Năm học tới, theo quyết định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lần đầu tiên sau nhiều năm, học sinh phổ thông sẽ có kỳ nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng. Nhưng đó liệu có phải là tin vui cho tất cả các bên - từ học sinh, phụ huynh đến nhà trường?

Nhiều năm trở lại đây, hầu hết học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh ở các thành phố lớn, không có kỳ nghỉ hè trọn vẹn. Nhiều trường công và trường tư đều thông báo cho học sinh đi học sớm: các trường công thường tập trung học sinh từ ngày 15/8, trong khi học sinh trường tư có khi đi học lại từ ngày 15/7. Tính ra học sinh chỉ nghỉ hè 2 tháng hoặc ít hơn.

Mới đây, Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành quyết định mới, theo đó, trong năm học 2020 – 2021, tất cả các trường không được tập trung học sinh trước ngày 1/9, không tổ chức dạy học trước ngày 5/9 và kết thúc năm học trước ngày 31/5. Như vậy, học sinh sẽ có trọn vẹn 3 tháng nghỉ hè như truyền thống.

Khoảng thời gian riêng có của tuổi học trò

Với học sinh, đây quả là tin vui vì có em nào không thích kỳ nghỉ hè dài. Không phải đến trường, các em có cơ hội về quê, đi nghỉ cùng gia đình, hoặc tham gia các trại hè ở trong nước và cả ở nước ngoài được tổ chức cực kỳ hấp dẫn, kết hợp rèn luyện các kỹ năng mềm, trau dồi kiến thức với du lịch và trải nghiệm thiên nhiên… Còn nếu chỉ ở nhà, các em đã có các thiết bị điện tử làm bạn…


Mùa hè là lúc trẻ học cách tự thiết kế thời gian. Ảnh: doisongvietnam.vn

Nhưng các bậc phụ huynh không nghĩ đơn giản như vậy. H. Nh, học sinh lớp 7 một trường tư ở Hà Nội, nói: “Cháu muốn nghỉ hè lâu, chỉ có bố mẹ cháu là không muốn”. Nhiều em học sinh cũng trả lời như vậy khi nghe chúng tôi hỏi ý kiến về chuyện nghỉ hè.

Suy nghĩ của các Ban giám hiệu trường tư lại càng khác nữa. Khi quyết định về khung thời gian năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ở dạng dự thảo, các trường tư ở Hà Nội đã mở một hội thảo về việc học sinh có nên nghỉ hè dài như vậy. Tại hội thảo, các trường tư thể hiện mong muốn được Bộ Giáo dục Đào tạo xem xét cho mình cơ chế linh hoạt: được tổ chức học sớm để trường có kinh phí hoạt động, vì toàn bộ nguồn thu của trường là từ học phí của học sinh, học sinh có đi học thầy cô mới có lương để ổn định cuộc sống, nhất là sau Covid-19; và để trường bố trí dạy các em các kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Không rõ có phải để giải tỏa nỗi lo của các trường tư, ngày 9/7, website của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa thông tin, năm học 2020-2021, các trường tư tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT, tức là trường tư cấp THCS và THPT được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/ năm ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập cùng cấp học.

Ngay sau đó, một số trường tư đã gửi thông báo cho học sinh và phụ huynh về thời gian bắt đầu năm học mới, vẫn sớm từ nửa tháng đến một tháng như mọi năm. Năm nay, năm học kết thúc muộn do Covid-19 nên tính ra học sinh nhiều trường chỉ được nghỉ hè khoảng 1 tháng.

Nhận thông báo con sẽ đi học lại từ ngày 5/8, chị V.A, một phụ huynh có con học trường tư ở Hà Nội, nói, “Tôi đời nào muốn con đi học sớm, nhất là giữa thời tiết nóng nực thế này”.

“Nhiều phụ huynh không đồng ý, nhưng mà nói chung thì đố dám phản đối, ‘đánh nhau’ sứt đầu mẻ trán mới được một suất vào trường,” chị V.A bình luận thêm.

Quả thật những trường tư có tiếng ở Hà Nội giờ đây luôn trong tình trạng đầy tải, một số trường mở cơ sở hai cũng kín chỗ luôn.

Chị N.T, một phụ huynh có con học trường tư khác bắt đầu năm học mới từ ngày 17/8, bày tỏ sự thất vọng: “Tại sao lúc kết thúc năm học là 31/5 thì trường tư nói là theo Bộ [Giáo dục và Đào tạo], mà lúc đi học lại thì lại học sớm? Ngoài lý do cá nhân muốn con nghỉ hè lâu, thì tôi không thích sự bất nhất của trường”.

Chị quan niệm, trẻ em cần khoảng thời gian thực sự là của mình. “Nghỉ hè để chơi không, ngồi không, nghỉ ngơi, tự thiết kế thời gian, để tránh việc bị lập trình sẵn" - chị dứt khoát. "Bố mẹ luôn thiết kế chương trình hè cho con thì sẽ sợ trẻ nghỉ lâu, chứ nghỉ một tháng ít quá, chưa kịp thong thả sửa soạn gì đã đi học".

