Câu chuyện của Asanzo là cơ hội để chúng ta hiểu thêm về quy định dán nhãn xuất xứ hàng hóa. Và từ đó, các doanh nghiệp cũng nhận thức rõ hơn rằng dán nhãn hàng hoá đóng vai trò quan trọng trong việc lấy niềm tin của người tiêu dùng và là công cụ cần thiết để tránh khỏi các biện pháp trừng phạt của quốc gia khác trong quá trình giao thương quốc tế.

Quy tắc xuất xứ: Không hoàn toàn có lợi

Trước hết, bài viết này bắt đầu từ câu hỏi: Tại sao phải cần đến việc xác định xuất xứ hàng hoá? Ở góc độ pháp lý, việc dán nhãn “made in” một quốc gia nào đó không có nhiều ý nghĩa trong việc khẳng định chất lượng sản phẩm hay khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Thậm chí, những quy tắc về xuất xứ không phải lúc nào cũng tốt đẹp đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, ý nghĩa chủ yếu của nó là để phần nào dung hòa lợi ích của các nước tham gia thương mại quốc tế.

Chiếc iphone của Apple phải dán nhãn là “made in china” vì hầu hết các công đoạn trong quy trình chế tạo đều được thực hiện tại Trung Quốc. Trong ảnh là CEO của Apple Tim Cook trong nhà sản máy xuất Iphone của công ty Foxconn, Đài Loan, Trung Quốc. Ảnh: The Verge.

Hiện nay, hiếm có sản phẩm nào được làm hoàn toàn từ A-Z tại một nước., đặc biệt là các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Chiếc Iphone 6 là một ví dụ, Apple đã sử dụng linh kiện có nguồn gốc tại nhiều quốc gia khác nhau (1): pin được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Trung Quốc, camera được sản xuất tại Nhật Bản và Đài Loan, chip tín hiệu hỗn hợp được sản xuất ở Hà Lan, gia tốc kế được sản xuất tại Đức hoặc Hoa Kỳ... Cấu tạo của chiếc Iphone 6 nói trên là minh hoạ rõ nét nhất cho chuỗi giá trị toàn cầu. Hiểu một cách ngắn gọn, chuỗi giá trị toàn cầu được tạo ra khi một sản phẩm được sản xuất trên cơ sở hợp tác của nhiều quốc gia, thay vì chỉ tập trung sản xuất tại một quốc gia duy nhất (2) và nó chính là một trong những yếu tố giúp vực dậy nền kinh tế của các quốc gia qua những lần khủng hoảng tài chính.

Dưới sự trỗi dậy của chuỗi giá trị toàn cầu, các quốc gia một mặt muốn khuyến khích nó nhưng mặt khác lại vừa muốn bảo hộ cho những sản phẩm, công đoạn được thực hiện tại nước mình. Điều này kéo theo sự xuất hiện của hệ thống các hiệp định thương mại quốc tế. Kể từ năm 1995 đến tháng 09/2017, có hơn 600 hiệp định thương mại khu vực (song phương và đa phương) đã được ghi nhận trong dữ liệu thống kê của WTO (3). Hệ thống các hiệp định thương mại quốc tế ngày một phát triển và bao phủ lên nền kinh tế toàn cầu và trong đó, quy tắc về xuất xứ hàng hoá ra đời.

Thông thường, khi nhắc đến các quy tắc xác định xuất xứ/nguồn gốc hàng hoá, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc sử dụng những quy tắc này để nhằm “hạ rào thuế quan” trong quan hệ thương mại, hay nói cách khác là chứng minh xuất xứ hàng hoá để được hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, trên thực tế, quy tắc xuất xứ hàng hoá còn được sử dụng để hỗ trợ cho nhiều công cụ chính sách thương mại khác nhau như: kiểm soát việc tiếp cận thị trường nội địa của các nhà xuất khẩu nước ngoài; thực hiện các biện pháp môi trường hoặc vệ sinh (ví dụ: ngăn chặn việc nhập khẩu thực phẩm hoặc thực vật có nguy cơ gây nhiễm bệnh từ một quốc gia cụ thể); đảm bảo an ninh quốc gia hoặc phục vụ cho các chính sách chính trị (ví dụ: sử dụng xuất xứ hàng hoá như một một công cụ để thực hiện các chiến lược thương mại hoặc áp dụng các biện pháp trừng phạt lên một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ nhất định).

Để Việt Nam không bị chèn ép

Việc nắm rõ các quy định về xuất xứ hàng hóa riêng của từng quốc gia cũng như chung trong các hiệp định thương mại có thể giúp Việt Nam tận dụng những ưu đãi về thuế quan, đồng thời tránh khỏi những đòn trừng phạt không ngờ tới. Trong xác định xuất xứ hàng hoá, có 02 loại quy tắc chính (4), được phân chia theo mục đích áp dụng và thị trường nhập khẩu.

