Một ca ghép tạng được coi là thành công không chỉ có sự "xuôi chèo mát mái" trong phẫu thuật, bởi sự sống của bệnh nhân còn phụ thuộc rất lớn vào quá trình điều trị sau ghép.

Ghép tạng là một điểm son của y tế Việt Nam, thể hiện sự phát triển của nhiều chuyên ngành, từ ngoại khoa, nội khoa, miễn dịch đến gây mê, hồi sức... Một ca ghép tạng được coi là thành công không chỉ có sự "xuôi chèo mát mái" trong phẫu thuật, bởi sự sống của bệnh nhân còn phụ thuộc rất lớn vào quá trình điều trị sau ghép.


GS-TS Trần Ngọc Sinh - Tổng Thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam.

Khi bệnh nhân đã ra viện thì việc theo dõi, săn sóc cũng quan trọng không kém để đảm bảo bộ phận ghép tương thích với người nhận. Ví dụ, trong 5 năm sau khi ghép thận, tỷ lệ hỏng thận khoảng 25% là nằm trong giới hạn cho phép. Nếu tỷ lệ này cao hơn chứng tỏ chất lượng chăm sóc sau ghép kém.


Khi đánh giá thành công của một trung tâm ghép tạng, con số đáng quan tâm nhất là tỷ lệ bệnh nhân sống từ 5-10 năm sau ghép. Nhìn vào tỷ lệ này, người ta có thể biết chất lượng theo dõi và điều trị sau ghép như thế nào. Do đó, để ngành ghép tạng thu được thành tựu lớn hơn, cần chú trọng đào tạo bác sỹ điều trị sau ghép.

Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi có tiêu chuẩn cụ thể với bác sỹ tham gia theo dõi, điều trị sau ghép. Bác sỹ phải thực hành ở trung tâm có ít nhất 500 ca ghép. Với thời gian khoảng 2 năm và đủ số ca ghép thực hành theo quy định, bác sỹ sẽ được thực hành với các biến chứng khác nhau. Người học tập ở môi trường như vậy mới có thể trưởng thành, tích lũy đủ kinh nghiệm để chăm sóc bệnh nhân.

Ở một khía cạnh khác, không ít người thắc mắc việc phải nhờ phẫu thuật viên nước ngoài thực hiện các ca phép tạng của Việt Nam. Cần hiểu rằng một trong những tiêu chí quan trọng của ca ghép tạng thành công là người phẫu thuật phải có quá trình học tập, thực hành đủ thời gian quy định, nói theo thuật ngữ ngành y là đường cong khoa học đảm bảo. Nghĩa là phẫu thuật viên phải thực hiện đủ số ca mổ nhất định (30 ca chẳng hạn) mới được coi là thành thục.

Theo thông lệ ở Việt Nam, các ca ghép tạng đầu tiên do bác sỹ Việt Nam chưa có kinh nghiệm nên thường mời chuyên gia nước ngoài đã thực hiện hàng trăm ca để học hỏi. Sau khi đã thuần thục, bác sỹ Việt Nam mới tự mình thực hiện. Quy trình cần như vậy nên không có gì phải tự ái, bởi mạng sống con người là quan trọng nhất.