Nhu cầu đa dạng đòi hỏi thiết kế linh hoạt

Song dường như khá hiếm phụ huynh “dám” có tư tưởng “mùa hè trẻ ngồi chơi không” như chị N.T. Số lớn phụ huynh khác muốn cho con đi học sớm vì nhiều lý do, mà chủ yếu là “chẳng có ai trông, trẻ con ở nhà thì có làm gì đâu, lại bạn với máy tính, điện thoại”.

Chị Th.Th có con học trường Đoàn Thị Điểm cho rằng, đi học sớm cũng tốt. Trẻ được học nhẹ nhàng, học thêm các kỹ năng mềm, ôn luyện kiến thức, tốt hơn là bị bỏ ở nhà một mình. Hơn nữa, năm nay, sau “hè Covid-19” kéo dài không mong đợi, thì việc cho con đi học sớm lại càng cần thiết. Cậu con trai của chị giờ đã lớp 5, nhưng rất nghịch, học không tập trung, kiến thức rơi vãi nhiều, chị muốn tìm gia sư cho con, thì đến trường thầy cô ôn bài cho lại chẳng tốt hơn sao!

Chị Th.L, có con học trường tư ít tiếng tăm hơn, đồng ý nghỉ hè là lúc để trẻ tái tạo năng lượng sau năm học vất vả, nhưng chị cũng chưa biết tái tạo thế nào thì hợp lý. “Còn đi học sớm, chương trình học nhà trường niêm yết từ đầu năm rồi, số tiết học trường tư nhiều hơn trường công, giả dụ trường công 3 tiết toán thì trường tư 4 tiết, trường công 3 tiết tiếng Anh mỗi tuần thì trường tư tăng thêm 5 -6 tiết, phần lớn tiết tăng thêm là học với giáo viên nước ngoài, tôi thấy như vậy cũng rất yên tâm cho bố mẹ,” chị Th.L nói.

Rõ ràng, nhu cầu của phụ huynh cho con đi học sớm là có thật. Nhưng những người muốn con được hưởng kỳ nghỉ hè dài cũng có lý của họ. Các trường tư, có lẽ, nên đưa việc đi học sớm trở thành lựa chọn hơn là bắt buộc, để phụ huynh có thể tự sắp xếp cho phù hợp với điều kiện của gia đình mình. Tính đến nhu cầu, lợi ích của trẻ và của phụ huynh, chứ không chỉ lợi ích của trường, đó mới thực sự là nhân văn.

“Kỳ nghỉ hè giúp trẻ tái tạo năng lượng, sắp xếp lại những dự định của mình; sắp xếp và hệ thống lại cả khối kiến thức đôi khi quá nhiều, quá lộn xộn mà các em phải tiếp thu vội vàng theo chương trình năm học - điều gì cần nhớ, điều gì nên quên...”, TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chia sẻ quan điểm.

“Tuy nhiên, với đặc điểm khí hậu của Việt Nam, mùa hè quá nóng, mùa thu và mùa xuân lại dịu mát, thích hợp cho những hoạt động trải nghiệm thực địa, tôi đề xuất các nhà sư phạm thiết kế chương trình giáo dục phổ thông nghĩ đến việc điều chỉnh các kỳ nghỉ trong năm sao cho học sinh có nhiều kỳ nghỉ hơn, dù ngắn hơn nhưng lại chất lượng, thực tế hơn,” TS Nguyễn Thụy Anh nói. “Kỳ nghỉ chính thức có thể xen kẽ sau mỗi nửa học kỳ, mỗi kỳ nghỉ chỉ cần kéo dài 1 tuần. Kỳ nghỉ hè dài nhất nhưng không còn là ‘gánh nặng trông con’ đối với các phụ huynh mà vẫn có thể khớp được với kế hoạch học tập của trường công lập, dân lập, trường tư thục và trường quốc tế.”

TS Thụy Anh cho biết thêm, ở một số nước trên thế giới, cơ quan giáo dục của mỗi bang có quyền quyết định khung thời gian cho các kỳ nghỉ trong năm học của học sinh, dựa trên sự phù hợp với thời tiết và điều kiện sinh hoạt ở mỗi địa phương. “Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng sự linh hoạt này. Trong trường hợp kỳ nghỉ hè ngắn đi, các miền có thể thiết kế kỳ nghỉ hè so le nhau để giảm bớt hiện tượng quá tải người đi nghỉ mát. Ví dụ, học sinh miền Bắc và Bắc Trung bộ nghỉ hè từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 8, HS miền Nam, miền Nam Trung bộ nghỉ hè từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 9,” TS Nguyễn Thụy Anh gợi ý.