôm...
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Đại biểu tỉnh Hưng Yên) về khó khăn khi thực thi sở hữu trí tuệ (SHTT) đằng sau các Hiệp định FTA và CPTPP, những giải pháp để Việt Nam áp dụng hiệu quả nội dung về sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, SHTT, tài sản trí tuệ (TSTT) là một vấn đề rất quan trọng trong hội nhập quốc tế. “Trách nhiệm của Bộ KH&CN là tập trung triển khai hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT để thực thi Hiệp định CPTPP với 5 nội dung trọng tâm là quy định về thủ tục xác lập quyền SHTT, ân hạn đối với đơn đăng ký sáng chế, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thì riêng khâu thực thi bảo vệ quyền cần có sự nỗ lực phối hợp của của các cơ quan liên quan. Bộ KH&CN đã tập trung xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia để định hướng cho sự phát triển của hệ thống SHTT đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”, ông nói.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) về những kết quả đạt được, các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, bức tranh công nghiệp hỗ trợ nhìn chung khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí. Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, hiện có trên 25.000 doanh nghiệp (khoảng 1/3 doanh nghiệp nội địa), xuất khẩu gần 20 tỷ USD/năm nhưng mới đáp ứng được 30% nhu cầu nội địa. Hiện nay một số doanh nghiệp đã vươn lên về công nghệ, đạt trình độ trung bình trong khu vực, nắm bắt được một số khâu quan trọng như tư vấn thiết kế công trình, hạ tầng đồng bộ, kết cấu thép các công trình lớn…
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung cùng Bộ Công thương thực hiện các giải pháp đồng bộ, và “ngành cơ khí, chế tạo cần được giao nhiều nhiệm vụ hơn đối với các công trình lớn, trọng điểm của đất nước”.
Đối với công nghiệp hỗ trợ (hiện có 3.500 doanh nghiệp nhưng mới đáp ứng được 10% công việc của các tập đoàn tại Việt Nam), Bộ KH&CN đã định hướng các quỹ tập trung hỗ trợ đầu tư cho đối tượng này, và bước đầu đã có chuyển động nhất định. Nếu như năm 2015 chỉ có 31 đầu mối cấp 1, cấp 2 phụ trợ SamSung thì đến năm 2017 là 201 đầu mối, tăng gấp 7 lần trong 3 năm. “Hiện chúng tôi tập trung rà soát lại Nghị định 111/2015/NĐ-CP theo tinh thần của Nghị quyết số 23-NQ/TW để có các hành động cụ thể. Với quyết tâm, chủ trương, thể chế, công việc cụ thể với hai nhóm này sẽ có những kết quả khả thi” - Bộ trưởng cho biết.
Nhóm PV |