Thứ nhất, đó là “quy tắc xuất xứ ưu đãi”. Theo nhóm quy tắc này, thông tin về xuất xứ hàng hoá sẽ được sử dụng để phục vụ cho việc xác định liệu rằng hàng hoá có được hưởng ưu đãi thuế quan tại thị trường nhập khẩu hay không. Thứ hai, đó là “quy tắc xuất xứ không ưu đãi”. Quy tắc này yêu cầu thông tin về xuất xứ hàng hoá để nhằm các mục đích quản lý thương mại khác như: hạn ngạch, chống bán phá giá, chống gian lận thương mại hoặc hỗ trợ cho việc áp dụng biện pháp trừng phạt. Gần đây, vào ngày 02/07/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã quyết định đánh thuế 456,23% đối với mặt hàng thép cán nguội và thép chống gỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Quyết định này của Bộ Thương mại Hoa Kỳ được đưa ra trên cơ sở áp dụng quy tắc xuất xứ không ưu đãi. Theo đó, Hoa Kỳ xác định rằng nguồn gốc xuất xứ thực tế của những thanh thép cán nguội và chống gỉ này về bản chất là đếntừ Đài Loan và Hàn Quốc, sau khi “gia công qua loa” tại Việt Nam thì được “thay tên đổi họ” thành thép Việt Nam (5). Hành vi thay đổi “địa chỉ khai sinh”cho hàng hoá như trên được đánh giá là một hành vi lẩn tránh thương mại không được chào đón ở thị trường Hoa Kỳ, nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang trên đà căng thẳng.

Việc xác định xuất xứ của một sản phẩm dựa vào hàm lượng giá trị khu vực (RVC - Regional Value Content). Chi tiết hơn, một mặt hàng phải đạt được một tỷ lệ phần trăm về RVC nhất định để được coi là có xuất xứ từ một quốc gia/vùng lãnh thổ nào đó. Tỷ lệ này được tính toán theo công thức cụ thể và có thể khác nhau tùy vào từng FTA. Ngưỡng phổ biến về RVC trong hầu hết các FTA trên toàn cầu là 40%.

Gần đây, vào ngày 30/06/2019, Hiệp định thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) đã được ký kết. Mặc dù EVFTA luôn được ca ngợi là một Hiệp định giúp Việt Nam vươn xa hơn ra năm châu bốn biển, nhưng vẫn cần nhận định lại một cách thực tế rằng: trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải thách thức không hề nhỏ nếu muốn thâm nhập thị trường châu Âu. Theo Hiệp định này, hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam). Đây thực sự là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN.

Thách thức EVFTA nói trên chỉ là một trong vô vàn những vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hoá mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Vào thời đại mà ranh giới địa lý trong thương mại quốc tế ngày càng mong manh, doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong việc tự cứu mình khi bơi ra giữa đại dương hội nhập. Trong tương lai, sẽ rất khó cạnh tranh về giá thông qua việc nhập nguyên liệu rẻ từ Trung Quốc và ASEAN mà các doanh nghiệp cần phải đầu tư hơn nữa vào các hoạt động ứng dụng KH&CN để tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm ở Việt Nam.

Đối với các nhà quản lý, bên cạnh việc đầu tư cho một khung pháp lý điều chỉnh toàn diện về xuất xứ - dán nhãn hàng hoá, hoạt động kiểm soát thị trường cần được lưu ý hơn nữa. Hiện nay, Bộ Công thương đang xây dựng bộ tiêu chí dán mác “Made in Vietnam”, đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành chống tình trạng gian lận thương mại, đồng thời tích cực phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới,… Những động thái trên cho thấy nỗ lực của cơ quan nhà nước trong việc thanh lọc những hàng hoá có nguồn gốc “mù mờ” ra khỏi thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trên hết, cơ quan nhà nước vẫn cần phải tăng cường nhân lực và năng lực trong hoạt động kiểm soát hàng hoá từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam để tránh những hành vi lẩn tránh thương mại.

(1) Christopher Minasians, Where are Apple products made?,18/09/2017
tham khảo tại đường link https://www.macworld.co.uk/feature/apple/where-are-apple-products-made-3633832/
Magdalena Petrova, We traced what it takes to make an iPhone, from its initial design to the components and raw materials needed to make it a reality, CNBC, 14/12/2018, tham khảo tại đường link https://www.cnbc.com/2018/12/13/inside-apple-iphone-where-parts-and-materials-come-from.html
(2) Global Value Chains, tham khảo tại đường link https://www.worldbank.org/en/topic/global-value-chains
(3) United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD), Evolution of the international trading system and its trends from a development perspective, 11–22/09/2017, trang 13
(4) Rules of Origin, World Trade Organization (WTO), tham khảo tại đường link https://www.wto.org/english/tratop_e/roi_e/roi_e.htm
(5) John Boudreau và Philip Heijmans, U.S. Slaps Import Duties of More Than 400% on Vietnam Steel, Bloomberg, 03/07/2019, tham khảo tại đường link https://www.bloomberg.com/news/articles/2019-07-03/u-s-slaps-import-duties-on-vietnam-steel-in-ramp-up-of-tension