Tân Thủ tướng Anh là một nhân vật gây tranh cãi, đặc biệt quan điểm của ông về Brexit khiến cho các nhà nghiên cứu lo ngại cho tương lai của khoa học Anh.
Trước việc Boris Johnson Thủ tướng mới của nước Anh, là người đi đầu trong việc đưa nước Anh rời khỏi EU. Một Brexit không thỏa thuận có thể diễn ra nếu như một hiệp định với EU không thể đạt được vào ngày 31/10/2019, thời điểm Anh chia tay EU. Các nhà khoa học cho rằng điều đó sẽ làm tổn hại đến khoa học Anh, ví dụ như làm mất nhiều khoản đầu tư từ nhiều chương trình khoa học có kinh phí lớn của EU, đồng thời đe dọa các mối hợp tác quốc tế trong nghiên cứu.
Quan điểm của Johnson ảnh hưởng đến khoa học như thế nào?
Johnson đã vận động cho Anh rời EU vào trước thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu năm 2016. Và trong ngày công bố kết quả bỏ phiếu, TS. Maja Wållberg, nhà nghiên cứu người Thụy Điển đang làm việc tại Mạng lưới Miễn dịch học Cambridge đã viết lên tài khoản twitter của mình “là một nhà khoa học, tôi lo ngại về khả năng tiếp cận kinh phí đầu tư từ châu Âu và khả năng di chuyển và cảm thấy mìnhkhông được chào đón ở đây”, còn giáo sư Mark Reed của trường Đại học Newcastlte thì nhận xét một cách ngắn gọn “ngày vô cùng đen tối của khoa học Anh”.
Johnson từng bộc lộ công khai ước muốn rời EU của mình để “nắm quyền kiểm soát” các quyết định về những điều luật và thuyết phục người dân Anh bỏ phiếu. Dù hi vọng tới đàm phán một hiệp định chia tay mới với Hội đồng châu Âu (EC) nhưng ông lại cho rằng Anh sẽ ra đi mà không cần đến một thỏa thuận nếu không sẵn sàng vào ngày 31/10. Trong tháng 6/2019, EU thông báo sẽ không mở lại việc thương lượng cho một hiệp định chia tay, tuy nhiên sẽ vẫn sẵn sàng trao đổi về mối liên kết trong tương lai giữa Anh và EU nếu Anh thay đổi quan điểm.
Các nhà nghiên cứu sợ hãi một Brexit diễn ra mà không thỏa thuận bởi kịch bản này có thể ảnh hưởng đến việc Anh tham gia Horizon Europe, chương trình đầu tư cho nghiên cứu hàng đầu của EU với tổng kinh phí trị giá 100 tỷ euro (tương đương 112 tỷ USD). Trước đây, các nhà nghiên cứu Anh từng là những người giành được nhiều tài trợ nhất khối EU từ chương trình này, vốn nhiều hơn cả kinh phí đầu tư cho khoa học từ Chính phủ Anh.
Di chuyển là một mối lo ngại lớn khác của các nhà khoa học bởi việc không có hiệp ước di chuyển nào với EU ngày chia tay có thể là nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn tại biên giới và làm chia rẽ khoa học Anh - 17% số nhà khoa học đang làm việc tại đất nước này đều là công dân của các quốc gia EU.
Johnson đã kêu gọi hình thành một hệ thống quản lý nhập cư bằng việc tính điểm, phân loại kiểu Australia đã áp dụng, nhờ đó có thể giúp Anh đón nhận được những người nhập cư trình độ cao. Tuy nhiên James Wilsdon, một nhà nghiên cứu về khoa học chính trị tại trường Đại học Sheffield (Anh) cho rằng những sợ hãi về Brexit đã thực sự ảnh hưởng đến danh tiếng của Anh như điểm đến hàng đầu của các nhà khoa học. “Kể từ cuộc bỏ phiếu rời EU, chúng ta đã sẵn sàng cho một cú đánh vào sức hút nguồn nhân lực của mình và tình thế sẽ càng thêm trầm trọng nếu không đạt được thỏa thuận,” ông giải thích thêm một cách hình ảnh.
