Trái lại, những ai được hưởng lợi từ chương trình này sẽ ít gặp phải các vấn đề về sức khỏe hơn.
Hiện nay, nhiều quốc gia bao gồm Thụy Sĩ, Phần Lan, Nauy hay cả một số bang của Mỹ … đều đang thử áp dụng chính sách thu nhập cơ bản phổ quát (universal basic income), cho phép người tham gia được nhận một khoản tiền (cơ sở) hàng tháng, bất chấp tình trạng công ăn việc làm của họ (thất nghiệp hoặc không). Nhìn chung, các ý kiến chỉ trích chương trình này đều lo ngại nó sẽ khuyến khích người lao động trở nên lười làm việc bởi thiếu vắng các khuyến khích (incentive).
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây lại chỉ ra rằng lo lắng trên chỉ là thừa. Cụ thể, dự án khảo sát Basic Income Experiment Evaluation Project (đánh giá trải nghiệm thu nhập cơ bản phổ quát) do chính phủ Phần Lan thực hiện suốt trong 2 năm (bắt đầu từ 2017 và kết thúc vào tháng 12/2018) với sự trợ giúp của một số đại học và think-tank, đã kết luận rằng, gần như tất cả 2000 người thuộc một nhóm thử nghiệm – được lựa chọn ngẫu nhiên để nhận một khoản thu nhập cơ sở hàng tháng (khoảng 560 Euro hay 635 USD) từ chính phủ – đã không hề làm việc ít đi (tức vẫn hoàn thành một khối lượng công việc ngang ngửa) so với các thành viên của một nhóm khác (nhóm kiểm soát) vốn chẳng được nhận gì. Phát hiện này càng củng cố thêm cho lập luận về sự cần thiết của chính sách thu nhập cơ bản nhằm đối phó với những xáo trộn do sự chuyển dịch của nền kinh tế thế giới theo xu hướng ngày càng tự động hóa.
Ngoài ra, nghiên cứu trên còn chỉ ra một điểm khác biệt tích cực nữa. Đó là, những người trong nhóm được nhận một khoản thu nhập đảm bảo dường như sẽ có xu hướng bớt lo lắng hơn về tiền bạc – đồng nghĩa với việc ít bị stress, sống khỏe mạnh, trong khi không ảnh hưởng tới năng suất. Báo cáo ghi nhận: “những người tham gia nhóm thử nghiệm cho thấy họ đã trải qua ít vấn đề sức khỏe nghiêm trọng so với nhóm kiểm soát, dẫn tới khả năng tập trung tốt hơn và gia tăng đáng kể sự tự tin vào tương lai lẫn giá trị mà họ tạo ra đối với xã hội.”
Nhật Phạm (theo Futurism)