Trong suốt quá trình vận động ở Đảng Bảo thủ, Johnson có vẻ ít tập trung vào R&D. Vì vậy, Paul Nurse, giám đốc Viện nghiên cứu Francis Crick ở London – một trong những trung tâm khoa học hàng đầu Anh – đã đặt câu hỏi về việc Johnson sẽ nhìn nhận khoa học như thế nào khi nắm quyền. Ông cho rằng hiện Johnson vẫn còn chưa xác nhận cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ sáng kiến dành 2,4% GDP cho R&D vào năm 2027 hay không.
Wilsdon dự đoán là trong bối cảnh Brexit để lại hậu quả lên nền kinh tế Anh, những cam kết đầu tư khác của Johnson, ví dụ như cắt giảm thuế cho người giàu và tăng số lượng cảnh sát, có thể có những tác động trở lại với kinh phí đầu tư cho khoa học. “Ngay cả nếu chúng ta tránh ảnh hưởng đến nền kinh tế khi không có thỏa thuận nào diễn ra thì sẽ vẫn còn những khoản đầu tư cho khoa học chứ?”, ông nêu vấn đề.
Nếu lật lại hồ sơ hoạt động của Johnson trong nghị viện Anh có thể thấy ông dường như không mấy quan tâm đến biến đổi khí hậu. Năm 2016, ông từng bỏ phiếu chống lại vấn đề ngăn phát thải carbon và chống lại yêu cầu các công ty năng lượng phải có chiến lược thu hồi và lưu trữ carbon. Khi còn là Thị trưởng London, ông đã quyết định giảm diện tích “khu vực hay tắc nghẽn giao thông” của thành phố - khu vực mà những người lái ô tô phải trả tiền nếu muốn đi qua, dẫu đây là một phần của nỗ lực tập trung cắt giảm ô nhiễm không khí thủ đô.
Hi vọng mong manh cho khoa học
Johnson có nhiều điểm khác biệt so với Thủ tướng tiền nhiệm Theresa May, theo nhận xét của Kieron Flanagan, nhà nghiên cứu về chính sách KH&CN tại trường Đại học Manchester, Anh. Sự khác biệt rõ rệt nhất từ phong cách ra quyết định của bà May, người vẫn được coi là có vai trò quan trọng trong các vấn đề chính sách KH&CN và chính sách kinh tế dài hạn như Chiến lược Công nghiệp xuất sắc, một chính sách cần hàng tỷ bảng đầu tư được thiết lập từ năm 2016 để thúc đẩy kinh tế thông qua việc đầu tư thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Dẫu vậy thì phong cách của Johnson cũng có thể đem lại lợi ích khoa học. “Với Boris, anh có thể không thể chờ mong gì ở sự kiên định và các tầm nhìn dài hạn nhưng ông có ưu điểm là dễ bị các dự án ‘bóng bẩy’ thu hút. Và như vậy cũng là quá nhiều với khoa học”, Flanagan nói.
Trước đây, Johnson cũng có một số quyết định có lợi cho khoa học. Một trong những hoạt động đáng chú ý đó của Johnson là vào năm 2004, khi còn là Thị trưởng London, đã mở MedCity, một tổ chức kết nối với các trung tâm khoa học y sinh ở vùng Đông Nam nước Anh để cùng tạo ra một vùng dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa và sản xuất, qua đó thúc đẩy nền kinh tế. Để thực hiện mục tiêu này, Anh đã đầu tư cho dự án 14 triệu bảng (17 triệu USD).
Khi Johnson thành lập nội các, các nhà nghiên cứu hi vọng ông sẽ bổ nhiệm những người có tư duy tích cực và tiến bộ vào các vị trí chủ chốt về khoa học và môi trường, James Wilsdon bày tỏ mong ước. Tuy vậy Wilsdon vẫn còn lo ngại rằng Johnson sẽ bổ nhiệm những người từng ủng hộ và bỏ phiếu cho ông, vốn là những người thúc đẩy quá trình Brexit.